Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Cạnh tranh vào trường Kinh tế tốp trên sẽ không giảm

Thông tin năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa “đầu ra” như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường Kinh tế tốp trên cho biết sự cạnh tranh vào trường sẽ không giảm.

Trong cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào theo theo nhu cầu xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa “đầu ra” như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cũng chia sẻ, chỉ có các trường vốn chuyên về đào tạo kinh tế mới được xem xét mở thêm các ngành này. Các trường đào tạo “trái tay” sẽ không được duyệt mở ngành. Động thái này của Bộ được cho là sẽ giúp giải quyết vấn đề sinh viên ngànnh Kinh tế ra trường khó xin việc, tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trước cảnh báo này, liệu sự cạnh tranh vào các trường ĐH kinh tế tốp trên có giảm?
 
Dự báo sự cạnh tranh vào các trường kinh tế tốp trên sẽ không giảm
 
Dự báo sự cạnh tranh vào các trường kinh tế "tốp trên" sẽ không giảm.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: “Tôi nghĩ sẽ không giảm lượng hồ sơ vào Học viện vì chỉ tiêu vào trường năm nay vẫn ổn định như các năm trước. Tôi vừa đi tư vấn tuyển sinh ở một số tỉnh về thấy học sinh vẫn rất quan tâm tới ngành kinh tế đặc biệt là ngành Tài chính ngân hàng. Quan trọng nhất là người học, học ở trường nào để khi ra trường dễ xin việc. Đối với sinh viên của Học viện Ngân hàng rất ít thất nghiệp nên chúng tôi không lo ngại về việc thiếu chỉ tiêu. Tôi thấy, nếu khuyến cáo không cẩn thận thì sẽ khổ người học”.
Theo ông Hưng, ngành Ngân hàng hiện nay đang thực hiện tái cấu trúc lại nguồn nhân lực. Theo đó, vận động cán bộ lớn tuổi về nghỉ hưu sớm để tuyển cán bộ trẻ, thay đổi lại cơ cấu, tạo cơ hội cho người trẻ vào làm việc. Năm nay Học viện Ngân hàng dành từ 30 - 50 chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu cho Ngân hàng Trung ương. Học viện sẽ tuyển sinh viên có điểm số từ cao xuống thấp để đào tạo.
 
Bà Lê Thị Thu Thủy - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng: “Bộ thông báo hạn chế mở thêm ngành Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán và khuyến cáo các trường giảm chỉ tiêu ở những ngành này chứ không phải là không đào tạo nữa. Khủng hoảng kinh tế chỉ trong giai đoạn chứ xã hội vẫn phát triển, các ngành vẫn phải đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường ĐH Ngoại thương giữ ổn định chỉ tiêu như các năm trước”.
 
“Dự báo số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay sẽ không biến động nhiều so với năm trước bởi kinh nghiệm tuyển sinh cho thấy lượng hồ sơ nộp vào trường mấy năm trở lại đây luôn ổn định” - bà Thủy cho hay.
 
Còn theo ông Phạm Quang Dong - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, những khuyến cáo về dư thừa nguồn nhân lực khối ngành Kinh tế không ảnh hưởng gì tới trường vì trường đào tạo có uy tín. Việc cắt giảm chỉ tiêu chỉ ở những trường không đào tạo chuyên về kinh tế. Số lượng chỉ tiêu của trường không giảm. Điểm chuẩn hàng năm vào trường luôn cao và dao động từ 20 - 21 điểm. Do vậy, sự cạnh tranh vào trường sẽ không giảm.
 
Ông Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính đã có ý kiến cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực ngành kinh tế từ 4 năm trước. Ông Chi cho hay: “Khi biết tình hình như vậy, trường chúng tôi đã có sự thay đổi là mở thêm một số chuyên ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội là chuyên ngành phân tích chính sách và kế toán công. Các ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán và Quản trị kinh doanh chỉ tiêu vẫn giữ ổn định như các năm trước. Qua khảo sát sinh viên ra trường thấy các em đều xin được việc làm". Ông Chi dự báo số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay tương đương với năm trước.
 
Theo cán bộ thu nhận hồ sơ tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội cho biết hiện thí sinh vẫn đang nghiên cứu trường dự thi nên phải đến sang tuần các em mới nộp. Theo cán bộ thu nhận hồ sơ Nguyễn Thị Hòa - Trường THPT dân lập Đào Duy Từ, năm nay thí sinh của trường vẫn nộp hồ sơ đông nhất vào các khối A, A1 và D1. Còn các khối C và năng khiếu rất ít. Lượng hồ sơ nộp vào khối ngành Kinh tế năm nay có giảm hơn so với năm trước nhưng không nhiều.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét