Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư mới quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ. Đáng chú ý, thông tư quy định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH.
So với các quy định trước đây Bộ GD-ĐT siết chặt hơn rất
nhiều, từ điều kiện mở ngành đào tạo liên thông cho đến hình thức dự
thi liên thông. Đặc biệt hơn cả là từ nay trở đi chỉ đào tạo liên thông
chính quy theo hình thức học tín chỉ, không còn đào tạo theo niên chế.
Cụ thể, Cơ sở giáo dục đại học chỉ được tổ chức
đào tạo liên thông khi có đủ các điều kiện: Có quyết định giao nhiệm vụ
mở ngành đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học của ngành đào tạo
liên thông; Có báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục đại học và triển
khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ GD-ĐT quy định; Đã công bố
chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo
trên trang thông tin của trường theo quy định.
Có Hội đồng để xem xét và công nhận giá trị chuyển đổi
kết quả học tập và các khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học chương
trình đào tạo liên thông đối với từng người học (gọi là Hội đồng đào
tạo liên thông); Đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ trình độ CĐ, ĐH hệ
chính quy đối với cơ sở giáo dục đại học đăng ký đào tạo liên thông
chính quy.
Thông tư này cũng quy định, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH
quyết định đào tạo liên thông từ trình độ TCCN lên trình độ CĐ hoặc từ
trình độ CĐ lên trình độ ĐH. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đào tạo liên
thông từ trình độ TCCN, Trung cấp (TC) nghề lên trình độ ĐH, từ trình độ
TC nghề lên trình độ CĐ, từ trình độ CĐ nghề lên trình độ ĐH.
Kiểm soát chặt đầu vào và đầu ra
Bộ GD-ĐT cho biết, thông tư mới này chỉ áp dụng đối với
hình thức liên thông chính quy và vừa học vừa làm. Đối với đào tạo liên
thông từ xa sẽ có quy định riêng. Riêng liên thông chính quy ngoài việc
siết chặt về chỉ tiêu còn yêu cầu thi tuyển đầu vào và kiểm soát nghiêm
ngặt khâu đầu ra.
Cụ thể, người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề,
CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày
nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ
bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).
Cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển;
Người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa
đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi
lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu
theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi
tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT chức hằng năm. Việc tổ chức
tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển được thực hiện
theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành của Bộ GD-ĐT.
Đào tạo liên thông chính quy được tổ chức, quản lý theo
các quy định hiện hành của Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ
thống tín chỉ. Đào tạo liên thông chính quy phải tập trung toàn bộ thời
gian tại cơ sở giáo dục ĐH được phép đào tạo liên thông để thực hiện
chương trình đào tạo. Sinh viên hệ liên thông chính quy học chung, thi
hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt
nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.
Đối với đào tạo liên thông hình thức vừa học vừa làm thì
về cơ bản giống như các quy định đối với liên thông chính quy. Điểm
khác là thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo thực hiện theo quy chế và quy
định đối với hệ vừa học vừa làm.
Với việc siết chặt này Bộ GD-ĐT cũng giao cho các trường
xem xét để quyết định công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập. Cụ
thể, chương trình đào tạo đối với người học liên thông theo hình thức
chính quy là chương trình đào tạo trình độ CĐ, trình độ ĐH chính quy
đang áp dụng tại cơ sở giáo dục ĐH. Chương trình đào tạo đối với người
học liên thông theo hình thức vừa làm vừa học là chương trình đào tạo
hình thức vừa làm vừa học đang áp dụng tại cơ sở giáo dục ĐH.
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng đào tạo liên thông, Thủ
trưởng cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo,
văn bằng, kết quả học tập đã có của người học để quyết định công nhận
giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức được miễn trừ
khi học chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học và công
bố công khai trước khi tổ chức đào tạo.
Sai phạm xử lý nghiêm
Thông tư mới cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra, thanh tra
thi tuyển sinh và tổ chức đào tạo liên thông của các cơ sở giáo dục đại
học theo quy định hiện hành. Sở GD-ĐT là đầu mối giúp uỷ ban nhân dân
tỉnh/thành kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền việc thực hiện Quy định về
đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các lớp liên kết
đặt tại địa phương; phát hiện và báo cáo kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào
tạo những trường hợp vi phạm Quy định về đào tạo liên thông của các đơn
vị tham gia liên kết tại địa phương quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học
có trách nhiệm tự thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh, tổ
chức đào tạo của cơ sở mình theo quy định hiện hành.
Việc xử lý các vi phạm trong tuyển sinh và đào tạo liên
thông cấp bằng CĐ, ĐH thực hiện theo các quy định hiện hành của Quy chế
tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo
hệ thống tín chỉ, Quy chế tuyển sinh và đào tạo vừa làm vừa học hiện
hành của Bộ GD-ĐT.
Về xử lý sai phạm Bộ GD-ĐT khẳng định, người học bị phát
hiện có sai phạm trong tuyển sinh hoặc quá trình đào tạo, khai man hồ
sơ bị buộc thôi học, thu hồi bằng tốt nghiệp. Cơ sở giáo dục ĐH tổ chức
đào tạo liên thông, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, thủ trưởng cơ sở giáo
dục ĐH và những người tham gia tuyển sinh, tổ chức đào tạo nếu vi phạm
các quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp phát văn bằng, tùy theo
mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ sở giáo dục ĐH tổ chức tuyển sinh và đào tạo liên
thông khi chưa có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối
với hình thức liên thông nhảy bậc từ TCCN lên ĐH -PV) sẽ bị đình chỉ đào
tạo liên thông tùy theo mức độ vi phạm, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH sẽ
bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ GD-ĐT sẽ công bố công khai trên trang thông tin điện
tử của Bộ GD-ĐT các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đào tạo
liên thông.
Thông tư mới này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày
7/2/2013. Bộ GD-ĐT cũng cho hay, đối với các khóa tuyển sinh đào tạo
liên thông trước thời điểm Thông tư mới có hiệu lực, cơ sở giáo dục ĐH
thực hiện đào tạo liên thông theo các quy định đang có hiệu lực. Tuy
nhiên các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát đảm bảo các điều kiện tổ chức
đào tạo liên thông quy định theo thông tư mới báo cáo Bộ GD-ĐT trước
ngày 30/6/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét