Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Tăng thu nhập cho GV để tránh lạm thu

“Do thu nhập của người giáo viên thấp nên việc dạy thêm, học thêm không chấm dứt được. Bên cạnh đó dẫn đến việc lạm thu trong trường học”.

ĐB Mai Văn Lâm (huyện Đan Phượng) phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố ngày 4/12.
ĐB Mai Văn Lâm cho rằng, giáo dục của Hà Nội hiện nay có hai vấn đề có thể nói là “yếu” là cơ sở vật chất và đạo đức học đường. Do thu nhập của người giáo viên thấp nên việc dạy thêm, học thêm không chấm dứt được. Bên cạnh đó cũng dẫn đến việc lạm thu trong trường học. Các khoản phụ thu đầu năm tạo nên dư luận bất an trong nhân dân, ảnh hưởng chất lượng đạo tạo, đạo đức học đường.
ĐB Lâm cho biết: “Ngày 20/11, tôi được biết có thống kê trên mạng, 40% học sinh cho rằng không cần biết ơn thầy cô, vì họ đi học phải trả tiền, thậm chí phải trả tiền rất cao. Như vậy, từ những chuyện liên quan đến tiền bạc mà truyền thống đạo đức quý báu “tôn sư trọng đạo” đang bị ảnh hưởng”.
Theo ĐB Mai Văn Lâm, học sinh đã vậy, đạo đức nghề nghiệp và tri thức người thầy cũng đáng báo động. Những năm gần đây, điểm vào đại học của hệ thống trường sư phạm rất thấp. Liệu đầu vào thấp có cho ra giáo viên chất lượng cao hay không? Có những bài giảng của thầy cô từ 10 hay 15 năm trước, có khi học sinh còn cập nhật trên mạng nhanh hơn thầy cô.
“Tôi cho rằng, học sinh cần ở người thầy trước hết là tấm gương đạo đức, tiếp đến là chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, người thầy cần trau dồi thêm những giá trị quý báu về đạo đức người thấy và chuyên môn tốt. Về phía Nhà nước, cần quan tâm hơn nữa với ngành giáo dục, ngành đào tạo con người cho xã hội, đất nước. Hơn nữa, đây cũng là ngành liên quan đến tất cả mọi người, ai cũng phải đi học. Vấn đề thu nhập của giáo viên, tôi đề nghị cần phải nâng cao để tránh những tình trạng bất cập vừa nêu trên”, ĐB Lâm đưa ra giải pháp chống lạm thu trường học.
Cũng đề cập vấn đề lạm thu trường học, ĐB Phạm Xuân Tài (huyện Thường Tín), cho biết thêm, trong dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 có đề cập vấn đề Triển khai dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Theo ĐB Phạm Xuân Tài, đây là vấn đề không khả thi, không thực tế và dễ dẫn đến tình trạng lạm thu. Với trình đọ giáo viên không đồng đều, cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh, ngay cả dạy ngoại ngữ bình thường còn khó khăn, chưa nói đến dạy và học nâng cao.
ĐB Phạm Xuân Tài nêu ví dụ thực tế: “Hiện nay, tôi được biết, có các trường cho học sinh tiếp cận ngoại ngữ cho các em lớp 1 lớp 2. Chương trình này tự nguyện, chưa triển khai chính thức. Các trường phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ đưa giáo viên ngoại ngữ vào dạy, có nơi thu học phí 400 nghìn đồng/tháng”.
ĐB Phạm Xuân Tài cảnh báo, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ, có thể tạo ra áp lực cho các em học sinh và nhà trường, ngoài ra, không có tác dụng giáo dục. Thậm chí, tiếp tục tái diễn tìn trạng lạm thu trong nhà trường. Do vậy, ĐB Phạm Xuân Tài đưa ra giải pháp: “Cần nghiên cứu thêm việc tăng cường cơ sở vật chất cho việc dạy và học ngoại ngữ, đồng thời nâng cao trình độ giáo viên”.
Trao đổi với PV bên lề kỳ họp HDND ngày 4/12, ĐB Mai Văn Lâm (huyện Đan Phượng) cùng chung nhận định với ĐB Tài khi cho rằng, vấn đề triển khai dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông là đáp ứng Nhu cầu phát triển, hội nhập của xã hội. Nhưng trong điêu kiện hiện nay, phần lớn các trường phổ thông không thể đáp ứng được về giáo viên, cơ sở vật chất. Hơn nữa, vấn đề này không nằm trong định hướng chung của ngành giáo dục. Việc đưa chương trình nâng cao học ngoại ngữ thành chỉ tiêu phấn đấu của Thành phố, từ đó dẫn đến chuyện tăng thêm giờ học, tăng học phí... Do vậy, tôi cho rằng, chương trình này chỉ nên cho vào các trưởng điểm, trường chuyên... có đủ cơ sở vật chất, giáo viên.
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội năm 2012, nhiệm vụ năm 2013 của Thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố nêu: “Tình trạng “lạm thu” trong giáo dục mầm non và phổ thông còn diễn ra phổ biến; việc dạy thêm, học thêm, học nâng cao, học tự chọn... không đúng qui định vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong xã hội. Công tác quản lý thu, chi các khoản thu khác ngoài học phí còn nhiều bất cập. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục chưa quyết liệt. Tình trạng quá tải trong các trường học ở khu vực nội thành chưa được cải thiện; việc rà soát, chỉ đạo xây dựng trường học trong các khu đô thị mới còn chậm” .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét