Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

TS bật khóc, GS ra đề lạ và chuyện xé đề cương trắng sân trường

Một hoa khôi sinh viên đã trả lời phần thi ứng xử rằng: "Việt Nam có 4 bà Trưng, đó là bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị và 2 bà Trưng khác".

Khi còn sống, những giờ giảng của GS sử học Trần Quốc Vượng luôn đông kín sinh viên và ông đã trở thành “thầy lang” chữa khỏi bệnh ngủ gật trong lớp học.

Học trò của ông kể rằng, GS Vượng đã làm một điều mà không có bất cứ thầy cô giáo nào ở Việt Nam dám làm. Trước khi giảng bài đầu tiên của môn học, ông đã ra đề thi học phần. Đó cũng là một đề thi khác lạ: “Lịch sử mấy nghìn năm của Việt Nam để lại cho anh/chị những bài học gì?”.

Với đề thi ấy, việc mở phao thi ra chép trở thành việc làm vô nghĩa. Đề thi ấy kích thích sinh viên đọc, nghiền ngẫm sử Việt để rồi chắt ra những tâm đắc của mình.

Những học trò năm xưa của thầy Vượng, chắc phải đau lòng lắm, khi nhìn những phao thi bị học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé tung trắng sân trường khi biết tin không phải thi tốt nghiệp môn sử.


 Học sinh xé đề cương môn sử ném trắng sân trường.

Rất nhiều người đã ném đá, trách móc các em quay lưng vào lịch sử, vô cảm với lịch sử, nhưng xin thưa: Để xảy ra tình trạng sợ học môn sử đến thế này, tội thuộc về người lớn.

Tại sao trong thời đại mà chỉ mất 2 giây tìm đến “người thầy vĩ đại Google” là có thể biết gần như chính xác mọi kiến thức, mà người dạy sử vẫn tìm mọi cách để bắt các em ghi nhớ chính xác từng ngày tháng, từng chi tiết, từng khái niệm dày đặc?

Người lớn đã buộc các em chỉ có hai cách lựa chọn. Học thuộc lòng như cái máy nhớ và làm phao thi. Mà bộ não thì luôn luôn là một ổ cứng hữu hạn đối với tất cả những thứ thuộc lòng. Khi đó phao thi nghiễm nhiên trở thành thứ bách khoa toàn thư của học trò.

Cách dạy sử nhồi nhét, hô khẩu hiệu bằng lý thuyết suông, thiếu thực tế (thăm viện bảo tàng, thăm thực địa, mô hình…) đã sản sinh ra những chuyện dở khóc dở cười.

Đó là một hoa khôi sinh viên, khi trả lời phần thi ứng xử, đã “sáng tạo” lịch sử bằng một phép cộng “kỳ diệu”: Việt Nam có 4 bà Trưng, đó là bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị và 2 bà Trưng khác.

Đó là tư duy lịch sử theo kiểu “kẻ đốt đền” của rất nhiều học sinh sắp bước vào ngưỡng cửa đại học: "Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp... Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975... nổ ra ròng rã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp... Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết”. Rồi thì “Rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công, giặc bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc" và “Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ... " (tienphong.vn).

Nếu những học sinh ấy, theo một con đường lắt léo nào đó, mà sau này trở thành nhân viên của Big C, trở thành lãnh đạo nhà xuất bản hoặc người viết SGK, thì những sự cố dán cờ Trung Quốc vào nho Việt Nam, in sách thiếu Hoàng Sa - Trường Sa, phát hành SGK in cờ Trung Quốc… chẳng có gì là khó hiểu.

Mấy ngày trước, TS Nguyễn Nhã, một người có nhiều công lao trong việc nghiên cứu chủ quyền biển đảo Việt Nam đã bật khóc khi đọc lá thư của một học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc. Chỉ với một cách ra đề sáng tạo và một tình yêu đất nước trong trẻo, cô giáo Đặng Nguyệt Anh và các học trò nhỏ Trương Ánh Dương, Vũ Tuyên Hoàng đã có thể gây nên sự xúc động lớn lao cho TS Nhã và hàng triệu người Việt. Điều đó là minh chứng rõ nhất rằng lớp trẻ không hề vô cảm với lịch sử, với chủ quyền đất nước, nếu các em được “kích cầu” đúng cách. (loạt bài đặc biệt: Thư học sinh lớp 4 Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc)


Học sinh đã thẳng tay xé tan đề cương môn sử giữa sân trường. Bao giờ các nhà viết SGK sử, người daỵ sử và người ra đề thi môn sử, dám xé toang cách dạy biến học trò thành những con vẹt chỉ biết đọc thuộc lòng?

Tôi nghĩ mãi mà không biết phải gửi câu hỏi “bao giờ” này đến ai. Thôi thì đành gửi cho một người đương ở dương gian là TS Nguyễn Nhã và một người đã về âm giới: GS Trần Quốc Vượng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét