Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Một tỉnh có 90% giáo viên Ngoại ngữ chưa đạt chuẩn

Trình độ và năng lực giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học chưa đạt chuẩn là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ khi thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Theo ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, năm 2014, cả nước có 31 trường đại học, cao đẳng địa phương được cấp ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia cho Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu, sinh viên chuyên ngữ năm học 2014 – 2015 hệ cao đẳng đạt trình độ bậc 4/B2, hệ đại học đạt trình độ bậc 5/C1 khi ra trường. Đối với sinh viên không chuyên ngữ, phải đạt trình độ tiếng Anh bậc 3/B1 sau khi tốt nghiệp.
Tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014 khối địa phương, đa phần ý kiến các đại biểu cho rằng, số lượng và chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay chưa đạt chuẩn. Lý giải việc này, Phó trưởng ban thường trực đề án Vũ Thị Tú Anh nhận định, chế độ đãi ngộ với giáo viên thấp do tiếng Anh chưa phải môn học bắt buộc ở tiểu học. Nhiều trường tiểu học phải tuyển giáo viên dạy tiếng Anh cấp trung học cơ sở dẫn tới hiệu quả đào không cao.
Về trình độ giáo viên tiếng Anh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương chia sẻ: Việc nâng cao trình độ chất lượng giáo viên hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tại Hải Dương, giáo viên tiểu học đạt chuẩn tiếng Anh chiếm 26%, trung học cơ sở 52%, trung học phổ thông 31%. Có người bồi dưỡng nhiều lần nhưng chưa đạt. “Những giáo viên lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn phải chịu sức ép lớn, có thể mất việc bất cứ lúc nào do không đảm bảo được công tác dạy và học”, vị này chia sẻ thêm.

Một tỉnh có 90% giáo viên Ngoại ngữ chưa đạt chuẩn - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị sáng 15/4

Bàn về chất lượng dạy và học tiếng Anh từ cấp tiểu học, ông Đoàn Văn Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn nhận định: Dạy học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm (bắt đầu từ năm lớp 3) rất khó khăn. Trong cùng một tỉnh, có thể xảy ra trường hợp, số lượng các trường tiểu học đạt chuẩn theo Đề án nhưng cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lại không đạt do đội ngũ giáo viên thiếu và yếu. “Hơn 90% giáo viên dạy tiếng Anh tại Bắc Kạn không đáp ứng được yêu cầu. Sau các đợt tập huấn, trình độ tăng dần nhưng do xuất phát điểm thấp nên còn gặp nhiều khó khăn. Hiện có 15 giáo viên đạt chuẩn theo đúng quy định của Bộ đề ra.” ông Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo: “Cần phải nghiêm túc, trung thực nhìn nhận yếu kém và tìm cách khắc phục. Kinh phí thiếu có thể huy động các nguồn thu trong và ngoài nước. Không nên để tình trạng mua thiết bị về đắp chiếu để hỏng hóc, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận”.
Cũng tại hội nghị, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện đề án. Trong đó có những giải pháp nhận được nhiều sự đồng tình như đưa giáo viên đi bồi dưỡng tại nước ngoài, nâng số tiết dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học, trau dồi kĩ năng giao tiếp cho giáo viên qua các buổi hội thảo, sinh hoạt ngoại khóa.

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc

Lên án hiện tượng học thuê, thi hộ ở bậc đại học, lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng có thể giao cơ quan chức năng xử lý hình sự nếu sự việc nghiêm trọng.

Khampha.vn vừa thực hiện loạt bài phóng sự điều tra nhập vai về hiện trượng sinh viên bỏ tiền thuê người học hộ, thi hộ đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đáng chú ý là, hiện tượng tiêu cực này xảy ra ở nhiều trường đại học danh tiếng.
Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 1
Thứ trưởng Trần Quang Quý
Thứ trưởng Trần Quang Quý đã đưa ra quan điểm của Bộ Giáo dục & Đào tạo về sự việc này trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Thưa ông, điều tra của chúng tôi về hiện tượng học thuê, thi hộ trong sinh viên cho thấy, nhiều sinh viên ở các trường đại học lớn không đi học mà bỏ 30-50 nghìn đồng để thuê người học hộ và bỏ 400 nghìn ra để thuê người khác thi hộ. Nghĩa là, họ chỉ cần bỏ ra một đến 2 triệu đồng là đã có một môn học đạt điểm tốt? Quan điểm của Bộ GD & ĐT về vấn đề này thế nào?
Thứ trưởng Trần Quang Quý: Qua báo chí và các nguồn phản ánh khác, chúng tôi thấy có hiện tượng sinh viên nhờ người khác học hộ, thi hộ. Chúng tôi cho rằng đây là hành động đáng lên án.
Nhờ người học hộ, thi hộ nghĩa là vay mượn kiến thức của người khác để tiến thân. Hành động này có thể so sánh giống như “ăn cắp để tiến thân”. Trong suốt cuộc đời người đó như mang bên mình “án treo”, sau này bị tố cáo, điều tra phát hiện ra thì coi như sự nghiệp tan vỡ. Như vậy cuộc đời của người đó không bao giờ thanh thản.
Ngoài ra, người bỏ tiền thuê người khác thi hộ, học hộ nghĩa là không có kiến thức, sau này có thể tốt nghệp ra trường nhưng sẽ không làm được việc. Chúng tôi khuyên các bạn sinh viên không nên có hành động nhờ người học hộ, thi hộ.
Bộ GD&ĐT sẽ xử lý hành động học hộ, thi hộ như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Quang Quý: Trong các quy chế về học sinh, sinh viên của Bộ GD & ĐT nêu rõ: Học sinh, sinh viên học hộ hay nhờ người khác học hộ sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học.
Những người thi, kiểm tra hộ, hoặc nhờ làm hộ, sao chép tiểu luận khóa luận sẽ bị đình chỉ 1 năm học nếu vi phạm một lần, buộc thôi học nếu tái phạm. Nếu tổ chức học hộ, thi hộ, làm hộ khóa luận tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học, trường hợp nghiêm trọng có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 2

Sinh viên N.T.T và bạn gái (bên trái) thuê người thi hộ môn Đồ họa kỹ thuật cơ bản (Ảnh chụp tại căng tin Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 13/3)

Các chuyên gia về giáo dục đào tạo cho rằng, học theo hình thức tín chỉ là học theo chương trình của từng cá nhân, nên ngay trong một lớp, có thể sinh viên không biết hết nhau. Sinh viên lợi dụng đặc điểm “không biết mặt nhau” này để có thể thuê người trà trộn vào lớp học hộ. Theo ông, đây có thể xem là nhược điểm chung của đào tạo tín chỉ?
Thứ trưởng Trần Quang Quý: Giáo dục hiện nay cần phải phát triển con người toàn diện, thậm chí rút ngắn thời gian học cho những bạn học giỏi... Có thể thấy, học theo hình thức tín chỉ phát huy được phẩm chất, năng lực của người học, làm người học rút ngắn thời gian học tập, nghĩa là làm ra được của cải xã hội nhiều hơn. Hình thức đào tạo tín chỉ có điểm mạnh như vậy.
Tuy nhiên, đào tạo theo tín chỉ cũng có nhược điểm, làm cho công tác quản lý sinh viên khó khăn. Ví dụ như tổ chức lớp học truyền thống bị phá vỡ, việc sinh hoạt đoàn, hội trong nhà trường khó khăn.
Khâu tổ chức quản lý hình thức học này còn có nhiều vấn đề cần được bàn bạc để có giải pháp tốt hơn. Về việc này, Trung ương Đoàn và các trường đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động, đưa sinh viên vào sinh hoạt tập thể, phát huy năng lực tốt hơn...

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 3

Sinh viên N.T.H rao trên mạng xã hội tìm người đi thi hộ.

Qua tổng hợp ý kiến sinh viên, chúng tôi nhận thấy, một nguyên nhân sinh viên không muốn đến trường là vì“học nhầm lớp”. Vào học ngành mình không yêu thích, đi học nhưng không biết có tương lai sáng sủa không, có việc làm và làm đúng chuyên ngành học không... Thứ trưởng có ý kiến gì về điều này?
Thứ trưởng Trần Quang Quý: Nhiều sinh viên ra trường không có công ăn việc làm, một trong những nguyên nhân xuất phát từ khâu lựa chọn đầu vào không đúng. Trong xã hội có ngành đang “hot” nhưng sau 3,4 năm khi sinh viên ra trường, ngành đó lại bão hòa, không cần lao động.
Do vậy, vấn đề tư vấn tuyển sinh có vai trò quan trọng để thông tin cho các em biết ngành nào đang dư thừa, đang thiếu. Thí dụ, Bộ GD & ĐT đang cảnh báo một số ngành đang dư thừa như ngành ngân hàng, tài chính, kinh doanh... Còn ngành kỹ thuật công nghệ, nông, lâm, ngư... đang thiếu. Hiện nay các trường đều có các phòng tư vấn tuyển sinh, tổ công tác tư vấn, đoàn thanh niên, hội sinh vấn tư vấn, giúp các bạn chọn ngành nghề thích hợp.

 Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 4

Nhiều sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thuê người đi học

Hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc giáo dục kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên rất quan trọng. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường hợp tác qua lại với doanh nghiệp.
Qua hợp tác, doanh nghiệp giúp các em sinh viên có nơi thực tập; doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình, đào tạo; cử kỹ sư trình độ ngành nghề, giảng môn liên quan thực hành, tham gia hướng dẫn sinh viên thực tập; tham gia đánh giá đầu ra sinh viên... Ngược lại, doanh nghiệp có thể được ưu tiên lựa chọn sinh viên xuất sắc để tuyển dụng.
Thưa ông, trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo trước hiện tượng tiêu cực học hộ, thi hộ trong giáo dục đại học như thế nào?
Thứ trưởng Trần Quang Quý: Từ phóng sự điều tra của báo, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hiện tượng này. Nhất là trong bối cảnh sắp đến kỳ thi cuối năm, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng..., chúng tôi nghĩ rằng càng phải sớm chấn chỉnh chuyện này.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, thực tế thì năm nào Bộ GD&ĐT cũng nhắc nhở hiện tượng học hộ, thi hộ. Ví dụ trong quy chế tuyển sinh, trong sinh hoạt ngoại khóa hướng dẫn sinh viên, học sinh đầu năm học bao giờ cũng có cảnh báo và lên án việc học hộ, thi hộ.
Ngoài ra, về phía nhà trường phải có biện pháp quản lý thi cử thật tốt. Như ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sinh viên, làm thẻ điện tử ra vào phòng thi để tránh việc dùng thẻ giả...
Phía người thầy, cũng cần nâng cao trách nhiệm. Ví dụ như theo dõi quá trình học tập của các em, qua đó biết em nào có khả năng học tập tốt, yếu... để có hình thức giúp đỡ sinh viên yếu.
Quan trọng hơn, các bạn sinh viên nên tích cực học tập trau dồi kiến thức, nó là hành trang để xây dựng cuộc sống vững vàng. Nếu cứ đi “vay mượn” kiến thức sẽ không làm được việc, không làm nên sự nghiệp cho bản thân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Loạt bài điều tra của Khám Phá đã chỉ ra sự việc hết sức nghiêm trọng trong giáo dục đại học. Rất nhiều sinh viên ở các trường danh tiếng như: Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Sư phạm Hà Nội… thuê người đi học hộ và thi hộ. Không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, hiện trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều diễn đàn học hộ, thi hộ với số thành viên tham gia lên tới hàng chục ngàn.

Bỏ chấm điểm lớp 1: Vẫn phải kiểm tra cuối năm

“Trong năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, khuyến khích các trường không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Tuy nhiên, đến cuối kỳ, học sinh vẫn phải có điểm ghi ở học bạ để xem xét việc có hoàn thành lớp học hay không”.

Trước một số thông tin từ phụ huynh cho rằng, bỏ chấm điểm đối ở lớp 1 đồng nghĩa với việc học sinh không cần học bạ, đại diện Bộ GD-ĐT đã có phản hồi.
Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2013-2014, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, Bộ có hướng dẫn, khuyến khích các trường không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Như vậy, chỉ khuyến khích bỏ việc chấm điểm lớp 1 trong quá trình giảng dạy, còn đến cuối kỳ các em học sinh vẫn phải có bài kiểm tra để lấy điểm.
“Việc một số người nói rằng bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1 đồng nghĩa với việc không có học bạ, điều này chưa đúng. Đến cuối kỳ, học sinh vẫn phải làm bài kiểm tra để đánh giá quá trình học của các em. Và học bạ của các em vẫn có như bình thường”, bà Thắm nói.
Theo bà Thắm, hiện nay việc ghi điểm, đánh giá cuối năm học đối với học sinh lớp 1 vẫn diễn ra bình thường. Bởi theo thông tư 32 của Bộ GD-ĐT thì học sinh tiểu học chỉ lấy một điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học để  xét việc có hoàn thành lớp học hay không hoàn thành lớp học.

Bỏ chấm điểm lớp 1: Vẫn phải kiểm tra cuối năm - 1

Nhiều trường thực hiện việc bỏ chấm điểm lớp 1, giáo viên chỉ nhận xét vào bài làm của học sinh

Trong quá trình hướng dẫn khuyến khích các trường không chấm điểm đối với học sinh lớp 1, Bộ không bắt buộc mà do các địa phương tự lựa chọn. Do vậy, có tỉnh không chấm điểm với tất cả học sinh lớp 1, có tỉnh chỉ thực hiện đối với những học sinh học theo chương trình đổi mới, một số tỉnh khác vẫn đánh giá xếp loại học sinh tiểu học theo thông tư 32.
Đối với học sinh học theo chuơng trình đổi mới Việt Nam sẽ có hồ sơ đánh giá riêng. Vì học sinh theo mô hình này phải có cách đánh giá khác hơn so với những học sinh đang theo ở các trường công lập.
Trước đó, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 – 2014, Bộ GD-ĐT có khuyến khích đối với lớp 1, giáo viên sẽ không chấm điểm trong suốt kỳ học mà chỉ nhận xét năng lực học tập của học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Ngoài ra, các trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Đặc biệt, các trường thường xuyên đánh giá bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.
Ngày 14/4, trong nội dung hướng dẫn về hồ sơ đánh giá học sinh tiểu học mô hình trường học mới từ năm học 2013 – 2014 gửi giám đốc các sở GD&ĐT, Bộ có đề cập việc bỏ học bạ thay bằng sổ tổng hợp. Theo đó, phiếu đánh giá tổng hợp cuối học kì I, cuối năm học được tập hợp thành sổ tổng hợp đánh giá học sinh mô hình trường học mới Việt Nam (sổ tổng hợp đánh giá). Sổ tổng hợp đánh giá thay thế học bạ của học sinh.
Nhà trường có trách nhiệm bảo quản sổ tổng hợp đánh giá. Học sinh được nhận lại sổ tổng hợp đánh giá khi chuyển trường, chuyển cấp hoặc thôi học.

Thế giới “chế” bằng giả: Tiết lộ gây sốc của ông trùm

Để tường tận cách làm bằng giả, chúng tôi đã tìm gặp một số đối tượng chuyên làm các văn bằng, chứng chỉ. Theo những gì các đối tượng này cho biết thì chỉ cần vài ngày sẽ có bằng, bất cứ bằng gì.

Tuy nhiên, bằng của các trường trực thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM vẫn là một trong những bằng được các đối tượng này khuyến khích làm nhiều nhất. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn tiết lộ nhiều thông tin khiến phóng viên ngỡ ngàng...
"Chúng tôi làm không biết bao nhiêu bằng giả mà kể"
Nói chuyện với Quân (một trong nhiều đường dây quảng cáo làm bằng giả tràn lan trên mạng và có hẳn cả một website) thì được biết, chuyện làm bằng là dễ như "bóc bánh".
Để chủ động gặp Quân, chúng tôi đã đến quán một cafe trên đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3 (TP.HCM) nhằm có những chứng cứ xác thực nhất về việc làm bằng cấp giả của các đối tượng này. Theo sự quan sát của PV, đi cùng đối tượng Quân còn có một cô gái, cả hai chỉ chừng 20 tuổi.
Tuy nhiên, khi tiến hành gặp mặt thì chỉ có Quân, còn cô gái kia lại ngồi cách chúng tôi mấy hàng ghế quan sát. Điều đó cho thấy "cặp đôi" này có tinh thần cảnh giác rất cao trước công việc mờ ám của mình.
Để thuyết phục chúng tôi, Quân nói: "Em vừa mới đi giao mấy cái bằng cho mấy ông cán bộ "cỡ bự" ở một quận X. về. Mấy ông đó làm chức to lắm, nhưng lại không có bằng cấp gì, nên nhờ mình làm giùm". Đi thẳng vào vấn đề, chúng tôi đề nghị cần một tấm bằng trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, loại khá, tốt nghiệp năm 2011.
Không chút ngần ngại, Quân nói: "Chuyện này thì dễ rồi. Anh chỉ cần cung cấp cho em một số thông tin như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán và một tấm ảnh 3x4 là được. Sau khi có những thông tin nói trên, ba ngày sau anh sẽ có bằng".
Rất chuyên nghiệp, chúng tôi chưa kịp ghi lại hướng dẫn này thì Quân đã nhắn các thông tin này vào máy điện thoại của chúng tôi. Không một chút e dè, Quân khoe khoang: "Anh cứ yên tâm khi làm ở chỗ em. Vì bọn này đã từng làm rất nhiều bằng rồi. Trong đó có nhiều ông có chức to lắm. Thậm chí có cả công an nữa"?!

Thế giới “chế” bằng giả: Tiết lộ gây sốc của ông trùm - 1

Đối tượng Quân (trong khoanh tròn) nói với phóng viên là đã từng làm bằng giả cho rất nhiều người.

Để đọc vị thêm những mánh khoé và thủ đoạn cũng như các thông tin về các đường dây làm bằng giả, chúng tôi cũng đã liên hệ với một người tên Phong. Sau lịch hẹn, chúng tôi có mặt tại một quán cafe trên đường Phan Xích Long, Q. Bình Thạnh (TP.HCM).
Trao đổi với chúng tôi, Phong nói sẽ cho một "đàn em" ra tư vấn, nếu được thì cứ cho thông tin rồi Phong sẽ làm cho. Trước khi cúp điện thoại, Phong còn dặn là mang theo một tấm ảnh 3x4 để làm luôn.
Sau hơn một giờ đồng hồ chờ đợi, một người đến và giới thiệu với chúng tôi tên là Tại. Sau màn xã giao, chúng tôi đi thẳng vào vấn đề, đang cần một tấm bằng đại học cho đứa cháu để xin vào một cơ quan Nhà nước. Không ngần ngại, Tại cho biết, chỉ cần anh cho thông tin thì hôm sau sẽ có bằng.
Trong quá trình điều tra, thâm nhập, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi với những kẻ làm bằng giả để thu thập thông tin và đều được Quân và Tại cho biết, số lượng bằng giả mà hai đối tượng này đã làm không biết bao nhiêu mà kể.
Hùng hồn tuyên bố có bảo kê là "người trong ngành"?!
Về mức giá, Tại cho biết, bằng đại học sẽ có giá 8 triệu đồng. Trong khi, trước đó, đối tượng Quân ngã giá với chúng tôi là 7 triệu đồng. Theo như Quân nói thì "đây là giá rẻ nhất Sài Gòn, anh tìm không có nơi nào rẻ hơn đâu".
Thấy chúng tôi "cò cưa", Tại nói: Nếu anh thật tình muốn làm thì bọn em sẽ bớt cho anh 500 ngàn đồng, lấy giá hữu nghị. Để thuyết phục chúng tôi, Tại không ngần ngại mở ra trong điện thoại hàng loạt ảnh chụp lại các văn bằng mời được làm xong cho khách hàng. Trong đó, có rất nhiều bằng của các trường thuộc ĐHQG TP.HCM.
Vì liên quan tới câu chuyện đang bàn, Tại đưa một tấm bằng của trường Đại học KHXHV&NV TP.HCM cho chúng tôi xem. Quả thật, so với một cái bằng thật thì chúng tôi không thể nào phân biệt được đâu là giả, đâu là thật.
Quả thật, khi tiếp xúc với các đối tượng này ở hai hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng tôi thấy, điện thoại của họ liên tục đổ chuông. Và câu chuyện không gì khác là hỏi cách làm bằng, giá cả và hẹn địa điểm gặp mặt trao đổi.
Một điều đáng lưu ý là để thuyết phục khách hàng, các đối tượng này luôn rao là bằng của họ là thật đến 95% và thậm chí lên tới 99%. Quân cho biết: Cái quan trọng nhất của tấm bằng chính là phôi, dấu dập nổi. Ngoài việc thiết kế, chất lượng in ấn ngày càng được cải thiện nhờ máy móc hiện đại thì vấn đề quan trọng phải tính đến chính là phôi bằng.
Quân cho hay, để có phôi thật, bọn này có những "tay chân" ở các trường đại học(?!) Chính vì thế bằng của bọn này rất thật. "Bây giờ anh phải hiểu như thế này, bằng, bảng điểm, học bạ... đều là thật, chỉ có cái giả là anh không học ở trường đó mà thôi", Quân nói. 
Khi chúng tôi hỏi, anh đang còn trẻ lại tốt nghiệp một ngành đang hot: Công nghệ thông tin, sao lại đi làm nghề này. Quân hồn nhiên trả lời, mỗi người một nghề mà, làm gì ra tiền cũng được. Hơn nữa, thấy cái này nhiều người cần nên mình làm.
"Mỗi ngày có rất nhiều người hỏi làm bằng giả vậy tiền để đâu cho hết", chúng tôi hỏi tiếp. Quân "chia sẻ", tính ra vậy chứ không ăn thua nữa anh ơi, vì phải chia cho nhiều khâu. Ví như phải trả tiền cho người đưa phôi ra ngoài, chi phí in ấn, thiết kế... nên cũng còn lại không được nhiều.
Còn Tại "chia sẻ", giá 7,5 triệu đồng là rẻ rồi anh ơi, bọn em cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Ngoài việc mua phôi thì còn phải bỏ ra mua vỏ bằng. Ví như bằng anh cần là của trường đại học  X. bọn em phải bỏ 1,5 triệu đồng để mua lại vỏ này(?!).
Khi chúng tôi đề cập đến chuyện làm bằng y dược, công an, quân đội... để cho "oách" hơn thì các đối tượng này kêu khó làm.
Bên cạnh đó, khi chúng tôi thắc mắc tại sao trong thời buổi các cơ quan quản lý siết chặt các hoạt động quảng cáo, rao vặt cũng như các cơ quan an ninh có thể dễ dàng tóm cổ các đối tượng làm bằng giả, thì các đối tượng này cho biết, có bảo kê" là người "trong ngành"?! Chính vì thế bọn này mới làm được chứ không thì bị dẹp lâu rồi.
Lời tuyên bố hùng hồn này xem ra cũng chỉ để "chém gió", nhưng ngược lại nó phản ánh một thực tế phũ phàng mà không kém phần khốc liệt: Bằng giả đang tồn tại một cách gần như công khai, thiếu sự kiểm soát và chẳng biết sợ bất kỳ ai hết.
Khôi hài chuyện làm giả cũng phải có... đạo đức
Khi trao đổi với chúng tôi, Tại chia sẻ, bọn em không nhận làm các loại giấy tờ như CMND, cà vẹt xe, thẻ ngành (công an, nhà báo...) vì sợ các đối tượng xấu đi lừa đảo, làm bậy. Làm gì cũng phải nghĩ đạo đức anh ạ.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy, ôn thi môn Ngữ văn

Theo xu hướng ra đề mới, môn Ngữ văn tập trung vào kĩ năng đọc hiểu văn bản và viết văn bản để đánh giá khả năng mỗi thí sinh.

Ngày 15/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản hướng dẫn ôn thi môn Ngữ văn dựa theo xu hướng ra đề mới trong kỳ tuyển sinh năm nay. Cụ thể, đề thi sẽ tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản. Trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.
Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn cách ôn thi tốt nghiệp dành cho giáo viên. Đối với phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu. Lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu. Xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy, ôn thi môn Ngữ văn - 1

Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Đức Nguyễn)

Đối với phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh vận dụng kĩ năng viết để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học. Một số khía cạnh cần tập trung; kĩ năng viết (đúng chính tả; ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…). Khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống).
Về viết nghị luận văn học, năm 2014, Bộ GD&ĐT vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề. Điều này khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu của thí sinh.
Trước đó, tại hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông”, ông Nguyễn Vinh Hiển – thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kiểm tra đọc - hiểu là một yêu cầu bắt buộc môn Ngữ văn. Việc này được thực hiện từ cấp Tiểu học. Đến trung học, việc dạy năng lực đọc - hiểu đã chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian và kết cấu nội dung của đề thi. Theo ông Hiển, Bộ môn Ngữ văn vẫn nặng về kiểm tra kiến thức của học sinh, phụ thuộc quá nhiều vào bài văn mẫu. “Trong chương trình dạy học, giáo viên dạy tác phẩm nào sẽ kiểm tra tác phẩm đó. Hay nói cách khác là học sinh đang học “vẹt”. Đây là điểm cần thay đổi trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay”, ông Hiển nhấn mạnh.
Dự kiến thang điểm môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT:
Bài thi Ngữ văn được tính theo thang điểm 20. Bao gồm năng lực đọc hiểu (6/20) và năng lực viết (14/20).
Phần kiểm tra năng lực đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó (2 điểm); Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên... (2 điểm); Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).
Phần kiểm tra Năng lực viết gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận.

5.000 tỉ đồng viết SGK: Quá kinh ngạc!

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 34.000 tỉ đồng cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, trong đó riêng việc viết sách khoảng 5.000 tỉ đồng. Các chuyên gia trong ngành cho rằng mức tiền này quá nhiều và vô lý.
Từ kinh phí dự kiến lên đến 70.000 tỉ đồng cho dự thảo đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông hồi giữa năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã “khéo tính toán”, rút kinh phí đầu tư cho đề án này xuống còn hơn 34.000 tỉ đồng vào tháng 4/2014. Tuy nhiên, con số này cũng còn khá tù mù.
Chi vào đâu mà nhiều vậy?
Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị cho dự thảo đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông từ năm 2011. Tháng 6/2011, bản dự thảo đề án này với kinh phí dự kiến là 70.000 tỉ đồng được công bố và đã bị công luận phản ứng quyết liệt. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã phải đính chính rằng kinh phí cho việc viết SGK chỉ khoảng hơn 960 tỉ đồng, số tiền còn lại dành cho xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học.
Trong bản đề án mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, kinh phí dự kiến của đề án là 34.275 tỉ đồng. Trong số này, theo ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban Soạn thảo đổi mới chương trình SGK, tiền dành cho việc viết sách khoảng 5.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho dù chỉ là 5.000 tỉ đồng thì vẫn là “quá kinh ngạc” với các chuyên gia giáo dục. PGS Văn Như Cương, người được Bộ GD-ĐT mời viết SGK hiện hành, nói thẳng ông không biết Bộ dùng tới 5.000 tỉ đồng vào những việc gì trong quá trình viết SGK bởi với mức nhuận bút Bộ GD-ĐT trả cho các tác giả thì chỉ cần 34-36 tỉ đồng, rộng rãi hơn cũng chỉ đến 100 tỉ đồng là đã đủ tiền viết sách cho cả 3 cấp học.

5.000 tỉ đồng viết SGK: Quá kinh ngạc! - 1

Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể công bố tổng chủ biên đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 là ai. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP HCM Ảnh:: Tấn Thạnh

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng là một tác giả của bộ SGK hiện hành - cho hay nhuận bút viết sách mà Bộ GD-ĐT trả cho ông chỉ khoảng 300.000 đồng/tiết, cao lắm cũng chỉ là 500.000 đồng/tiết. “Tiền chi trực tiếp cho việc viết sách không đáng gì, quan trọng là người ta chi những khoản còn lại vào việc gì!” - GS Thuyết đặt vấn đề.
PGS Văn Như Cương tính toán: Giả sử nhuận bút cho tác giả hiện nay là 1-2 triệu đồng/tiết thì tiền trả cho việc viết sách toán lớp 12 chỉ cần 200 triệu đồng. Cứ vậy nhân lên thì cả chương trình toán 12 lớp cấp phổ thông cũng chưa đến 3 tỉ đồng. Tính đổ đồng như vậy cho cả 10 môn học thì chỉ cần chưa đến 30 tỉ đồng tiền viết toàn bộ SGK chương trình phổ thông...
Vậy con số 5.000 tỉ đồng cho việc viết SGK mà Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ dùng vào việc gì là câu hỏi mà dư luận cần Bộ GD-ĐT phải có lời giải đáp rõ ràng.
Khó chấp nhận cách làm của Bộ GD-ĐT
GS-Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, từng tính toán chỉ cần đầu tư từ 100 tỉ đến 150 tỉ đồng là có thể viết được chương trình SGK mới.
GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội, người bỏ hàng chục năm phản biện về cách biên soạn chương trình và SGK của Bộ GD-ĐT, cảnh báo: Bộ GD-ĐT không thể mượn “chiêu bài” đổi mới SGK để làm việc khác. “Vấn đề ở đây không phải là cần nhiều tiền mà cần sự tâm huyết. Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên xem lại dự án này và nên xem lại cách làm chương trình - SGK. Hãy chú ý đến con số 100 tỉ đồng mà các nhà giáo, nhà khoa học đưa ra và đề án hơn 34.000 tỉ đồng của Bộ GD-ĐT” - GS Hãn nhấn mạnh.
GS Nguyễn Xuân Hãn cũng nhận định dưới góc độ khoa học, nếu không thay đổi tư duy, vẫn con người cũ, cách làm cũ, ngược khoa học như hiện nay thì số tiền đầu tư dù rất lớn cũng không hiệu quả. “Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể công bố được tổng chủ biên đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 là ai, cũng chưa có một kịch bản khoa học cụ thể. Không có tổng chỉ huy  sách, trong khi cách làm thì cắt khúc, cuốn chiếu thay dần kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” dẫn đến giáo dục bất ổn triền miên. Các chuyên gia chúng tôi nêu lên con số 100 tỉ đồng cho việc viết sách từ thế kỷ trước nhưng Bộ GD-ĐT không hề gặp gỡ chúng tôi để trao đổi, lấy ý kiến. Vậy có nên đầu tư tới 34.000 tỉ đồng cho đề án chương trình - SGK mới?” - GS Hãn đặt câu hỏi.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là cần thiết nhưng phải xem xét thật kỹ 34.000 tỉ đồng này đã được tính toán cẩn thận hay chưa...
Sai quy trình
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, kinh phí đề án chưa được Bộ Tài chính thẩm định mà Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ GD-ĐT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không đúng thủ tục, quy trình. “Chưa có thẩm định của Bộ Tài chính, Chính phủ cũng chưa có ý kiến tập thể mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngồi bàn về việc này thì tôi không biết bàn trên cơ sở nào” - ông Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng khi chưa có thẩm định của Bộ Tài chính thì ông cũng không muốn bàn về những con số do Bộ GD-ĐT đưa ra bởi nó không có nhiều ý nghĩa.