Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Bùng nổ lớp phát triển tư duy: kỳ vọng gì?

Với mong muốn cho con em mình được sớm làm quen các kỹ năng tư duy, tạo nền tảng và tâm thế tốt khi bước vào lớp một, thời gian qua, tại TP.HCM có không ít phụ huynh đã đổ xô đăng ký cho trẻ đi học các lớp phát triển tư duy. Không biết hiệu quả của các khóa học này đến đâu nhưng có thể thấy, thị trường dạy toán - phát triển tư duy cho trẻ, nhân đó cứ nở rộ...

Tiếp thị đến tận nhà
Tại TP.HCM, điểm qua sơ bộ cho thấy có không dưới 10 đơn vị tổ chức dạy trẻ phát triển tư duy với chuỗi hệ thống, cơ sở đào tạo lên đến hàng trăm. Những chương trình và phương pháp dạy trẻ phát triển tư duy thông qua toán học đang được phụ huynh “tín nhiệm” có thể kể: KuMon, PoMath, Mainspring, SmartFastKids, Fastrackids… Mức học phí dao động theo từng cấp lớp, độ tuổi và thời gian học từ 800.000 đến 960.000/tháng/8 buổi.
Phải thừa nhận, với sự đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, cách bài trí không gian học cùng đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, các trung tâm dạy toán giúp trẻ phát triển tư duy tạo ấn tượng khá tốt với phụ huynh. Những lời giới thiệu cũng khá hấp dẫn như: “Kumon nhắm đến việc cải thiện kỹ năng ở mỗi trẻ và phát triển khả năng tư duy của các em đến mức tối đa” hoặc “Hệ thống trung tâm toán học tư duy Mathnasium đã nghiên cứu và phát triển phương pháp tiếp cận và giúp bé học toán và phát triển tư duy ngay từ lứa tuổi MN. Chương trình gồm nhiều cấp độ từ thấp đến cao, sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu và phát triển tư duy, giúp các bé có thể phát triển hoàn thiện, tự tin tiến bước vào cuộc sống…”. Các bậc phụ huynh có ý hướng “chắp cánh” cho con mình từ nhỏ rất dễ bị thuyết phục.


Một buổi học phát triển toán - tư duy ở Trung tâm Kumon

Với việc đưa đội ngũ tiếp thị tận nhà, quảng cáo nhan nhản trên các phương tiện thông tin và “chuyền tai” tại các diễn đàn dành cho cha mẹ, các trung tâm dạy trẻ phát triển tư duy đang khá có sức hút đối với những gia đình tương đối khá giả trở lên.
Phần lớn các trung tâm khi nhận trẻ đều thực hiện việc kiểm tra (test) mức độ phản xạ và ứng biến của học sinh (thu phí từ 400-600 ngàn đồng/tháng) rồi mới xếp lớp, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy yên tâm nên "sẵn sàng" cho con theo học mà ít quan tâm tìm hiểu kỹ về đội ngũ GV, chất lượng và hiệu quả nơi con mình sẽ học.
Phụ huynh kỳ vọng gì?
Theo chị Nguyễn Thị Phương, một phụ huynh có kinh nghiệm trong lĩnh vực trên, thì để chọn được một đơn vị thật sự có chất lượng, cần phải biết cách, mà trong đó việc trực tiếp tham gia các buổi học của con là một tiêu chí chính. “Nếu mình xem, thấy các tiết học và phương pháp dạy mang tính tư duy cao, khơi gợi và phát huy được khả năng tư duy của trẻ, con mình thấy thích thú và vui khi học thì mình chọn”- chị nói.
Chị Tô Khánh Nguyên, cho biết: Tôi cũng đến trung tâm 2-3 lần rồi, thông qua lời giới thiệu của một chị bạn. Bạn nói trung tâm này dạy tốt lắm, cháu nhanh thích ứng và sớm thể hiện được khả năng tư duy, tính toán, nên tôi cũng đăng ký cho con học. Còn chuyện kiểm tra khung chương trình, phương pháp dạy, nói thật là tôi chịu. Đưa cháu đến, thấy cháu vui và thích thì tôi đăng ký cho cháu học. Cô giáo cháu còn cho biết: Trung tâm có hệ thống bài tập và tình huống về toán đa dạng từ đơn giản đến chuyên sâu giúp các cháu hứng thú khi giải toán. Ngoài ra, còn thiết kế chương trình học kết hợp kiến thức toán Việt Nam với kiến thức toán quốc tế sẽ cho học sinh nhiều trải nghiệm, khám phá, tìm tòi, tôi thấy cũng hay. Cứ coi như là cho cháu đi học thêm thử, thấy hiệu quả thì học tiếp, không thì thôi.
Chị Lê Thị Thương cho con học ở KuMon được hơn 8 tháng, vui vẻ khoe: “Học phí tháng tuy hơi cao (800 ngàn đồng/tháng) nhưng bù lại cháu nó có thể giải toán vượt cấp rồi. Cháu nhà tôi đang học lớp 3. Học tại KuMon mới hơn 8 tháng mà cháu đã làm được toán lớp 5 rồi đó. Cứ đà này cháu sẽ còn tiến nữa”. Nhưng khi chúng tôi hỏi học vượt cấp vậy có tác dụng gì khi mai mốt cháu vẫn phải học lại ở trường? Chị trả lời chung chung: Ừ thì mình chủ yếu cho cháu nó phát triển khả năng tư duy, làm toán mà.
Nhưng anh Trần Anh Tuấn, có con theo học lớp phát triển tư duy thông qua học toán tại trung tâm U.M., cho biết: Mình là người ngoại đạo nên dù có trực tiếp dự thính 2 buổi học cùng con cũng không thể nhìn ra được các chiêu trò. Thấy cháu vui, thể hiện được khả năng học sớm, nhanh nhạy trong các tình huống GV đưa ra - dù mới 6 tuổi, mình cũng yên tâm. Tuy nhiên, khi xem kỹ bài học của bé tại trung tâm (qua băng ghi hình) thì thấy những kiến thức là bé đã học trước đó, các bài tập được thay đổi, đảo lộn, “làm mới” cho phong phú, đa dạng hơn thôi. “Hèn gì, sau mỗi buổi học, tôi hỏi, cháu đều bảo học nhẹ nhàng, không có gì khó và vui. Trong khi trực tiếp kiểm tra một vài thông số toán học, tôi thấy sự tiến bộ của cháu là không rõ nét và vượt trội nên quyết định dừng sau 5 tháng cho cháu học”- anh Tuấn nói.


Chưa có 1 cơ quan thẩm quyền nào đứng ra khảo sát và đánh giá chất lượng đào tạo của các trung tâm này

Kiểm định chất lượng: còn bỏ ngỏ?
Tất cả các trung tâm mở lớp dạy toán - tư duy đều khẳng định về tính hiệu quả của chương trình đối với học sinh. Nhưng trong thực tế, chưa có một đơn vị hay cơ quan chức năng nào đứng ra khảo sát và đánh giá chất lượng đào tạo trên từng học sinh. Vì thế, ngoài sự khẳng định một chiều từ các trung tâm và sự đánh giá theo cảm tính của phụ huynh…, dấu hỏi về chất lượng vẫn còn treo lơ lững!
TS Lê Ngọc Điệp, trưởng phòng giáo dục TH, Sở GD&ĐT TP.HCM, nhận xét: Nhìn chung, ưu điểm nổi bật của các trung tâm là chăm sóc học sinh kỹ lưỡng (GV dạy ít học sinh), có điều kiện sửa chữa bài, ghi nhận từng bước tiến bộ thông qua việc lưu, đọc lại, so sánh từng bài làm của học sinh. Vì thế, phụ huynh dễ nhận thấy sự tiến bộ của con mình. Còn về kiến thức toán của các trung tâm thì không có gì mới. Các bài học được chia nhỏ nên các bé học thoải mái và có cảm giác dễ hơn ở trường. Nhưng phụ huynh cũng đừng quá kỳ vọng vào sự thay đổi của con mình mà vô tình tạo thêm áp lực học hành cho chúng.
Chuyện kiểm định chất lượng là khó, vì phần lớn các trung tâm bê nguyên chương trình từ nước ngoài vào. Riêng chuyện phát triển tư duy cho trẻ thì chẳng riêng gì các trung tâm trên, các trường học của chúng ta vẫn đã và đang làm việc này. Nhiệm vụ trọng tâm của trường TH là dạy kiến thức đồng thời phát triển tư duy cho trẻ. Môn học nào cũng đều mang 2 nhiệm vụ này. Tuy nhiên, điều kiện thực tế, quy mô học sinh, phương pháp giảng dạy của chúng ta chưa đáp ứng đầy đủ cho từng em như ở trung tâm. Do đó, phụ huynh cần nhận thức rõ về vấn đề này, đừng thấy bé học hăng hái, thích thú hơn mà ngộ nhận.
Các trung tâm dạy toán liên tục ra đời với sự phát triển một cách nhanh chóng. Phụ huynh thì cứ ùn ùn cho con đi học mà không biết hiệu quả thực chất của nó ra sao. Trong bối cảnh như thế, sẽ có trung tâm giảng dạy đàng hoàng và ngược lại. Điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải định hướng được xã hội chứ không thể để phụ huynh mơ hồ như hiện nay. Bộ GD&ĐT nên có đánh giá chính thức về những chương trình này. Nếu thật sự hay và tốt thì các trường học ở Việt Nam nên học tập, còn ngược lại thì cần dẹp bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét