Gần đây, clip học sinh xé tài liệu ôn tập môn Lịch Sử ngay tại trường để “ăn mừng” vì không thi tốt nghiệp THPT môn Sử khiến dư luận xôn xao. Từ clip này, nhiều giáo viên môn Sử cũng bày tỏ trăn trở quanh việc dạy và học môn Sử hiện nay.
Trao đổi PV Dân trí, Thạc sĩ Tống Lê Mỹ Linh - Tổ trưởng tổ
bộ môn Lịch Sử, Trường THPT Chuyên Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa), một
giáo viên nhiều năm tham gia công tác giảng dạy môn Sử - cho biết: “Khi
biết việc các em học sinh ở TPHCM xé tài liệu ôn tập môn Sử sau khi Bộ
GD-ĐT công bố 6 môn thi Tốt nghiệp THPT thì không chỉ riêng tôi mà nhiều
giáo viên khác đều cảm thấy buồn về sự việc trên”.
Từ việc các em học sinh xé tài liệu ôn tập môn Sử, người ta dễ liên
tưởng đến thực trạng học sinh chán học môn Sử. Cô Mỹ Linh cho rằng thực
trạng này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan: “Do môn Sử có
chương trình học rất lớn, nhiều kiến thức, cũng như nhiều sự kiện cần
phải học từ đó khiến các em HS không mấy mặn mà với môn học này nên
không thể học hết và có thể nhớ hết được chương trình. Bên cạnh đó, cũng
có nguyên nhân chủ quan là vì một phần do lỗi của các thầy cô giáo.
Không phải thầy cô giáo nào cũng làm cho các em học sinh hứng thú, và
yêu thích môn Sử. Chính vì điều này làm cho các em học sinh không mấy
hào hứng khi học Sử."
Cô giáo Tống Lê Mỹ Linh cùng các em học sinh lớp 12 chuyên Sử Trường THPT Chuyên Lam Sơn trong giờ học môn Lịch Sử trên lớp.
Về vấn đề dẫn đến việc các em học sinh xé tài liệu ôn tập môn Lịch
Sử, cô Linh nhận xét: “Không phải tất cả các em học sinh đều "quay lưng"
với môn Lịch Sử. Trong việc này, cũng một phần do các em thích thể hiện
theo lứa tuổi học trò mà làm như vậy”.
“Giáo viên dạy Lịch Sử cần không ngừng tìm mọi phương pháp để
cho học trò luôn hứng thú với môn học này. Nên sử dụng công nghệ thông
tin trong quá trình giảng dạy. Phải thường xuyên cập nhập các thông tin
mới có liên quan đế bài học để liên hệ thực tế, bổ sung thêm kiến thức
mới một cách tổng hợp khách quan để truyền đạt cho các em học sinh khi
giảng dạy một bài nào đó. Ví dụ như khi dạy về “Con đường thành lập và
đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ” thì giáo viên có thể
liên hệ thực tế đến những thành tựu mới nhất mà Đảng ta đã đạt được
trong những năm gần đây. Hay kết quả mới nhất của Đại hội Đảng mới diễn
ra. Hay khi dạy bài về lịch sử thế giới vấn đề có liên quan đến Triều
Tiên, Hàn Quốc có thể cho các em những kiến thức lịch sử trong quá khứ
ra rồi liên hệ đến hiện tại về sự căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên…”,
cô Linh trăn trở.
Đối với phương pháp áp dụng Công nghệ thông tin vào bài giảng môn
Lịch Sử, cô Linh nhấn mạnh: “Ở đây không phải bài giảng nào giáo viên
cũng có thể sử dụng giáo án điện tử để dạy học. Giáo viên phải xem xét
bài nào phù hợp cần sử dụng giáo án điện tử để cho các em học sinh có
thể xem những hình ảnh kèm video sinh động về trận chiến, những tranh
ảnh tư liệu để các em tiếp thu và dễ học thuộc bài hơn…”.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Trần Trung Hiếu
- giáo viên Lịch Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), người
có kinh nghiệm 20 năm dạy Sử và cũng ngần ấy thời gian trực tiếp bồi
dưỡng học sinh thi tốt nghiệp, thi đại học môn Lịch Sử - cho biết thầy
thật sự rất buồn trước thực trạng dạy học, thi cử môn Lịch Sử trong
những năm gần đây. Thầy Hiếu cho rằng ngành giáo dục phải chịu trách
nhiệm chính về cái kiểu thi gì, học nấy, không học không thi dẫn đến
tình trạng đáng buồn là học trò xé đề cương môn không phải thi tốt
nghiệp THPT.
"Tôi xin khẳng định lại một lần nữa: Môn Sử vẫn là môn
học bị xem thường nhất trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay",
thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy Trần Trung Hiếu (bên trái) - giáo viên Lịch Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chụp ảnh cùng GS Phan Huy Lê.
"Từ video clip ở trường THPT Nguyễn Hiền, TPHCM, ngành
GD ở các địa phương cần rà soát và kiểm tra lại học sinh trường, địa
phương mình xem có hay không những hiện tượng đó; có ở mức độ nào, từ đó
cần có ngay các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhân cách cho
học sinh kèm theo những những giải pháp nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo
những học sinh vi phạm quy chế riêng của từng trường. Hãy làm ngay, chậm
trễ còn hơn không bao giờ...", thầy Trần Trung Hiếu đề xuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét