Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Thanh Hóa: Cô bí thư chi Đoàn đỗ thủ khoa tốt nghiệp

Không những là học sinh giỏi suốt 12 năm, Trần Linh Chi còn là một cán bộ Đoàn năng nổ suốt 3 năm cấp ba. Vừa qua, cô bạn này ghi dấu ấn mới với thành tích đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thanh Hóa với 57 điểm.

Không đặt nặng kết quả
Linh Chi là học sinh lớp 12 Chuyện Văn Truờng THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cô bạn là một trong 2 thí sinh có điểm số cao nhất tỉnh Thanh Hoá. Trong đó, môn Địa lý 8 điểm, môn Ngữ Văn 9 điểm, còn lại các môn đều đạt điểm 10.
Thế nhưng thật bất ngờ là Chi cho biết, em không đặt nặng kết quả cũng như việc học thêm. Ngoài những buổi học chính ở lớp, buổi chiều và tối em đều ở nhà tự học. Có những gì vướng mắc thì Linh Chi mới đến gặp các thầy cô để trao đổi.
 
 
Không chỉ là học sinh giỏi, Linh Chi còn là một cán bộ Đoàn năng nổ.
 
Đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT, Linh Chi cũng khá bất ngờ. Tuy nhiên, cô bạn đã chia sẻ bí quyết để có được điểm cao đó là: “Thi tốt nghiệp là cả một quá trình học lâu dài, một hệ thống kiến thức vì thế nên chú ý nghe thầy cô giảng bài để nắm được kiến thức cơ bản. Đề thi tốt nghiệp thường không quá khó, hầu hết đều là những kiến thức trọng tâm đã được học bởi vậy dù các bạn có học chuyên khối nào thì nếu biết tổng hợp kiến thức, điểm số sẽ luôn cao”.
Cũng theo Linh Chi, khi ngồi vào học phải thật sự đam mê, tâm lý phải thật sự thoải mái thì mới mang lại hiệu quả. Cô thủ khoa cho biết: “Em không phủ nhận những gì mà các bạn tiếp nhận được từ việc học thêm hay ôn tại lò. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ ép mình phải chạy theo xu thế để học thêm ở thầy nọ, cô kia mà sức khoẻ chúng ta không đảm bảo, tâm lý chúng ta không thoải mái hay ở lò luyện với hàng trăm con người thì liệu những gì mà chúng ta tiếp thu được sẽ chắc chắn không nhiều”.
 
 
Thừa hưởng tố chất văn chương từ mẹ cũng là cô giáo dạy Văn đầu tiên, Linh Chi là cây văn xuất sắc trong lớp suốt 12 năm liền.
 
Bởi thế mà sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn học cùng lớp đều tìm đến các lớp học thêm hay các lò luyện thi để ôn thi đại học thì Linh Chi lại ôn ở nhà và vài hôm mới đến gặp cô giáo chủ nhiệm để trao đổi thêm một số dạng đề.
Cô thủ khoa lớp Chuyên Văn này cũng chia sẻ rằng rất thích đề thi môn Văn năm nay, một dạng đề mở khá hay, sát thực tế. Linh Chi cũng khá bất ngờ khi đọc đề này và em muốn cần có những dạng đề này cho những kỳ thi sau nữa để đánh thức đạo đức, lối sống trong giới trẻ.
“Em đã viết về Nam một cách say mê và tâm huyết chưa từng thấy. Đề Văn đã giúp em có thêm nhiều bài học, nhiều trải nghiệm, cho em thêm tin rằng ở đâu đó trong bể đời vẫn có những con người sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác, xã hội vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp” – nữ thủ khoa tâm sự.
Cán bộ Đoàn năng nổ
Sinh ra trong một gia đình bố làm kinh doanh, mẹ làm giáo viên dạy văn. Linh Chi được thừa hưởng những tố chất của cả bố và mẹ bởi thế không những là cây văn xuất sắc, cô thủ khoa còn là một học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm, là lớp trưởng từ năm lớp 1 đến năm lớp 9 và là Bí thư chi Đoàn 3 năm cấp III, là học sinh duy nhất nằm trong Ban thường vụ Đoàn truờng.
Ngay từ những năm cấp II, Linh Chi đã được nhận bằng khen về hoạt động đoàn xuất sắc của tỉnh Đoàn, nhận giải nhất cuộc thi công dân thân thiện. Trong những năm học, không có hoạt động nào của lớp mà không có mặt cô thủ khoa này. Tuy nhiên, Linh Chi cũng cho biết việc học cũng như các hoạt động trước khi làm thì nên định hướng trước những việc sẽ phải làm rồi vạch ra kế hoạch cụ thể.
 
 
Cô nữ thủ khoa (váy trắng) luôn có mặt trong tất cả các hoạt động của lớp.
 
Cô bạn chia sẻ rằng, sau những giờ học căng thẳng thì cần có những hoạt động ngoại khóa để giảm stress, bồi dưỡng những kỹ năng sống và gắn kết các thành viên trong lớp hơn vì thế hoạt động Đoàn rất bổ ích và cần thiết. Hiểu được điều này, cô Bí thư chi Đoàn Linh Chi luôn tạo cho lớp những giờ phút thoải mái bằng các trò chơi hay văn nghệ.
Hiện tại, Linh Chi đã làm hồ sơ dự thi vào Học viện An ninh, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật. Cô thủ khoa cũng “bật mí” ước mơ sẽ trở thành một nữ luật sư trong tương lai.

Cựu thí sinh Olympia đi làm… nông dân

Đến với truyền hình một cách tình cờ, chàng Olympian Nguyễn Hoài Đảm đã trở thành một cái tên khá quen thuộc với khán giả truyền hình, đặc biệt là bà con nông dân, trong vai trò MC của nhiều chương trình trên kênh truyền hình Nông nghiệp – Nông thôn VTC16.

Xin chào Hoài Đảm, điều gì dẫn bạn đến với hình ảnh một MC của bà con nông dân?
Mơ ước trở thành nhà báo từ lâu nhưng thật sự, trước nay, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành một người dẫn chương trình, lại là chương trình chuyên biệt về nông nghiệp, vì vậy ban đầu mọi thứ đều rất bỡ ngỡ. Nhưng đến bây giờ thì câu nói “Kính chào quý vị và bà con” đã trở nên quen thuộc với mình rồi, và có lẽ, được gắn bó với bà con nông dân trên sóng truyền hình cũng là một “cơ duyên” của mình.


Khá đĩnh đạc, chỉn chu trên sân khấu…

Dẫn chương trình về nông nghiệp, một lĩnh vực không phải là “hot”, bạn có thấy thiệt thòi không
Mình và Trang – cô em thân thiết, cũng là biên tập viên tại truyền hình nông nghiệp – hay đùa nhau rằng: “Trong lúc bạn mình tác nghiệp tại phủ chủ tịch, đứng sau ngoại trưởng các nước… thì anh em mình xắn quần lội ruộng, lấy… lợn gà làm bạn dẫn thôi”. Đó là một đặc thù khá “thú vị” và có vẻ thiệt thòi của những người làm truyền hình cho bà con nông dân, nhưng mình chưa hề thấy một anh chị phóng viên, biên tập viên hay dẫn chương trình nào phải ngại ngùng khi nói về công việc đang làm.
Vậy,  để trở thành MC “tam nông” – nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì cần yếu tố nào đặc biệt?
Theo mình, ngoài những kĩ năng nghiệp vụ cơ bản của thể loại báo hình ra thì công việc của những người “bạn của nhà nông” chắc chắn cũng phải mang điểm riêng, mà những người làm báo khác không “dễ”  gì có được. Đó là mọi thứ vừa phải trực quan, sinh động, hấp dẫn, vừa phải đơn giản, dễ hiểu và gần gũi với bà con. MC cũng vậy, không chỉ là người  dẫn dắt chương trình mà phải là người trò chuyện, gặp gỡ và tạo niềm tin cho những người làm nông nghiệp trên mọi miền đất nước.

 
….hay trong những chương trình truyền hình dành cho bà con nông dân
 
Nói rõ ràng, từ tốn, dễ nghe là yêu cầu đầu tiên để bà con có thể tiếp cận được với thông tin mà mình muốn chuyển tải. Ngoài ra, trang phục của người dẫn cũng không quá bóng bẩy, cầu kì mà càng giản dị nhưng lịch sự, ưa nhìn bao nhiêu thì càng tốt.
Tại sao lại là dẫn chương trình mà không phải là một vị trí nào khác?
 Bên cạnh dẫn chương trình trên truyền hình, mình cũng có tham gia các sự kiện, hội thảo và đặc biệt không bỏ lỡ những dịp dẫn ở các chương trình tình nguyện, từ nhiện nhưng thực ra, ước muốn lớn nhất của mình vẫn là một phóng viên thời sự. Nói vậy có người sẽ cho rằng mình khá là… tham vọng và không lượng sức, bởi làm phóng viên thời sự, nghĩa là sống cùng sự kiện, cùng vấn đề, vừa phải có tri thức, bản lĩnh nghề nghiệp, vừa phải có sự nhạy bén, sâu sắc trước mỗi thông tin để lựa chọn, khai thác, xử lý và gửi tới khán giả.

 
Ngoài đời, chàng trai miền Trung này cũng… khá lãng mạn
 
Mình đã và vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi hơn nữa để có thể trở thành một phóng viên như vậy trong tương lai. Mà ai bảo dẫn chương trình thì không thể làm công việc của một người phóng viên, một biên tập viên được nhỉ? Mình cho rằng, một người làm báo hình có thể chọn đề tài, tự mình thực hiện nó và tự mình giới thiệu đứa con tinh thần đó tới khán giả thì còn gì bằng.
Được biết, Hoài Đảm đã từng học tập tại nước ngoài – vậy những trải nghiệm ở đó giúp ích gì cho việc học, làm báo của bạn?
Mình có một thời gian học tập tại Liên bang Nga – nơi mà nhiều nhà báo lớn của làng báo Việt Nam, trong đó có lĩnh vực truyền hình – từng học tập, tu nghiệp. Những kiến thức được các thầy cô giáo truyền đạt cùng với một chút ít “vốn” về văn hóa, phong cách sống, làm việc của nước bạn cũng giúp ích không nhỏ cho mình khi về nước. Ngay cả sản phẩm báo chí đầu tiên của mình là SvIrk365 một bản tin truyền hình tổng hợp của những du học sinh tại Nga, cũng nhận được sự góp ý, quan tâm rất lớn từ phía các thầy cô và bạn bè bên đó.

 
Hoài Đảm: “Sẽ ra Trường Sa, đến Cà Mau, Lũng Cú … với hành trang của một phóng viên truyền hình”
 
Bạn sẽ gắn bó với nghề báo chứ?
 
Năm nay mình 23 tuổi, nghĩa là đã hơn sáu năm kể từ lần đầu tiên mình, một cậu học trò trường làng được tiếp xúc, chứng kiến và… bị mê hoặc bởi những anh chị phóng viên, biên tập viên của một êkip sản xuất chương trình truyền  mà mình được tham dự, từ cấp tỉnh (chương trình “Rạng rỡ Hồng Lam” của Đài PT-TH Hà Tĩnh) đến cấp quốc gia (Gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” trên sóng VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam). Cho đến khi ghi danh vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sang Nga học báo và bây giờ là bước những bước chập chững trên hành trình trở thành nhà báo thực thụ, mình vẫn luôn cảm ơn vì thầy cô, gia đình và bạn bè đã động viên mình để tạm gác giấc mơ nối nghiệp mẹ trở thành một nhà giáo, chọn con đường làm báo.
Không biết sau này, mình có thể làm được những gì, nhưng có một điều chắc chắn rằng mình sẽ cố gắng hết sức để có thể theo đuổi điều tuyệt vời nhất mà mình đã chọn – truyền hình. Nhất định, có ngày mình sẽ được đặt chân đến Trường Sa, đến Cà Mau, Lũng Cú và những miền đất xa hơn thế, không chỉ với hành trang của một du khách, mà là một phóng viên truyền hình.
Xin cảm ơn Hoài Đảm và chúc bạn luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê và trách nhiệm của một người làm báo!
Nguyễn Hoài Đảm sinh năm 1990 tại Hà Tĩnh, là cựu thí sinh quý 2, “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 8, nhận giải thưởng “Hoa Trạng Nguyên” dành cho học sinh THPT xuất sắc, học báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học KTTHQG Irkutsk, LB Nga.
Từng là trưởng nhóm biên tập chương trình truyền hình sinh viên SvIrk365, MC của các chuyên mục “Bản tin thị trường”, “Trả lời thư khán giả”, “Trang cây trồng”, “Trang chăn nuôi” của kênh VTC16 và một vài kênh truyền hình khác.

Khi sinh viên tình nguyện đi làm ruộng

Chưa từng phải làm công việc đồng áng, cuốc xới nặng nhọc, nhưng đã đi tình nguyện, những “cậu ấm”, “cô chiêu” bỗng trở nên thạo việc và chững chạc hơn.

“Sinh viên thanh lịch” cấy hái, làm đường
Cô sinh viên trẻ Nguyễn Thị Hải Ly (sinh viên năm 3 khoa Tài chính – Ngân hàng Trường ĐH Công đoàn) không thích từ “hot girl” dù cô xinh đẹp và đoạt nhiều giải thưởng của trường khi tham gia các cuộc thi thanh lịch. Nhìn cô, khó ai có thể tưởng tượng cô cũng có thể lội bùn cấy lúa, vác đá làm đường…
Dáng người nhỏ nhắn cơ thể lúc nào cũng toát lên khí chất của một thủ lĩnh đoàn dầy dặn kinh nghiệm, cô gái lớn lên ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại chọn con đường về quê làm tình nguyện.
21 tuổi, Ly đã tham gia hàng chục đợt tình nguyện, từ ngoại thành Hà Nội tới miền núi, hải đảo. Lúc đầu không ít bạn bè trong đội tình nguyện nhìn Ly với con mắt nghi hoặc, cho rằng một tiểu thư xinh đẹp, lại sinh ra trong gia đình có điều kiện như Ly thì khó có thể chịu được “nhiệt”.
Thế nhưng, khi chứng kiến cô cấy, cày, gặt hái, vét mương, nạo cống, thì hầu hết đều khâm phục… “Mình nhớ nhất chuyến đi tình nguyện năm 2012, bọn mình tham gia Chương trình cùng xây dựng nông thôn mới với bà con nông dân ở xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)”- Ly nhớ lại.
Cả đoàn tình nguyện của Trường Đại học Công đoàn gồm 40 người được sắp xếp để ngủ lại tại nhà văn hoá nhưng không đủ chỗ. Vậy là các nhóm phải kéo nhau vào ở nhà dân. Suốt gần 1 tháng trời, Ly đã cùng ăn cùng ngủ, cùng làm với bà con địa phương.


Nhóm sinh viên Đại học Công đoàn tham gia hoạt động nạo vét
kênh mương ở xã Xuy Xá (Hà Nội)

Không bằng lòng với việc dạy các em nhỏ học tiếng Anh, tin học, nhóm sinh viên tình nguyện còn lên kế hoạch hỗ trợ bà con cấy lúa, làm đường. Chỉ một buổi được bác Năm- chủ nhà, chỉ cho cách cấy lúa, Ly đã tự tin làm: “Mạ phải được tách ra thành từng dẻ, đặt nhẹ xuống lớp bùn lầy. Các cây lúa phải được đặt thẳng hàng và song song nhau. Những ngày đầu mình và các bạn trong đoàn chỉ cấy được 1 khoảng bé xíu bằng cái nong, dần dần những ngày sau đó cả đoàn cấy rất nhanh. Xong đám ruộng này lại chuyển sang cấy đám ruộng khác” – Ly hồ hởi kể.
Khi lội ruộng, nhiều bạn vẫn quen cung cách “tiểu thư” sợ bẩn, sợ đỉa, Ly lại phải làm gương: “Có những lúc chân bị đỉa bu, máu chảy lênh láng nhưng mình nhờ bạn gỡ ra xong lại tiếp tục cấy. Về tới Hà Nội, ai nấy đều đen cháy”- Ly nói.
Cùng trong đội tình nguyện của Trường ĐH Công đoàn, anh chàng Vũ Hoài Thương (sinh viên năm 3, khoa Công tác xã hội) lại có vẻ rắn rỏi lạ thường. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh, bố mẹ đều là công chức, Thương chưa một lần làm việc đồng áng hay việc nhà. Vậy mà từ ngày rời nhà xuống Hà Nội học, không có chuyến tình nguyện nào là cậu bỏ lỡ.
Trong các chuyến đi, Thương nhớ nhất là năm 2010, cậu đi tình nguyện tại xã Đức Xuân (huyện Bắc Quang, Hà Giang) với mục đích giúp bà con làm đường giao thông nông thôn. “Đó là thời điểm bọn mình gần như ăn ngoài rừng, ngủ ngoàn lán, côn trùng, muỗi bọ đốt là chuyện bình thường. Có khi phải đi bộ cả nửa ngày trời mới mua được lương thực để nấu nướng. Nước không có, nhiều khi còn phải lấy nước suối để nấu, tắm thì cũng chỉ biết tắm sông”.
Kết quả của 1 tháng tình nguyện, Thương và 39 thành viên trong đoàn đã hoàn thành việc xây dựng 1km đường bê tông cho bà con. Ngoài ra, nhiều thành viên khác tham gia giúp bà con gặt lúa, phơi lúa, xây chuồng trại, xây mới trường học, dạy học cho các em nhỏ… Công tác “dân vận” của đoàn còn tốt đến mức lúc rời đi, cả người đi, lẫn người ở lại đều khóc.
Trui rèn bản lĩnh
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) từng tổ chức nhiều đợt cho sinh viên đi tình nguyện tại các tỉnh miền núi. Bộ phận đoàn trường cho biết, từ 2-3 năm nay, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Vì vậy, có nhiều nhóm sinh viên tình nguyện vừa tham gia dạy học cho trẻ, vừa phối hợp cùng bà con dân bản hoặc bộ đội biên phòng để làm đường.
Gần đây nhất có một đoàn lên Thái Nguyên làm tình nguyện. Nguyễn Thị Nga – thành viên trong đoàn cho biết: “Bọn mình cũng tham gia đập đá, giúp người dân làm đường, đêm đến cả đội ngủ không mùng màn, muỗi cắn chi chít. Dù đã được tập huấn, hô quyết tâm nhưng nhiều bạn gia đình khá giả không quen vất vả thì không chịu được. Tuy nhiên, có một số bạn khác thì càng khó khăn lại càng “lỳ”, nhận những việc khó nhất và hoàn thành tốt nhất”.
Qua 14 năm hoạt động, Chiến dịch “Mùa hè thanh niên tình nguyện” Hà Nội thu hút hàng chục ngàn bạn trẻ. Các bạn vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rất nhiều bạn gia đình khá giả lại là những người nhiệt tình nhất tham gia các chương trình tình nguyện hết sức thiết thực… Năm 2013, Chương trình Mùa hè thanh niên tình nguyện tham gia trên nhiều mặt trận xung kích từ giáo dục, y tế, giao thông, kinh tế, xây dựng nông thôn mới…” Anh Nguyễn Ánh Dương
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội
Những chuyến đi này, các sinh viên tình nguyện phải ở bản làng vùng sâu, vùng xa nên không có điện, mọi sinh hoạt đều rất thiếu thốn… “Cuộc sống khó khăn, vất vả khiến nhiều bạn quen được nuông chiều biết quan tâm đến người khác và biết cố gắng hơn”- Nga nói.
Nguyễn Văn Khuy-sinh viên năm 3, Đại học Ngoại thương, có gia đình làm trang trại nhỏ ở xã Phú Hòa (Lương Tài, Bắc Ninh), kinh tế gia đình khá giả nhưng 3 năm nay, chàng trai này là một hạt nhân tích cực trong phong trào tình nguyện. Năm 2013, Khuy là thành viên Ban tổ chức Chiến dịch Hè tình nguyện của Hội Sinh viên đồng hương Kinh Bắc.
Khuy cho biết: “Năm vừa rồi, em tình nguyện đi dạy tiếng Anh cho trẻ tiểu học ở xã Minh Đức (huyện Việt Yên). Khi đi, cả đoàn tự dự trù kinh phí, xin tài trợ. Khi tới địa phương chỉ nhờ xã hỗ trợ nơi ở, mượn xoong nồi bát đĩa. Bạn nào “dân vận” tốt thì xin thêm rau dưa, tuyệt đối không phiền địa phương”.
Hội của Khuy hiện có 200 sinh viên đăng ký sẵn sàng đi tình nguyện. “Bọn em không hỏi hoàn cảnh gia đình, nhưng trong số đó em biết có nhiều bạn kinh tế gia đình rất khá giả. Nhất là những bạn ở làng nghề Đình Bảng, Đa Hội… Tuy vậy, đã đi tình nguyện thì các bạn ăn ở như nhau, không có bạn nào tỏ ra cậu ấm, cô chiêu”.
Hè năm 2013 này, Hội Sinh viên đồng hương Kinh Bắc cũng chỉ tuyển 40 sinh viên (trong số 200 sinh viên đăng ký) đi tình nguyện. Trước khi đi, nhóm sinh viên này có 3-4 tuần tập huấn để hiểu về nơi đến, về thái độ, về công việc phải làm. “Bọn em khuyến cáo ngay từ đầu, nếu ai có tư tưởng, thái độ chưa sẵn sàng hết lòng vì công việc thì có thể nghỉ. Tuy nhiên, đã đi thì rất ít bạn bỏ cuộc”.
Tuy nhiên, các sinh viên tình nguyện vẫn thừa nhận, vẫn còn không ít “cậu ấm”, “cô chiêu” đi tình nguyện để… lấy le với bạn. Ý kiến của một số cán bộ đoàn cho thấy, đoàn nào cũng có 1-2 cô mặc áo xanh đi làm đường, đi dạy học nhưng vẫn trát đầy phấn son. Có cô xuống ruộng cấy lúa chỉ để bạn chụp 1-2 kiểu ảnh đưa lên facebook khoe. Nhìn thấy con thằn lằn, con đỉa là sợ mất vía… Thậm chí có sinh viên khá giả coi đi tình nguyện như đi… picnic, tới nơi chỉ chăm chăm xem có đặc sản gì để ăn, chơi, mời bạn bè.

Đà Nẵng: Đề Anh văn dễ, thí sinh vui vẻ rời phòng thi

Chiều nay 21/6, thí sinh dự thi môn Anh văn của kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Đà Nẵng đã hoàn thành bài thi khá sớm.

Nhiều thí sinh rời phòng thi với nét mặt rạng ngời vì làm bài thi tốt. Em Bích Ngọc (HĐT Phan Châu Trinh) rất lạc quan khi hoàn tất bài thi Anh văn khá dễ dàng. “Em nghĩ các bạn nếu ôn bài kỹ thì học lực trung bình cũng có thể đạt điểm cao môn Anh văn. Riêng em thì làm trọn vẹn bài thi trong khoảng 30 phút so với 90 phút quy định!”.


Theo em Lê Đức Dũng, HS Trường THCS Lý Tự Trọng, Đà Nẵng, đề thi gồm 20 câu trắc nghiệm, 6 câu chia động từ, 6 câu điều vào chỗ trống, 6 câu viết lại câu từ câu cho sẵn, 6 câu trả lời câu hỏi. Phần thi theo Dũng khó nhất là phần chia động từ và điền từ vào chỗ trống.
“Nhiều bạn trong phòng thi em chỉ mới bước vào thời gian thi 15-20 phút là các bạn làm xong bài, có lẽ các bạn ấy học chuyên Anh! Em thì thấy đề dễ hơn đề những năm trước” – thí sinh Đăng Khoa, thi tại HĐT Phan Châu Trinh nhận xét.

 
Thí sinh kết thúc môn thi Anh văn với tâm trạng phấn khởi.
 
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, tính đến buổi thi thứ 2 thì có 56 thí sinh bỏ thi so với đăng ký dự thi không có lý do. Không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi trong ngày thi đầu tiên này.

TPHCM: 307 HS vắng mặt trong ngày thi đầu

Chiều nay, môn thi thứ hai của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM là Ngoại ngữ đã kết thúc. Theo ghi nhận của PV, đề thi năm nay được đánh giá là khá dễ, hầu hết nội dung đều tập trung vào chương trình lớp 9, ít câu hỏi đánh đố học sinh.

Bạn Minh Vũ – Trường THCS Quang Trung (Quận 4) cho biết: “Đề thi năm nay khá dễ, hầu hết các bạn trong phòng của em đều làm xong trước khoảng 30 phút, so với đề thi năm ngoái thì năm nay ít câu hỏi đánh đố, chỉ cần nắm vững nội dung trong sách là làm bài được”.
Bạn Cát Vũ – Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) chia sẻ: “Trước khi thi em cũng lo lắng nhiều về môn ngoại ngữ, nhưng sau khi làm bài xong thì em cảm thấy rất yên tâm, bài thi không quá khó, chỉ cần đọc kỹ đề là sẽ làm được ngay”.
Bạn Mạnh Hùng – Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ cũng cho biết thêm: “So với môn Văn buổi sáng thì chiều nay bài thi của em tốt hơn, mặc dù vẫn còn một số câu không chắc chắn lắm, nhưng 7, 8 điểm thì cầm chắc trong tay”.


Nhóm sinh viên “tiếp sức mùa thi” trường Đại học Kinh tế giúp đảm bảo trật tự tại hội đồng thi trường THPT Trưng Vương (Quận 1)

Cũng trong chiều hôm nay, Sở Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức họp báo tổng kết ngày thi đầu tiên. Trước buổi họp báo, thay mặt Sở Giáo dục & Đào tạo, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở đã gửi lời chúc mừng và cảm ơn tới toàn thể PV có mặt nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6. Đồng thời, ông cũng đề nghị trong thời gian tới, các PV cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Sở để đưa tin một cách kịp thời, chính xác đến bạn đọc về các vấn đề của Sở.


Nhiều bạn thí sinh tranh thủ thảo luận lại đề thi sau khi kết thúc môn thi Ngoại ngữ


Một phụ huynh hỏi han con sau khi kết thúc thời gian làm bài

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở đã đọc báo cáo tổng kết ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Theo đó, trong ngày thi đầu tiên, ở khối trường thường có 234 trường hợp vắng trên tổng số 33.728 thí sinh, ở các hội đồng thi trường chuyên, có 103 thí sinh vắng trong môn thi Ngữ Văn và 105 em vắng trong môn Ngoại ngữ trên tổng số 6.662 thí sinh.
Theo lý giải của ông Đạt, sở dĩ lượng thí sinh vắng nhiều như vậy là do một số bạn đã có định hướng sẽ đi du học hoặc chọn vào học các trường quốc tế, dân lập… nhưng vẫn đăng ký, sau đó vì những lý do khách quan mà không đi thi, những trường hợp này nằm ngoài khả năng của Sở và đã được dự báo trước.
Về phương án chấm thi môn Văn, ông Sơn cho biết, do là đề mở nên Sở cũng sẽ hướng đến cách chấm mở để tạo điều kiện cho thí sinh có thể phát huy hết khả năng suy nghĩ, sáng tạo của mình.
Theo dự kiến, đến thứ 2 Sở sẽ công bố đáp án chính thức cho các môn thi đợt này.

TPHCM: Ngôn ngữ “chat” vào đề Văn lớp 10

Môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP. HCM là Ngữ văn vừa mới kết thúc, sáng nay 21/6. Theo đánh giá của nhiều bạn thí sinh, đề thi năm nay tương đối vừa sức, phù hợp với mọi đối tượng dự thi.

Qua ghi nhận của PV, hầu hết các bạn đều tự tin mình có thể đạt được hơn 6 điểm cho môn này. Đặc biệt, câu thứ 2 của đề thi “Bạn trẻ hình bên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?” được đánh giá là khá hay, đánh đúng vào tâm lý của giới trẻ thích sử dụng ngôn ngữ “chat” trong cuộc sống.


Nét mặt căng thẳng của nhiều phụ huynh chở con đi thi

Bên cạnh đó, câu thứ 3 của đề thi cũng là dạng đề mở khi trích dẫn nội dung của một bài báo được đăng trên báo Thanh Niên, nói về khát vọng đến trường ở một miền quê nghèo- Làng chài bãi ngang, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ rút ra được từ câu chuyện trong bài báo. Nhiều bạn thí sinh cho biết, câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi về trường hợp của em Nguyễn Văn Nam trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua.


Thí sinh thảo luận về đề thi sau khi buổi thi kết thúc

Bạn Học sinh Minh Thái– Trường THCS Trần Bội Cơ cho biết: “Đề thi tương đối dễ thở, trong phòng bọn em cũng có nhiều bạn làm dư thời gian, nhưng nếu muốn đạt điểm cao cũng không phải là dễ bởi đề thi có hai câu hỏi theo hướng gợi mở, không phải ai cũng làm đầy đủ ý được”.
Bạn Ngọc Tuyền– Trường THCS Trần Bội Cơ cũng chia sẻ: “Câu hai của đề thi theo em là một câu về phương châm sống, phản ánh về ngôn ngữ của một số bạn trẻ, tuy nhiên, do là thói quen nên em nghĩ câu này sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều”.


Đề thi môn Văn tại TP.HCM

Còn bạn Hoàng Quân– Trường THCS Hồng Bàng cho biết: “Đề thi năm nay không khó nhưng có tới hai câu đề mở, yêu cầu bọn em phải có kiến thức xã hội tương đối vững nếu không sẽ khó làm tốt bài thi của mình. Em có theo dõi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và thấy câu thứ 3 trong đề thi hôm nay cũng khá giống với câu hỏi về anh Nguyễn Văn Nam trong đề thi môn văn vừa rồi”.

Dạy phòng chống tham nhũng cho học sinh: Đến đâu là đủ?

Từ năm học 2013 – 2014, nội dung phòng, chống tham nhũng sẽ được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (từ cấp THPT trở lên). Theo đó, Bộ GD&ĐT hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy.

 
Học sinh các trường THPT sẽ được học về chống tham nhũng. (Ảnh: Hồ Thu)
 
 Dạy về sự quang minh, chính trực
Ở Mỹ, người ta cũng chỉ dạy con người phải có nghề, phải lao động chăm chỉ. Đó là ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
GS Hạc dẫn ví dụ về đất nước Singapore, nơi mà người dân chỉ có hai sự lựa chọn: Lao động chăm chỉ thì có lương cao và sống sung sướng; tham nhũng sẽ mất việc và cực khổ suốt đời, nên không ai tham nhũng.
Vì vậy, trường học ở Việt Nam cần dạy cho học sinh, về sự quang minh, chính trực, dạy 4 chữ mà Hồ Chủ tịch đã dạy: Cần, Kiệm, Liêm, Chính để có những con người ngay thẳng, không gian dối và biết lao động chân chính là điều quan trọng nhất.
GS Pham Minh Hạc nói: Nếu quy kết vì việc dạy dỗ tính trung thực trong nhà trường chưa đến nơi đến chốn, nên mới có hiện tượng quay cóp, gian dối, mua bằng bán điểm, chạy chức, chạy quyền, thì cũng chỉ đúng một phần. Toàn những người chạy chức, quyền mới cần bằng giả.
Tiêu cực ngoài xã hội đã tràn vào nhà trường. Muốn dạy chống tham nhũng hiện nay, theo GS Hạc, phải làm hai việc song song trong nhà trường và ngoài xã hội – nhà trường dạy học sinh trung thực; xã hội phải trong sạch, tốt đẹp hơn!

 
Dạy chống tham nhũng là dạy cho học sinh sự quang minh, chính trực. (Ảnh: Hồng Vĩnh)
 
 Dạy đến đâu là đủ? 
Ông Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo T.Ư nói: Ở bậc phổ thông chỉ nên dạy ra những con người ngay thẳng, trung thực, thật thà, không tham lam.
“Hiện nay, Hà Nội chưa triển khai gì cả, vì Chỉ thị của Thủ tướng mới được ban hành, nhưng chắc chắn vấn đề quan trọng này phải có hướng dẫn cụ thể từ phía ngành GD&ĐT, phải có chương trình, tài liệu giảng dạy lồng ghép, phải có tập huấn giáo viên… Tham nhũng là tên gọi sự việc còn nhà trường sẽ dạy cho học sinh tính trung thực thật thà từ những việc làm cụ thể, tránh trìu tượng như sách Giáo khoa giáo dục công dân lớp 10 hiện nay. Chương trình cũng cần được nghiên cứu để có sự liên thông hợp lý giữa phổ thông và đại học một cách khoa học”. - Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội
Những vấn đề về tham nhũng kia là của xã hội, của bộ máy quản lý, hệ thống luật pháp, không thể đưa tất cả vào nhà trường mà dạy được. Có chăng, theo ông Đặng Hữu chỉ dừng lại ở mức đưa vấn đề vào các môn học về đường lối chính sách của Đảng vào trong các môn giáo dục đạo đức, luân lý cho học sinh hoặc trong các hoạt động ngoại khóa.
Với các trường đại học thì nên có những vấn đề chung như, ví dụ, học về đạo đức quản lý, trong tình hình tham nhũng trở thành quốc nạn phải xem gốc từ đâu, cách giải quyết thế nào… Các trường đại học chuyên biệt nào đó, ví dụ như trường đào tạo hành chính, cảnh sát, phòng, chống tội phạm, tòa án; công chức… có thể học sâu hơn về biện pháp phòng, chống…
Chớ sa đà hình thức
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Well Spring trăn trở: “Đây sẽ là khó khăn cho các cơ sở giáo dục yếu, vì nội dung này, nếu không được đầu tư khoa học và hấp dẫn sẽ trở nên nhạt nhẽo! Đưa vào bao nhiêu tiết, nội dung thế nào, ai dạy… ngành GD&ĐT đều phải tính khoa học và cẩn trọng, đặc biệt là trong tình hình môn văn hóa chính thức học sinh còn lười học.
Nếu không cẩn thận, việc này dễ trở thành một thứ phào phào như các thứ dạy ngoại khóa khác mà vẫn có báo cáo lên Thủ tướng là triển khai tốt” ông Đại nói.

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh xúc động với đề thi văn

Thầy Nguyễn Văn Cải, giáo viên văn Trường THPT Quang Trung (Củ Chi), nhận xét: Đề thi văn rất sát với chương trình và hay. Câu 3 gắn liền với cuộc sống, đầy chất nhân văn và đạo đức, tác động rất tốt đến HS nhất là HS TP.HCM…

Chiều 24-6, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ công bố đáp án chính thức các môn thi.
Hôm qua (21-6), hơn 40.000 thí sinh lớp 9 của TP.HCM đã hoàn thành bài thi hai môn Ngữ văn và Anh văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Hôm nay các thí sinh sẽ dự thi môn Toán, buổi chiều thí sinh dự thi vào các trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên.

Rớt nước mắt trên trang giấy thi

Nhận xét về đề thi văn, thí sinh Lê Văn Khoa, HS Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, cho biết: “Đề văn không quá khó nhưng câu 3 và câu 4 tụi em rất khó lấy điểm trọn vẹn dù câu 3 là dạng đề thi mở ở phần nghị luận xã hội, được thầy cô ôn luyện khá nhiều. Đọc câu hỏi đó, em đã quá xúc động với những người bạn nghèo phải tự lo cặp, sách để đến trường. Em nghĩ ngay đến những người bạn ở TP.HCM được cha mẹ lo đầy đủ mà không chịu học. Em đã so sánh hai hình ảnh đối lập này để tự nhủ mình may mắn hơn bạn, biết tiết kiệm và dành những bộ sách cũ tặng các bạn”. “Em làm vậy không biết đúng ý không nữa nhưng thật sự em cay mắt khi đọc đề ở câu hỏi này. Thương các bạn nghèo quá” – Khoa nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Nga, HS Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), chia sẻ: Em xuất thân từ hoàn cảnh gia đình đông anh em, hiểu được cảnh cha mẹ phải chạy vạy, lo toan cho mấy anh, chị, em trong nhà khi đến mùa tựu trường. Cha mẹ em cũng như ba mẹ các bạn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi không bao giờ muốn con mình nghỉ học giữa chừng. Em đã rơi nước mắt trên trang giấy thi.

Cách ra đề thi mới, độc đáo

Cô Dương Thu Trang, giáo viên bộ môn ngữ văn (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) nhận xét: Nhìn chung, tư duy ra đề rất độc đáo, cũng những kiến thức cơ bản đó, tác phẩm đó nhưng cách đặt vấn đề đã khơi gợi khả năng nhớ-hiểu-vận dụng của thí sinh rất đồng bộ. Câu 1: Hỏi về tác phẩm Chiếc lược ngà nhưng không đơn điệu như thường thấy. Câu 2: Là cách kiểm tra kiến thức tiếng Việt sinh động nhất từ trước tới nay. Chỉ hỏi về phương châm hội thoại nhưng đã nhắc nhở thí sinh về hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ chat ở tuổi teen hiện nay. Câu 3, câu nghị luận xã hội vừa thể hiện tính thời sự, vừa mang đến cho thí sinh TP.HCM-những công dân nhí của xứ thành thị cái nhìn tổng thể về cuộc sống, ý thức được sự may mắn của bản thân khi được đến trường trong điều kiện đầy đủ.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Cải, giáo viên văn Trường THPT Quang Trung (Củ Chi), nhận xét: Đề thi văn rất sát với chương trình và hay. Câu 3 gắn liền với cuộc sống, đầy chất nhân văn và đạo đức, tác động rất tốt đến HS nhất là HS TP.HCM, đề thi sinh động cả về hình thức và nội dung.

Đề Anh văn khó

Ở môn thi Anh văn, thí sinh TP.HCM không hồ hởi lắm, nhiều em cho biết đã chọn sai phương án. Thí sinh Phạm Minh Đức (Hội đồng thi THCS Trần Văn Ơn) cho hay em đã nhầm lẫn với nhiều câu hỏi “bẫy”, phần đọc hiểu cũng quá dài khiến em lúng túng và cũng đã làm sai. Dự đoán môn Anh văn sẽ làm hỏng kết quả nguyện vọng 1 của em vào Trường  THPT Bùi Thị Xuân.
Thầy Phạm Tấn Hoàng (Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM) nhận xét: Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Anh văn của TP.HCM tương đối khó, phân loại tốt thí sinh khá, giỏi. Nhiều câu hỏi đòi hỏi HS giỏi mới làm được.
Trước thông tin từ tối ngày 20-6, một số phụ huynh và HS “biết trước” đề thi sẽ có tác phẩm Chiếc lược ngà và đề thi đã ra phần đó, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: Đó chỉ là sự đoán mò của thí sinh và phụ huynh trước các kỳ thi. Đến thời điểm này, đề thi vẫn được bảo mật tốt, hội đồng ra đề thi được cách ly rất nghiêm ngặt.
Còn việc đề thi trích một đoạn trong bài báo đăng trên báo Thanh Niên ra ngày 18-6 là do người ra đề thi, dù cách ly nhưng vẫn được đọc báo giấy mỗi ngày. Đây là phần nghị luận xã hội, đề thi mở thì đáp án cũng sẽ mở để cho điểm phát huy tính sáng tạo của HS khi thể hiện qua bài làm.

TPHCM: Đề văn lớp 10 có bị lộ?

Chiều 21-6, ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2013 không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
Ông Đạt cho biết có 234 thí sinh vắng (tại các Hội đồng thi vào lớp 10 thường) và 103 thí sinh vắng thi môn ngữ văn, 105 thí sinh vắng thi môn ngoại ngữ (tại HĐT vào lớp 10 chuyên);
Theo ông Đạt, lý do thí sinh vắng không phải do gặp sự cố mà hầu hết thuộc dạng các em đã có kế hoạch du học nước ngoài, học trường Quốc tế trong nước hoặc học trường tư thục. Việc đăng ký đi thi tuyển sinh lớp 10 chỉ là thi thử hoặc thi cho vui mà thôi.
Trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ về việc một số giáo viên, học sinh đã truyền tai nhau thông tin tác phẩm “Chiếc lược ngà” sẽ vào đề thi từ tối 20-6, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP khẳng định rằng: “Ai cũng biết nội dung đề thi chỉ xoay quanh một số tác phẩm quen thuộc trong chương trình nên nhiều người hay đoán trước bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khi đoán trúng thì rộ lên tin đồn lộ đề chứ thực sự không xảy ra việc lộ đề”.
Tại cuộc họp, ông Sơn cũng tiết lộ đáp án của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ được công bố vào chiều ngày 24-6-2013.

Thi lớp 10 tại HCM: Khó đat điểm cao

Hôm qua hơn 40.000 thí sinh tại TP HCM đã dự thi vào lớp 10. Theo quan sát của chúng tôi tại các hội đồng thi, hầu hết thí sinh rời phòng thi đúng giờ. Các em cho biết đề thi không khó nhưng các em chỉ làm được 6 hoặc 7 điểm môn này.

Hôm qua, 21-6, hơn 40.000 thí sinh tại TP HCM đã dự thi vào lớp 10. Kết thúc 2 môn thi đầu tiên, nhiều thí sinh nhận định đề thi không quá khó nhưng không dễ đạt điểm cao
Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), thí sinh Lê Lâm Tiến Đạt cho biết đề thi môn văn không chia làm 2 phần mà có tất cả 4 câu. Câu 1 và câu 2 yêu cầu trả lời ngắn đối với câu hỏi đưa ra. Đối với câu 2, đề thi nằm trong phần nâng cao với nội dung bàn về ngôn ngữ chat của tuổi teen.

Đề thi không khó

Theo Đạt, đề bài rất hay nhưng lại chỉ ở dạng hỏi – trả lời. Đạt nói: “Em thích câu hỏi này ở dạng bình luận, phát biểu cảm nghĩ chứ không đơn giản chỉ hỏi – trả lời như vậy. Vấn đề này em thấy rất hay, phản ánh đúng thực trạng xã hội bây giờ. Em cũng thấy thầy cô và người lớn rất hay nhắc nhở việc dùng những ngôn ngữ này. Việc sử dụng ngôn ngữ chat vào đời sống của các bạn rất phổ biến hiện nay nhưng theo em nghĩ không nên dùng“.
Cũng theo thí sinh Đạt, câu 3 được đưa ra theo dạng đề mở, khơi gợi tư duy sáng tạo của thí sinh. Câu hỏi này rất gần gũi với cuộc sống và yêu cầu thí sinh phải biết nhận xét, tổng hợp khái quát vấn đề rồi trình bày được suy nghĩ, ý kiến, quan điểm của bản thân về vấn đề đó. Hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề thi rất ý nghĩa và gần gũi thực tế.
Cũng ở hội đồng thi này, thí sinh Nguyễn Xuân Linh Chi cho biết: “Em và các bạn đều rất ấn tượng ở câu 3, các bạn học trò trong câu chuyện ấy như tạo thêm cho chúng em động lực để học tập tốt hơn và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa“. Nội dung câu 3 (câu nghị luận xã hội), đề thi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về một câu chuyện kể về cuộc sống vất vả mưu sinh của những học trò và những người mẹ nghèo làng chài Quảng Ngãi, khát khao được đến trường để theo đuổi con chữ vẫn luôn cháy bỏng.
Còn tại hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (quận 5), nhiều thí sinh cho biết đề thi nằm trong chương trình, không quá khó. Đối với đề văn, câu nghị luận xã hội là câu mà các em mong đợi nhất song nhiều thí sinh cho rằng nội dung của câu nghị luận không thời sự như đề văn thi lớp 10 của Hà Nội nên nhiều em không thật sự hứng thú với câu nghị luận này.
Theo quan sát của chúng tôi tại các hội đồng thi, hầu hết thí sinh rời phòng thi đúng giờ. Các em cho biết đề thi không khó nhưng các em chỉ làm được 6 hoặc 7 điểm môn này.

Phù hợp với yêu cầu tuyển sinh

Buổi chiều, tại hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), với môn tiếng Anh, hầu hết thí sinh cũng khẳng định đề thi dễ, có bạn hoàn thành bài thi chỉ trong khoảng 15 phút đầu tiên. “Em tin sẽ đạt điểm cao ở môn này. Em thấy đề thi rất dễ, chỉ làm 20 phút đầu là xong. Phòng thi có nhiều bạn cũng chỉ làm hết 1/3 thời gian” – thí sinh Bùi Duy Lan Hương nói.
Ông Nguyễn Đức Hùng, giáo viên môn văn của Trung tâm Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn, cho biết cấu trúc đề thi lớp 10 năm nay quen thuộc như đề thi năm 2012, nội dung được kiểm tra gắn với những kiến thức cơ bản của chương trình lớp 9, có tính thời sự, giáo dục, thẩm mỹ; có tính phân loại học sinh và phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Không lộ đề
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết trong ngày thi đầu tiên có 234 thí sinh thi vào lớp 10 thường vắng mặt, ở hội đồng thi chuyên buổi sáng vắng 103 thí sinh, chiều vắng 105 thí sinh. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ông Lê Hồng Sơn, cho biết đề thi được bảo mật, bảo đảm các khâu ra đề, in sao đúng quy trình nên không có chuyện lộ đề.

Nhiều tỉnh nói không với bằng tại chức có phạm luật?

Thời gian gần đây nhiều cơ quan, tổ chức tuyển công chức, không cho những người có bằng tại chức tham gia dự tuyển. Như vây, pháp luật hiện hành có không quy định phân biệt trình độ giữa người học tại chức và học chính quy?

Thời gian qua, việc nhiều địa phương tẩy chay bằng tại chức khi thi tuyển công chức đã dược dư luận đặc biệt quan tâm.

Pháp luật không phân biệt bằng cấp

Thời gian gần đây nhiều cơ quan, tổ chức tuyển công chức, không cho những người có bằng tại chức tham gia dự tuyển. Báo chí phản ánh, Bộ Nội vụ có ý kiến, nhưng việc này vẫn tiếp diễn gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến không đồng tình. Nhưng chưa có ý kiến nào làm rõ cơ sở pháp luật. Để làm rõ vấn đề này phóng viên Tiền Phong đã trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty luật TNHH Trường Lộc.
Luật sư Tuấn cho biết: Theo quy định của điểm d, khoản 1, Điều 36 Luật cán bộ, công chức điều kiện đăng ký dự tuyển công chức“người có văn bằng, chứng chỉ phù hợp”.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 3/10/2012, ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ đã phản ứng trước thông tin 7 tỉnh thành nói “không” với bằng tại chức khi tuyển công chức. Ông Bình khẳng định những quy định hiện hành về tuyển dụng công chức phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. “Luật công chức không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức, luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp“.
Như vây, pháp luật hiện hành không quy định nào phân biệt trình độ giữa người học tại chức và học chính quy.


Khoản 2, Điều 38 quy định: Nguyên tắc tuyển dụng công chức là “Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật” đồng thời “Bảo đảm tính cạnh tranh”. Với quy định của pháp luật hiện hành, khẳng định của đại diện Bộ Nội vụ, hiện tượng không cho người có bằng tại chức thi tuyển công chức là không đúng pháp luật, không bảo đảm tính cạnh tranh theo quy định của Luật cán bộ, công chức.
Tại điểm b, c khoản 1, điều 11 Nghị định 24/2010/NĐ – CP, ngày 15/03/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức: Để trở thành công chức, người dự tuyển còn phải dự thi và phải có “Có điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên; Có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm”.
Ngoài ra, những người thi tuyển công chức còn phải qua thời kỳ tập sự được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu của ngạch công chức đang tập sự thì có văn bản đề nghị cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương cho công chức được tuyển dụng. (khoản 2, điều 22 Nghị định 24/2010/NĐ – CP). Trường hợp qua thời kỳ tập sự không đạt kết quả thị bị hủy bỏ, người trúng tuyển không trở thành công chức (điều 24 Nghị định 24/2010/NĐ – CP).
Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cần phải có quy định thêm kỳ thi sát hạch hết tập sự công chức để bảo đảm một người được bổ nhiệm công chức có đủ trình độ và năng lực làm công chức.
Điều này tương tự như việc đào tạo và sát hạch cấp bằng lái xe ô tô hiện nay và quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hiên nay (qua lớp đào tạo luật sư, tập sự, thi cấp chứng chỉ hành nghề).

Tại chức giỏi hơn chính quy thì sao?

Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch nói: Bằng cấp là quy định quốc gia và bình đẳng. Những địa phương từ chối bằng quốc gia này rõ ràng là vi phạm.  Nếu Nam Định lập hội đồng tuyển dụng và thấy những người có bằng tại chức không đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng và loại họ thì được. Chất lượng thế nào phải do hội đồng đánh giá, chứ biết đâu hệ tại chức có người giỏi hơn so với bằng cấp chính quy thì sao. Điều này là hoàn toàn có thể.
Không chỉ Nam Định, một số địa phương đã từ chối tuyển dụng đối với bằng tại chức và theo nguyên tắc, điều đó là sai quy định. Nhà nước có quy định rõ ràng đối với văn bằng các bậc học. Nó là hợp pháp và hợp lý. Nếu từ chối bằng tại chức là làm sai quy định.

Xu hướng tuyển sinh 2013 – Thí sinh không còn chạy theo trào lưu

Việc thí sinh “quay lưng” với khối ngành Kinh tế được thể hiện rõ nét tại tỉnh Tây Ninh. Theo Sở GD – ĐT tỉnh này, toàn tỉnh có 14.788 hồ sơ nhưng chủ yếu nộp vào khối ngành Nông – Lâm – Ngư và Kỹ thuật. Hồ sơ nộp vào khối Kinh tế giảm mạnh.

Ở mùa tuyển sinh năm nay, phần lớn thí sinh đã không còn chọn nghề theo trào lưu mà đã biết dựa vào nhu cầu nhân lực của từng địa phương, vùng miền, nơi mình sinh sống hay dự định gắn bó.

Phân hóa rõ ràng

Năm nay, thí sinh ở khu vực Tây Nam Bộ vẫn lựa chọn khối ngành Kinh tế. Thí sinh khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nộp hồ sơ nhiều ở khối ngành Nông – Lâm – Ngư. Còn thí sinh ở khu vực Bắc Trung Bộ lại đổ dồn vào ngành Sư phạm và Kỹ thuật. Số lượng hồ sơ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của khu vực phía Nam xấp xỉ năm ngoái.
Theo sở GD – ĐT Khánh Hòa, cả tỉnh có 28.281 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Trong đó, khối A có 9.968 hồ sơ. Khối B là 7.013 và khối D1 có 5.740 hồ sơ. Lượng hồ sơ nộp vào ngành Sư phạm tăng mạnh, còn hồ sơ ở khối Kinh tế lại giảm đi 30%. Trong đó, các trường giảm nhiều nhất là ĐH Công nghiệp TP. HCM, ĐH Sài Gòn và ĐH Tài chính – Marketing.
Năm 2013, tỉnh Bình Thuận có 28.954 hồ sơ của thí sinh ĐKDT, giảm 1.000 bộ so với năm 2012. Theo ông Trần Lương Công Khanh, phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD – ĐT tỉnh Bình Thuận, thí sinh trong tỉnh chủ yếu nộp hồ sơ vào ngành Sư phạm, Kỹ thuật. Đặc biệt, rất nhiều hồ sơ ĐKDT ngành Sư phạm Mầm non và Giáo dục Tiểu học ở trường CĐ Sư phạm T.Ư TP. HCM, trường CĐ Bách Việt.
Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, xu hướng chọn trường gần nhà thể hiện rõ nét hơn so những mùa tuyển sinh trước đây. Sở GD – ĐT tỉnh Đồng Tháp nhận được 21.902 hồ sơ. Trong đó, có đến 4.593 hồ sơ nộp vào trường ĐH Cần Thơ, 2.628 hồ sơ nộp vào trường ĐH Đồng Tháp và 1.464 hồ sơ nộp vào trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Trong 23.189 hồ sơ của Sở GD – ĐT tỉnh An Giang, có đến 8.502 hồ sơ nộp vào trường ĐH An Giang. Còn lại, thí sinh nộp vào trường ĐH Cần Thơ và các trường đại học ở các tỉnh lân cận.
Ông Thang Kim Trinh, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên của Sở GD – ĐT tỉnh An Giang cho biết: “So với năm ngoái, số lượng hồ sơ ĐKDT năm 2013 tăng gần 2.000 bộ. Do làm tốt công tác tuyển sinh nên phần lớn thí sinh trong tỉnh chỉ nộp nhiều nhất là 2 bộ hồ sơ. Còn những năm trước đây, một thí sinh nộp 3 – 4 bộ”.
Điểm đáng mừng trong mùa tuyển sinh 2013 là thí sinh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã biết chú trọng đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, không còn đổ xô vào các ngành “hot” như những năm trước. Cụ thể, tỉnh Bình Phước nhận được hơn 15.000 hồ sơ nhưng có đến gần 2.000 bộ nộp vào trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, 848 hồ sơ nộp vào trường ĐH Tài nguyên Môi trường và 896 hồ sơ nộp vào trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM.
Việc thí sinh “quay lưng” với khối ngành Kinh tế được thể hiện rõ nét tại tỉnh Tây Ninh. Theo Sở GD – ĐT tỉnh này, toàn tỉnh có 14.788 hồ sơ nhưng chủ yếu nộp vào khối ngành Nông – Lâm – Ngư và Kỹ thuật. Hồ sơ nộp vào khối Kinh tế giảm mạnh. Cụ thể, năm 2012 tỉnh này có đến 213 hồ sơ nộp vào trường ĐH Ngân hàng TP. HCM nhưng năm nay chỉ có 40 bộ. Hồ sơ nộp vào trường ĐH Kinh tế TP. HCM, trường ĐH Tài chính – Marketing cũng giảm đi một nửa…

Trường tốp giữa chiếm ưu thế

Sự “tụt dốc” của các trường đào tạo khối ngành Kinh tế là cơ hội để các trường tốp giữa, đào tạo đa ngành bứt phá. Đây là năm thứ hai, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức thi tuyển sinh ở bậc đại học. Theo thống kê, trường này đã nhận gần 16.000 hồ sơ, tăng 150% so với năm 2012.
Trong đó, hồ sơ dự thi vào hệ đại học chiếm hơn 70%. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Số lượng hồ sơ dự thi tăng chứng tỏ chất lượng đào tạo của trường đã được khẳng định. Năm nay, nhà trường tiếp tục tổ chức 3 đợt thi đại học, cao đẳng theo quy định “3 chung” của Bộ GD – ĐT.
Để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi tuyển sinh, nhà trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh như “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ tìm nhà trọ, phương tiện đi lại, phát cơm trưa miễn phí và ổn định tình hình giao thông tại các điểm thi. Hiện tại, trường đã vận động được 10.000 suất ăn, nước uống miễn phí, 1.200 chỗ trọ miễn phí, đội xe tình nguyện hơn 100 sinh viên sẵn sàng đưa đón phụ huynh và thí sinh trong các ngày diễn ra kỳ thi”.
Sau nhiều năm xét tuyển, năm nay trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM đã tổ chức thi tuyển sinh trở lại. Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông của trường cho biết, năm 2013 trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ nhận được 13.750 hồ sơ/5.600 chỉ tiêu. Còn trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM nhận được 28.830 hồ sơ.
Trung bình, mỗi ngành của trường nhận được từ 1.000 – 2.500 hồ sơ đăng ký dự thi. Đáng chú ý, ngành Công nghiệp thực phẩm có đến hơn 11.000 hồ sơ đăng ký dự thi/400 chỉ tiêu. Năm nay, trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng nhận được số lượng hồ sơ xấp xỉ với năm 2012. Những ngành mới mở của trường như Quản lý thể thao có 134 hồ sơ, Thống kê nhận được 223 hồ sơ. Ngôn ngữ Anh là ngành nhận được nhiều hồ sơ ĐKDT nhất, với 1.884 bộ.
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho rằng, mỗi vùng miền có một nhu cầu nhân lực khác nhau. Vì vậy, thí sinh ở mỗi nơi có một sự lựa chọn ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực ngành Sư phạm và khối Kinh tế đang bị bão hòa mà thí sinh khu vực Tây Nam Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn đổ dồn vào thì rất khó tìm được việc làm sau khi ra trường. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD – ĐT tại TP. HCM nhìn nhận, một số trường tốp giữa năm nay có lượng hồ sơ tăng mạnh là do họ đã khẳng định được thương hiệu và làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh.

Đề xuất giáo dục đại học 2.0

Việt Nam đang có đại học 1.0 và cần xây dựng mô hình 2.0 với hệ thống tài liệu, học sinh, thầy giáo được số hóa, lớp học trở thành rạp chiếu phim…

Chiều 20/6, buổi tọa đàm “Công nghệ thông tin – Cải cách đào tạo đại học” được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2013. Phó thường trực Ban tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng chủ trì.
Trình bày ý tưởng về một nền giáo dục đại học mới, ông Nguyễn Hữu Đức cho biết, hiện đã có sự phân tầng đại học nhưng đại học số 2.0 thì chưa được quan tâm. Theo ông, cần xây dựng mô hình đại học số, để tất cả từ học sinh đến thầy giáo đều tham gia diễn kịch, làm việc phục vụ môn học, biến không gian học tập thành nhà hát, rạp chiếu phim.
“Hiện nay nhiều nước đã có đại học 3.0, ở mình chỉ mới ở 1.0 và chỉ quan niệm rằng cho sinh viên học càng nhiều càng tốt. ĐH Quốc gia chúng tôi đã bắt đầu thay đổi và nỗ lực tạo nhiều tài nguyên số cho sinh viên”, ông Đức cho hay.


Các diễn giả nói về tầm quan trọng của Công nghệ thông tin đối với đổi mới giáo dục. Ảnh: Phong Anh.

Ông phân tích giai đoạn hiện nay, công nghệ phát triển nhanh, toàn cầu hóa rộng rãi và sự thay đổi các thệ hệ rất sâu sắc. Nếu như những thế hệ trước năm 1945 chỉ sống trong chiến tranh, những năm 1960 rất thích học nhưng kinh tế khó khăn thì thế hệ hiện nay là thế hệ net, thế hệ của thế giới hiện đại. Đặc trưng của thế hệ này là việc đào tạo rất rộng, hoạt động trong các nhóm và người học rất muốn được phản biện, trao đổi với nhau.
Công nghệ thông tin dần đi vào cuộc sống từ năm 2000 và đến nay tất cả mọi người đều có thể học ở mọi nơi. Trước đây việc học quan tâm đến ba yếu tố cơ bản là có sách, tài liệu, quá trình ông giảng dạy và quá trình học của học viên…. Nhưng hiện nay thì cần quan tâm đến chất lượng học tập, không còn sách giáo khoa nữa mà sách được số hóa, người thầy có nhiều học trò với sự tương tác khác nhau. Khi ông trả lời một em thì các bạn trong lớp đều biết nội dung…
“Đại học 2.0 xây dựng một xã hội học tập trong đó tất cả mọi người đều tham gia làm cơ sở dữ liệu để học. Đặc biệt, nhờ công nghệ thông tin, khoảng cách giữa thầy giáo với học trò trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Học sinh đến lớp không chỉ có bảng, phấn nữa mà phòng học có thể biến nó thành hãng phim, rạp chiếu bóng…Tóm lại là mô hình học tập cần phải thay đổi”, ông Đức nói.
Khẳng định tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với giáo dục, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình trích lại khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu trong buổi khai mạc diễn đàn. Ông khẳng định bài phát biểu mang tầm chiến lược, ít có quốc gia nào có.
“Thủ tướng khẳng định giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất. Người ta đã nói bất cứ một nền kinh tế nào cũng trải qua nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và tri thức. Thủ tướng nhắc đến phương thức mới, nghĩa là nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục…đều cần phương thức mới. Cái mới đầu tiên là ở sản phẩm”, ông Bình nói.


Ông Trương Gia Bình: “Nếu sản phẩm đào tạo không có tiếng Anh, không có sáng tạo, không có IT là đầu ra vô dụng”. Ảnh: Phong Anh.

Ông kể, từng dự tọa đàm “thế hệ bị lãng quên” trong đó có trình chiếu 3 clip: Thứ nhất, sinh viên 2 năm không tìm được việc và tuyên bố nếu đến năm thứ 3 vẫn không tìm được thì sẽ ở nhà ăn trợ cấp. Thứ hai, về một cô gái tốt nghiệp 6 tháng nói có việc gì cũng sẽ làm. Và clip cuối cùng kết luận 2 năm trước nước họ đã không cải cách giáo dục, để cho ra đời những sản phẩm không phù hợp với tình hình mới, không có sáng tạo, không có kĩ năng toàn cầu. Từ đó sẽ không có việc làm.
Ông Bình phân tích, cần đưa Việt Nam thoát ngưỡng thu nhập trung bình tiến vào nền tri thức xã hội thông tin và đầu ra của nền kinh tế tri thức. Nếu sản phẩm đào tạo không có tiếng Anh, không có sáng tạo, không có IT là đầu ra vô dụng. Và cứ tiếp tục sản xuất sản phẩm này thì tương lai Việt Nam không có gì sáng sủa.
Ông Trương Gia Bình cho rằng giáo dục thông minh, nghĩa là phải số hóa tất cả, từ học sinh đến giáo viên đến toàn bộ các quy trình thi cử, học hành, trao đổi…Học sinh, ông giáo, các trường kết nối với nhau. Khi đó, giáo viên có thể tự hào là “tôi có hàng triệu sinh viên trên thế giới”. Điều này cũng sẽ đạt được mục tiêu về kiến thức khi các ông không ngừng hoàn thiện, biết cách tập trung vào nội dung quan trọng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực cũng khẳng định, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trước đây đã không được Quốc hội thông qua. Nguyên nhân là do không đạt yêu cầu, trong đó có việc chưa đặt công nghệ thông tin đúng tầm quan trọng của nó. “Công nghệ thông tin là nền tảng của một phương thức phát triển mới, vậy thì phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới, Công nghệ thông tin là một nền tảng bền lâu”, ông Trực nói.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) Quách Tuấn Ngọc cho biết hiện nay các trường đại học đều dùng hệ thống phần mềm để quản lý quá trình đào tạo, thu chi tài chính, thư việc điện tử, thư viện số trong các trường đại học đã phổ biến. Đối với Bộ Giáo dục, ông đã từng góp ý: trước khi đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục mà không có hệ thống số liệu, dữ liệu thống kê mấy năm qua thì như người đi máy bay mà không có rađa dẫn đường. Mà muốn có dữ liệu thì chỉ có Công nghệ thông tin mới giúp được.
Theo ông Ngọc, việc đổi mới dạy và học trong giáo dục đại học phải chuyển hướng trong tương lai gần. Công nghệ thông tin đem lại cơ hội học đại học cho mọi người rất lớn. Mô hình này đang chuyển động rất mạnh mẽ trên thế giới, như ở Hàn Quốc có 21 trường hoàn toàn là trường đại học số, không ghép trên nền trường đại học cũ. Từ đó sẽ có sự thay đổi căn bản, cung cấp tri thức cho mọi người được học tập suốt đời.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ thông tin về hướng phát triển cho ĐHQG HN

 “Tới đây quan điểm chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN là theo khoa học nghệ thuật vị nhân sinh, tăng cường hướng chất xám của thầy cô để giải quyết vấn đề thực tiễn, chỉ khi giải quyết được thì trách nhiệm và vị thế của ĐHQGHN mới hoàn thành”.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc ĐHQG HN PGS. TS Phùng Xuân Nhạ bật mí về hướng đi trong thời gian tới của một cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu.
PGS. TS Phùng Xuân Nhạ thông tin, trong sự phát triển của ĐHQGHN sẽ không tránh khỏi những sai sót, còn có điểm nọ, điểm kia vì đặt trong bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn. Hướng đi của ĐHQGHN trong thời gian tới sẽ là đầu tư không rải rác các ngành mà sẽ những ngành có lợi thế nhành chóng để đạt đẳng cấp quốc tế, các ngành khi đã đạt đẳng cấp sẽ  tự kéo theo các ngành khác phát triển.
Theo lãnh đạo ĐHQGHN, trong kế hoạch 5 năm tới, đặc biệt là tới năm 2020 ĐHQGHN sẽ tiên phong có một hệ thống các ngành giảng dạy bằng chương trình quốc tế, đây là quyết tâm của ĐHQGHN.


PGS. TS Phùng Xuân Nhạ – Giám đốc ĐHQG HN.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian qua, sự đóng góp của ĐHQGHN trong việc phát triển chung về lĩnh vực khoa học công nghệ theo hướng nghiên cứu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng có những sai sót mà theo lãnh đạo ĐHQGHN là phải nghiêm túc nhìn nhận lại.
“Cái gì được thì tiếp tục nhân rộng phát triển, cái gì chưa được phải thẳng thắn rút kinh nghiệm. Chủ trương tới là quy hoạch các ngành, chuyên ngành, từ đó có kế hoạch tập trung đầu tư, tăng cường các ngành, chuyên ngành đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định của Nhà nước và ĐHQGHN. Đây là giai đoạn “cất cánh” của ĐHQG HN” PGS. TS Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Cũng theo PGS. TS Phùng Xuân Nhạ, tới đây ĐHQGHN sẽ đầu tư có trọng điểm vào quản lí chuyên nghiệp theo đúng chuẩn của các đại học tiên tiến về lĩnh vực đào tạo. Về nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN với bề dày hơn 100 năm phát triển, có truyền thống nghiên cứu bậc nhất. Do đó, phát triển khoa học công nghệ sẽ được ưu tiên hàng đầu. Vì theo lãnh đạo ĐHQGHN, chất lượng chỉ tốt khi nghiên cứu tốt, và không thể nói tới chất lượng nếu không có nghiên cứu.
“Ban giám đốc sẽ đưa ra các tiêu chí của đại học nghiên cứu để các trường thành viên căn cứ để phát triển theo quy hoạch chứ không phát triển theo cảm nhận của từng trường. Sẽ có 10 chương trình trọng điểm cấp bộ để đầu tư có sản phẩm hoàn chỉnh, phù hợp với định hướng trong thời gian tới” PGS. TS Nhạ khẳng định.
Trong buổi gặp mặt báo chí, lãnh đạo ĐHQGHN cũng thừa nhận, trong lĩnh vực đào tạo, muốn tiến bộ phải cần có thời gian, không thể một sớm  một chiều mà một cơ sở đào tạo nhiều đề lại trở thành thương hiệu đẳng cấp quốc tế ngay được.
“ĐHQGHN là một mô hình mới mà rất nhiều nhiệm vụ trong tiền lệ chưa có, trong Nghị định của Chính phủ và Quy chế của Thủ tướng cũng “trao quyền” cho  ĐHQGHN, nhưng đôi khi tính tự chủ cao lại không được thể chế hóa bằng các Thông tư cụ thể nên có thể dẫn đến đâu đó cách hiểu chưa đồng thuận, chưa rõ thì vừa rồi Luật GDĐH ra đời, đó là bước tiến khẳng định tính pháp lí của ĐHQGHN” PGS. TS Nhạ cho hay.
Một vai trò cũng như nhiệm vụ trong thời gian tới đối với ĐHQGHN rất quan trọng khi Chính phủ quyết định giao cho ĐHQGHN là cơ quan chủ trì một chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về phát triển bền vững vùng Tây Bắc (14 tỉnh). Theo lãnh đạo ĐHQGHN, đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng có cơ sở để thực hiện.
“Để có cơ sở thực hiện chương trình này chúng tôi đã đi khảo sát 14 tỉnh Tây Bắc, qua 9 bộ ngành, 3 vòng lấy ý kiến, 3 Hội thảo lớn. Không có gì thay đổi trong tuần này sẽ ban hành khung chương trình để thực hiện. Cơ bản chương trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu đến năm 2015, giai đoạn tiếp sơ kết từ 2016-2020” PGS. TS Phùng Xuân Nhạ thông tin ban đầu.

Sinh viên làm phim phóng sự về “kinh đô” gia cầm

Những thước phim đắt giá phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại cợ đầu mới gia cầm, hay còn gọi là “kinh đô” gia cầm – chợ Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) đã xuất sắc giành giải nhất thể loại phóng sự điều tra tại Liên hoan phim ngắn sinh viên lần thứ 3.

Đánh bại 92 tác phẩm thể loại phóng sự trên tổng số 126 tác phẩm cùng dự thi, nhóm tác giả phóng sự: Phía sau “kinh đô” gia cầm gồm 4 thành viên Nguyễn Qúy Thành, Nguyễn Quang Trường, Lê Thị Hồng Hải và Phạm Văn Dương đã xứng đáng nhận được danh hiệu cao nhất. Đáng chú ý, cả 4 em đều là sinh viên Trường Cao đẳng Truyền hình.
Tác phẩm “Phía sau kinh đô gia cầm” được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính thời sự, mức độ lan truyền của tác phẩm, làm thức tỉnh và lay động nhiều cá nhân đã, đang có hành động không vì môi trường sống.


Nhóm làm phim đằng sau kinh đô gia cầm nhận giải nhất. Ảnh Xuân Trung

Trong đoạn phim phóng sự dài 5 phút 35 giây, các tác giả muốn truyền một thông điệp hãy bảo vệ môi trường sống xung quanh, cần tăng cường công tác kiểm dịch gia cầm nói chung và chợ Hà Vĩ nói riêng. Thực tế, chợ bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng do cuộc sống của người dân phải kinh doanh, kiếm sống nên mặc dù biết là ô nhiễm nhưng không dám lên tiếng.
Nguyễn Quang Trường, thành viên lên ý tưởng cho tác phẩm kể lại, đó là một buổi đi chợ nấu cơm cho phòng, trong lúc tình cờ mua gà tại một quầy bán, với “bệnh” nghề nghiệp Trường hỏi ngay “Gà này lấy ở đâu vậy cô?”, biết được gia cầm xuất phát từ chợ đầu mối nên Trường nảy sinh ngay ý tưởng làm một đoạn phim ngắn phản ánh về “đường đi” và thực trạng ô nhiễm môi trường do mổ gà để lại.
Sau nhiều lần thăm dò và chứng kiến cảnh giết mổ gia cầm bừa bãi, không có trật tự, gia cầm chết vứt không nơi quy định, Trường và các bạn trong nhóm bàn nhau lên kế hoạch làm phim về vấn đề này. Trước khi tiến hành quay, Trường và các bạn đã lục lọi tìm lại những thước phim của các anh chị khóa trước làm về đề tài này, tuy nhiên cảm thấy vẫn thiếu cách tiếp cận và cần phải khai thác thêm, nhóm đã thâm nhập thực tế “kinh đô” gia cầm trong nhiều ngày.


Nguyễn Quang Trường cười tươi khi biết nhóm đoạt giải nhất. Ảnh Xuân Trung

Có ý tưởng và lên được kế hoạch kịch bản chi tiết cho cảnh quay, nhưng vấn đề khó trong điều tra là cách tiếp cận nhân vật làm sao cho khóe thì đối với những sinh viên lại là vấn đề khó. Sau nhiều lần liên hệ với Ban quản lí chợ và nhiều lần hẹn nhóm đã gặp được người chức trách: “Lúc đầu chúng em cũng chỉ nói là đi làm bài tập, làm về giá cả gia cầm trong dịp tết để mong Ban quản lí cho vào ghi hình, nếu nói vào phản ánh thì chắc chắn không được quay. Chúng em có phỏng vấn về những quy định của chợ, nhưng những quy định mà Ban quản lí nói đối lập với những gì đang diễn ra ở ngoài” Trường nhớ lại lần đi tác nghiệp.
Khi kết thúc quá trình làm tác phẩm này, Trường và nhóm bạn đã vui mừng vì đứa con tinh thần đầu tiên của mình được hoàn thành đứng dự kiến, mặc dù để hoàn thành được nó đã mất không ít khó khăn, gian khổ và mệt mỏi.
Trường cho biết, truyền hình là niềm đam mê của em và các bạn trong nhóm. Qua những lần đi thực tế như vậy sẽ trau dồi rất nhiều kiến thức thực tế mà ngay trong trường khó mà dạy được.
Nói về chất lượng của các tác phẩm dự thi năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải – Trưởng Khoa Báo chí (Trường Cao đẳng Truyền hình) cho biết, so với 2 lần trước lần này các tác phẩm đã được đầu tư và nâng lên đáng kể. Đây là những tác phẩm được quay của sinh viên, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng các em đã rất chú trọng tới thời gian, công sức đề hoàn thành.
Những lần sinh viên đi tác nghiệp ở ngoài, nhà trường tạo điều kiện bằng cách cấp giấy giới thiệu, hỗ trợ các thiết bị, ngoài ra các thầy cô sẽ tham gia hỗ trợ ở khía cạnh chuyên môn cho những tác phẩm được hoàn chỉnh nhất.
“Sinh viên mong được có những sân chơi như thế này để tác nghiệp và thể hiện sự sáng tạo  trong khi học, đó là điều cần mở rộng trong thời gian tới” bà Hải cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Ngọc Trác – Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, muốn phát triển năng lực và kiến thức thì cần phải có những thực  tế như làm phim và ảnh. Quan điểm của nhà trường trong thời gian tới sẽ quan tâm hơn nữa đến các cuộc thi khơi dậy sự sáng tạo của sinh viên.
Được biết, tác phẩm giải nhất “Phía sau kinh đô gia cầm” sẽ được Đài truyền hình Việt Nam chọn phát sóng trên chương trình thời sự trong thời gian tới.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Giúp bạn chữa bệnh lâu thuộc bài

Cái gì cũng thế, biết nguyên nhân thì mới mong có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, bạn hãy tự soi bản thân xem đang có “vấn đề” gì với những môn học thuộc lòng hay không nhé.

Nguyên nhân gây ra bệnh là gì?
Có thể là do trong quá trình học bạn không tập trung, chưa nắm chắc cốt lõi của bài học, không có hứng thú với việc ngồi đọc và cố thuộc những con chữ, hay đơn giản là vì bạn… nuốt không vào.
Như M.Trang (18 tuổi) chia sẻ: “Mình học bài rất lâu thuộc, cũng không biết lý do vì sao. Đã thử học nhiều cách nhưng vẫn không cải thiện được là bao. Vì thế, những môn về lý thuyết này nọ tớ không thích học vì điểm lúc nào cũng thấp lè tè”.
Cái gì cũng thế, biết nguyên nhân thì mới mong có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, bạn hãy tự soi bản thân xem đang có “vấn đề” gì với những môn học bài hay không.


Ảnh minh họa

Hãy học một cách nghiêm túc nhất
Hầu hết lý do khiến bạn không thuộc được bài chính là bạn không tập trung vào việc học của mình. Khi học, hãy bỏ qua tất cả mọi thứ xung quanh đi, như là nhắn tin, check Facebook… Những việc vặt như thế sẽ làm quá trình tiếp thu bài vở bị ngưng giữa chừng nên bạn sẽ khó “nuốt” được sau đó nữa. Nếu muốn tiếp tục thì phải “nhai” lại từ đầu.
Thêm vào đó, là bạn không nên “học chay”. Có nghĩa là chỉ ngồi đọc và đọc như một cái máy. Như thế sẽ rất nhàm chán và… buồn ngủ. Đọc càng nhiều thì càng khó và lâu thuộc vô cùng. Hãy vẽ ra sơ đồ tư duy, viết ra giấy các ý chính bắt buộc phải nhớ, còn lại những chi tiết lan man không cần thiết nhớ thì bạn chẳng cần phải nhớ để làm gì đâu.
Nghe giảng nhiều hơn
Tớ biết tớ chậm thuộc bài, nhất là Sinh, Sử…Nên trong quá trình cô giáo giảng bài, tớ cố gắng nghe cô nói những chi tiết quan trọng và ghi nháp vào giấy. Sau đó, tối về nhà sẽ đọc lại những gì ngày hôm đó đã được học trên lớp, hôm sau có lại môn đấy thì lại tiếp tục học 1 -2 lần nữa, vài lần như thế thì con chữ sẽ thành quen thôi” – Phương (17 tuổi) cho biết.
Đôi khi, nghe giảng chỉ nửa giờ đồng hồ còn tốt hơn cả mấy lần so với việc bạn ngồi đọc bài hàng giờ đấy. Nghe giảng chính cũng chính là thuốc bổ cho căn bệnh này. Vì trong quá trình nghe giảng, những gì cần nhớ sẽ được giáo viên nhấn mạnh và cụ thể hơn. Với cả việc nghe giảng chính là bước đầu của quá trình học bài, và khi ở nhà, chính nó làm nền tảng để bạn có thể đọc lại những gì đã được nghe, từ đó giúp bạn thuộc bài nhanh hơn, vì khi mãi nhai đi nhai lại một thứ gì đó sẽ khiến bạn dễ ghi nhớ hơn.


Ảnh minh họa

 Không ghét việc học bài
Bạn khó thuộc bài nên bạn ghét việc học bài, ghét luôn cả môn học đấy là dễ hiểu. Nhưng đó chính là điều sai lầm. Vì khi bạn ghét nó, khi học bạn sẽ chẳng bao giờ thấy hứng thú cả. Mà đã bị khó thuộc rồi lại thêm không hứng thú gì nữa thì nguy cơ bị tạch là rất cao. Hãy rèn luyện cho mình tính kiên trì bạn nhé, người ta nhanh thuộc thì họ chỉ cần đọc qua đôi ba lần. Còn mình chưa thể “nuốt” trôi ngay thì có thể “nuốt” từ từ, 5 lần chưa được thì có thể lên 10 lần. Chỉ cần bạn cố gắng là được. Chậm là chắc luôn là khẩu hiệu đứng đầu.
Không có khái niệm học đối phó
Những bạn chậm thuộc bài gọi học đối phó là phương pháp học tập của mình. Nhưng, học đối phó thì rất dễ, và cũng rất dễ để quên ngay sau đó. Vì thế, đừng bao giờ học đối phó với thầy cô, hãy hiểu cốt lõi bài trước khi học để nắm bài chắc chắn. Để khi nhắc đến một vấn đề nào đó bạn đã từng được học thì bạn sẽ nhớ ra điều ấy ngay. Nhưng khi học đối phó thì tất cả núi lý thuyết bạn “nuốt” vào tối nay, sáng mai trả bài xong, trưa tan lớp là sẽ “rơi” đâu mất hết. Thế là bạn phải mất công học lại từ đầu, mất thời gian và công sức vô cùng và còn tự hại bản thân mình.

Trường song ngữ dạy tiếng Anh cho HS tiểu học

Học tiếng Anh ngày nay là một nhu cầu hiển nhiên đối với hầu hết các gia đình Việt Nam. Các bậc phụ huynh luôn băn khoăn không biết nên cho con học từ lứa tuổi nào, học ở đâu, với thời lượng bao nhiêu và học chương trình gì phù hợp.

Ban Giám hiệu trường Tiểu học, THCS và THPT Song ngữ Thái Bình Dương ( PHS ) chia sẻ quan điểm và thực tế đào tạo Song ngữ Anh - Việt tại trường như sau :

Chương trình song ngữ Anh: tổ chức từ lớp 1

PHS không yêu cầu các em học sinh vào lớp 1 phải biết tiếng Việt hay tiếng Anh trước. Các học sinh nước ngoài cũng chỉ được yêu cầu giao tiếp tốt bằng tiếng Việt.


Hơn 1/3 thời gian học tại PHS là dành cho các môn học bằng tiếng Anh.  Ngoài 4 tiết do giáo viên Việt Nam dạy, các em học toàn bộ chương trình còn lại với giáo viên nước ngoài và đặc biệt là không có trợ giảng. Việc không có giáo viên người Việt trợ giảng tạo cho các em sự tập trung tối đa, vận dụng hết các kỹ năng và giác quan đồng thời không ỷ lại hay chờ người dịch.
Dự giờ các giáo viên nước ngoài, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về khả năng thích nghi nhanh chóng của các bé và các kỹ năng tuyệt vời của thầy cô

Chương trình tiếng Anh tiểu học phải toàn diện và phong phú

Các môn học bằng tiếng Anh phải đầy đủ từ ngôn ngữ Anh, toán, khoa học tự nhiên, các môn xã hội, nghệ thuật biểu diễn…Từ lớp 3, rất nhiều môn học được tổ chức học theo dự án để các bé bắt đầu luyện tập các kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc, tổng hợp thong tin rồi viết, vẽ lên các poster lớn và trình bày trước lớp, trước trường..
Với khả năng tập trung của các em tối đa chỉ từ 30’ đến 35’, phương pháp giảng dạy phải đa dạng và linh động. Chơi nhiều quá cũng không tốt, giáo viên cần có các hoạt động để học sinh vận dụng hết những gì đã học.


Nhiều phụ huynh hỏi học chương trình Việt đã nặng rồi, học cả song ngữ có áp lực quá không ? Có cắt bớt chương trình Việt không ? Rồi học sinh có phải đi học thêm không ?

Tại PHS chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam được dạy đầy đủ, tiêng môn Toán và Tiếng Việt được tăng thêm nhiều tiết học để đảm bảo các em hiểu bài và vận dụng tốt bài học. Tất cả học sinh PHS không phải đi học thêm mà được rèn luyện khả năng tự học.  Các em được luyện tập lối sống trách nhiệm với bản thân, các em làm bài tập về nhà đầy đủ nên các tiết học trở nên nhẹ nhàng, thoải mái.
Các bài học toán và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được học sau bài bằng tiếng Việt, do đó các em học sinh không học kiến thức mới mà chủ yếu là trau dồi kĩ năng sử dụng tiếng Anh. Thư viện có  nhiều đầu sách tiếng Anh  hay, là sân chơi lý tưởng cho các cô cậu học trò ham đọc sách vào những giờ nghỉ giải lao.

Lấy chứng chỉ Anh ngữ Quốc tế

Các chứng chỉ Quốc tế không phải là yêu cầu bắt buộc với các em học sinh tiểu học. Tuy nhiên PHS có tổ chức giảng dạy chương trình luyện thi Cambridge từ lớp 2 để các em hệ thống lại kiến thức cũng như luyện tập phương pháp làm bài thi Quốc tế. Các giáo viên Anh ngữ sẵn sàng tư vấn thời điểm các em có thể đăng kí dự thi lấy các chứng chỉ quốc tế phù hợp với năng lực bản thân.
Học một ngôn ngữ là học cả một nền văn hóa. Cha mẹ, thầy cô cần tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất và một tâm thế thoải mái để trẻ tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, hứng thú, không bị gò ép. Hãy trao tặng các em một tuổi thơ thật tươi đẹp và ý nghĩa.
Trường Tiểu học, THCS và THPT Thái Bình Dương – Pacific Primary and High School (PHS) giảng dạy chương trình Song ngữ Anh - Việt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. PHS là trường Song ngữ có uy tín với chất lượng đào tạo Song ngữ Anh và các chương trình giáo dục các kỹ năng, giá trị sống, từ thiện, hướng nghiệp…
  • Địa chỉ : 125 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, tp. HCM
  • Email : aca@phs.edu.vn, www.phs.edu.vn
  • Điện thọai : 38.942.893 – 38.941.679

Vì sao Trường Thực Nghiệm tuyển sinh muộn?

Năm học 2013, Trường phổ thông cơ sở Thực Nghiệm (Hà Nội) thay đổi lịch tuyển sinh vào lớp 1. Lãnh đạo nhà trường cho rằng, việc tuyển sinh muộn tránh áp lực cho nhà trường, phụ huynh sẽ không gặp phải cảnh chen lấn, xô đẩy khi mua hồ sơ.

Mọi năm, chỉ đầu tháng 5, Trường Thực Nghiệm đã thông báo việc tuyển sinh lớp 1 và phát hành đơn xin đăng ký dự tuyển. Nhưng năm học 2013, đến thời điểm giữa tháng 5, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận được thông báo về việc tuyển sinh.
Tuyển sinh muộn để ngừa quá tải
Hiệu trưởng nhà trường, thầy Lê Kim Xuân cho biết, năm nay theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trường bắt đầu tuyển sinh từ 1/7, so với mọi năm thời điểm tuyển sinh này có muộn hơn.
Việc tuyển sinh muộn nhằm mục đích giảm áp lực cho nhà trường. Mặt khác, phụ huynh khi đi mua hồ sơ cho con sẽ tránh được cảnh chen lấn, xô đẩy như năm 2012.


Phụ huynh đạp đổ cổng trường mua hồ sơ cho con năm 2012, ảnh Tiền Phong

Ông Xuân cho biết thêm, năm học 2012, trường tuyển sinh 6 lớp mỗi lớp có 40 em. Năm 2013, cơ sở vật chất có hạn nên nhà trường tuyển sinh 140 em. Học phí sẽ do Bộ GD quy định.
Nhà trường không có phương pháp giảng dạy đặc biệt nào cả. Trong quá trình dạy giáo viên sẽ coi trọng việc hướng đến các em học sinh, giúp các em cách học thoải mái nhất. Giáo viên không yêu cầu học sinh làm quá nhiều bài tập khi về nhà. Nhà trường không tổ chức việc dạy thêm, học thêm. Trong quá trình giảng dạy, học sinh được thầy cô dạy các kỹ năng sống. Ngoài ra, học sinh được nhà trường tổ chức nhiều buổi hoạt động ngoại khóa, điều này giúp các em có tư tưởng thoải mái, giảm áp lực trong học hành.
Việc thay đổi lịch tuyển sinh muộn cũng một phần tạo điều kiện cho nhiều phụ huynh có cơ hội cho con đăng ký thi vào một trường nào đó ở thời điểm trường chưa tuyển sinh. Trúng tuyển, phụ huynh cho con học, còn không trúng cũng không sao.
Bán hồ sơ không hạn chế
Ngày 24/5, Trường Thực Nghiệm có thông báo về kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm học 2013. Theo thông báo, đối tượng tuyển sinh là các em sinh năm 2007, có hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành Hà Nội.
Từ ngày 1 đến 2/7 (14 đến17 giờ) nhà trường bán hồ sơ xin học lớp 1. Ngày 2/7 đến 8/7 văn phòng nhà trường nhận hồ sơ xin học lớp 1. Hồ sơ bao gồm: đơn xin học có chứng thực của UBND nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; 2 ảnh 4x5 của học sinh dự đo nghiệm.
9 giờ ngày 7/7, phụ huynh có con xin học lớp 1 đến trường để nghe những vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh, hoạt động giáo dục của nhà trường và giải đáp thắc mắc.
Ngày 13 và 14/7 nhà trường tiến hành đo nghiệm (kiểm tra sức khỏe, hỏi trắc nghiệm) vào các buổi sáng từ 7h30. Ngày 22/7, trường sẽ công bố những em vào học lớp 1 năm 2013-2014.


Thông báo tuyển sinh của Trường PTCS Thực Nghiệm

Sau khi nhận đơn dự tuyển, Trường Thực nghiệm sẽ tiến hành đo nghiệm các chỉ số trong đó có cả tiêu chí về sức khỏe, kiểm tra khả năng nhận biết của trẻ. Nhà trường sẽ chọn 140 trẻ đủ yêu cầu cho vào học lớp 1.
Theo ông Xuân, hồ sơ sẽ bán theo nhu cầu của phụ huynh học sinh, không hạn chế về số lượng. Khi đi mua hồ sơ, phụ huynh mang theo giấy khai sinh (bản sao công chứng) để nhà trường đối chiếu và ghi tên học sinh vào đơn xin học (bản sao khai sinh nhà trường sẽ giữ lại sau khi đối chiếu).
Ông Xuân khuyến cáo: “Phụ huynh khi nộp hồ sơ nên cân nhắc kỹ để đảm bảo quyền lợi cho con em mình. Nhà trường tuyển sinh ít, trong khi đó nhu cầu của các em học sinh muốn học ở trường lại rất lớn”.
Trường PTCS Thực nghiệm thành lập 1978, ở phố Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), trực thuộc Bộ GD-ĐT. Trường giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tôn trọng tính sáng tạo, tự chủ của học sinh. Nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học ở đây, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Năm 2012, trong đợt tuyển sinh, hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng trường ùa vào sân trường tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con.

GS Lân Dũng: Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT

“Chúng ta nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để đánh giá học sinh có đủ điều kiện để cấp bằng hay không”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Bỏ kỳ thi nhưng xét học bạ cấp bằng THPT
Nhiều năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở nhiều tỉnh thành trên cả nước xấp xỉ từ 98 đến 99%. Năm 2013, một số tỉnh kinh tế khó khăn ở khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ còn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 99,91%. Đặc biệt, một số tỉnh vùng núi như Bắc Cạn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 98,7%; Tuyên Quang 94,84%...
Nhiều người đặt câu hỏi, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy liệu có đúng với thực chất đào tạo của các trường? Một số ý kiến khác cho rằng, nếu tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy thì tại sao chúng ta không hướng tới việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tránh tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh khi học hết cấp.


GS.TS Nguyễn Lân Dũng

Chia sẻ vấn đề trên, GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bằng tốt nghiệp do hội đồng thi các trường xem xét và đề nghị giám đốc các sở GD-ĐT quyết định, ký bằng. Để làm được điều này, sở giáo dục phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách hội đồng thi gửi lên xem có đúng với thực chất từng trường hay không. Quan trọng hơn là tinh thần trách nhiệm của từng giáo viên và hội đồng giáo viên của từng trường THPT. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì phải cho học lại và không được xét tốt nghiệp.
“Muốn vậy, các trường phải thường xuyên có bài kiểm tra dành cho học sinh trong suốt học kỳ. Điểm kiểm tra các môn cần ghi đầy đủ vào học bạ. Kết thúc ba năm học, học sinh đủ điều kiện sẽ được đề nghị cấp bằng tốt nghiệp. Học sinh từng lớp không đủ điều kiện không được lên lớp và phải học lại, trước đây vẫn thế, gọi là lưu ban”, GS Lân Dũng nói.
Theo GS Lân Dũng, có một thực tế là nếu môn học nào mà học sinh không thi tốt nghiệp hoặc không thi đại học thì các em sẽ không chịu học. Kiến thức sẽ hụt hẫng và giáo viên sẽ không còn hứng thú để giảng dạy các môn học ấy. Do vậy, giáo viên cần đánh giá học lực thật của học sinh qua học bạ để xét lên lớp và để xem xét việc cấp bằng tốt nghiệp. Làm được như vậy mới có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp.
Khi xét tốt nghiệp, nhà trường sẽ căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh. Các sở giáo dục không đánh giá chất lượng trường dựa vào số lượng học sinh tốt nghiệp nhiều hay ít mà phải dựa vào sự nỗ lực và sự cố gắng học tập của từng học sinh. Sẽ có trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhưng lại có điểm thi đua cao vì đã nghiêm túc trong giảng dạy và đánh giá học sinh. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường học đều phải nghiêm túc trong giảng dạy và đánh giá học sinh. Làm sao để sau khi tốt nghiệp THPT, các em có nó đủ năng lực học tiếp lên đại học hay bước vào đời.
“Chất lượng học tập của học sinh được quyết định bởi năng lực và tinh thần trách nhiệm của từng giáo viên, ý thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy và sự tận tâm với học sinh. Giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm cao trong việc đánh giá học sinh nào cần lưu ban, học sinh nào đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp", GS Lân Dũng nói.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay cao, đó chưa hẳn là con số phản ảnh thực tế chất lượng giảng dạy ở các trường. Hà Nội tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2103, đã phải huy động tới 1.500 giáo viên chấm thi, rồi còn cần đến việc hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các giáo viên…, thật sự khá tốn kém.


Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013

Cần phải đổi mới chương trình học
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, không thi tốt nghiệp nhưng phải có bằng tốt nghiệp cấp cho những học sinh xứng đáng nhận tấm bằng bằng này. Lãnh đạo nhà trường và giáo viên phải tránh bệnh thành tích, đánh giá đúng học lực học sinh ở qua từng năm học.
Theo cách này, nếu học sinh lưu ban với số lượng lớn sẽ mắc kẹt ngay về điều kiện cơ sở vật chất. Muốn học sinh không lưu ban nhiều thì nhà trường phải có chương trình học vừa nhẹ nhưng vẫn vừa sâu như ở các nước khác. Phải có đội ngũ giáo viên vừa giỏi chuyên môn, vừa yêu nghề, mến trẻ.
Điều này quyết định bởi việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. “Tôi không đồng ý phải đợi đến năm 2015 mới bắt đầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Tôi nghĩ chuyện đó không quá khó”, GS Lân Dũng nói.
Ông Dũng kể: Bản thân tôi khi đi công tác nước ngoài đã mua hơn 70 cuốn sách giáo khoa về Sinh học. Tôi thật sự giật mình khi thấy chương trình Sinh học ở bậc phổ thông của chúng ta chả giống nước nào. Có thể nhận xét tổng quát trong bốn chữ: “Vừa nặng lại vừa thấp”. Điều đó nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật. Hầu như mọi môn học ở khoa Sinh tại các trường đại học sư phạm đều thu nhỏ lại và trút hết vào bậc phổ thông. Một nước có truyền thống phát triển giáo dục như nước Pháp mà ở bậc phổ thông không dạy Sinh học. Họ dạy khoa học về sự sống và về Trái đất. Mình bắt học sinh nhớ những cái không cần nhớ, học những cái không cần học, sau đó sẽ quên hết.
Theo tôi, việc đổi mới chương trình dạy học có thể làm ngay nếu biết dựa vào các hội khoa học chuyên ngành. Các hội này sẽ chọn các chuyên gia giỏi kết hợp với các thầy giáo phổ thông nhiều kinh nghiệm để soạn ra các chương trình sao cho không chênh lệch nhiều so với nội dung chương trình các nước có nền giáo dục tiên tiến mà vẫn phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Đó là những chương trình có thể sử dụng lâu năm và đủ sức hội nhập quốc tế.
Nhà nước chỉ cần cung cấp cho các hội khoa học chương trình của một số nước (xin các Đại sứ quán chắc cũng có thể có được). Bên cạnh các nước phát triển cũng cần tham khảo cả các nước nghèo. Tôi thấy ở Nepal, lớp 11 và 12 chỉ học theo 4 phân ban và mỗi phân ban chỉ học có 4 môn học. Tôi đã mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11, 12 ở nước này, mỗi cuốn dày trên 700 trang. Học sách như vậy thì đâu còn có chuyện "học thêm dạy thêm tràn lan" như ở nước ta hiện nay.
Tôi cũng không đồng ý với phương án rút lại 10 năm bởi vì chương trình học 12 năm là cần thiết. Cơ hội của cả một đời người khi tiếp thu kiến thức cơ bản là ở thời học phổ thông.

Gửi trẻ về quê dịp hè: Hiểm nguy khó lường

Nghỉ hè, cháu về quê chơi là niềm vui của ông bà. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình, do ông bà tuổi cao sức yếu, các cháu còn nhỏ hiếu động dẫn tới mệt cho ông bà và nguy hiểm khó lường cho trẻ nhỏ.

Từ cuối tháng 5, các trường học từ mẫu giáo tới THPT trên địa bàn các thành phố đều đóng cửa nghỉ hè. Nhiều người buộc phải để trẻ nghỉ hè ở nhà với... "4 bức tường" còn những gia đình có ông bà ở quê thì lựa chọn “tối ưu” là cho trẻ về quê.
Chính vì thế, ở nhiều vùng quê, phần lớn các gia đình chỉ có 2 ông bà, vốn vắng vẻ thì nay đã trở nên đông vui… như nhà trẻ.
Ông Mai Trọng Hoài, 58 tuổi ở thôn Trà Đông, xã Quang Phục (Tiên Lãng, Hải Phòng) và vợ là bà Nguyễn Thị Tuyên hiện trông tới 5 đứa cháu lít nhít. Ông bảo: “Ngày thường 2 ông bà quanh quẩn nhìn nhau, chỉ mong hè cháu được về chơi cho vui cửa vui nhà. Cả năm các cháu quanh quẩn trong nhà, giờ được về quê chơi các trò trẻ quê chúng cũng rất thích”.


Hai vợ chồng ông Kiếng bà Mai và  5 đứa cháu

Giữa tháng 3.2013, tại xã Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến hai cháu nhỏ tử nạn. Nguyên nhân do hai vợ chồng vào Nam làm ăn gửi hai cháu cho ông bà ở quê trông nom nhưng ông bà cũng bận công việc, để các cháu đi chơi và bị rơi xuống hồ chết đuối.Hữu Anh
Ông Hoài có 3 người con. Vợ chồng con trai cả và con gái út ở thành phố Hải Phòng, còn đứa con gái út lấy chồng gần làng nhưng cũng theo chồng sang đơn vị bộ đội của chồng ở huyện Thủy Nguyên ở vài năm nay. Ông Hoài có tất cả 5 cháu nội ngoại. Vừa nghỉ hè, bố mẹ chúng đã “đăng ký” ông bà trông hộ nửa tháng. 5 đứa cháu, 2 cháu vừa học xong lớp 1, 1 đứa sắp lên lớp 1, còn hai đứa chỉ mới 2, 3 tuổi, nhà ông bà cứ ríu rít như vườn trẻ, suốt ngày cháo, sữa.
Gia đình bà Nguyễn Thị Quang (xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội) cũng… nhộn nhịp với 6 đứa cháu. Góa chồng từ lúc trẻ, bà Quang cứ lặn lội trông con rồi trông cháu.
Bà tự hào: “Hè nào nhà tôi cũng như vườn trẻ. 2 đứa con gái gửi 4 đứa cháu về chơi, cộng với 2 đứa cháu nội là 6”. Cháu bà lít nhít từ 2 tới 9 tuổi. Cứ chiều chiều, bà dắt 6 đứa trẻ ra đầu xóm nô nghịch cho tới tận tối, khi người con dâu đi làm về.
Cách TP. Hà Tĩnh 2km nhưng làng muối Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) thì như một thế giới khác, thế giới của người già và trẻ nhỏ. Trên con đường dẫn vào làng muối không khó bắt gặp cảnh các ông bà già trông trẻ, thậm chí phải dắt cháu theo ra đồng muối để làm việc.
Ông Trương Quang Kiếng (74 tuổi) ở thôn Yên Thọ cho biết: Con trai và con dâu vào Bình Thuận làm ăn, hè gửi lại 5 đứa cháu cho hai ông bà già trông nom. Đứa cháu út mới hai tuổi, đi đâu ông bà cũng phải dắt chúng đi cùng.
Ông Trương Khắc Thảo - Trưởng Ban văn hóa xã Hộ Độ cho biết: Hộ Độ có 1.900 hộ dân nhưng có đến 30% số cặp vợ chồng đi làm ăn xa gửi con cái cho ông bà trông nom. Số trẻ em chưa độ tuổi đến trường và số trẻ em gửi về ông bà ở quê dịp hè chưa thống kê được nhưng cũng khá lớn.
Hiểm nguy khó lường
Muốn vui vầy cùng con cháu, thương cháu hè không có chỗ chơi… là tâm lý của các ông bà khi đón cháu về nhà. Thế nhưng, có một thực tế mà nhiều ông bà phải giấu để con cái đỡ lo: đó là việc trông trẻ quá mệt và nguy hiểm.
Chị Mạc Thị Hoa - con dâu bà Quang cho biết, việc cho 6 đứa trẻ ăn uống, chơi, ngủ, tắm giặt cũng quá sức của bà.
Để đảm bảo an toàn cho cháu, ông Mai Trọng Hoài phải hút hết nước ở cái ao trước cửa nhà. Vậy mà chỉ cách đây 2 hôm, mặt ông "cắt không còn giọt máu" khi thấy đứa cháu 3 tuổi đang lội dưới ao.
Nhà ông Bùi Doãn Gia và bà Lê Thị Hào, ở xóm Bến, Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng được một phen hú hồn khi thằng cháu 4 tuổi bỗng dưng… biến mất. Cả nhà đi tìm cả một buổi chiều thì thấy cháu nằm ngủ quên ở trong... tủ.
Nhiều gia đình khác thì ông bà cũng than phiền người già khó ngủ, trong khi cháu nhỏ hay thức giấc giữa đêm đòi bố mẹ. Cháu thức, ông bà cũng thức. Tới khi trẻ mệt, đi ngủ thì cũng gần sáng…

Ông Dương Đình Lộc chủ tịch UBND xã Tây Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình):
“Địa bàn xã hiện cũng đang có nhiều cháu được bố mẹ gửi về quê nghỉ hè với ông bà. Giao phó con cái cho ông bà chăm sóc dĩ nhiên sẽ yên tâm hơn người ngoài đồng thời tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho bố mẹ. Tuy nhiên, tốt nhất là không nên ỷ lại vào ông bà bởi ông bà cũng đã tuổi cao sức yếu. Hơn nữa giữa ông bà và cha mẹ là hai thế hệ khác nhau nên cách giáo dục cũng khác nhau.”
Anh Vũ Trọng Thủy, cán bộ Đoàn, xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng):
“Có lẽ mùa hè là mùa bận rộn trông cháu của các ông bà ở thôn quê. Chính hoạt động đoàn cũng phải tích cực để tạo sân chơi cho các em trong mùa hè, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Hầu như hè năm nào chúng tôi cũng đón trẻ thành phố về ông bà mình chơi, tham gia luôn vào sinh hoạt hè ở quê.”

Chị em sinh đôi cùng yêu ngành Báo

Nghề báo là một nghề khó khăn đối với phái nữ. Ấy vậy mà ở khoa Báo chí - ĐH Khoa Học Huế có hai chị em song sinh đã vượt qua nhiều khó khăn để cùng quyết tâm theo đuổi ngành học đã chọn.

Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, 2 chị em song sinh Võ Hoàng Vân và Võ Hoàng Vi từ vùng quê Thanh Chương, Nghệ An ra Huế học tại khoa Báo chí - ĐH Khoa Học Huế. Học giỏi và dễ thương, hai chị em được bạn bè, thầy cô yêu quý. Suốt 2 năm học qua, học kỳ nào 2 cô bạn cũng có học bổng dành cho những sinh viên xuất sắc nhất.

Những ngày đầu tiên vào trường, thầy phó khoa Báo chí đã từng thốt lên rằng đây là trường hợp đầu tiên 2 chị em sinh đôi cùng học báo chí.

Khó khăn không nản chí
Tâm sự về lý do chọn nghề báo, 2 cô bạn kể lại: “Hồi nhỏ xem ti vi thấy các MC, phóng viên đứng tự tin trước ống kính thì chúng em mê lắm. Muốn được như họ, được đi đây đi đó. Lớn lên suy nghĩ chín chắn hơn, 2 đứa đã nghĩ nhiều về bước đường tương lai và thật trùng hợp khi cả 2 chị em đều chọn ngành báo”.
Ước mơ là vậy, nhưng để đến với ước mơ thì không dễ. Trong số các bạn bè cùng trường, cùng lớp, nhiều người nói 2 chị em là "ngốc và mạo hiểm". Trong khi nhiều bạn bè chọn thi khối A, B hoặc D, tự nhiên hai cô bạn lại chọn thi khối C.

 
Hai chị em Vân - Vi rất khó để nhận ra vì rất giống nhau.
 
Về phía gia đình, ba mẹ hướng cho 2 chị em đi theo ngành Sư phạm. Nhưng Vân - Vi quyết tâm không đi theo, chỉ chịu theo ngành báo.
“Cha mẹ hai em khó chịu lắm, học báo có gì hay, con gái học báo suốt ngày vi vu ngoài đường. Trong mắt cha mẹ, nghề báo là nghề nguy hiểm, phải đụng chạm nhiều, va vấp nhiều. Hai đứa con gái nhỏ làm sao theo nghề này được? Một đứa đòi học báo thì cũng thôi, cả 2 đều muốn học làm bậc cha mẹ cảm thấy khó chấp nhận. Cả 2 chị em đều muốn theo đuổi ước mơ của mình, không ai nhường ai. Thương con, thấy con quyết tâm đến cùng, cha mẹ đành cho 2 đứa theo đuổi ước mơ nhưng trong thâm tâm chắc chắn rất lo lắng” - Vi, Vân tâm sự.
“Dù nhiều người ngăn cản, nhưng vẫn có nhiều người ủng hộ” - Vi cho hay. Thầy cô yêu mến cũng hiểu và ủng hộ lựa chọn của 2 đứa. Cuối cùng kì thi đại học cũng kết thúc tốt đẹp, cả 2 chị em đều vượt vũ môn thành công.

 
Vân, Vi cùng bạn bè trong khoa Báo chí, ĐH Khoa học Huế. Người mặc áo hồng là Vi, mặc áo xanh là Vân.
 
Nghề báo xê dịch nhiều, càng quen với nhiều hoàn cảnh sống thì càng có lợi cho nghề sau này. Bởi vậy nên việc thích nghi nhanh chóng với môi trường sống mới là điều mà sinh viên báo phải nắm vững. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là cuộc sống sinh viên xa nhà có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Những ngày đầu chưa quen với môi trường mới là thời gian khó khăn nhất. Hai chị em phải loay hoay với đủ thứ mới mẻ cần quan tâm. Sống tự lập là khó khăn và cũng là thử thách, khi đã vượt qua thử thách rồi lại thấy mình trưởng thành và người lớn hơn.
Hai chị em đều khá chăm chỉ nên việc học không quá khó khăn. Suốt 2 năm học, học kì nào Vân - Vi cũng giành được học bổng. Đó là động lực để 2 chị em vững tin vào bước đường mà mình đã chọn.
Những bước đi đầu tiên trên con đường nghề
Năm 1 còn “lạ nước, lạ cái” nên những gì 2 chị em biết về nghề báo chủ yếu qua sách vở, lời kể của bạn bè, thầy cô. Vân nhớ nhất một lần đi chơi với đám bạn thì gặp công an truy quét những gánh hàng rong bán mũ bảo hiểm kém chất lượng. Đứa bạn trong nhóm nổi máu nghề chạy lại chụp ảnh thế là bị một anh công an bắt xóa ảnh. Cả nhóm chạy lại xin xỏ cậu bạn mới được cho đi.
Từ đó, Vân - Vi dần hiểu rằng nghề báo mình chọn không đẹp đẽ, hào nhoáng như bề ngoài. Bắt đầu thấm thía những lời ba mẹ nói trước kia về cái “nghiệp” mà 2 chị em theo đuổi. Năm thứ hai, chị em song sinh chính thức bước những bước đầu tiên chập chững vào nghề với những va vấp đầu đời khó quên. Vi kể lại rằng những lần đầu đi tác nghiệp cảm giác rất lạ. Vừa thấp thỏm lo âu, vừa vui và thích thú. Có lần 2 chị em dắt nhau đi tác nghiệp, cầm máy lên chụp mà trong trong lòng run run, khuôn mặt thì cực kỳ nghiêm trọng.

 
Hai chị em trong bộ áo dài trắng tinh khôi.
 
Sau này quen dần nhưng đôi khi vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhẹ thì bị xua đuổi, nặng hơn chút thì bị... chửi. Vi cười nói: “Con gái làm báo cũng có cái lợi, ít ai nặng tay với con gái cả, cùng lắm chỉ mắng mỏ mà thôi...”.
Hai năm học báo giúp hai chị em song sinh hiểu rằng: Sinh viên báo khác nhiều so với các sinh viên khác. Sinh viên báo phải xoay quanh 2 nhiệm vụ học tập và tác nghiệp. Thường thì người học tập tốt sẽ bỏ bê việc cọ xát tác nghiệp và dẫn đến thiếu kinh nghiệm. Còn người tác nghiệp tốt, thường xuyên cộng tác với các báo, đôi lúc việc học tập không thể có kết quả cao nhất khi ra trường. Đó là sự đánh đổi mà sinh viên báo phải lựa chọn. Tất nhiên cũng có những người xuất sắc làm tốt cả hai việc nhưng không nhiều.
Hướng đi của tương lai 2 chị em đều muốn theo ngành Báo truyền hình. “Hiện tại chúng em lo tốt việc học trước đã. Trước mắt là học thật giỏi. Hai chúng em phấn đấu ra trường với tấm bằng đỏ để chuẩn bị hành trang tốt nhất trước khi chính thức vào nghề” - Vân, Vi cười tươi cho biết.