Đang có chuyến thăm và làm việc tại VN theo chương trình của Quỹ Hòa Bình Quốc tế, GS Douglas D.Osheroff, người từng đoạt giải Nobel vật lý có buổi giao lưu cùng hàng trăm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội vào chiều 14/12. Ở đó ông chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với các bạn trẻ.
Sau bài diễn thuyết của GS Douglas “Khoa học làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào”, một sinh viên đặt câu hỏi: ông có lời khuyên gì cho các nhà nghiên cứu khoa học trẻ ở VN? Vị GS cho hay quan trọng nhất là bạn phải có niềm đam mê và hãy đi theo niềm đam mê của mình. Ông kể, dù bản thân là một nhà khoa học từng đạt giải Nobel nhưng ở Mỹ, các công trình nghiên cứu của ông không nhận được nhiều quỹ hỗ trợ bởi đó là các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy vậy, ông vẫn đi theo con đường mà mình đã chọn bởi như thế, ông thấy vui và làm việc hiệu quả.“Các bạn cũng vậy, nếu bạn yêu thích cái gì thì hãy cứ theo nó, các bạn sẽ nhận được rất nhiều niềm vui từ nó”.
Cũng cần cả tính cam kết nữa, GS Douglas nói thêm, khi các bạn thực hiện một công trình khoa học thì các bạn phải đảm bảo cam kết với nhau sẽ quyết tâm đi đến cùng.
GS Douglas D.Osheroff.
Đối với học sinh, sinh viên, theo GS Douglas, nên thành lập các câu
lạc bộ nghiên cứu khoa học ở các trường học. Sau đó mời các nhà khoa
học, các giảng viên đại học đến nói chuyện.Như thế sẽ khơi dậy sự tò mò, sự quan tâm của các bạn đối với khoa học. Ở Mỹ, học sinh, sinh viên cũng làm tương tự. “Cần khuyến khích các em sinh viên lấy nghiên cứu khoa học là đích đến, niềm đam mê của mình chứ không chỉ là công cụ để kiếm tiền sau khi ra trường”, GS Douglas nhấn mạnh.
“Làm thế nào để khuyến khích học sinh, sinh viên đi theo con đường nghiên cứu khoa học? một sinh viên khác đặt câu hỏi. GS Douglas kể câu chuyện của chính mình: Khi tôi sáu tuổi, bố tôi, một bác sỹ rất khuyến khích tôi làm các thí nghiệm. Giờ nghĩ lại mới thấy đó là những thí nghiệm khá nguy hiểm nhưng lại giúp tôi có niềm đam mê.
Các bậc cha mẹ nên đóng vai trò khuyến khích con cái của họ tạo dựng niềm đam mê và theo đuổi đam mê ấy. Ông cũng chia sẻ thêm, đôi khi những phát minh được tạo ra từ chính những công cụ do chính mình sáng chế chứ không phải từ những phòng thí nghiệm hiện đại.
Bản thân công trình đạt giải Nobel vật lý của ông được thực hiện bằng chính những công cụ do ông sáng chế ra khi ông còn rất trẻ và đang học thạc sỹ. Quan trọng vẫn là niềm đam mê, vị GS cho hay.
Mời các bạn đến phòng thí nghiệm của tôi
GS Douglas D. Osheroff cùng lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà khoa học từng đạt giải Nobel vật lý nhiều lần ngỏ ý mời các bạn
học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ ở VN sang thăm và thậm chí
thực hành ở phòng thí nghiệm của ông.“Tôi có một phòng thí nghiệm trị giá nửa triệu USD với khá nhiều thiết bị hiện đại”.
Theo GS, việc đưa các nhà nghiên cứu khoa học trẻ ở VN đến học tập và nghiên cứu ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển sẽ là cách nhanh nhất để VN xây dựng nền khoa học tiên tiến.
“Gửi sinh viên ra nước ngoài học tập tại các phòng thí nghiệm là một ý tưởng hay, các trường đại học ở Việt Nam cần có chương trình liên kết với các trường phương tây để sinh viên liên tục được sử dụng những phòng thí nghiệm ở nước phát triển”.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn: “Có một nguy cơ mà VN phải đối mặt là các sinh viên này có thể sẽ không quay trở về nước làm việc. Để tránh việc này, Chính phủ Việt Nam cần có những sự phối hợp với các nước nhưng đảm bảo lợi ích hai bên”, GS. Douglas nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, VN nên thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa các giáo sư, nhà khoa học ở VN với các chuyên gia nước ngoài nhiều hơn nữa.
Theo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét