Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Vận động học bổng cho HS nghèo bằng... phóng sự

Tìm hiểu hoàn cảnh học sinh khó khăn rồi đến tận nhà quay phim cuộc sống gia đình các em, sau đó dựng thành phóng sự và mang ra trình chiếu để vận động học bổng. Đó là một mô hình giúp học sinh nghèo rất có ý nghĩa của số trường THPT ở TP Cần Thơ.

Mới đây, chúng tôi đã tìm đến Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để tìm hiểu rõ hơn mô hình giúp học sinh (HS) nghèo khá “táo bạo” của các giáo viên được gọi vui là những “phóng viên nghiệp dư”.
Nói về ý tưởng giúp HS nghèo bằng việc quay phim làm phóng sự này, thầy Lâm Nhựt Nam - Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, một lần tình cờ thầy thấy cô Trần Thị Kim Thêu (giáo viên dạy văn của trường) làm clip nhỏ về hoàn cảnh những em HS khó khăn mà cô biết, thầy đã nảy ra ý tưởng tại sao không thực hiện clip về các HS khó khăn của trường để từ đó vận động các mạnh thường quân hỗ trợ học bổng cho các em. Ý tưởng của thầy Nam được cô Thêu và Ban giám hiệu cũng như nhiều thầy cô khác trong trường tán thành.
Theo cô Trần Thị Kim Thêu, qua xem đài truyền hình và báo chí có nhiều chương trình giúp HS nghèo thông qua thực hiện phóng sự về hoàn cảnh của các em nên nhóm giáo viên của trường đã đặt ra chủ đề là “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ THPT Trần Đại Nghĩa”. Cô Thêu cho biết, mô hình này bắt đầu được thực hiện từ năm học 2010- 2011. 

Giáo viên làm phóng sự về học sinh nghèo để vận động học bổng
 
Nhóm "phóng viên nghiệp dư" của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (trái) đến nhà một em học sinh nghèo làm phóng sự. (ảnh cắt từ một clip do nhóm thực hiện).
Bắt tay vào làm chương trình, nhóm giáo viên gồm: thầy Lâm Nhựt Nam, cô Trần Thị Kim Thêu, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, cô Nguyễn Yến Hoàng, cô Trương Thị Minh Hải đã chia nhau tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn của các em HS trong trường. Qua tìm hiểu, nhóm giáo viên này biết được hoàn cảnh của 3 em: Trần Thị Huỳnh Như, Hồ Thanh Tiến và Trần Trọng Nhân.
Sau khi nắm được hoàn cảnh của các em, nhóm giáo viên đã đến từng gia đình để ghi hình. Cô Thêu kể lại, lúc đó cả nhóm dùng một chiếc máy quay cá nhân nhỏ xíu, với lại không ai biết kỹ thuật quay hình nên còn khá lúng túng, vì thế hình ảnh có lúc loạn xạ cả lên, và để quay được hoàn cảnh của một em có khi mất cả ngày trời. Quay xong, cả nhóm lại về trường tập trung dựng hình, viết kịch bản rồi lồng tiếng cho phóng sự.
Thầy Lâm Nhựt Nam cho hay, phóng sự về 3 em học sinh trên, cả nhóm phải mất cả tháng mới hoàn chỉnh. “Khi phóng sự được đem ra trình chiếu đã được sự đánh giá cao của ban giám hiệu, giáo viên trường cùng phụ huynh HS, cả nhóm mới thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng mô hình này bước đầu đã thành công”, thầy Nam chia sẻ.

Thầy Lâm Nhựt Nam (
 
Thầy Lâm Nhựt Nam (bên phải) - Bí thư Đoàn Trường Trần Đại Nghĩa cùng học sinh xem lại phóng sự đã thực hiện.
Nói về 3 em HS Huỳnh Như, Thanh Tiến và Trọng Nhân trong đoạn phóng sự, cô Thêu cho biết, em Thanh Tiến từng là nhân vật trong bài viết “Lòng hiếu thảo của cậu học trò bệnh tật” đăng trên báo điện tử Dân trí vào tháng 6/2010, việc mô hình mà nhóm giáo viên thực hiện cũng một phần bắt nguồn từ hoạt động nhân ái này của báo điện tử Dân trí.
Hay em Trần Trọng Nhân (thời điểm thực hiện phóng sự, em đang học lớp 11A1), hoàn cảnh của em rất khó khăn. Em sống với cha mẹ, cha bị bệnh không lao động được, mọi kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào việc bán bánh của mẹ, còn em Nhân vừa học vừa làm công việc nhà để phụ mẹ. Trọng Nhân là một HS giỏi của trường. Còn em Trần Thị Huỳnh Như (thời điểm thực hiện phóng sự em đang học lớp 10A9) ở với ông bà ngoại và cậu mợ. Ông bà ngoại già yếu, cậu bị tật nguyền, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều phụ thuộc vào mợ đi làm lao công. Em Huỳnh Như cũng là một HS giỏi.
Ngày 26/3/2011, phóng sự về 3 em học sinh này được trình chiếu trong đêm văn nghệ hội trại thành lập Đoàn 26/3, phóng sự đã nhận được nhiều tình cảm của các bậc phụ huynh, HS khi xem. Và kết quả từ phóng sự này, nhà trường đã vận động được trên 10 triệu đồng từ các mạnh thường quân là các bậc phụ huynh, học sinh quyên góp lại. Với số tiền vận động được, nhà trường đã trao học bổng cho 3 em: Tiến, Nhân, Như, góp phần hỗ trợ thêm cho các em chi phí học tập. “Đây là niềm vui lớn nhất mà nhóm giáo viên làm được cho các em, ai cũng mừng và hạnh phúc lắm vì phần nào đã giúp các em tiếp tục có điều kiện đến trường”, cô Thêu chia sẻ.
Tâm sự với PV Dân trí, em Trần Thị Huỳnh Như (hiện đang học lớp 12A5) cho biết, hồi mới vào học lớp 10, vì hoàn cảnh khó khăn, em đã có ý định bỏ học đi làm kiếm tiền phụ gia đình. May nhờ thầy cô giáo vận động và sau đó được thầy cô quay phim làm phóng sự, từ đó được sự tiếp giúp thêm của các mạnh thường quân đã giúp em an tâm học tập cho đến bây giờ.
 
“Em thấy việc quay phim hoàn cảnh học trò khó khăn để vận động học bổng của thầy cô ở trường là rất có ý nghĩa. Bởi việc làm của thầy cô ngoài vận động được học bổng còn thể hiện sự quan tâm đến chúng em, khiến chúng em quên đi mặc cảm mà cố gắng học tốt hơn”, em Huỳnh Như bày tỏ suy nghĩ của mình.
Thầy Lâm Nhựt Nam (
Em Trần Thị Huỳnh Như (HS lớp 12) một nhân vật mà nhóm giáo viên của trường Trần Đại Nghĩa đã quay phóng sự. Em Như cho biết, nếu không có sự tiếp giúp của thầy cô có lẽ em đã bỏ học hồi năm lớp 10 vì hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình của thầy cô Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã tiếp sức cho các em HS nghèo tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt. Được biết, các em Hồ Thanh Tiến, Trần Trọng Nhân đã ra trường và đã đậu vào các trường đại học. Còn riêng em Huỳnh Như đang nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 12 của trường. Em Huỳnh Như còn cho biết, ước mơ của em sau khi học xong lớp 12 sẽ thi vào Trường ĐH Y- Dược Cần Thơ để trở thành một bác sĩ tương lai.
Được nhóm giáo viên cho chúng tôi xem phóng sự mà nhóm đã thực hiện, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi việc dàn dựng khá chuyên nghiệp. Dù hình ảnh có những đoạn không rõ nhưng hoàn cảnh của mỗi em đều được sắp xếp rất có trật tự, còn người lồng tiếng thuyết minh cho phóng sự (cùng là một cô giáo trong nhóm) với giọng đọc trầm ấm khiến người nghe rất xúc động.
Nói về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện mô hình này, thầy Lâm Nhựt Nam cho biết: Điều thuận lợi mà nhóm thực hiện là sự ủng hộ hết mình của Ban giám hiệu, của thầy cô giáo trong toàn trường; trong đó Ban giám hiệu đã hỗ trợ tối đa những gì cần thiết cho nhóm đi làm chương trình. Tuy nhiên, khó khăn mà nhóm gặp phải là thiếu trang thiết bị để thực hiện. Do đó, năm vừa qua (2011-2012), nhóm không làm được phóng sự nào bởi máy quay hồi năm trước đã bị hư không có tiền sửa lại hoặc mua máy mới.
Thầy Lâm Nhựt Nam chia sẻ, trong năm học này, nhóm đang ấp ủ làm tiếp một phóng sự nữa nhưng hiện thời vẫn đang gặp khó về trang thiết bị nên không biết có thực hiện được hay không. “Thầy cô trong nhóm sẵn sàng bỏ công sức và thời gian để làm chương trình, nhưng kinh phí để trang bị máy quay và một số kỹ thuật khác không có nên nhóm cũng đang rất lo”, thầy Nam cho hay.
Thầy Bí thư Đoàn trường THPT Trần Đại Nghĩa còn cho biết, mô hình này nhóm sẽ duy trì lâu dài, bởi theo thầy Nam, Trường THPT Trần Đại Nghĩa vẫn còn nhiều em HS có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ để các em tiếp tục được thắp sáng ước mơ của mình.
Được biết, một trường khác ở TP Cần Thơ là Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng) cũng đang thực hiện mô hình này để giúp học sinh nghèo của trường.
Cô Võ Thị Kim Cương - Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng cho biết, mô hình quay phim làm phóng sự về HS nghèo để vận động học bổng được trường thực hiện từ năm học 2008- 2009. Theo cô Cương, trường làm mô hình này một phần hưởng ứng phong trào thắp sang ước mơ tuổi trẻ Việt Nam, một phần tiếp bước các em HS nghèo của trường có điều kiện học tập.
Từ khi thực hiện cho đến nay, cô Kim Cương cho biết đã làm phóng sự được 20 trường hợp (mỗi năm học 5 em), các em chủ yếu là nhà ở xa trường, có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi, không có đất sản xuất, cha mẹ bệnh tật… Theo cô Kim Cương, khi thực hiện mô hình này, trường chú trọng vào hoàn cảnh của các em nên có em học khá giỏi, có em chỉ học lực trung bình, thậm chí là yếu. Song, khi đoạn phóng sự hoàn thành và được trình chiếu, vận động được nguồn hỗ trợ đã giúp các em an tâm học tập nên kết quả học của những em có học lực trung bình- yếu đều vươn lên.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng cho biết, thời gian qua, trường đã vận động được trên 60 triệu đồng, cấp rất nhiều suất học bổng cho các em HS nghèo của trường. Từ những suất học bổng này, nhiều em tiếp tục được học tập, ra trường và đậu vào nhiều trường đại học, cao đẳng ở khu vực. “Năm nay, trường sẽ tiếp tục thực hiện một phóng sự nữa và mô hình này trường sẽ duy trì lâu dài để tiếp bước ước mơ tương lai của các em”, cô Kim Cương bày tỏ thêm.     
Huỳnh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét