Đạo đức sinh viên (SV) đang tụt dốc, lối sống buông thả… đã đến lúc cần phải tìm thuốc đề kháng là ý kiến của các nhà nghiên cứu tại hội thảo Giáo dục đạo đức cho SV trong các trường CĐ, ĐH Việt Nam do Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức cuối tuần qua.
“Mù” lịch sử, sống cá nhân“SV ngày nay đang xem nhẹ, thậm chí quay lưng lại với giá trị truyền thống của dân tộc, một bộ phận HS-SV thờ ơ với truyền thống, không hiểu gì về văn hóa dân tộc, sùng bái văn hóa ngoại, lối sống ngoại mà kết quả của môn thi lịch sử tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây đã nói lên điều này” - ThS Trần Hoàng Phong (Trường ĐH Đồng Tháp) nêu ý kiến.
Theo thầy Phong trong khoảng 1.800 SV thuộc 9 trường ĐH, 6 trường trung học và học nghề, 2 xí nghiệp trên địa bàn TPHCM đã được khảo sát, có tới 40,75% không biết sự kiện lịch sử hoặc lai lịch nhân vật lịch sử của con đường mình đang sống, tên trường đang/đã theo học; 43% cho rằng Việt Nam có 100 dân tộc khác nhau, 23% kể sai hoặc không kể được tên một danh nhân văn hóa hoặc danh tướng trong lịch sử, 60% kể sai hoặc không kể được một di tích lịch sử văn hóa cũng như di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, thạc sĩ Đào Thị Vân Anh – Trung tâm nghiên cứu GDPT, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐHSP TP.HCM) phân tích: Trong tổng số 200 SV các Trường ĐHSP TP.HCM, ĐH Kinh tế, ĐH Bách Khoa… được hỏi về biểu hiện đạo đức của SV, đánh giá mức độ hành vi đạo đức của bản thân, tự đánh giá hạnh kiểm… có 41% cho rằng đạo đức SV hiện nay đang ở mức đáng lo ngại, 11,5% ý kiến ở mức “báo động về sự xuống cấp đạo đức” và chỉ có 33% ý kiến ở mức độ trung bình, chỉ có 5,5% cho rằng “nhìn chung là tốt”.
Theo nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Sơn cho thấy sự lệch chuẩn về lối sống, đạo đức lẫn suy nghĩ của SV khá rõ. Cụ thể, 36% SV cho biết làm theo lương tâm sẽ bị thua thiệt, 41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng, 28% có tư tưởng trả thù, báo oán…
Các nhà nghiên cứu lo ngại về đạo đức SV
Ở một khía cạnh khác, cô Lê Thị Tần – giảng viên khoa lý luận chính
trị, Trường ĐH An Giang cho rằng, đạo đức SV đang xuống cấp nghiêm
trọng. SV đang tồn tại chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỉ, thực dụng, vụ lợi
ngày càng nhiều. Một bộ phận SV thể hiện lối sống xa hoa, lãng phí, đua
đòi, tiêu xài những đồng tiền không lợp lý và vô cảm trước những khó
khăn của người khác.Nhiều SV thể hiện một lối sống thiếu trung thực, cơ hội, chạy chọt vì lợi ích cá nhân như điểm số, thi cử. Ngoài ra một bộ phận khác thì luôn có hành động nói không đi đôi với làm và đa số SV sống xa nhà nên cũng có lối sống buông thả, hưởng thụ, thiếu hoài bão, thiếu quyết tâm và có nhiều tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, xa đọa…
Nhân cách thầy là tấm gương đạo đức
SV lên lớp cần được dạy chữ và dạy người (Ảnh: SV Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Cô Lê Bích Thủy – Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng,
nếu học ở phổ thông thầy cô gần gũi với HS bao nhiêu thì lên ĐH thầy cô
lại xa rời SV bấy nhiêu. GV là người gắn bó với cái tên ThS, TS, PGS, GS
cạnh tên môn, trong khi đó SV chỉ là hàng trăm cái tên gắn với khoa,
khóa, lớp học rộng lớn hàng trăm con người cùng ngồi, cùng chép, cùng
chờ chuông reo.“Không có những sự trao đổi, hỏi han về tâm tư nguyện vọng, tình cảm, không có sự chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, vì “không có thời gian”, “không liên quan” “không có tâm huyết” nên SV học được sự thờ ơ và học được bài học lớn: “Không chia sẻ, không quan tâm”.
Ở góc độ khác, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM cho rằng, rất cần thiết phải rèn luyện tính trung thực cho SV và cần phải tạo ra diện mạo một nền “giáo dục sạch” bằng việc chấm dứt “đạo văn” đang phổ biến hiện nay bởi nếu không tạo ra chuẩn mực đạo đức cho SV Việt Nam thì chúng ta tự đóng cửa và không thể hợp tác hội nhập với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập.
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐHSP TP.HCM), vai trò của người GV trong việc giáo dục đạo đức cho SV ở các trường ĐH, CĐ là rất quan trọng. Người giảng viên có thể là người ‘thần tượng” của sinh viên, có thể sử dụng công cụ hữu hiệu nhất thông qua “Dạy chữ để dạy người” thậm chí với những bài học “không lời” cũng có thể đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên để được như vậy người GV phải là “vừa hồng, vừa chuyên” xem việc truyền nghề như thể thực chất; người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người.
"Nhân cách của người thầy chính là tấm gương đạo đức có sức thuyết phục nhất đối với sinh viên. Sự giáo dục “không lời” mà đem lại hiệu quả cao" - PGS.TS Ngô Minh Oanh khẳng định.
Theo Lê Huyền (Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét