Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Sẽ có danh mục thiết bị dạy học Ngoại ngữ trong trường phổ thông

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học Ngoại ngữ trong các trường phổ thông làm cơ sở để các địa phương căn cứ lựa chọn đầu tư cho phù hợp, phục vụ dạy học có hiệu quả.

Để triển khai có hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, từ năm học 2011-2012, các địa phương đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra và phản ánh từ các địa phương, việc xây dựng Kế hoạch và tổ chức mua sắm, khai thác sử dụng thiết bị dạy học ngoại ngữ ở một số địa phương chưa hiệu quả. Để giải quyết tồn tại này, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông làm cơ sở để các địa phương căn cứ lựa chọn đầu tư cho phù hợp, phục vụ dạy học có hiệu quả.
Trước khi có danh mục thiết bị chính thức, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương căn cứ vào số lớp học tham gia dạy ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020; điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là trình độ của giáo viên dạy ngoại ngữ và nguồn kinh phí; rà soát các thiết bị dạy học hiện có để xây dựng Kế hoạch đầu tư mua sắm mới, bao gồm: Chủng loại thiết bị, số lượng thiết bị, đảm bảo hiệu quả nhất khi sử dụng, tiết kiệm kinh phí, tránh lãng phí và tiêu cực trong đầu tư.
Khi tổ chức mua sắm cần căn cứ vào: Các đặc điểm về kỹ thuật của từng thiết bị; đối chiếu với yêu cầu kỹ thuật thiết bị dạy học tối thiểu cần thiết nhất cho giáo viên và học sinh sử dụng trong quá trình giảng dạy, học tập để tổ chức mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ giảng dạy.
Đối với hệ thống thiết bị dạy học ngoại ngữ chuyên dụng: Trên cơ sở điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất; các thiết bị hiện có (như: Máy vi tính, máy chiếu...); trình độ giáo viên; khả năng sử dụng của nhà trường; đặc biệt là việc lắp đặt, tập huấn sử dụng, bảo hành, bảo trì cần thận trọng cân nhắc kĩ đến tính hiệu quả mới được đầu tư; nhưng không quá 1 phòng/trường. Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp như hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa khuyến khích xây dựng các phòng dạy học ngoại ngữ chuyên dụng, ngoài các trường chuyên đào tạo về ngoại ngữ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra các địa phương trong việc lập kế hoạch, tổ chức mua sắm và sử dụng thiết bị dạy học trong việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét