Tuy nhiên, bằng của các trường trực thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM vẫn là một trong những bằng được các đối tượng này khuyến khích làm nhiều nhất. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn tiết lộ nhiều thông tin khiến phóng viên ngỡ ngàng...
"Chúng tôi làm không biết bao nhiêu bằng giả mà kể"
Nói chuyện với Quân (một trong nhiều đường dây quảng cáo làm bằng giả tràn lan trên mạng và có hẳn cả một website) thì được biết, chuyện làm bằng là dễ như "bóc bánh".
Để chủ động gặp Quân, chúng tôi đã đến quán một cafe trên đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3 (TP.HCM) nhằm có những chứng cứ xác thực nhất về việc làm bằng cấp giả của các đối tượng này. Theo sự quan sát của PV, đi cùng đối tượng Quân còn có một cô gái, cả hai chỉ chừng 20 tuổi.
Tuy nhiên, khi tiến hành gặp mặt thì chỉ có Quân, còn cô gái kia lại ngồi cách chúng tôi mấy hàng ghế quan sát. Điều đó cho thấy "cặp đôi" này có tinh thần cảnh giác rất cao trước công việc mờ ám của mình.
Để thuyết phục chúng tôi, Quân nói: "Em vừa mới đi giao mấy cái bằng cho mấy ông cán bộ "cỡ bự" ở một quận X. về. Mấy ông đó làm chức to lắm, nhưng lại không có bằng cấp gì, nên nhờ mình làm giùm". Đi thẳng vào vấn đề, chúng tôi đề nghị cần một tấm bằng trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, loại khá, tốt nghiệp năm 2011.
Không chút ngần ngại, Quân nói: "Chuyện này thì dễ rồi. Anh chỉ cần cung cấp cho em một số thông tin như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán và một tấm ảnh 3x4 là được. Sau khi có những thông tin nói trên, ba ngày sau anh sẽ có bằng".
Rất chuyên nghiệp, chúng tôi chưa kịp ghi lại hướng dẫn này thì Quân đã nhắn các thông tin này vào máy điện thoại của chúng tôi. Không một chút e dè, Quân khoe khoang: "Anh cứ yên tâm khi làm ở chỗ em. Vì bọn này đã từng làm rất nhiều bằng rồi. Trong đó có nhiều ông có chức to lắm. Thậm chí có cả công an nữa"?!
Đối tượng Quân (trong khoanh tròn) nói với phóng viên là đã từng làm bằng giả cho rất nhiều người.
Để đọc vị thêm những mánh khoé và thủ đoạn cũng như các thông tin về các đường dây làm bằng giả, chúng tôi cũng đã liên hệ với một người tên Phong. Sau lịch hẹn, chúng tôi có mặt tại một quán cafe trên đường Phan Xích Long, Q. Bình Thạnh (TP.HCM).
Trao đổi với chúng tôi, Phong nói sẽ cho một "đàn em" ra tư vấn, nếu được thì cứ cho thông tin rồi Phong sẽ làm cho. Trước khi cúp điện thoại, Phong còn dặn là mang theo một tấm ảnh 3x4 để làm luôn.
Sau hơn một giờ đồng hồ chờ đợi, một người đến và giới thiệu với chúng tôi tên là Tại. Sau màn xã giao, chúng tôi đi thẳng vào vấn đề, đang cần một tấm bằng đại học cho đứa cháu để xin vào một cơ quan Nhà nước. Không ngần ngại, Tại cho biết, chỉ cần anh cho thông tin thì hôm sau sẽ có bằng.
Trong quá trình điều tra, thâm nhập, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi với những kẻ làm bằng giả để thu thập thông tin và đều được Quân và Tại cho biết, số lượng bằng giả mà hai đối tượng này đã làm không biết bao nhiêu mà kể.
Hùng hồn tuyên bố có bảo kê là "người trong ngành"?!
Về mức giá, Tại cho biết, bằng đại học sẽ có giá 8 triệu đồng. Trong khi, trước đó, đối tượng Quân ngã giá với chúng tôi là 7 triệu đồng. Theo như Quân nói thì "đây là giá rẻ nhất Sài Gòn, anh tìm không có nơi nào rẻ hơn đâu".
Thấy chúng tôi "cò cưa", Tại nói: Nếu anh thật tình muốn làm thì bọn em sẽ bớt cho anh 500 ngàn đồng, lấy giá hữu nghị. Để thuyết phục chúng tôi, Tại không ngần ngại mở ra trong điện thoại hàng loạt ảnh chụp lại các văn bằng mời được làm xong cho khách hàng. Trong đó, có rất nhiều bằng của các trường thuộc ĐHQG TP.HCM.
Vì liên quan tới câu chuyện đang bàn, Tại đưa một tấm bằng của trường Đại học KHXHV&NV TP.HCM cho chúng tôi xem. Quả thật, so với một cái bằng thật thì chúng tôi không thể nào phân biệt được đâu là giả, đâu là thật.
Quả thật, khi tiếp xúc với các đối tượng này ở hai hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng tôi thấy, điện thoại của họ liên tục đổ chuông. Và câu chuyện không gì khác là hỏi cách làm bằng, giá cả và hẹn địa điểm gặp mặt trao đổi.
Một điều đáng lưu ý là để thuyết phục khách hàng, các đối tượng này luôn rao là bằng của họ là thật đến 95% và thậm chí lên tới 99%. Quân cho biết: Cái quan trọng nhất của tấm bằng chính là phôi, dấu dập nổi. Ngoài việc thiết kế, chất lượng in ấn ngày càng được cải thiện nhờ máy móc hiện đại thì vấn đề quan trọng phải tính đến chính là phôi bằng.
Quân cho hay, để có phôi thật, bọn này có những "tay chân" ở các trường đại học(?!) Chính vì thế bằng của bọn này rất thật. "Bây giờ anh phải hiểu như thế này, bằng, bảng điểm, học bạ... đều là thật, chỉ có cái giả là anh không học ở trường đó mà thôi", Quân nói.
Khi chúng tôi hỏi, anh đang còn trẻ lại tốt nghiệp một ngành đang hot: Công nghệ thông tin, sao lại đi làm nghề này. Quân hồn nhiên trả lời, mỗi người một nghề mà, làm gì ra tiền cũng được. Hơn nữa, thấy cái này nhiều người cần nên mình làm.
"Mỗi ngày có rất nhiều người hỏi làm bằng giả vậy tiền để đâu cho hết", chúng tôi hỏi tiếp. Quân "chia sẻ", tính ra vậy chứ không ăn thua nữa anh ơi, vì phải chia cho nhiều khâu. Ví như phải trả tiền cho người đưa phôi ra ngoài, chi phí in ấn, thiết kế... nên cũng còn lại không được nhiều.
Còn Tại "chia sẻ", giá 7,5 triệu đồng là rẻ rồi anh ơi, bọn em cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Ngoài việc mua phôi thì còn phải bỏ ra mua vỏ bằng. Ví như bằng anh cần là của trường đại học X. bọn em phải bỏ 1,5 triệu đồng để mua lại vỏ này(?!).
Khi chúng tôi đề cập đến chuyện làm bằng y dược, công an, quân đội... để cho "oách" hơn thì các đối tượng này kêu khó làm.
Bên cạnh đó, khi chúng tôi thắc mắc tại sao trong thời buổi các cơ quan quản lý siết chặt các hoạt động quảng cáo, rao vặt cũng như các cơ quan an ninh có thể dễ dàng tóm cổ các đối tượng làm bằng giả, thì các đối tượng này cho biết, có bảo kê" là người "trong ngành"?! Chính vì thế bọn này mới làm được chứ không thì bị dẹp lâu rồi.
Lời tuyên bố hùng hồn này xem ra cũng chỉ để "chém gió", nhưng ngược lại nó phản ánh một thực tế phũ phàng mà không kém phần khốc liệt: Bằng giả đang tồn tại một cách gần như công khai, thiếu sự kiểm soát và chẳng biết sợ bất kỳ ai hết.
Khôi hài chuyện làm giả cũng phải có... đạo đức
Khi trao đổi với chúng tôi, Tại chia sẻ, bọn em không nhận làm các loại giấy tờ như CMND, cà vẹt xe, thẻ ngành (công an, nhà báo...) vì sợ các đối tượng xấu đi lừa đảo, làm bậy. Làm gì cũng phải nghĩ đạo đức anh ạ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét