Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Đổi mới giáo dục toàn diện: Cần phải thay đổi tư duy thực sự

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về điểm mấu chốt nhất trong việc đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, khi đã thay đổi tư duy thì sẽ có nhận thức mới.

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước Ủy ban
 
Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/3/2013.
 
Trong bản báo cáo (số 343/BC-BGD-ĐT) một số vấn đề giáo dục và đào tạo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu quan điểm: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới lần này phải đảm bảo tính hệ thống, tổng thể, đồng bộ, không chắp vá, có cơ sở khoa học, có tầm nhìn dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi thích hợp theo yêu cầu và thực tế của đất nước, của từng vùng, miền, từng giai đoạn; đảm bảo tính khả thi và không né tránh những vấn đề khó.
Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, làm lại từ đầu mà phải kế thừa và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng, giải pháp của Chính phủ và của ngành giáo dục đã được thực tế khẳng định là đúng đắn trong thời gian qua.
Nguyên tắc đổi mới và mục tiêu hướng đến
Theo Bộ GD-ĐT thì những nguyên tắc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đó là tiếp tục thực hiện các quan điểm đến nay còn nguyên giá trị phát triển giáo dục, như: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước; học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và xã hội… Phát triển dịch vụ công đi đôi với chủ động vận dụng cơ chế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục đào tạo; Phát triển hài hòa, bình đẳng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục giữa các vùng miền.
Từ nguyên tắc này ngành hướng đến mục tiêu xây dựng con người Việt Nam trung thực, nhân văn, tự chủ, sáng tạo; có kỹ năng cơ bản, cần thiết về tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp, ngoại ngữ và tin học; có hoài bão, lý tưởng phục vụ tổ quốc, cộng đồng, chủ động thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường xung quanh; có khả năng hợp tác với mọi người để sống và làm việc hiệu quả.
Xây dựng nền giáo dục Việt Nam mở, thực học, phân luồng, liên thông, phân tầng hợp lý, có hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục chính xác, hiệu quả; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế các yếu tố của quá trình, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.
Chính vì định hướng như vậy nên nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tập trung vào khâu: chuyển mạnh từ nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức một chiều sang giáo dục tương tác giữa người dạy và người học, giữa nhà trường và xã hội nhằm hình thành nhân cách và phát triển năng lực người học. Chuyển nền giáo dục phát triển chủ yếu dựa trên quy mô, số lượng sang nền giáo dục chủ yếu phát triển theo chất lượng. Chuyển từ đào tạo theo khả năng của các cơ sở giáo dục sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chuyển từ nền giáo dục “đóng”, “khép kín” cứng nhắc trong khái niệm về trường, lớp, chương trình, nội dung, thời gian học... sang nền giáo dục mở, học tập suốt đời, gắn với xây dựng xã hội học tập.
Đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ
Cũng trong bản báo cáo 343, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hàng loạt giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì giải pháp đầu tiên phải thực hiện đó là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo
Cụ thể , đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, xuyên suốt từ khâu quán triệt đến tổ chức thực hiện chủ trương phát triển giáo dục của Đảng; từ quan điểm, chương trình (mục tiêu, nội dung, phương pháp) đến cơ cấu hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới. Đổi mới tư duy phải được quán triệt trong tất cả các hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục bằng cách chuyển từ quản lý tập trung, điều hành công việc trực tiếp sang quản lý bằng cơ chế, giám sát và quản lý chất lượng. Tăng cường kỷ cương trong quản lý giáo dục, đào tạo. Tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung vào quản lý chất lượng, quản lý theo chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của từng ngành, địa phương.
Đối với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì đầu tiên là phải đổi mới sư phạm phải đi trước. Ưu tiên đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Có cơ chế tuyển sinh riêng đối với sinh viên sư phạm nhằm tuyển chọn được những người có năng lực phù hợp. Đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm. Có cơ chế đặc thù riêng cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (ngoài ngạch viên chức, công chức chung), thực sự tạo động lực đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ sau năm 2015 theo hướng phát triển giáo dục toàn diện, không nặng nề; dạy học các môn tích hợp, gần gũi với cuộc sống, giảm tính hàn lâm, không đưa nội dung chuyên sâu, nâng cao của các ngành khoa học vào trường phổ thông; Giảm số môn học bắt buộc, tăng cường các hoạt động giáo dục và chủ đề tự chọn. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng tập trung dạy cách học và tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức của người học.
Đổi mới chương trình, giáo trình và tài liệu dạy học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo hướng hiện đại, bắt kịp những thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu nhân lực của xã hội trong các lĩnh vực và nhu cầu học tập của nhân dân. Giảm bớt số giờ dạy lý thuyết, tăng số giờ thảo luận và thực hành. Rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm. Vận dụng chọn lọc một số chương trình tiên tiến trên thế giới, nhất là trong các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, y tế. Phát huy vai trò của các trường trọng điểm trong từng khối ngành, nghề đào tạo. Phát triển các chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng nội dung, chương trình cùng với các cơ sở đào tạo nhân lực.
Đổi mới việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục để kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy và học theo yêu cầu đạt chuẩn đầu ra; chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn; không yêu cầu ghi nhớ máy móc nội dung có sẵn trong sách vở; đánh giá được sự trưởng thành về phẩm chất và năng lực của người học. Đánh giá đúng thực chất để tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học.Thực hiện định kỳ đánh giá quốc gia để đánh giá chất lượng giáo dục của mỗi cơ sở giáo dục, từng địa phương và cả nước; tham gia các chương trình đánh giá quốc tế (PISA, PASEC…) về chất lượng giáo dục nhằm xác định mặt bằng, phân tích kết quả đánh giá làm căn cứ đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục của các địa phương và cả nước.
Ngoài ra, phối hợp đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ; tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng đơn giản, hiệu quả, kết hợp kết quả đánh giá quá trình với kết quả thi và sử dụng được kết quả cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 22/3/2013, khi được hỏi tại sao chưa thực hiện “kì thi 2 trong 1”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Thi phải gắn với việc học. Thay đổi cách thi thì phải tập huấn, thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập, chính vì thế cần phải có lộ trình.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét