Ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải trình với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Giáo viên mầm non không được trả tiền vượt giờBà Phạm Thị Hải, đại biểu tỉnh Đồng Nai, phản ảnh thực trạng hiện nay nhiều giáo viên mầm non đang phải làm việc vượt tới 300-400 giờ/năm. Trong khi theo quy định của Luật lao động thì chỉ khống chế giờ làm việc dôi dư tối đa 200 giờ/năm. Bởi thế, nhiều giáo viên mầm non phải làm vượt giờ nhưng lại không được trả tiền vượt giờ. Về điều này, ông Phạm Vũ Luận thừa nhận Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, theo đó giáo viên mầm non chỉ phải làm việc 6 giờ/ngày. Nhưng trên thực tế giáo viên mầm non ở các địa phương đang phải làm việc trung bình 10-12 giờ/ngày. “Quy định về giờ làm việc đối với giáo viên mầm non chưa thể thực hiện được do chưa ban hành thông tư liên tịch về vị trí việc làm của giáo viên mầm non thay thế thông tư hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở mầm non công lập”- ông Luận giải thích.
Việc giải trình này liên quan đến các chính sách liên quan đến việc phổ cập mầm non 5 tuổi, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non, những bất cập và giải pháp gỡ rối cho giáo dục phổ thông.
Một tiết dạy của giáo viên lớp chồi 2 Trường mầm non Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM Ảnh: H.HG.
Thừa nhận những yếu kém trong giáo dục phổ thôngBà Lê Thị Tám (đại biểu tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Trung Thu (đại biểu tỉnh Long An), ông Huỳnh Thành Đạt (đại biểu TP.HCM) nhận xét một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập là do chương trình - sách giáo khoa (SGK) hiện hành nặng tính hàn lâm, chuyên sâu, xa rời thực tiễn, chủ yếu phục vụ thi cử khiến giáo viên và học sinh gặp khó khăn. Tính liên thông của chương trình yếu, chưa phân luồng, hướng nghiệp có hiệu quả đối với học sinh cuối cấp. Ông Nguyễn Đắc Vinh (đại biểu tỉnh Đắk Nông) cho rằng giáo dục phổ thông hiện nay bị “lệch”. Người dạy và người học chỉ tập trung vào một số môn chính để thi cử, không quan tâm giáo dục toàn diện, đặc biệt không quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT thừa nhận thực trạng mà các đại biểu phản ảnh và cho biết thêm: chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học; không có một tổng chủ biên chương trình - SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Việc thực hiện chương trình - SGK ở các địa phương nặng tính hành chính (giám sát theo phân phối chương trình, không theo chuẩn kiến thức, kỹ năng). Chương trình chưa thật sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Hình thức phân ban kết hợp tự chọn ở cấp THPT chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học...
“Chương trình giáo dục phổ thông mới không ăn nhập với chương trình đào tạo ở các trường sư phạm cũng như việc đào tạo bổ sung với đội ngũ giáo viên đang làm nghề. Điều này khiến giáo viên ngại thay đổi, không thực hiện hiệu quả tinh thần đổi mới” - ông Luận nhấn mạnh. Đồng thời ông cũng thừa nhận “chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, khả năng tự học, tự sáng tạo của một bộ phận học sinh còn kém”. Ông Luận cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ bất cập hiện nay, kinh nghiệm của thế giới để xây dựng chương trình - SGK sau năm 2015.
Tuy nhiên trước câu hỏi của ông Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - về quan điểm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, ông Phạm Vũ Luận không trả lời cụ thể. “Làm giáo dục cần làm trong bình lặng, tránh những tranh cãi ầm ĩ không cần thiết. Bộ GD-ĐT xác định đây là vấn đề nghiêm túc, hệ trọng và rất khó khăn. Hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn đang nghiên cứu hướng đi này, khi nào chín muồi mới báo cáo ủy ban” - ông Luận nói.
Tách kết quả thi tốt nghiệp THPT với kiểm soát chất lượng giáo dục
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Minh Diệu (tỉnh Quảng Bình) về biện pháp giải quyết những bất cập trong kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, ông Phạm Vũ Luận cho biết “sẽ tách tỉ lệ tốt nghiệp THPT với việc kiểm soát chất lượng giáo dục phổ thông” để tránh gây áp lực cho các địa phương dẫn đến việc tổ chức thi cử gian lận, đối phó. “Chúng tôi đang tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục theo chuẩn Pisa của châu Âu (là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do các quốc gia công nghiệp và một số quốc gia khác tiến hành ba năm một lần - PV). Dự kiến năm 2013 sẽ công bố công khai kết quả đánh giá này làm cơ sở điều chỉnh chính sách và tạo động lực cho các địa phương triển khai các giải pháp nâng chất lượng giáo dục” - ông Luận cho biết.
Liên quan đến việc này, ông Luận cũng cho biết sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tiến hành họp kín với 63 tỉnh, thành. Tại cuộc họp này nhiều sở GD-ĐT khẳng định đã làm nghiêm túc, nhưng có sở thừa nhận sai sót trong coi thi, chấm thi. Bộ GD-ĐT cũng tổ chức chấm thẩm định trên 10.000 bài thi của 17 tỉnh, thành có dấu hiệu bất thường ở kết quả thi tốt nghiệp. Từ kết quả chấm thẩm định, Bộ GD-ĐT phân tích rõ nơi nào có sai sót và thông báo cho từng địa phương.
“Năm nay chúng tôi chỉ gửi thông báo mật cho các địa phương nhưng năm 2013 chúng tôi sẽ công khai kết quả kiểm tra để xã hội cùng biết”- ông Luận hứa.
Bà Tòng Thị Phóng - phó chủ tịch Quốc hội - khẳng định “sẽ thành lập ủy ban giám sát nội dung thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và chất lượng giáo dục phổ thông” trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét