Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Phương án thi 4 môn tốt nghiệp THPT: Băn khoăn còn đó!

(PL&XH) - Ngày 2-1-2014, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT với hai phương án môn thi dự kiến.

Nếu được thông qua, Bộ sẽ áp dụng ngay trong năm học này. Sự kiện này đã nảy sinh nhiều ý kiến của phụ huynh, học sinh vì thời điểm diễn ra kỳ thi đã cận kề.

Theo đó, phương án môn thi thứ nhất, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Phương án hai là thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Đối với môn ngoại ngữ: Thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên. Bộ GD&ĐT cũng dự kiến, điểm xét tốt nghiệp được xác định bằng: Điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi + tổng điểm khuyến khích (nếu có)/số bài thi. Điểm xếp loại thì không tính tổng điểm khuyến khích (nếu có)/bài thi. Với cách xét tốt nghiệp như vậy thì điểm trung bình cả năm lớp 12 quyết định 50%.


Học sinh đã “sẵn sàng” với việc thi 4 môn tốt nghiệp THPT?     Ảnh: TL

Một điểm mới của dự thảo này, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành, những học sinh được miễn thi tốt nghiệp sẽ dựa trên các tiêu chí: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế. Trong kì thi đầu tiên nếu được áp dụng, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.

Việc xét miễn thi tốt nghiệp Bộ GD&ĐT dự kiến phân cấp cho Sở GD&ĐT và Hiệu trưởng các trường THPT. Sở GD&ĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ GD&ĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình với các nội dung: Cụ thể hóa tiêu chí miễn thi; dự kiến phương án miễn thi của đơn vị, trong đó nêu rõ tỷ lệ miễn thi cho từng cơ sở giáo dục THPT, giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý dựa trên các đánh giá của Sở về điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; Kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Hiệu trưởng các trường THPT có trách nhiệm tham gia góp ý phương án miễn thi theo yêu cầu của GĐ Sở GD&ĐT. Thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt (Hội đồng gồm: Ban chấp hành Đảng bộ/ chi bộ nhà trường, Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh lớp 12) sau đó trình GĐ Sở GD&ĐT duyệt danh sách học sinh được miễn thi.

Qua cuộc khảo sát ý kiến của các phụ huynh và học sinh lớp 12, tựu trung lại dư luận đang đặt ra các băn khoăn đối với dự thảo đề án này.

Thứ nhất, việc quay lại xét học bạ có thể phát sinh tiêu cực bởi trước kia quy định tuyển học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đã phải hủy bỏ vì phát hiện nhiều tiêu cực như sửa học bạ, chấm điểm “nương tay” để học sinh chưa thực sự học tốt vẫn có học bạ đẹp và được miễn thi và vào thẳng ĐH.

Thứ hai, đưa việc xét kết quả học sinh được miễn thi tốt nghiệp về địa phương sẽ nảy sinh vấn đề địa phương đưa ra chuẩn đánh giá thấp một chút để kết quả học tập của học sinh cao lên hoặc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “ảo” sẽ cao lên.

Thứ ba, việc loại môn ngoại ngữ ra khỏi các môn thi bắt buộc sẽ dẫn đến tình trạng học sinh lơ là việc học ngoại ngữ. Theo lí giải là Bộ đang hướng tới việc học ngoại ngữ chỉ để biết và giao tiếp được chứ không phải để thi, tạo điều kiện để Bộ và các trường triển khai giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy theo đề án ngoại ngữ 2020 có vẻ đi ngược lại xu hướng của tiến trình hội nhập. Khi mà hành trang vào đời của đa số học sinh, sinh viên là tối thiểu phải sử dụng tốt một ngoại ngữ. Trong khi đó, thực trạng hiện nay, dù ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhưng tỉ lệ học sinh sử dụng tốt được ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp THPT vẫn khá thấp, nhân sự Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài.  Giờ không còn là môn thi bắt buộc, thậm chí nhiều em sẽ không học ngoại ngữ nữa thì liệu tới năm 2020 đề án nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ liệu có hiệu quả.

Thi tốt nghiệp 4 môn không mới
Liên quan tới việc thi tốt nghiệp 4 môn, thầy giáo Nguyễn Thế Thụ, nguyên trưởng bộ môn Hóa-Sinh trường THPT Lý Thường Kiệt khẳng định, thi tốt nghiệp 4 môn là điều không mới. “Trước đây thi tốt nghiệp 4 môn, hiện tại thi 6 môn, bây giờ lại chuẩn bị thi 4 môn. Trước đây thi ĐH đề riêng, hiện tại thi đề chung, bây giờ chuẩn bị thi đề riêng. Nhưng sự điều chỉnh này có căn nguyên của nó, không phải là sự quay vòng trong một vòng tròn luẩn quẩn. Bộ GD&ĐT có cái lý của Bộ, nhưng điều chỉnh gì cũng phải tính từ quyền lợi của học sinh…”, thầy Thụ cho hay.
Thêm vào đó thầy Thụ cũng cho biết, sự thay đổi của Bộ theo hướng này khiến nhiều người “bớt lo” hơn bởi đề xuất thêm về phương án tuyển sinh ĐH: Bộ nên cương quyết phương án các trường tự tuyển sinh. Trường nào dạy tốt thì có học sinh tốt đến học. Học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn. Như vậy đỡ áp lực. “Tôi tin nếu có vấn đề ảnh hưởng xấu thì cũng chỉ mất 3 -5 năm là sẽ ổn định và phát triển tốt. Mặc dù nhiều người ngoài cuộc cho rằng việc điều chỉnh trong dự thảo lần này là theo “tư duy nhiệm kỳ”, nhưng thực tế thì việc thay đổi cần phải tiến hành từ nhiệm kỳ trước, vì thế không thể nói là “tư duy nhiệm kỳ” được. Sự thay đổi này “muộn còn hơn không”, cho thấy Bộ GD&ĐT đã có tinh thần cầu tiến và đã đưa ra được những hành động cụ thể”, thầy Nguyễn Thế Thụ tin tưởng.    TD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét