Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Đồ chơi TQ phát nổ: Nhiều HS nhập viện trở lại

6 học sinh trong số 36 học sinh bị ảnh hưởng trong vụ nghịch đồ chơi lạ phát nổ đã phải nhập viện trở lại để điều trị.


Sáng 20/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, cho biết: Hiện Bệnh viện đang điều trị cho 6 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) bị ảnh hưởng từ vụ đồ chơi Trung Quốc phát nổ.
Trong đó, có 2 em Nguyễn Duy Tân (10 tuổi) và Phạm Thị Yến (11 tuổi) còn triệu chứng đau đầu, buồn nôn; sức khỏe 4 học sinh còn lại đã bắt đầu ổn định.
Trước đó, vào tối 18/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận 6 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song chuyển lên gồm: Trần Chung Nguyên, Trương Thị Thu Hương, Hoàng Phi Hùng, Nguyễn Thị Hà, Phạm Thị Yến và Nguyễn Duy Tân.

Đồ chơi TQ phát nổ: Nhiều HS nhập viện trở lại - 1

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đang kiểm tra sức khoẻ cho học sinh bị ảnh hưởng do đồ chơi lạ phát nổ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, cho biết: Vào đêm 18/1, Bệnh viện tiếp nhận 6 trường hợp nói trên trong tình trạng khó thở, buồn nôn, tức ngực, chóng mặt… Các bác sĩ trong khoa đã điều trị, đồng thời theo dõi sát sao liên tục 6 giờ đồng hồ và tình trạng sức khỏe của các em đã tương đối ổn định, không có những biểu hiện gì thêm. Nhưng trong quá trình điều trị, các em xảy ra hiện tượng kích thích, mang tính liên hoàn. Nếu một em thấy khó thở, buồn nôn thì cả nhóm sẽ đồng loạt bị theo. “Vì chưa thể xác định được các em học sinh bị ngộ độc loại hóa chất gì nên Bệnh viện chưa thể điều trị trực diện, đặc trị mà chỉ điều trị khi sức khỏe của các em xảy ra biến chứng”, bác sĩ Lợi cho biết thêm.

Đồ chơi TQ phát nổ: Nhiều HS nhập viện trở lại - 2

Công an huyện Đắk Song đã thu giữ những đồ chơi lạ để điều tra, gửi mẫu hóa chất để giám định, làm rõ vụ việc.

Theo bác sĩ Trần Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, ngay sau khi có thông tin các học sinh trong vụ nổ đồ chơi ở huyện Đắk Song nhập viện, Ban giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp xuống nắm bắt thông tin và trực tiếp theo dõi sự việc. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của các em học sinh đã ổn định. Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn phân công bác sĩ chuyên khoa trực 24/24h để theo dõi sát sao diễn biến sự việc. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe các em, tạm thời Bệnh viện vẫn chưa cho các em xuất viện mà sẽ tiếp tục giữ lại để tìm ra nguyên nhân chính để có thể điều trị dứt điểm.
Như đã đưa tin, vào chiều 16/1, 36 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An đã mua những túi đồ chơi lạ có hình lựu đạn, bên trong chứa hoá chất và in toàn chữ Trung Quốc tại quầy tạp hoá bà Đoàn Thị Loan (ở thị trấn Đức An, huyện Đắk Song). Khi những học sinh này giẫm đạp, ném các túi đồ chơi này làm chúng phát nổ và hoá chất trong túi bắn ra làm những học sinh này khó thở, co giật, ngất xỉu, nổi mụn ngứa… Vì thế, nhà trường đã đưa những học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song điều trị. Đến sáng 17/1, sức khoẻ các em đã ổn định và Bệnh viện đã cho các em xuất viện về nhà. Nhưng vào chiều 18/1, 6 học sinh nói trên được gia đình đưa trở lại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song điều trị.

Dạy thêm tràn lan, thu hàng tỷ đồng để chi tùy tiện

Với việc tổ chức dạy thêm tràn lan, Trường THPT Cao Thắng (TP.Huế) đã thu hàng tỷ đồng của học sinh để chi tiêu tùy tiện.


Dạy thêm kiểu “cá mè một lứa”
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh (HS) và giáo viên Trường THPT Cao Thắng, nhiều năm nay, lãnh đạo trường này tổ chức dạy tăng tiết một số môn cho tất cả các lớp trong toàn trường để thu tiền đồng loạt đối với HS.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường còn tổ chức dạy thêm theo hình thức dạy ngoại khóa chuyên đề để thu tiền. HS của trường phải tham gia học chuyên đề nhiều môn như toán, vật lý, hóa học, ngoại ngữ… Theo quy định, việc dạy thêm, học thêm phải được HS tự nguyện và được gia đình học sinh đồng ý. “Nhưng ở đây lãnh đạo trường lại xếp thời khóa biểu học thêm cho toàn trường để yêu cầu tất cả HS phải đi học, phải nộp tiền nên con em chúng tôi không thể không đi học”- một phụ huynh bức xúc.

Dạy thêm tràn lan, thu hàng tỷ đồng để chi tùy tiện - 1


Bà Hoàng Thị Mai lý giải những nội dung tố cáo của giáo viên đối với lãnh đạo
trường tại buổi làm việc với PV NTNN

Mặt khác, dù nhà trường đưa ra nhiều mức thu tiền học thêm khác nhau đối với HS (8.000 đồng/tiết, 10.000 đồng/tiết và 12.000 đồng/tiết) nhưng khi tổ chức dạy học lại dồn HS của nhiều lớp vào một phòng để dạy. Trường “nhét” 5 lớp với hơn 150 HS vào một phòng học để dạy chuyên đề. “Cách làm này khiến HS không được phân loại để học cho hiệu quả theo quy định. Đây là một hình thức làm tiền trắng trợn của lãnh đạo trường khiến phụ huynh hết sức bất bình”- một giáo viên của trường cho biết.
Chi tiền của học sinh vô tội vạ
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, chỉ riêng học kỳ 1 năm học 2013-2014, Trường THPT Cao Thắng đã thu của HS 972.873.000 đồng tiền học thêm. Số tiền này được sử dụng để chi tiêu nhiều khoản hết sức vô lý, như: Chi hơn 140 triệu đồng cho các khoản phúc lợi tập thể vào các dịp 8.3, 20/10, 20/11 và Tết Nguyên đán; chi hơn 160 triệu đồng cho bộ phận quản lý phục vụ dạy thêm, học thêm; chi hơn 46 triệu đồng cho sinh hoạt 15 phút đầu giờ; chi gần 21 triệu đồng cho họp liên tịch…
Chỉ riêng học kỳ 1 năm học 2013-2014, Trường THPT Cao Thắng đã thu của học sinh 972.873.000 đồng tiền học thêm. Số tiền này được sử dụng để chi tiêu nhiều khoản hết sức vô lý.
Bà Hoàng Thị Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng cho biết: “Việc trường tổ chức dạy thêm đã được Sở GDĐT tỉnh cấp phép và phụ huynh HS đồng ý tại biên bản làm việc giữa trường với phụ huynh”. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp biên bản này thì bà Mai từ chối và bảo “lên sở mà nắm”.
Bà Mai nói việc trường dồn HS nhiều lớp vào một lớp học thêm là không đúng quy định nhưng lại phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Việc trường xếp thời khóa biểu học thêm vào thời khóa biểu chính khóa cũng được bà Mai giải thích là nhằm “tạo điều kiện thuận lợi” cho HS và giáo viên. Bà Mai còn bảo việc trường tổ chức dạy thêm tràn lan là do đầu vào của HS nhà trường quá thấp và “do cái tâm”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đặng Phước Mỹ - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của giáo viên Trường THPT Cao Thắng về những nội dung trên, Sở đã vào cuộc nhưng hiện kết quả kiểm tra đang hoàn thành nên chưa công bố. Ông Mỹ cũng cho biết tới đây Sở sẽ làm việc với Ban giám hiệu nhà trường để chấn chỉnh những gì trường này thực hiện chưa đúng.
Về việc Trường THPT Cao Thắng sử dụng tiền thu được từ tổ chức dạy thêm để chi nhiều khoản vô lý, ông Mỹ nói Sở không thông qua những khoản chi này và sẽ kiểm tra làm rõ.

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2014

Điều chỉnh khối thi, không tuyển sinh hệ cao đẳng trong trường đại học, giảm chỉ tiêu, mở ngành mới…


Các trường ĐH, CĐ vừa hết hạn gửi đăng ký thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 cho Bộ GD&ĐT. Năm nay Bộ quy định các trường phải công khai chỉ tiêu của từng ngành và phương thức tuyển sinh theo từng trình độ đào tạo, trong đó trường phải ghi rõ là tham dự kỳ thi chung do Bộ tổ chức hoặc tổ chức tuyển sinh riêng.
Đổi cách xác định điểm trúng tuyển
TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Năm nay trường bổ sung khối thi D1 vào tất cả ngành vốn chỉ tuyển sinh khối A, A1 của những năm trước. Một điểm mới nữa là thay vì xác định điểm trúng tuyển riêng từng ngành, năm nay trường xác định điểm trúng tuyển theo khối thi chung cho các ngành, trừ ngành ngôn ngữ Anh. Việc xét phân ngành học (trừ ngành ngôn ngữ Anh) đối với các ngành căn cứ vào chỉ tiêu phân ngành, nguyện vọng và kết quả học tập sau ba học kỳ đầu của khóa học”.

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 - 1


Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH năm 2014 tại Trường ĐH Văn Hiến trong ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ngày 18/1. Ảnh: Quốc Dũng


Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ngừng tuyển sinh các ngành đào tạo hệ CĐ để tập trung cho đào tạo ĐH và sau ĐH. Như vậy, chỉ tiêu hệ CĐ sẽ chuyển lên các ngành hệ ĐH có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thực phẩm, kỹ thuật môi trường, lâm nghiệp… và sẽ tăng chỉ tiêu cho hai phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận.
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin: “Thay vì tuyển sinh cả khối A và A1 như trước thì năm nay các ngành sẽ chỉ tuyển sinh khối A gồm kỹ thuật dệt may, kỹ thuật vật liệu và nhóm ngành hóa - thực phẩm - sinh học (kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học). Trừ ngành kiến trúc chỉ tuyển sinh khối V như mọi năm, các ngành còn lại vẫn tiếp tục tuyển sinh khối A và A1. Trường điều chỉnh không tuyển khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) cho một số ngành trên vì những ngành liên quan đến hóa thực phẩm hay vật liệu đòi hỏi thí sinh phải biết về hóa học”.
Giảm chỉ tiêu, giới hạn vùng tuyển
Điểm nổi bật trong đổi mới tuyển sinh 2014 là Trường ĐH Bách khoa Hà Nộidù vẫn tổ chức theo phương thức “ba chung” nhưng trường sẽ tổ chức sơ tuyển trước kỳ thi nhằm mục đích giảm tỉ lệ thí sinh ảo và giúp thí sinh cân nhắc khi lựa chọn trường thi. Theo đó, trường sơ tuyển dựa trên tổng điểm trung bình của ba môn thuộc khối thi ở năm học kỳ THPT (sáu học kỳ đối với thí sinh tốt nghiệp các năm trước), lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Thời gian sơ tuyển bắt đầu từ ngày 24/2 đến 15/3. Kết quả sơ tuyển sẽ được công bố trong ngày 17/3 nên những thí sinh không đạt vòng sơ tuyển vẫn còn thời gian nộp hồ sơ vào các trường khác.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, lưu ý: “Thí sinh tham dự sơ tuyển phải khai đúng với kết quả điểm của mình vì sau đó trường sẽ hậu kiểm. Nếu thí sinh khai man trường sẽ loại ngay. Thí sinh cũng lưu ý trường chỉ tuyển từ Thừa Thiên-Huế trở ra ngoài Bắc và không nhận hồ sơ của thí sinh dự thi nhờ”.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tuyển 3.300 chỉ tiêu, giảm 500 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong đó, khối ngành sư phạm giảm 200 chỉ tiêu và khối ngành ngoài sư phạm giảm 300 chỉ tiêu. Ở khối ngành sư phạm, trừ sáu ngành toán, tin học, song ngữ Nga-Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và quản lý giáo dục giữ nguyên chỉ tiêu thì 10 ngành còn lại đều giảm từ 10 đến 50 chỉ tiêu. Riêng ba ngành giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, giáo dục đặc biệt tăng từ 10 đến 30 chỉ tiêu.
Ở khối ngành ngoài sư phạm, giảm mạnh nhất là ngành văn học (60 chỉ tiêu so với 150 chỉ tiêu năm ngoái), Việt Nam học (giảm một nửa), còn các ngành vật lý, hóa học, quốc tế học, tâm lý học, Pháp, Trung Quốc, Nhật giảm từ 20 đến 40 chỉ tiêu. Chỉ riêng ngành ngôn ngữ Nga tăng 20 chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Đồng Tháp cũng giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm do lượng sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp khá nhiều nhưng gặp nhiều khó khăn trong tìm việc làm. Trường ĐH Hàng hải cắt giảm mạnh chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế nhưng tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật; riêng hệ CĐ trường ngừng tuyển sinh ngành công nghệ thông tin. Trường ĐH Luật TP.HCM giảm 50 chỉ tiêu ngành luật học so với năm ngoái. Cá biệt, rất ít trường tăng chỉ tiêu, nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ. Chẳng hạn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ tiêu dự kiến tăng 170 và thuộc các ngành hóa học, khoa học môi trường, khoa học vật liệu (mỗi ngành tăng từ 20 đến 100 chỉ tiêu)…


Nhiều trường mở ngành mới
Trường ĐH Luật TP.HCM chính thức tuyển mới ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý), tuyển khối A1 và D1 với 50 chỉ tiêu. ĐH Nông Lâm TP.HCM tuyển mới ngành khoa học môi trường, thi khối A và B với 80 chỉ tiêu. ĐH Lâm nghiệp (Cơ sở 2 Đồng Nai) tuyển ngành công nghệ sinh học (khối A, B) và quản lý tài nguyên thiên nhiên (khối A, A1, B, D1), mỗi ngành 50 chỉ tiêu. ĐH Hàng hải hệ ĐH thêm ngành ngôn ngữ Anh và hệ CĐ thêm ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật xây dựng. ĐH An Giang mở hai ngành hệ CĐ là sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật.
ĐH Nha Trang tăng 100 chỉ tiêu ĐH và được Bộ GD&ĐT giao đào tạo thí điểm ngành quản lý thủy sản với 60 chỉ tiêu. ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến tuyển mới ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh thương mại), công nghệ may và thiết kế thời trang, khoa học dinh dưỡng. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến mở ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. ĐH Kiến trúc TP.HCM đang làm thủ tục xin mở ngành mỹ thuật đô thị. ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM dự kiến mở thêm năm ngành mới là kinh tế tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý biển và hải đảo, kỹ thuật chế biến khoáng sản, kỹ thuật mỏ. Năm nay trường không tuyển hệ trung cấp chuyên nghiệp như mọi năm.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Chạnh lòng chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao

“Đã biết giáo viên không có thưởng Tết nên khi chọn nghề giáo mình đã chấp nhận từ đầu và coi điều đó như là hiển nhiên, mình không đòi hỏi gì nữa. Thế nhưng, nói không buồn chút nào là không thật lòng mình”.

Đó là tâm sự của cô Đinh Thị Hằng Nga, giáo viên (GV) Trường Tiểu học Trà Phong ở huyện miền núi Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), cũng là tâm sự chạnh lòng khi nghe chuyện thưởng Tết của nhiều GV vùng cao.
Chạnh lòng nghe chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao

Dù chấp nhận vì đã quen với việc không có thưởng Tết, nhưng nhiều giáo viên không khỏi thoáng chạnh lòng về điều này.
Quà Tết cho GV là một bịch hạt dưa, một gói bột ngọt, một chai dầu ăn
Quê ở huyện Trà Bồng, lên huyện Tây Trà theo nghề giáo từ năm 2007 tới nay, cô Hằng Nga chưa từng biết thưởng Tết là gì. Có chăng theo cô Nga cho biết chỉ có khoản thu nhập tăng thêm cho GV từ nguồn tiết kiệm chi của trường, mới triển khai mấy năm nay để một năm GV có thêm từ 1 - 2 triệu đồng xếp loại năng lực công tác.
Là đồng nghiệp cùng trường với cô giáo Hằng Nga, cô Đỗ Thị Mỹ Ngân nhà ở Sơn Tịnh lên Tây Trà dạy học được hai năm nay cho biết: “GV ở đây không có thưởng Tết, như năm ngoái chỉ có món quà Tết động viên của công đoàn trường với một bịch hạt dưa, một gói bột ngọt, một chai dầu ăn. Còn năm nay, đến hôm 15/1 (15 tháng Chạp âm lịch) vẫn chưa thấy gì. Chúng tôi cũng có nghe thông tin thưởng Tết ở các ngành, các nơi khác, có người chục triệu, có người hàng chục triệu. Đó là những chuyện quá xa vời, cũng chỉ để anh chị em GV chuyện phiếm với nhau rồi chạnh lòng một thoáng vậy thôi”.
Theo ông Trần Ngọc Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (Tây Trà, Quảng Ngãi), xoay sở kinh phí để thưởng Tết cho GV là rất khó với điều kiện trường học miền núi còn nhiều khó khăn. Năm nay trường cũng chỉ có một khoản trích mua quà Tết cho GV với mỗi phần quà khoảng 100 nghìn đồng.
Chạnh lòng nghe chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao

Vất vả cả năm, giáo viên ở Trường Tiểu học Trà Phong (huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi) chỉ được động viên với phần quà Tết khoảng 100 nghìn đồng.
Câu chuyện thưởng Tết của GV vùng cao ở Quảng Nam nghe cũng nhiều ngậm ngùi. Cô Hiên Thị Leo, người dân tộc Ve ở Đăk Re về dạy học ở Trường mầm non Công Dồn (thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam) đã rất nhiều năm nay chưa từng biết đến thưởng Tết là gì. Năm nay cận Tết, cô Leo nghe đâu trường có nguồn kinh phí từ tiết kiệm chi để chia cho GV mỗi người 300 - 500 nghìn đồng để lo sắm Tết, nhưng chỉ mới nghe chứ chưa thấy gì.
Chạnh lòng nghe chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao

Các cô giáo Trường mầm non Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam) chưa từng biết đến thưởng Tết.
Ông Arât Mông, Phó Chủ tịch xã Zuôi chia sẻ do không có kinh phí nên chính quyền xã không có nguồn chi nào để hỗ trợ cho GV dịp Tết, chủ yếu do các trường xoay sở. Xã cũng chỉ có thể có 30 suất quà Tết cho học sinh khó khăn thôi, chứ hỗ trợ GV thật sự rất khó dù câu chuyện thưởng Tết của GV vùng cao nơi đây ai nghe cũng buồn.
Đề xuất tháng lương thứ 13 cho GV nhiều năm rồi mà chưa được
Nói về chuyện thưởng Tết GV, ông Phạm Sơn - Phó Trưởng phòng GD huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) trăn trở: “Các thầy cô giáo ở đây đa phần là từ dưới xuôi ngược lên miền núi dạy học trò, vất vả nhiều lắm. Nhất là các thầy cô đứng lớp ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, băng rừng lội suối mang con chữ đến cho học trò hàng ngày. Nhiều thầy cô ở luôn tại trường, đời sống cũng khó khăn. Vất vả cả năm mà Tết về quê không có đồng thưởng nào để trang trải sao mà không đắn đo. Nhưng thật không có nguồn kinh phí nào để chi thưởng Tết cho GV”.
Để góp phần động viên các thầy cô dịp cuối năm, từ năm 2008 tới nay, Phòng GD huyện Tây Trà đã chỉ đạo các trường tiết kiệm chi để cuối năm có một khoản thu nhập tăng thêm cho GV. Khoản này nhiều hay ít tùy theo điều kiện của từng trường, có trường được vài trăm nghìn mỗi cán bộ, GV, có trường được 1-2 triệu mỗi giáo viên. Toàn huyện có 16/25 trường được giao tự chủ kinh phí để tiết kiệm chi tăng thêm thu nhập cho GV; 9 trường còn lại là các trường mẫu giáo”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết vì ngành không có chế độ thưởng Tết cho GV, nên lâu nay cũng chỉ đạo các trường tiết kiệm chi, cân đối ngân sách để có thêm một khoản thu nhập tăng thêm hỗ trợ GV dịp cuối năm. Đồng thời, phòng GD huyện này chỉ đạo các trường giải quyết sớm các chế độ chính sách cho GV vùng cao kịp trước Tết.
Ông Bình chia sẻ: “Đã thành nếp nên cũng ít có thầy cô thắc mắc chuyện thưởng Tết. Tuy nhiên dù các thầy cô có đòi hỏi hay không, chúng tôi vẫn thấy cần được hỗ trợ Tết là quyền lợi chính đáng sau một năm lao động vất vả của các thầy cô. Phòng GD huyện đã có đề xuất giải pháp tháng lương thứ 13 cho GV, nhưng đề xuất đã rất là nhiều năm nay rồi mà vẫn chưa được”.

ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh riêng vào năm 2016

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết trong kỳ tuyển sinh ĐH -CĐ năm 2014, ĐH Quốc gia TPHCM vẫn áp dụng phương thức tuyễn sinh cũ (3 chung).

Ngày 16/1, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) họp tổng kết tuyển sinh năm 2013 và bàn kế hoạch tuyển sinh cho năm 2014. Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, năm nay các trường ĐH thành viên vẫn tuyển sinh theo phương thức “3 chung” chung đợt, chung đề, chung kết quả) của Bộ GD-ĐT
Bên cạnh đó, ĐHQG TPHCM tiếp tục áp dụng việc xét tuyển nguyện vọng phân ngành trong nội bộ từng trường cũng như trong toàn hệ thống, đồng thời hạn chế xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển vào ĐHQG TPHCM tăng nhẹ khoảng 2% so với năm 2013. Một số trường ĐH thành viên sẽ tuyển thêm nhiều ngành mới.
Ngoài ra, ĐHQG TPHCM có kế hoạch về đề án tuyển sinh mới. Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa: “ĐHQG TPHCM đang nỗ lực hoàn thiện đề án tuyển sinh riêng. Trong năm 2015, sẽ thực hiện tuyển sinh riêng cho một số ngành, chuyên ngành song song với kỳ thi chính theo phương thức “3 chung”. Năm 2016, ĐHQG TPHCM sẽ áp dụng triệt để thi tuyển sinh riêng cho tất cả các trường thành viên”.

Đề xuất “5 bỏ” không phù hợp với Luật Giáo dục đại học

Đó là nhận định của GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh nội dung đề xuất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Tôi đã đọc một số ý kiến, trong đó có nói Bộ GD-ĐT vi phạm Luật GD ĐH, bởi Luật đã quy định các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh. Nhưng tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không vi phạm Luật. Tự chủ tuyển sinh có nghĩa là các trường có thể tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển, thi chung hoặc thi riêng, phù hợp với điều kiện của mình. Việc này Bộ GD-ĐT đã có quyết định rồi”.
Nhận định về kỳ thi “3 chung”, GS Thuyết cho hay, không phải muốn bỏ là bỏ ngay được, vì hiện nay hầu hết các trường vẫn muốn tham gia. Sau này, theo lộ trình đã xác định, các trường sẽ tách ra để tuyển sinh riêng. Tạm giữ kỳ thi “3 chung” trong lúc tích cực chuẩn bị điều kiện để “ở riêng” cũng là quyền tự chủ của các trường, không có gì sai.
Về việc giữ hay bỏ hình thức thi tuyển sinh đại học, theo GS Thuyết cho rằng: “Đây cũng là sự lựa chọn của mỗi trường. Có thể xét tuyển, có thể thi tuyển, thậm chí có những trường có thể thi tuyển rất khó để tuyển chọn sinh viên phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình. Tôi cho rằng đây là quyền tự chủ của các trường; những trường không muốn tổ chức thi không nên ép các trường ĐH khác cũng bỏ thi như mình, vì như vậy lại xâm phạm quyền tự chủ của trường khác. Vô hình trung chính những đề xuất này lại đang vi phạm Luật, không cho trường khác có được quyền tự chủ”.
GS Nguyễn Minh Thuyết.

GS Nguyễn Minh Thuyết.

“3 chung” thì phải có điểm sàn
Về đề xuất bỏ điểm sàn, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền của các trường trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh. Nếu tuyển sinh riêng thì có điểm chuẩn riêng của mình. Nhưng đã thi “3 chung” thì phải có điểm sàn. Còn nếu không có điểm sàn thì “3 chung” thế nào?
Theo GS Thuyết, thi “3 chung” thì cần thi theo khối. Về nguyên tắc, trong một vài năm còn tiếp tục “3 chung”, các trường có thể đề xuất sắp xếp khối thi cho hợp lý hơn. Nhưng tôi cho rằng “3 chung” đã thực hiện hàng chục năm rồi, việc tổ chức các khối thi cũng đã được điều chỉnh một vài lần, để như hiện nay là tương đối hợp lý. Còn trường nào thấy khối thi không phù hợp, có thể tách ra tuyến sinh riêng.
Nhận xét về những đề xuất bỏ yêu cầu các trường báo cáo đề án tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT, GS Thuyết cho rằng, đó là một đề xuất không thực tế. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và xã hội về chất lượng đào tạo của các trường. Trong tình hình hiện nay, rất nhiều trường chưa đảm bảo các điều kiện đào tạo, chưa biết phương án tuyển sinh của họ hợp lý đến đâu, Bộ không thể buông hết cho các trường muốn làm thế nào thì làm.
Chia sẻ với các trường ĐH,CĐ ngoài công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh vài năm qua, GS Thuyết nói: “Các trường gặp khó khăn cũng nên bình tâm phân tích xem nguyên nhân trường mình chưa thu hút được sinh viên là gì. Có xác định đúng nguyên nhân thì mới tìm ra giải pháp khắc phục được”.
Dẫn giải về mô hình tuyển sinh của một số quốc gia không tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, ông Thuyết cho hay: “Tôi có nghiên cứu cách tuyển sinh đại học ở Pháp. Bình thường, để vào một trường đại học khoa học (universite) của Pháp, người có bằng tốt nghiệp phổ thông chỉ cần ghi danh. Nhưng vào rồi có ra được không lại là chuyện khác, bởi vì người ta sàng lọc rất nghiêm khắc. Còn để vào các trường lớn (grande ecole) thì phải trải qua kỳ thi tuyển sinh rất khắt khe. Nhưng vào được rồi thì các công ty tìm đến cấp học bổng ngay, khả năng ra trường có việc làm thu nhập cao là chắc chắn. Tôi nghĩ ở các nước phát triển khác cũng vậy thôi. Chẳng hạn, vào được Harvard đâu có dễ !”.
“Tuyển sinh chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo các điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo. Được như vậy thì tuyển sinh có khắt khe mấy, thí sinh cũng cố thi vào. Còn ngược lại, có mở toang cửa cũng không ai muốn vào” - GS Thuyết nhận định.

Bị cảnh sát thổi phạt, phụ huynh học sinh lại… “làm trò”

Bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” vì không đội mũ bảo hiểm cho con, người phụ nữ xuống xe năn nỉ rồi bật khóc. Tưởng chú cảnh sát làm gì mẹ, đứa con cũng khóc theo, cảnh sát chỉ biết lắc đầu.

Đó là tình huống mà anh Trần Lê Phong (công an Q.12, TPHCM) và nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) khác thường xuyên gặp phải khi xử lý vi phạm trẻ ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Quy định có - khó xử phạt
Anh Phong kể, gặp các ông bố đỡ nhì nhèo hơn nhưng phần lớn các chị mới là người đưa đón con đến trường. Các bà mẹ dùng đủ chiêu để năn nỉ CSGT, nếu hai bên lời qua tiếng lại nói về sự việc cũng dở vì đứa trẻ có thể có ấn tượng không hay, không đúng về CSGT và lẫn cả người mẹ. 
“Nếu xử phạt nhanh cũng mất 10 - 15 phút nhưng trẻ đang vội đến trường, mình làm sao giữ lại?. Việc xử lý vi phạm trẻ em không đội MBH khi ngồi xe máy rất khó nên phần lớn, đành nhắc nhở rồi cho đi. Khi tan giờ học may ra còn áp dụng biện pháp xử phạt được nhưng phụ huynh cũng có nhiều lý do lắm”, CSGT này cho hay.
Bị cảnh sát thổi phạt, phụ huynh học sinh lại… “làm trò”

Phụ huynh được bảo vệ an toàn, còn hai đứa con đối diện với nhiều nguy hiểm về an toàn giao thông khi không được đội mũ bảo hiểm. 
Hội nghị tổng kết “Dự án tăng cường thực hiện quy định đội MBH cho trẻ em” 2011 - 2013 tại TPHCM diễn ra vào ngày 16/1 nêu ra con số: Trong 3 giai đoạn thực hiện việc kết hợp giữa tuần tra, kiểm soát và xử phạt của dự án với tổng thời gian gần nửa năm thực hiện ở một số quận huyện (quận 1, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn…) chỉ có trên 4.000 trường hợp phụ huynh không đội MBH cho trẻ bị xử phạt.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên tránh Ban ATGT TPHCM cho hay, tỷ lệ trẻ em không đội MBH rất cao (trước đây chỉ khoảng 22% và sau dự án khoảng 60% trẻ trên 6 tuổi đội MBH) nhưng số trường hợp bị xử phạt lại rất thấp.
Nguyên nhân hàng đầu là luật cho phép xử phạt nhưng phạt không dễ, phụ huynh có đủ lý do để được “bỏ qua”. Khi bị công an bắt lỗi, phụ huynh cùng dùng trẻ để xin xỏ, chỉ cho con cách nói dối đủ kiểu để được tha. 
“Phạt không nổi, nhạy cảm quá. Phụ huynh thì có tâm lý đối phó, CSGT không dám làm căng thì sợ các cháu bị ảnh hưởng, muộn giờ học. Ngành giáo dục đề nghị chúng tôi phạt nặng nhưng thật ra công an chỉ có thể xử lý bằng tình, nhắc nhở là chính với lỗi này”, đại diện Ban ATGT Q. Bình Tân bày tỏ.
Một CSGT ở Q.1 cho rằng, trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về việc trẻ em đội MBH chứ không nên chờ vào việc xử phạt.
“Theo tôi, MBH phải được xem như một dụng cụ học tập của trẻ, nhà trường nên bố trí chỗ để. Còn để phụ huynh giữ thì có lúc họ tiện đường đón hoặc nhờ người khác đón con thì lại không mang theo mũ”, người này đề xuất.
Giáo dục chờ phạt nghiêm
Nhiều trường học TPHCM đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ATGT, trong đó tập trung nhiều vào nội dung trẻ em cũng phải đội MBH. Cái khó là việc trẻ em đội MBH hay không lại là do bố mẹ, chứ không phải ở bản thân các em, nhất là ở bậc tiểu học. Bên cạnh học sinh, đối tượng giáo dục còn là phụ huynh.
Trong khi, nhiều phụ huynh chủ quan hoặc quá tự tin vào tay lái của mình, tin rằng mình hoàn toàn bảo vệ được con nếu xảy ra sự cố mà “bỏ qua” việc chấp hành luật lệ, cùng trẻ đối phó quy định.
Trái ngược là khi CSGT kêu khó xử phạt thì nhiều lãnh đạo ngành giáo dục lại đề nghị phạt thật nặng phụ huynh không đội mũ cho con. Đại diện Q.9 còn đề xuất áp dụng mức phạt cao nhất của vi phạm không đội MBH cho con (200.000 đồng) thì mới hỗ trợ được việc giáo dục, tuyên truyền.
Bị cảnh sát thổi phạt, phụ huynh học sinh lại… “làm trò”

Ngành giáo dục đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền về đội mũ cho học sinh, nhưng kẹt ở chỗ người vi phạm lỗi này là ở phụ huynh. Trong ảnh: Học sinh TPHCM tham gia Ngày hội đội mũ bảo hiểm.
Ông Trần Khắc Huy (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, việc giáo dục trong nhà trường rất cần thiết. Nhiều trường tổ chức tuyên truyền đội MBH cho trẻ đến phụ huynh thông qua các buổi họp đầu năm, ký cam kết đội mũ cho con, đưa nội dung này vào lễ khai giảng, thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm… Sở cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp, trường nào chậm được khắc phục, nhiều học sinh không đội MBH sẽ bị nhắc nhở và đưa vào xét thi đua.
Tuy nhiên, ông Huy cũng tha thiết cho rằng việc để tuyên truyền đạt hiệu quả thì cần phải kết hợp chặt với việc xử phạt nghiêm từ CSGT, còn chỉ chờ vào giáo dục thì không ổn vì trường học không thể xử phạt phụ huynh. 
Câu chuyện chiếc MBH của trẻ em được bàn từ lâu, đến giờ ngành công an và ngành giáo dục vẫn không hết vướng, giữa giáo dục và xử phạt đều “kẹt”. Trong việc này, đối tượng quan trọng nhất là cha mẹ học sinh lại là người lơ là, chủ quan đối với tính mạng của con mình. Không ít phụ huynh đang đòi hỏi đủ thứ ở nhà trường nhưng có những việc trong khả năng có thể làm cho con thì họ lại đứng ngoài cuộc.
Bên cạnh sự an toàn, điều đáng ngại là các em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lối sống không chấp hành pháp luật, cố tình vi phạm từ chính bố mẹ mình. Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng như hình thành nhận thức, suy nghĩ cho đứa trẻ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. 

Những tiêu chuẩn bắt buộc để được dự thi vào các trường khối Công an

Hạnh kiểm từ loại khá trở lên, các môn thi phải đạt từ 6 điểm trở lên, không có dị hình, dị dạng, đối với nam chiều cao phải từ 1,64m trở lên, đối với nữ, chiều cao phải từ 1,58m trở lên… mới được dự thi vào các trường ĐH,CĐ khối công an.

Tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa kiểm tra học lực, sức khỏe, năng khiếu, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức của người dự tuyển theo quy định riêng của Bộ Công an với kết quả thi tuyển, cử tuyển, xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và quy định của Bộ Công an.

Mỗi năm ngành công an chỉ tuyển 10 -15% nữ.

Mỗi năm ngành công an chỉ tuyển 10 -15% nữ.

Đối tượng và điều kiện đăng ký dự thi: Học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi đăng ký sơ tuyển, là Đảng viên hoặc Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Công dân hoàn thành phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân hoặc hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong Quân đội nhân dân được dự thi thêm một lần trong thời gian mười hai tháng kể từ ngày có quyết định xuất ngũ.
Đối tượng thuộc diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Học sinh đã tốt nghiệp THPT đủ điều kiện thuộc diện tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào ĐH,CĐ theo quy định hàng năm của Bộ GD-ĐT phải đạt yêu cầu sơ tuyển theo quy định của Bộ Công an.
Điều kiện đăng ký dự thi: Phải tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu về hạnh kiểm từ loại khá trở lên theo hình thức giáo dục chính quy hoặc thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề phải tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu quy định của Bộ GD-ĐT.
Trong những năm học phổ thông đạt học lực từ trung bình trở lên, trong đó ba môn thuộc khối đăng ký dự thi vào các trường Công an nhân dân phải đạt từ 6,0 điểm trở lên; riêng đối với học sinh ở các vùng KV1, học sinh người dân tộc thiểu số, công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đạt từ 5,0 điểm trở lên.
Về đội tuổi: Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an trong biên chế, không quá 30 tuổi (tính đến năm dự thi).
Đối với học sinh, không quá 20 tuổi; riêng học sinh là người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi (tính đến năm dự thi).
Về tiêu chuẩn sức khỏe: Người dự thi không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; thể hình, thể trạng cân đối; không có dị hình, dị dạng.
Đối với nam về chiều cao từ 1,64m đến 1,80m và cân nặng từ 45kg đến 75 kg. Đối với nữ, về chiều cao từ 1,58m đến 1,75m và cân nặng từ 45 kg đến 60kg.
Đối với học sinh vùng KV1, là học sinh dân tộc thiểu số theo từng giới được hạ thấp 2 cm về chiều cao và 2 kg cân nặng.
Thi tuyển: Trong một năm, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự thi vào một ngành học ở trường. Việc tổ chức thi tuyển vào từng ngành học ở từng trường được thực hiện theo hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Bộ Công an.
Việc tuyển sinh đối với nữ học sinh vào các trường Công an nhân dân được xác định chỉ tiêu riêng với tỷ lệ từ 10 - 15% trên tổng chỉ tiêu đào tạo của từng ngành học và từng trường.

ĐH Ngoại thương hỗ trợ tiền Tết cho sinh viên nghèo học giỏi

Sáng 17/1, Ban giám hiệu và Đoàn thanh niên ĐH Ngoại thương tổ chức trao phần thưởng hỗ trợ sinh viên nghèo đón Tết Giáp Ngọ 2014. Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đây là hoạt động nhằm khích lệ cho các sinh viên vượt khó có thành tích tốt trong học tập.

Năm nay, ĐH Ngoại thương đã hỗ trợ cho 49 sinh viên (SV) nghèo vượt khó (gồm 46 SV ở cơ sở Hà Nội và 3 sinh viên ở cơ sở Quảng Ninh). Mỗi suất hỗ trợ trị giá bằng tiền mặt là 1 triệu đồng. Tất cả các SV được nhận hỗ trợ đều học hệ chính quy, có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt). Riêng SV năm thứ 2, 3 , 4 phải có kết quả học tập năm học 2012 - 2013 từ 7,0 trở lên.
Theo Giáo sư Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, mặc dù năm nay điều kiện kinh tế nói chung khá khó khăn nhưng nhà trường vẫn cố gắng dùng ngân sách trong các khoản thu để hỗ trợ các SV nghèo học giỏi. Nhiều năm nay ĐH Ngoại thương vẫn luôn có chính sách dành cho SV vùng sâu, vùng xa, diện gia đình khó khăn, sinh viên thuộc diện chính sách… Quan điểm của ĐH Ngoại thương là không để SV phải bỏ học do khó khăn về kinh tế.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội trao quà tết cho các sinh viên nghèo

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội trao quà tết cho các sinh viên nghèovượt giỏi.
“Món quà tuy không nhiều nhưng đó là sự quan tâm của nhà trường đối với SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhằm khích lệ, động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập” - GS Hoàng Văn Châu chia sẻ.
Nhận được món quà trước thềm Tết Nguyên đán, SV Nguyễn Thị Hà - K51 xúc động chia sẻ: “Các bạn nhận phần thưởng của nhà trường trong dịp tết này đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập để không thua bạn bè có điều kiện tốt hơn. Sự quan tâm hỗ trợ của thầy cô, bạn bè không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần để cố gắng học tập vươn lên”.
Trước đó, vào ngày 14/1, đoàn đại biểu Trường ĐH Ngoại thương do GS.TS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng nhà trường dẫn đầu cùng với đại diện công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường ĐH Ngoại Thương đã đến thăm và tặng quà trị giá 60 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Cảnh Dương, Trường tiểu học Quảng Liên (thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Đây là số tiền do cán bộ, giáo viên và SV nhà trường quyên góp để giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng của bão lũ năm 2013.

Thầy trò Trường tiểu học Quảng Liên nhận quà Tết của cán bộ tập thể
Thầy trò Trường tiểu học Quảng Liên nhận quà Tết của cán bộ tập thể ĐH Ngoại thương.

Vẫn băn khoăn về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp

Sáng 17/1, Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện sơ kết học kỳ I và thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 cấp THPT. Tại buổi sơ kết này, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức thu thập ý kiến đóng góp về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT.

Mẫu thu thập ý kiến đóng góp được chia thành các mục nhỏ để các trường đóng góp với phương thức đồng ý hoặc không đồng ý. Lựa chọn phương thức nào thì Hiệu trưởng các trường cũng đều phải đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá và lý do. Những ý kiến đóng góp sẽ được Sở GD-ĐT Hà Nội tổng hợp và họp bàn với một số trường THPT trước khi chuyển lên Bộ GD-ĐT.
Đồng thuận nhưng vẫn còn băn khoăn
Mặc dù không có tham luận trực tiếp tại buổi sơ kết về bản dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT nhưng chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hiệu trưởng nhiều trường đều bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương mới này. Song bên cạnh đó, vẫn còn những có những băn khoăn và mong muốn sẽ được điều chỉnh tối ưu hơn.
Thầy Tô Minh Tiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Tùng Mậu bộc bạch: “Tôi đánh giá cao đổi mới về thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Với cách làm này sẽ giảm áp ứng cho học sinh và tiết kiệm được chi phí tổ chức kì thi. Điều tôi còn băn khoăn nhất đó là nên chăng đưa môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn”.
Cũng theo thầy Tiếp, nếu Ngoại ngữ chỉ lấy điểm khuyến khích sẽ không khác nhiều môn thi nghề khác để học sinh học lấy điểm cộng thi tốt nghiệp. Do đó, cần đưa môn này vào các môn thi tự chọn để học sinh, nhà trường phải cố gắng hơn trong dạy và học. Môn Ngoại ngữ cũng nên chuyển sang hình thức thi tự luận. Hiện nay với việc thi hoàn toàn bằng trắc nghiệm thì dẫn đến nhiều học sinh sẽ chỉ tích bừa.
Hiệu trưởng của một trường THPT thuộc địa bàn huyện Thạch Thất bày tỏ: “Với việc cho học sinh chọn hai môn đồng nghĩa với việc phải làm đề thi cho cả 8 môn. Bên cạnh đó cách bố trí để phát đề thi ứng với sự lựa chọn của học sinh sẽ gặp nhiều phức tạp, khâu bảo mật đề thi cũng là vấn đề đáng để quan tâm”.
 
Thí sinh ĐBSCL hoàn thành môn Địa lý

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Ngoài những yếu tố về kỹ thuật, hiệu trưởng nhiều trường cũng bày tỏ sự lo lắng về tỷ lệ miễn thi cho các địa phương. Hiện nay với việc chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất ở các vùng miền là khác nhau nên nếu cào bằng tỷ lệ này ở các địa phương là rất nguy hiểm.
“Việc ra đề kiểm tra đánh giá học sinh ở mỗi trường là khác nhau. Chính vì thế chất lượng chưa chắc đã phản ánh hết được năng lực của học sinh. Nếu làm không khéo rất dễ phát sinh tiêu cực” - một hiệu trưởng tâm sự.
Khi tiếp nhận được những ý kiến lo lắng về việc cho học sinh lựa chọn 2 môn dẫn đến khâu tổ chức thi khó khăn, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Đối với giáo viên phổ thông thì đây là điều mới nên thấy lo lắng còn với những trường ĐH thì lại thấy rất bình thường. Có nhiều cách giải quyết khâu này. Chẳng hạn như, trong Hội đồng thi xác định sự lựa chọn của HS sau đó lọc tách ra từng môn và đánh số báo danh sau đó xếp phòng thi”.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì lại cho rằng, không nên lo lắng về phát sinh tiêu cực trong việc miễn thi. Việc chúng ta giao tỷ lệ học sinh được miễn thi tốt nghiệp cho các trường sẽ làm cho công tác đánh giá khách quan hơn. Nếu muốn xét được đúng thì bắt buộc việc đánh giá trong quá trình học phải đúng, nghĩa là phải xếp được anh hơn, anh kém. Chính điều này sẽ thúc đẩy việc kiểm tra đánh giá phải nghiêm túc. Điều này đồng nghĩa, nhà trường buộc phải chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá chính xác bởi nếu không thì ngay trong nội bộ sẽ có thắc mắc. Như vậy vai trò giám sát của học sinh, phụ huynh, giáo viên của Hiệu trưởng nhà trường sẽ cao hơn.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các phương án miễn thi sẽ do các địa phương chủ động dựa trên hướng dẫn chung của Bộ, đó là hành lang pháp lí phải theo. Các Sở GD-ĐT gửi phương án để Bộ GD-ĐT giám sát, góp ý, Bộ không phải phê duyệt phương án cụ thể của từng địa phương.
Hà Nội sẽ không cào bằng tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp
Trong bảng thu thập ý kiến đóng góp về bản dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội đưa ra hai phương án về lựa chọn miễn thi tốt nghiệp THPT. Phương án là tùy thuộc vào điều kiện từng trường, giao tỷ lệ cụ thể cho từng trường theo các tiêu chí: Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; kết quả học tập, rèn luyện của học sinh… Phương án 2 đó là giao tỷ lệ miễn thi cho mỗi trường tối đa 20%.
Theo ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội thì dù theo phương án nào thì Hà Nội sẽ không cao bằng tỷ lệ miễn thi.
“Tỷ lệ 20% sẽ là tỷ lệ của TP chứ không phải tỷ lệ của từng trường và Sở GD-ĐT sẽ phải thành lập hội đồng xét duyệt danh sách này. Như vậy, chắc chắn sẽ có những trường có rất đông HS nằm trong đối tượng được miễn thi nhưng có không ít trường sẽ không có HS nào cả” - ông Hoan cho biết.
Cũng theo tính toán của ông Hoan, nếu Bộ GD-ĐT đồng ý tổ chức thi theo phương án 4 môn thì với gần 100.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT hàng năm Hà Nội sẽ có khoảng 20.000 học sinh được miễn thi nếu thành phố xác định tỷ lệ là 20%. Nếu chỉ xét về số HS giỏi thì HS của Hà Nội có lẽ sẽ vượt con số này nên buộc phải kèm theo những tiêu chí ưu tiên khác với ưu tiên số 1 sẽ là HS có học lực giỏi 3 năm THPT cộng thêm giải cấp TP các môn văn hóa, cũng như các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, con em các gia đình chính sách...
Ông Hoan cũng cho rằng, trong kỳ thi, những em giỏi thường trở thành người mà một số em học lực yếu hơn dựa dẫm quay cóp. Nếu miễn thi cho những em học giỏi, các phòng thi sẽ mất đi những “hạt nhân” nòng cốt bắt buộc học sinh khác phải học. Bên cạnh đó, việc miễn thi này còn giúp cho nhà nước giảm chi phí tổ chức thi.

 

ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức sơ tuyển trước khi thi đại học

Tuyển sinh 2014, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức đợt sơ tuyển trước kỳ thi đại học “3 chung” nhằm giảm tỉ lệ thí sinh ảo, giảm thí sinh dự thi vào trường và giúp thí sinh đỡ tốn kém khi đăng ký dự thi.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 17/1, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Tuyển sinh năm 2014, trường vẫn tổ chức theo phương án “3 chung”. Tuy nhiên, có điểm mới so với các năm trước là trường tổ chức sơ tuyển trước kỳ thi để nhằm mục đích giảm tỉ lệ thí sinh “ảo”, giúp trường tổ chức kỳ thi gọn nhẹ và giúp thí sinh có học lực yếu hơn đăng ký nộp hồ sơ thi vào trường khác đỡ tốn kém. Ví dụ, tuyển sinh năm 2013, trường có hơn 19.000 hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi đó chỉ tiêu vào trường có 5.600 chỉ tiêu vào đại học. Kỳ sơ tuyển này chính là “bộ lọc” lượng thí sinh vào trường năm nay. Trường dự kiến kỳ sơ tuyển này sẽ tuyển khoảng 12.000 chỉ tiêu. Năm nay, chỉ tiêu của trường dự kiến giữ nguyên như năm 2013”.
Về phương thức sơ tuyển vào trường, ông Sơn cho biết, dựa trên tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi ở 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với thí sinh tốt nghiệp các năm trước), lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Thí sinh được hướng dẫn đăng ký sơ tuyển trên trang web tuyển sinh của trường là: ts.hust.edu.vn. Mỗi thí sinh sẽ được tự động cấp mã số cá nhân trên để đăng nhập, kiểm tra các thông tin đăng ký dự thi. Để tạo điều kiện cho các thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa không có điều kiện truy cập mạng, trường sẽ có hướng dẫn để thí sinh có thể gửi đăng ký sơ tuyển qua đường bưu điện.
Thời gian sơ tuyển bắt đầu từ ngày 24/2/2014 đến 15/3/2014. Kết quả sơ tuyển sẽ được công bố trong ngày 17/3/2014, những thí sinh đạt vòng sơ tuyển sẽ làm hồ sơ dự thi đại học bình thường theo quy định của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn lưu ý: “Thí sinh tham dự sơ tuyển cần khai đúng với kết quả điểm của mình vì sau đó nhà trường có biện pháp hậu kiểm. Bởi khi nhập học, học sinh cần phải có xác nhận của nhà trường về 5 học kỳ của mình. Nếu thí sinh nào khai man nhà trường sẽ loại ngay. Mục đích việc làm này để giúp các em cân nhắc khi lựa chọn trường thi”.
Thí sinh có thể tham khảo những ngành học, mã ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội:
Tên trường
Ngành học
Mã ngành
Khối thi
Tổng chỉ tiêu (dự kiến)
Ghi chú
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI (BKA)
5.600
- Trường tổ chức thi 2 đợt theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, vùng tuyển từ Thừa Thiên Huế trở ra ngoài Bắc: đợt 1 thi khối A và A1, đợt 2 thi khối D1.
- Trường chỉ tuyển sinh trình độ đại học, không tuyển sinh cao đẳng.
- Trường không nhận hồ sơ của thí sinh dự thi nhờ.
- Trường có điểm chuẩn chung vào trường cho mỗi khối thi, trên cơ sở đó xác định điểm chuẩn của từng nhóm ngành. Thí sinh không đạt điểm chuẩn của nhóm ngành nhưng đạt điểm sàn vào trường được xếp vào nhóm ngành còn chỉ tiêu theo nguyện vọng đăng ký bổ sung.
- Các chương trình kỹ sư tài năng (Cơ điện tử, Công nghệ thông tin, Điện tử-Viễn thông, Điều khiển tự động, Hữu cơ-Hóa dầu, Toán-Tin và Vật lý kỹ thuật) và kỹ sư chất lượng cao (Cơ khí hàng không, Hệ thống thông tin và truyền thông, Tin học công nghiệp, Hệ thống điện và năng lượng tái tạo) tổ chức thi tuyển 2 môn Toán-Lý cho các thí sinh đã trúng tuyển vào trường.
- Các chương trình đào tạo tiên tiến (Điện-Điện tử, Cơ điện tử, KH&CN Vật liệu, Kỹ thuật Y sinh), chương trình CNTT&TT Việt-Nhật xét tuyển cho thí sinh trúng tuyển vào trường căn cứ điểm thi đại học và điểm kiểm tra tiếng Anh đầu vào.
- Đối với các ngành thuộc Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Kỹ thuật sinh học, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm), ngoài tổ chức thi khối A như các ngành khác, Trường còn tổ chức xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho các thí sinh đăng ký dự thi khối B vào các trường khác (sẽ có thông báo cụ thể sau); trường không tổ chức thi khối B.
- Ngành Ngôn ngữ Anh tính môn tiếng Anh hệ số 2, điểm chuẩn xét tuyển theo 2 chương trình:
+ Chương trình Tiếng Anh khoa học kỹ thuật và công nghệ
+ Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (Cử nhân song bằng)
- Các chương trình thuộc Viện Đào tạo Quốc tế xét tuyển theo phương thức riêng, chi tiết xem trên trang Web:www.sie.vn.
Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869.2104
Các ngành đào tạo đại học
5.600
Nhóm ngành Cơ khí-Cơ điện tử-Nhiệt lạnh
1.300
Cơ kỹ thuật
D520101
A,A1
Kỹ thuật cơ điện tử
D520114
A,A1
Kỹ thuật cơ khí
D520103
A,A1
Kỹ thuật hàng không
D520120
A,A1
Kỹ thuật tàu thủy
D520122
A,A1
Kỹ thuật nhiệt
D520115
A,A1
Công nghệ chế tạo máy
D510202
A,A1
Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử
D510203
A,A1
Công nghệ kỹ thuật ô tô
D510205
A,A1
Nhóm ngành Điện-Điện tử-CNTT-Toán tin
2.000
Kỹ thuật điện, điện tử
D520201
A,A1
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
D520216
A,A1
Kỹ thuật điện tử, truyền thông
D520207
A,A1
Kỹ thuật y sinh
D520212
A,A1
Kỹ thuật máy tính
D520214
A,A1
Truyền thông và mạng máy tính
D480102
A,A1
Khoa học máy tính
D480101
A,A1
Kỹ thuật phần mềm
D480103
A,A1
Hệ thống thông tin
D480104
A,A1
Toán - Tin ứng dụng
D460112
A,A1
Công nghệ thông tin
D480201
A,A1
Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
D510303
A,A1
Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông
D510302
A,A1
Nhóm ngành Hóa-Sinh-Thực phẩm-Môi trường
900
Kỹ thuật hóa học
D520301
A
Hóa học
D440112
A
Xuất bản (Kỹ thuật in và truyền thông)
D320401
A
Kỹ thuật sinh học
D420202
A,B
Kỹ thuật môi trường
D520320
A
Công nghệ kỹ thuật hoá học
D510401
A
Công nghệ sinh học
D420201
A,B
Công nghệ thực phẩm
D540101
A,B
Nhóm ngành Vật liệu-Dệt may-Sư phạm KT
320
Kỹ thuật vật liệu
D520309
A,A1
Kỹ thuật vật liệu kim loại
D520310
A,A1
Kỹ thuật dệt
D540201
A,A1
Công nghệ may
D540204
A,A1
Công nghệ da giầy
D540206
A,A1
Sư phạm kỹ thuật công nghiệp
D140214
A,A1
Nhóm ngành Vật lý kỹ thuật-Kỹ thuật hạt nhân
160
Vật lý kỹ thuật
D520401
A,A1
Kỹ thuật hạt nhân
D520402
A,A1
Nhóm ngành Kinh tế-Quản lý
340
Quản trị kinh doanh
D340101
A,A1,D1
Kinh tế công nghiệp
D510604
A,A1,D1
Quản lý công nghiệp
D510601
A,A1,D1
Tài chính - Ngân hàng
D340201
A,A1,D1
Kế toán
D340301
A,A1,D1
Nhóm ngành Ngoại ngữ
180
Ngôn ngữ Anh
D220201
D1
Các chương trình thuộc Viện Đào tạo Quốc tế
400
Kỹ thuật cơ điện tử
D520114
A,A1
Kỹ thuật điện tử, truyền thông
D520207
A,A1
Công nghệ thông tin
D480201
A,A1
Khoa học máy tính
D480101
A,A1
Quản trị kinh doanh
D340101
A,A1,
D1,D3