Giáo sư Văn Như
Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng việc cộng thêm
điểm từ thành tích học tập vào điểm thi tốt nghiệp có thể sẽ dẫn đến
tiêu cực và khả năng cuối năm nay, tỉ lệ học sinh giỏi ở các trường tăng
đột biến là "hoàn toàn có thể"
Trao
đổi với Một Thế Giới, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương
Thế Vinh (Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi rất hoan nghênh sự thay đổi của Bộ
GD-ĐT theo hướng giảm căng thẳng đối với kỳ thi này.
PGS Văn Như Cương |
Tuy nhiên, dù
chọn phương án nào thì Bộ cũng phải quyết định sớm để giáo viên và học
sinh đỡ lo lắng. Còn về quan điểm cá nhân tôi thì nên gộp cả hai phương
án thi tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT nêu lại làm một vì thức tế cả hai phương
án này chẳng khác nhau là mấy”.
Phóng viên: Thưa PGS Văn Như Cương, vì sao ông có quan điểm gộp hai phương án thành một?
PGS Văn Như Cương: Thực tế mà nói, cả phương án 1 và 2 hiện nay của Bộ GD-ĐT đưa ra, học sinh đều phải thi 5 môn cả.
Tôi nói điều
này là vì, ở phương án 1 tuy chỉ đưa ra thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc
Toán, Văn. Hai môn còn lại là tự chọn trong 5 môn: Lý, Hóa, Sử, Địa,
Sinh. Riêng môn Ngoại ngữ, học sinh có thể đăng ký thi để được cộng điểm
khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.
Theo quy định,
bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm, đạt 7 điểm
trở lên được cộng 1,5 điểm và đạt 5 điểm trở lên cũng được cộng 1 điểm.
Thậm chí dù bài thi có 0 điểm các em cũng chẳng sao thì tội gì mà các em
học sinh không đăng ký để thi. Tôi chắc rằng tất cả các học sinh đều
thi môn này.
Như vậy, tổng cộng các môn thi theo phương án 1 cũng là 5 môn.
Ở phương án 2
thì 3 môn thi bắt buộc là: Toán, Văn, Ngoại ngữ, thêm 2 môn tự chọn
trong các môn: Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, cộng lại cũng là 5 môn. Thế nên
tôi mới nói 2 phương án này suy cho cùng cũng chẳng khác nhau là mấy.
Vậy theo ý PGS thì nên gộp 2 phương án này như thế nào?
Theo tôi, hai môn bắt buộc thi vẫn là Toán, Văn, riêng môn Ngoại ngữ thì nên nằm trong môn tự chọn.
Tuy nhiên, cái
khác của phương án gộp này là ở môn thi Ngoại ngữ (Tiếng Anh), dù tự
chọn hay không tự chọn thì học sinh sẽ vẫn thi và khi thi sẽ vẫn chấm
điểm theo đúng tiêu chí, nếu học sinh nào điểm cao môn Ngoại ngữ sẽ vẫn
được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp như phương án 1.
Như vậy, sau
cùng thì chúng ta chỉ thi có 4 môn thôi. Và cũng chính bởi có 4 môn nên
chúng ta chỉ tổ chức thi trong 2 ngày là xong và việc này sẽ giúp học
sinh dỡ mệt mỏi, căng thẳng để sẵn sang bước vào kỳ thi quan trọng liền
sau đó là kỳ thi vào ĐH, CĐ.
Là một
chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, PGS đánh giá thế nào về
phương án kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và quá trình học tập?
Về mặt lý
thuyết, việc kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và quá trình học tập là
một phương án rất hay, tuy nhiên trước khi quyết định, Bộ GD-ĐT nên cân
nhắc kỹ tình hình thực tế hiện nay xem công tác quản lý, giám sát chất
lượng học tập ở từng vùng, miền đã đảm bảo bao nhiêu phần trăm độ tin
cậy?
Tôi nói điều này là vì đây là một khâu rất dễ xảy ra tiêu cực.
Tôi lấy ví dụ,
chẳng hạn tại Hà Nội hiện nay mỗi năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT
loại giỏi chỉ khoảng 13 - 14%. Nếu để các trường tự đánh giá thì con số
này có giữ nguyên hay sẽ đột ngột tăng lên tới 50 - 60% học sinh giỏi.
Chính vì vậy,
theo tôi, nếu Bộ GD-ĐT có ý định áp dụng phương án tính điểm này thì
khâu kiểm tra, đánh giá định kỳ của cả quá trình học tập của học sinh
phải thật chặt chẽ, có tiêu chí và kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Xin cảm ơn ông!
Bá Lâm (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét