Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Kiểm tra cô giáo bằng đề thi như HS

Trong đợt thi học kỳ 2 của học sinh khối 12 trường THPT Cao Thắng (TP Huế) vừa qua, cô Hoàng Thị Mai - Hiệu trưởng nhà trường đột xuất yêu cầu 15 giáo viên môn Toán, Anh Văn, Địa, Sinh dạy khối này không phải coi thi mà cùng vào một phòng làm bài có đề thi như học sinh, để đánh giá chất lượng các giáo viên này.

Theo cô Mai, "sau khi công bố điểm, chúng tôi đã họp và thưởng động viên mỗi người 100.000 đồng, bài điểm cao hay thấp gì cũng thưởng, chủ yếu là vui vẻ…”. Thực tế ngay sau đó, các ý kiến tranh luận nổi lên chưa ngã ngũ. Người khen cô vô tư, trong sáng dám "đột phá”, người lo làm vậy vội vàng e mất lòng giáo viên, nhất là đội ngũ làng nhàng.
Đánh giá giáo viên thế nào cho hợp lý? Nếu đánh giá kiến thức chuyên môn sâu và các kỹ năng, lâu nay chỉ có các kỳ khảo sát giáo viên ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT chỉ đạo. Một số trường cũng hợp đồng với Hội đồng Anh khảo sát. Nhưng các môn khác hầu như chưa có cách gì đánh giá chính xác. Dự giờ chỉ mới đánh giá phương pháp, kỹ năng giảng dạy chứ chưa đánh giá kiến thức thật sự.
Cây ngay không sợ chết đứng. Trước một cách làm lạ và mới như cô hiệu trưởng Mai, tất nhiên phải chịu nhiều phán xét của người trong, ngoài nghề. Nhiều người cho rằng nếu thầy cô (bị thi như học trò) yếu kém chuyên môn thật ắt sẽ khó chịu, thậm chí "giật đùng đùng” phản ứng. Còn nếu là người nắm vững kiến thức sẽ bình tĩnh thực hiện yêu cầu cầu của hiệu trưởng. Có gì mà xúc phạm?


Cách kiểm tra này đã chịu nhiều phán xét

Hơn thế, nhiều bậc phụ huynh vẫn công khai chuyện mình tốt nghiệp ĐH mà có làm nổi bài của học sinh cấp 2, 3 đâu. Chương trình "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” cũng cho thấy kiến thức phổ thông bây giờ "xương” lắm, không dễ. Nếu thầy cô không làm bài chính xác như yêu cầu, cũng là "tự thú” để nâng cao kiến thức. Một đòi hỏi tất yếu.
Nhưng ý kiến phê phán gay gắt hóa ra cũng lắm. Các hiệu trưởng, đồng nghiệp cũng phê phán cách làm mà thoáng nghe, dễ hiểu là "kém miếng khó chịu”. Nhưng quý là cô hiệu trưởng Mai khá bình tĩnh, chấp nhận lắng nghe mọi khen chê vì theo cô, đây là thử nghiệm nội bộ đánh giá chất lượng giáo viên, không tham vọng nhân rộng. "Trước khi làm chúng tôi đã hội ý và nhận được sự thống nhất của BGH, Chi ủy. Việc gây dư luận là ngoài ý định, nên khen chê gì chúng tôi cũng gánh” - cô nói.
Trong tình hình nhiều giáo viên "ngồi nhầm chỗ” và Bộ GD-ĐT chậm đổi mới cách bồi dưỡng giáo viên mỗi dịp hè, sự dũng cảm thanh lọc là cần thiết dù cần có lộ trình thích hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét