“Nếu thực hiện đúng Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có khoảng 30.000 học sinh tiểu học đứng trước nguy cơ không biết đi đâu sau giờ học buổi sáng”.
Đó là thông tin được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Lê Minh Hoàng cho biết tại buổi làm việc ngày 2-5 với Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh về công tác quản lý dạy thêm, học thêm.Theo ông Hoàng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, tập trung tới 700.000 công nhân lao động, do đó nhu cầu gửi trẻ là rất lớn, trong khi các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày. Từ nhiều năm qua, hầu hết công nhân ở Đồng Nai vẫn chọn cách gửi con ở trường hoặc nhà cô giáo, việc này có sự thỏa thuận của hai bên. Nếu thực hiện Thông tư 17 thì đồng nghĩa với việc học sinh tiểu học ở Đồng Nai không có chỗ gửi sau giờ học ở trường. Việc cha mẹ làm công nhân, phải nghỉ làm 1 buổi để ở nhà trông con là điều rất khó xảy ra. Một số học sinh sau giờ học tham gia sinh hoạt tại các nhà thiếu nhi, đi học các môn thể chất,… tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 2% – 3%.
Nếu cấm triệt để việc dạy thêm ở bậc tiểu học, tình trạng nhà giữ trẻ tự phát sẽ mọc lên, đồng thời buộc nhiều công nhân sẽ phải nghỉ việc để ở nhà trông con. Đây là bất cập rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân. Ông Hoàng cho biết, Sở sẽ tuân thủ theo chủ trương của Bộ, song căn cứ vào tình hình thực tế tại một số huyện, thị xã có đông công nhân, Đồng Nai có chủ trương giao cho Phòng Giáo dục tham mưu để các địa phương này ban hành những quy định phù hợp với thực tế. Ngành giáo dục Đồng Nai quán triệt quan điểm ở cấp tiểu học giáo viên chỉ được dạy ngoài giờ các môn kỹ năng, năng khiếu cho học sinh. Với học sinh lớp 3, lớp 4, giáo viên có thể ôn tập thêm, tuy nhiên không được dạy trước bài mới, ông Hoàng nói.
Học sinh tiểu học vui chơi tại sân trường (Ảnh minh họa)
Từ những khó khăn trên, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, với bậc tiểu học, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần có những văn bản cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tế tại các địa phương. Ở các cấp học khác, cần kiểm tra chặt chẽ việc cấp giấy phép dạy thêm cho những đơn vị, cá nhân đứng ra tổ chức; đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy; tránh tình trạng biến tướng việc dạy thêm để tư lợi.
Hiện tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm, trong đó các cấp THCS và THPT việc dạy thêm phải đảm bảo sĩ số lớp không quá 45 học sinh; không dạy thêm, học thêm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét