Ngày 15/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản hướng dẫn ôn thi môn Ngữ văn dựa theo xu hướng ra đề mới trong kỳ tuyển sinh năm nay. Cụ thể, đề thi sẽ tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản. Trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.
Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn cách ôn thi tốt nghiệp dành cho giáo viên. Đối với phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu. Lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu. Xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp.
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Đức Nguyễn)
Đối với phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh vận dụng kĩ năng viết để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học. Một số khía cạnh cần tập trung; kĩ năng viết (đúng chính tả; ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…). Khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống).
Về viết nghị luận văn học, năm 2014, Bộ GD&ĐT vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề. Điều này khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu của thí sinh.
Trước đó, tại hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông”, ông Nguyễn Vinh Hiển – thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kiểm tra đọc - hiểu là một yêu cầu bắt buộc môn Ngữ văn. Việc này được thực hiện từ cấp Tiểu học. Đến trung học, việc dạy năng lực đọc - hiểu đã chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian và kết cấu nội dung của đề thi. Theo ông Hiển, Bộ môn Ngữ văn vẫn nặng về kiểm tra kiến thức của học sinh, phụ thuộc quá nhiều vào bài văn mẫu. “Trong chương trình dạy học, giáo viên dạy tác phẩm nào sẽ kiểm tra tác phẩm đó. Hay nói cách khác là học sinh đang học “vẹt”. Đây là điểm cần thay đổi trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay”, ông Hiển nhấn mạnh.
Dự kiến thang điểm môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT:
Bài thi Ngữ văn được tính theo thang điểm 20. Bao gồm năng lực đọc hiểu (6/20) và năng lực viết (14/20).
Phần kiểm tra năng lực đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó (2 điểm); Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên... (2 điểm); Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).
Phần kiểm tra Năng lực viết gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét