Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Không có lý do bỏ thi tốt nghiệp THPT

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: Sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT, rõ ràng trách nhiệm thuộc về địa phương. Họ phải cố gắng đảm bảo công bằng trong nội bộ. Khi ấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa các tỉnh không còn là vấn đề quan trọng.

Thi tốt nghiệp THPT

Bỏ thi tốt nghiệp, học sinh khỏi lo học hành, phụ huynh không phải lo lắng, nhưng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, “nuông chiều con trẻ” như vậy sẽ cho ra đời những thế hệ trình độ yếu kém.
Tính đến thời điểm này, cả nước có hơn 50 tỉnh thành công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2013. Theo kết quả sơ bộ từ Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT trên toàn quốc là 97,52%.
Đặc biệt, trường THPT Quang Trung (Hà Nội ) – nơi xuất hiện hình ảnh vi phạm quy chế thi, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp là 99%. Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần đạt mức tuyệt đối 100% trong khi tiêu cực thi cử vẫn tiếp diễn, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT để tiết kiệm công sức, tiền bạc, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại việc bỏ thi tốt nghiệp THPT gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, người gắn bó nhiều năm trong ngành giáo dục, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII.
Thưa ông, từ thực tế kết quả thi, cùng tình trạng tiêu cực thi cử vẫn còn tồn tại, có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quan điểm của ông về vấn đề như thế nào?
Kết quả thi tốt nghiệp cao ngất ngưởng như vậy không phản ánh đúng thực chất nền giáo dục. Nhưng vì thế chúng ta bỏ kỳ thi càng làm chất lượng giáo dục kém hơn.
Tôi cho rằng không có lý do gì để bỏ thi tốt nghiệp THPT. Dư luận cũng không nên đặt ra vấn đề này nữa.
Mục đích tổ chức thi nhằm kiểm tra kiến thức học sinh. Ngành giáo dục tự đánh giá công tác đào tạo của mình. Trên thực tế, chúng ta đã bỏ hai kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS. Suốt 12 năm học, học sinh chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bỏ tiếp kỳ thi này, dễ dẫn đến tình trạng học sinh chủ quan, thờ ơ với chuyện học hành.
Theo ông, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH gần nhau liệu có gây áp lực quá lớn với học sinh hay không?
Tôi cho rằng tổ chức hai kỳ thi quan trọng cách nhau 1 tháng như hiện nay là hợp lý. Bởi không phải tất cả học sinh đều thi đại học, nhiều học sinh đi học nghề hoặc đi làm. Đối với học sinh tiếp tục thi đại học, cần coi đây như thử thách đầu tiên phải vượt qua trên con đường học vấn.
Ông đánh giá như thế nào về cái được và mất khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Nếu Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn nhiều người đồng tình hưởng ứng. Bỏ thi tốt nghiệp, học sinh khỏi lo học hành, phụ huynh không phải lo lắng, xót con ôn thi vất vả. Ai đi học cũng cầm được một tấm bằng tốt nghiệp.
Nhưng tôi chưa hình dung được nguồn nhân lực tương lai của đất nước ra sao. Mô hình giáo dục nuông chiều con trẻ như vậy sẽ cho ra đời những thế hệ trình độ yếu kém.
Vậy theo ông, tổ chức kỳ thi như thế nào thì hợp lý?
Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia quá nặng nề, tốn kém tiền bạc. Nên giao kỳ thi tốt nghiệp cho các sở GD-ĐT, họ sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn. Cấp bộ đứng ra lo, địa phương đẩy hết trách nhiệm lên trên. Kinh nghiệm cho thấy khi xảy ra tiêu cực tại cơ sở,  gần như  sở GD-ĐT khoanh tay đứng nhìn”.
Sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT, rõ ràng trách nhiệm thuộc về địa phương. Họ phải cố gắng đảm bảo công bằng trong nội bộ. Khi ấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa các tỉnh không còn là vấn đề quan trọng.
Bộ GD-ĐT sẽ “rảnh tay ” tập trung vào nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng và kiểm tra. Nếu cấp bộ làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì mới có thể trả lại đúng thực chất kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét