Một lần nữa những vấn đề liên quan đến môn Sử lại được xới lên một cách khẩn thiết, đầy trách nhiệm và cũng đầy nỗi niềm từ phía các nhà sử học, trong đó kiến nghị chủ đạo là phải sớm có những cuốn SGK Lịch sử không nặng nề, không quá tải để có thể khơi lại tình yêu môn Sử đối với học trò…
Tại Hội thảo chuyên gia Về sách giáo khoa (SGK) lịch sử ở trường phổ thông vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã thảo luận một số vấn đề cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế và góp phần nâng cao vị thế của môn học Lịch sử.Muốn đổi mới giảng dạy phải tạo đột phá trong SGK
GS. NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, sách giáo khoa (SGK) chưa phải là chất lượng giáo dục lịch sử nhưng nó là một trong những khâu cơ bản nhất; và muốn đổi mới giảng dạy phải tạo đột phá, thay đổi quan điểm về SGK.
Các nhà khoa học đều hướng tới một cuốn SGK lịch sử không nhàm chán, thu hút học sinh.
Cuộc hội thảo cũng nhận định “thủ phạm” hàng đầu khiến học sinh “sợ” sử chính là do các kiến thức trong sách giáo khoa khô khan, nhồi nhét.
GS. Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội KHLSVN cho rằng, cách thức biên soạn SGK hiện nay đang theo kiểu: gần như tóm tắt sách sử của người lớn, rồi bắt học sinh thuộc. Bởi theo ông, SGK Sử vẫn trình bày dàn trải, la liệt các sự kiện rất nặng nề và nhàm chán; hầu như bất cứ một cuốn SGK Sử nào cũng ngồn ngộn sự kiện và đầy ắp những nhận định mà người học muốn được điểm cao, không có cách nào là phải học thuộc lòng, để rồi hậu quả là học xong, thi xong là quên hết.
Vì thế, theo đề xuất của PGS. Phạm Xanh, ĐH Quốc gia Hà Nội, cần có một cuộc “giải phẫu” lớn về cấu trúc mới cho SGK môn lịch sử ở bậc phổ thông. Ông cũng cho rằng, muốn sử dễ hiểu, ngay từ cấp tiểu học nên chọn ra các nhân vật lịch sử VN và thế giới có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của dân tộc và nhân loại, biên soạn lịch sử dưới dạng những câu chuyện có thực, sẽ đánh thức trí tò mò và sự khám phá của học sinh.
Tại buổi hội thảo này, các chuyên gia cũng đều đồng quan điểm: Muốn môn sử không còn bị coi là môn phụ và được học sinh yêu thích thực sự, điều quan trọng nhất là các bài học lịch sử đưa vào giảng dạy phải đảm bảo tính trung thực.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “SGK phải tôn trọng sự thật lịch sử, đồng thời phải phản ánh rất khách quan sự thật đó, không thể cứ tuyên truyền theo kiểu một chiều “ta thắng, địch thua” như hiện nay”. Đề xuất này không phải xuất phát từ quan niệm của giới sử học, mà từ yêu cầu phát triển của giới trẻ, của đất nước.
GS cũng nhận định, sự việc học sinh ăn mừng, xé đề cương môn sử trắng sân trường là một ví dụ cực kỳ thực tế cho thấy, nếu vẫn chỉ nhồi nhét kiến thức mà không chịu vận động, mở rộng quan điểm và cách nhìn theo thời cuộc, khơi mở cho học sinh tự tìm hiểu những sự kiện lịch sử xuất hiện quanh cuộc sống của các em bằng những câu chuyện chân thực, không tô vẽ, thì có lẽ chuyện chán sử, quay lưng với môn sử không chỉ là diễn ra một lần.
“Đồng tâm” hay “đường thẳng”?
Một vấn đề được bàn đến khá nhiều đó là có nên thay đổi việc phân bổ môn sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông vẫn theo cấu trúc đồng tâm như hiện nay hay sẽ theo đường thẳng?
PGS.TS Phạm Xanh đưa ra ý tưởng giải cấu trúc đồng tâm gồm 4 vòng, cụ thể ở tiểu học lựa chọn vài nhân vật lịch sử để giáo dục nhân cách cho trẻ; cấp 2 lựa chọn địa danh lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, thế giới có thể tích hợp với môn địa lý; cấp 3 học từ khởi thủy và ở đại học sẽ có các chuyên đề lịch sử.
Còn GS. TS Đỗ Thanh Bình (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng nên kết hợp giữa đường thẳng và đồng tâm: đường thẳng ở hai đầu chương trình, đồng tâm ở chỗ giao nhau giữa hai cấp học. Sở dĩ vẫn duy trì một phần đồng tâm vì có những học sinh chỉ theo học đến lớp 9.
GS. TS Đỗ Thanh Bình (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Về vấn đề này, GS Phan Huy Lê khẳng định: “Đã đến lúc phải từ chấm dứt cấu trúc đồng tâm mà thay vào đó là đường thẳng. Nhưng phân bố theo đường thẳng như thế nào cho hợp lý, phù hợp nhất thì còn phải nghiên cứu dựa vào các phương án các thầy đề ra hôm nay”.
Mặt khác, SGK Lịch sử cần thay đổi theo hướng tích hợp như các nước tiên tiến đang làm hiện nay, đó là khuynh hướng hiện đại, phù hợp với tiếp nhận của giới trẻ. Theo các chuyên gia thì có hai phương án tích hợp chính là có thể tích hợp các bài, chương với nhau ví dụ lịch sử thế giới tích hợp với lịch sử các nước khu vực hoặc tích hợp các bộ môn liên quan như Địa lý.
Như vậy, có thể thấy chương trình SGK sử phổ thông sẽ được thay đổi theo hướng mới. Tuy nhiên, liệu đến năm 2015 “kịp” có bộ sách Lịch sử mới hay không vẫn là nỗi lo lắng, thắc mắc của nhiều nhà sử học và nhà giáo tâm huyết.
PGS.TS Trần Thị Vinh lo lắng: “Tôi lo ngại lộ trình của Bộ. Bởi để có một bộ SGK đặt trên bàn phải trải qua năm tháng, chứ không phải dễ dàng, nhanh chóng có được. Vậy làm sao 2015 có được bộ sách mới trong khi chúng ta vẫn phải ngồi đây bàn bạc”.
Về việc này, GS Phan Huy Lê cho biết Hội Khoa học Lịch sử sẽ tổng hợp ý kiến thành văn bản để gửi lên Bộ GD-ĐT. Ông kiến nghị: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GD-ĐT từ năm 2003, Bộ có vẻ tiếp thu nhưng vẫn né tránh. Tôi đề xuất Bộ GD-ĐT giải quyết các vấn đề bức xúc như việc xác định vị trí của môn sử và coi đó là môn bắt buộc, chứ không nên coi là môn may rủi bốc thăm. Hơn nữa, cũng không nên cải thiện bằng lối giảm tải như hiện nay và cần cải cách đề thi ở phổ thông, đại học”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét