Từ kinh phí dự kiến lên đến 70.000 tỉ đồng cho dự thảo đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông hồi giữa năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã “khéo tính toán”, rút kinh phí đầu tư cho đề án này xuống còn hơn 34.000 tỉ đồng vào tháng 4/2014. Tuy nhiên, con số này cũng còn khá tù mù.
Chi vào đâu mà nhiều vậy?
Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị cho dự thảo đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông từ năm 2011. Tháng 6/2011, bản dự thảo đề án này với kinh phí dự kiến là 70.000 tỉ đồng được công bố và đã bị công luận phản ứng quyết liệt. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã phải đính chính rằng kinh phí cho việc viết SGK chỉ khoảng hơn 960 tỉ đồng, số tiền còn lại dành cho xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học.
Trong bản đề án mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, kinh phí dự kiến của đề án là 34.275 tỉ đồng. Trong số này, theo ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban Soạn thảo đổi mới chương trình SGK, tiền dành cho việc viết sách khoảng 5.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho dù chỉ là 5.000 tỉ đồng thì vẫn là “quá kinh ngạc” với các chuyên gia giáo dục. PGS Văn Như Cương, người được Bộ GD-ĐT mời viết SGK hiện hành, nói thẳng ông không biết Bộ dùng tới 5.000 tỉ đồng vào những việc gì trong quá trình viết SGK bởi với mức nhuận bút Bộ GD-ĐT trả cho các tác giả thì chỉ cần 34-36 tỉ đồng, rộng rãi hơn cũng chỉ đến 100 tỉ đồng là đã đủ tiền viết sách cho cả 3 cấp học.
Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể công bố tổng chủ biên đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 là ai. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP HCM Ảnh:: Tấn Thạnh
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng là một tác giả của bộ SGK hiện hành - cho hay nhuận bút viết sách mà Bộ GD-ĐT trả cho ông chỉ khoảng 300.000 đồng/tiết, cao lắm cũng chỉ là 500.000 đồng/tiết. “Tiền chi trực tiếp cho việc viết sách không đáng gì, quan trọng là người ta chi những khoản còn lại vào việc gì!” - GS Thuyết đặt vấn đề.
PGS Văn Như Cương tính toán: Giả sử nhuận bút cho tác giả hiện nay là 1-2 triệu đồng/tiết thì tiền trả cho việc viết sách toán lớp 12 chỉ cần 200 triệu đồng. Cứ vậy nhân lên thì cả chương trình toán 12 lớp cấp phổ thông cũng chưa đến 3 tỉ đồng. Tính đổ đồng như vậy cho cả 10 môn học thì chỉ cần chưa đến 30 tỉ đồng tiền viết toàn bộ SGK chương trình phổ thông...
Vậy con số 5.000 tỉ đồng cho việc viết SGK mà Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ dùng vào việc gì là câu hỏi mà dư luận cần Bộ GD-ĐT phải có lời giải đáp rõ ràng.
Khó chấp nhận cách làm của Bộ GD-ĐT
GS-Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, từng tính toán chỉ cần đầu tư từ 100 tỉ đến 150 tỉ đồng là có thể viết được chương trình SGK mới.
GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội, người bỏ hàng chục năm phản biện về cách biên soạn chương trình và SGK của Bộ GD-ĐT, cảnh báo: Bộ GD-ĐT không thể mượn “chiêu bài” đổi mới SGK để làm việc khác. “Vấn đề ở đây không phải là cần nhiều tiền mà cần sự tâm huyết. Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên xem lại dự án này và nên xem lại cách làm chương trình - SGK. Hãy chú ý đến con số 100 tỉ đồng mà các nhà giáo, nhà khoa học đưa ra và đề án hơn 34.000 tỉ đồng của Bộ GD-ĐT” - GS Hãn nhấn mạnh.
GS Nguyễn Xuân Hãn cũng nhận định dưới góc độ khoa học, nếu không thay đổi tư duy, vẫn con người cũ, cách làm cũ, ngược khoa học như hiện nay thì số tiền đầu tư dù rất lớn cũng không hiệu quả. “Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể công bố được tổng chủ biên đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 là ai, cũng chưa có một kịch bản khoa học cụ thể. Không có tổng chỉ huy sách, trong khi cách làm thì cắt khúc, cuốn chiếu thay dần kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” dẫn đến giáo dục bất ổn triền miên. Các chuyên gia chúng tôi nêu lên con số 100 tỉ đồng cho việc viết sách từ thế kỷ trước nhưng Bộ GD-ĐT không hề gặp gỡ chúng tôi để trao đổi, lấy ý kiến. Vậy có nên đầu tư tới 34.000 tỉ đồng cho đề án chương trình - SGK mới?” - GS Hãn đặt câu hỏi.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là cần thiết nhưng phải xem xét thật kỹ 34.000 tỉ đồng này đã được tính toán cẩn thận hay chưa...
Sai quy trình
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, kinh phí đề án chưa được Bộ Tài chính thẩm định mà Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ GD-ĐT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không đúng thủ tục, quy trình. “Chưa có thẩm định của Bộ Tài chính, Chính phủ cũng chưa có ý kiến tập thể mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngồi bàn về việc này thì tôi không biết bàn trên cơ sở nào” - ông Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng khi chưa có thẩm định của Bộ Tài chính thì ông cũng không muốn bàn về những con số do Bộ GD-ĐT đưa ra bởi nó không có nhiều ý nghĩa.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét