Liên quan đến vấn đề giáo viên (GV) dôi dư tại các trường THCS trên địa bàn huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) bị cắt tiền đứng lớp, chúng tôi đã đi tìm hiểu và phát hiện thêm một thực trạng đáng buồn là có một số GV không dôi dư vẫn bị huyện “ép” thành dôi dư.
Giáo viên dôi dư “kêu oan”Thực hiện quyết định 3678 của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 8/11/2011 về việc rà soát lại đội ngũ GV dôi dư trong tỉnh, ngày 8/8/2012, UBND huyện Ngọc Lặc đã ra hướng dẫn số 712HD/BCĐ về một số điểm cần lưu ý trong việc thực hiện quyết định này. Chính công văn 712 của huyện đã khiến nhiều GV bức xúc vì theo họ nếu chiếu theo quyết định 3678 của UBND tỉnh thì họ không nằm trong diện dôi dư nhưng theo công văn 712 của huyện thì GV đang không dôi dư bỗng bị “ép” thành dôi dư.
Thầy N.X.T, GV một trường THCS trên địa bàn huyện Ngọc Lặc bức xúc: “Tôi là người miền xuôi lên đây công tác đã được 23 năm. Ngày tôi được điều lên đây dạy được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho xe đưa lên tận nơi vì ngày đó nơi này còn thiếu GV trầm trọng. Khi có quyết định rà soát lại GV dôi dư theo quyết định 3678 của UBND tỉnh thì tôi không nằm trong đó thế nhưng theo công văn hướng dẫn 712 của UBND huyện thì tôi bỗng nhiên trở thành dôi dư bởi dù tôi là người miền xuôi lên nhưng sau này tôi lập gia đình và có khẩu trên này thì cũng là người trên này và thành dôi dư”.
GV trong diện dôi dư bức xúc trước những công văn, quyết định của UBND huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Điều đáng nói là năm 2008, ông Phạm Văn Phượng, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc (nay là Phó Giám đốc Sở Y tế), ký tuyển dụng 215 GV khiến cho tình trạng GV dôi dư trên địa bàn huyện Ngọc Lặc càng trầm trọng hơn. Hiện nay trong con số 215 GV được ký năm đó có quá nửa nằm trong diện dôi dư.
Cô N.T.L là một trong hàng trăm GV được ông Phượng ký tuyển dụng và giờ nằm trong đối tượng GV dôi dư cho biết: “Việc ký tuyển dụng một cách ồ ạt của ông Chủ tịch đã khiến chúng tôi trở thành GV dôi dư. Chúng tôi là những người có đủ sức khỏe, trình độ năng lực, chuyên môn nhưng vì hậu quả từ những người lãnh đạo đã biến chúng tôi thành những người GV dôi dư. Vậy người lao động chúng tôi mất quyền lợi chính đáng là do ai? Thừa là do ai? Rốt cuộc là GV chúng tôi lại phải chịu thay cho lỗi của lãnh đạo. Giờ đây trong một trường, chúng tôi đứng lớp giảng dạy giống như mọi giáo viên khác không bị dôi dư nhưng khi nhận lương thì lại không như nhau chỉ như vậy thôi là đã đã thấy quá bất công rồi”.
Mặc dù thuộc GV dôi dư nhưng từ 3 tháng này, cô P.T.Đ liên tục phải dạy thay cho GV đi học rồi nghỉ sản theo sự phân công của nhà trường với số tiết nhiều nhất trường và phải đi khoảng 20 km mới đến trường. Cô chia sẻ: “không được trả một đồng phụ cấp thêm mà tôi còn bị cắt tiền đứng lớp. Trước tình cảnh thế này hỏi làm sao tôi không bức xúc đượcvà thử hỏi làm sao chúng tôi yên tâm công tác hay hy sinh với nghề khi đời sống chúng tôi không được đảm bảo, quyền lợi của chúng tôi không được bảo vệ? Chúng tôi không chỉ có mỗi học sinh mà đằng sau chúng tôi còn có gia đình, con cái. Chẳng lẽ các ông lãnh đạo huyện hay một người lãnh đạo cao nhất của trường không biết điều đó?”.
Giáo viên giỏi vẫn là dôi dư!
Một điều đáng buồn là hầu hết các GV dôi dư đều là những GV có nhiều thành tích như GV giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, một số GV còn được bằng khen về sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, một số GV đang là tổ trưởng tổ bộ môn và Hiệu phó nhà trường cũng vẫn nằm trong đối tượng dôi dư.
Gặp một số GV trường THCS Ngọc Khê, trường THCS Lam Sơn… chúng tôi mới thấy hết nỗi bức xúc của họ. Cô L.T.H đang làm tổ trường tổ xã hội, thầy N.X.T đang là tổ trưởng tổ tự nhiên… Các thầy cô với hàng chục năm công tác, thâm niên cao, dày kinh nghiệm, nhiều học sinh được các thầy cô hướng dẫn đã đạt giải tỉnh, giải huyện.
Cũng theo thầy T thì trước khi trở thành GV dôi dư thì thầy đang là tổ trưởng tổ tự nhiên đã nhiều năm thế nhưng sau khi thành GV dôi dư, thầy đã bị cắt luôn chức vụ đó. Điều đáng nói là dù nằm trong diện dôi dư nhưng thầy vẫn bị điều lên huyện để bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi.
Nhiêu GV bức xúc cho rằng: Cả tỉnh hầu như huyện nào cũng có giáo viên dôi dư, tại sao huyện khác không cắt đứng lớp mà chỉ riêng huyện Ngọc Lặc? Thậm chí trong huyện cũng có trường cắt trường thì không. Đồng lương GV vốn chẳng nhiều nhặn gì nay còn bị cắt xén, đời sống càng khó khăn hơn, tư tưởng không ổn định nên không thể nào yên tâm công tác.
Ngôi trường có Hiệu phó cũng là giáo viên dôi dư.
Ông Phó chủ tịch huyện trả lời là không cắt mà theo quyết định 140 /QĐ-UBND ngày 9/1/2013 về việc giao dự toán thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách huyện năm 2013 do Chủ tịch Bùi Trung Anh kí cũng ghi rõ là không cấp đủ phụ cấp đứng lớp cho những trường có GV dôi dư vậy mà giờ đây khi sự việc được đưa ra thì ai cũng chối trách nhiệm?
Thực tế là giáo viên trong danh sách dôi dư đã không có Tết năm 2013 vì bị cắt đi một khoản tiền lớn. Đến hết tháng 3 vẫn vậy mà lãnh đạo huyện Ngọc Lặc vẫn “nhùng nhằng” nửa cắt nửa không.
Khó đặt lịch làm việc với lãnh đạo huyện
Để tiếp tục làm sáng tỏ việc GV dôi dư trên địa bàn huyện bỗng nhiên bị cắt tiền đứng lớp trong khi đó huyện vẫn “phủi tay” phủ nhận, chúng tôi đến UBND huyện Ngọc Lặc 2 lần để đặt lịch được làm việc với lãnh đạo. Tuy nhiên chúng tôi đều nhận được câu trả lời “bận việc” của lãnh đạo huyện này.
Lần thứ 3, chúng tôi gọi điện trực tiếp cho ông Phạm Hùng Thư - Phó Chủ tịch huyện Ngọc Lặc và được ông Thư trả lời: “Tôi bận đi họp nên anh chị liên hệ với chánh văn phòng để làm việc với các phòng ban”. Thế nhưng vị Chánh văn phòng huyện này khẳng định: “Chưa có lệnh của lãnh đạo nên chưa thể cho anh chị làm việc được”.
Khi PV xin được cung cấp một số công văn, quyết định liên quan đến vấn đề GV dôi dư thì vị Chánh văn phòng huyện cũng đề nghị phải chờ “lệnh” của lãnh đạo, và “anh chị phải có công văn yêu cầu cung cấp của tòa soạn chúng tôi mới cung cấp được”.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Cảnh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi cũng mới nắm sự việc qua thông tin báo chí, nhưng hiện chúng tôi vẫn đang đợi công văn chỉ đạo của tỉnh rồi mới thành lập đoàn thanh tra lên kiểm tra”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét