Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

HN: Muốn bắt buộc học tiếng Anh từ cấp I

Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) nói: "Mong muốn của Sở GD-ĐT Hà Nội là tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc trong trường tiểu học".

"Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc tại trường tiểu học là điều tốt nhất. Hiện tại các trường chỉ có 1 biên chế GV, không thể đủ nhân lực cho mấy chục lớp với cả ngàn HS. Các chương trình tiếng Anh liên kết khi mở ra vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh vừa tạo điều kiện cho trường đảm bảo việc dạy, học" - Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) nêu ý kiến.
6 chương trình, hơn 400 trường dạy
Theo ông Phạm Xuân Tiến, số liệu chưa đầy đủ cho thấy hiện có hơn 400 trường tiểu học ở các quận huyện trên thành phố đã và đang dạy tiếng Anh liên kết với 6 chương trình gồm: Phonics (VPBox), Language Link, Victoria, Dynet, Washington và Bình Minh.
"Hoạt động này không nằm ngoài sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép" - ông Tiến khẳng định.
Quy trình để các chương trình được cấp phép được tiến hành qua các bước cụ thể.
Đối với chương trình liên kết trong nhà trường, các công ty xây dựng đề án và trình bày với lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục tiểu học và các bộ phận chuyên môn. Sau đó, Sở sẽ cho phép thí điểm ở một số trường.
Trong quá trình thí điểm, tổ chức hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Sở, chuyên viên phòng Tiểu học, chuyên viên phụ trách tiếng Anh; về phía cơ sở có phòng GD-ĐT, hiệu trường, giáo viên tiếng Anh và đặc biệt, PHHS cũng tham gia vào buổi hội thảo này.

HN: Muốn bắt buộc học tiếng Anh từ cấp I, Giáo dục - du học,

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội)
Bên cạnh đó, từng giáo viên và chương trình sẽ được kiểm tra qua các tiết học, dự giờ. Sau quá trình khoảng 1 năm tiến hành thí điểm, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đánh giá và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đối với từng chương trình để cho phép triển khai.
Điểm đáng chú ý trong quá trình này được ông Tiến nhấn mạnh: "Sở có mời phụ huynh tham gia cho ý kiến trong từng bước thực hiện để lắng nghe và có điều chỉnh bởi cuối cùng người sử dụng sản phẩm ở đây chính là con cái họ".
Ông Tiến khẳng định: Những trang thiết bị, phần mềm, máy tính… phục vụ cho học sinh trong quá trình học đều do trung tâm, công ty chịu trách nhiệm mua sắm. Bởi HS tiểu học tiếp thu phương pháp dạy học trực quan là phù hợp nhất. Các con không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào, chỉ đóng duy nhất tiền học phí thôi. Ngoài ra, có nhiều chương trình đều miễn giảm học phí 50% đến 100% cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ cần phụ huynh có nguyện vọng cho con học tiếng Anh là được học, bất kể hoàn cảnh gia đình ra sao.
Lo ngại chất lượng giáo viên
Sau khi Sở cấp phép, sẽ giao cho các phòng GD-ĐT và các đơn vị làm việc với các nhà trường để đi đến thỏa thuận hợp tác. Trước những lo ngại về chất lượng giáo viên của các chương trình, ông Tiến cho biết: "Sở giám sát việc giảng dạy thông qua báo cáo từ các phòng GD-ĐT tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất và tổ chức tập huấn, hội thảo".
Ông Tiến cũng thừa nhận thực tế: "Hiện chưa có trường ĐH nào có chuyên ngành đào tạo riêng cho giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học, các giáo viên tiếng Anh hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học sinh tiểu học. Vì thế, Sở đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn cho đối tượng giáo viên này và tôi khẳng định đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh được tham gia nhiều đợt tập huấn nhất.
Mỗi chương trình có ít nhất 2 đợt tập huấn cho giáo viên, kéo dài trong khoảng 2 ngày. Còn với chương trình theo đề án 2020 (Dự án Dạy và học tiếng Anh trong hệ thống GD quốc dân, giai đoạn 2009-2020- PV) của Bộ GD-ĐT, mỗi đợt tập huấn kéo dài khoảng 3 tháng, trong đó có 2 tháng học tập trung và 1 tháng đào tạo từ xa".
Trước những nghi ngại của phụ huynh về chất lượng giáo viên, ông Tiến cho biết: "Về giáo viên người Việt phải phù hợp quy chế tuyển dụng giáo viên của các trường tiểu học, kể cả trong biên chế và hợp đồng (phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên).
Với giáo viên người nước ngoài cũng phải có bằng sư phạm và Phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài quản lý số giáo viên này. Vì thế, khi đơn vị đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy cần rất nhiều yếu tố: visa, giấy phép lao động, đẩy đủ các bằng cấp và chứng nhận nghiệp vụ sư phạm. Thêm vào đó, về phía nhà trường giáo viên trợ giảng người Việt và giáo viên người nước ngoài giám sát, có ý kiến lẫn nhau nếu chất lượng giảng dạy không đảm bảo".
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh chất lượng các giáo viên ở nhiều trường thực sự khiến họ lo ngại khi kiểm tra khả năng phát âm tiếng Anh của con.
5 năm: Chưa chương trình, cá nhân nào vi phạm
Trả lời thắc mắc về mức học phí giữa các chương trình chênh lệch nhau tới hơn 10 lần (từ 50.000 đồng cho đến 600.000 đồng/ tiết học), Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: "Mức học phí này tùy thuộc vào chương trình, có chương trình học với phần mềm (Dynet), có chương trình học trực tiếp với người nước ngoài (Language Link) và cũng có chương trình có cả người Việt và người nước ngoài giảng dạy, trong đó, các tiết học có người nước ngoài đều có trợ giảng.
Một yếu tố nữa tác động đến mức học phí chênh lệch chính là số lượng học sinh, ví dụ như Language Link ký hợp đồng với nhà trường không quá 25 học sinh/lớp. Trong trường hợp lớp có 35-40 học sinh, sẽ có 2 cô giáo đến dạy và chia lớp đó thành 2 lớp nhỏ học song song".
Dù tự nguyện nhưng qua khảo sát của PV ở nhiều trường, số học sinh tham gia chương trình đều đạt 100%. Không ít phụ huynh chia sẻ họ buộc phải cho con tham gia lớp học vì sợ bị phân biệt đối xử.
Còn theo lý giải của trưởng phòng Phạm Xuân Tiến: "Thực ra việc các cháu học hay không học tiếng Anh là do nhận thức của PHHS, thậm chí có những người trong quá trình họp PHHS không nghe nhà trường phổ biến nên không hiểu. Cho đến nay, Sở chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của PHHS về việc con cái bị phân biệt đối xử nếu không đăng ký học tiếng Anh".
"Tùy vào lượng HS đăng ký nhà trường sẽ xếp lớp và sắp xếp thời khóa biểu phù hợp. Nếu trong lớp có một số em không đăng ký học, nhà trường sẽ bố trí giáo viên chủ nhiệm để quản lý các em, có thể đưa lên phòng thư viện hoặc ngồi ngay tại lớp. Nhưng thông thường, trường cũng sẽ sắp xếp những em đăng ký học vào cùng một lớp.
Việc dạy tiếng Anh liên kết (tự nguyện) trong giờ học chính khóa theo ông Tiến "như vậy mới đáp ứng cho số đông HS được. Nếu tổ chức học ngoài giờ, các em không “tải” nổi. Học vào thứ 7, chủ nhật thì không được phép.
Với chương trình học 2 buổi/ngày, thêm 2 tiết tiếng Anh, chương trình của lớp 1, 2 vẫn gói gọn trong 35 tiết, lớp 3, 4, 5 sẽ lên 36 hoặc 37 tiết. Với các trường có chương trình tiếng Anh liên kết thì thời khóa biểu không xếp một ngày quá 7 tiết học văn hóa, tránh áp lực cho học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các tiết tự nguyện thường được sắp xếp đan xen vào chương trình chính khóa để đảm bảo đủ giáo viên và phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học và tuân thủ hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Phụ huynh cũng yên tâm: không có chuyện các tiết tự nguyện “chen” vào giờ học khác hoặc giờ ra chơi của các HS".
Thông tin từ Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay: Trong 5 năm thực hiện dạy các chương trình tiếng Anh liên kết tại các trường tiểu học chưa có có chương trình nào bị xử lý sai phạm.
Trong quá trình triển khai, các chương trình có đánh giá chất lượng, trình độ của giáo viên để quyết định ký hợp đồng tiết hay không. Nếu về phía nhà trưởng phản ánh về chất lượng giáo viên thì công ty sẽ có biện pháp chấn chỉnh, bên cạnh đó, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất".
Muốn dạy tiếng Anh bắt buộc bậc tiểu học
Ông Tiến tâm sự: "Cách đây hơn 10 năm, khi TP.HCM triển khai chương trình cho học sinh làm quen với tiếng Anh ở lớp 1, 2 thì Hà Nội chưa có và cũng rất băn khoăn. Mặc dù nhu cầu của PHHS và nhà trường rất lớn, có nhiều Ban giám hiệu có ý kiến đề xuất với Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, thế nhưng theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở cũng triển khai chương trình học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 3 nên không cho phép có các chương trình dạy tiếng Anh cho lớp 1, 2. Trong khi đó, TP.HCM đã triển khai sớm và đạt được những kết quả đáng kể.
Đến khi có đề án 2020 năm 2008, Sở GD-ĐT Hà Nội mới cho phép các trường dạy chương trình làm quen với tiếng Anh. Kết quả cho thấy, các học sinh lớp 1, 2 học chương trình này không ảnh hưởng tới việc học tiếng Việt cũng như không làm quá tải việc học, bởi chương trình này rất đơn giản, phương pháp phong phú, chủ yếu tập trung vào việc nghe, nói.
Khi tôi có cơ hội sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, tôi nhận thấy họ đưa tiếng Anh vào ngay cấp học mầm non và học sinh không có nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ. Vì thế theo tôi, với với nhu cầu của PHHS, thực tế hội nhập của xã hội thì việc cho trẻ em lớp 1, 2 làm quen với tiếng Anh là rất cần thiết, vừa không ảnh hưởng tới các bộ môn khác, vừa giúp trẻ năng động hơn".
Việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ lớp 1, lớp 2 theo ông Tiến: "Hoàn toàn không làm tăng tải cho trẻ bởi chương trình học tiếng Anh ở tiểu học rất đơn giản mà hiệu quả cao, đặc biệt việc giao tiếp rất cởi mở, thân thiện, năng động, có vốn từ khá tốt. Chương trình không nhồi nhét, không đặt mục tiêu quá cao cho các em.
Tất nhiên trẻ vẫn có thể theo kịp các bạn nếu không học tiếng Anh liên kết. Nhưng có học tăng cường sẽ trội hơn hẳn. Nếu như có đủ giáo viên dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần thì không cần chương trình liên kết, tăng cường nữa. TP.HCM có chương trình tăng cường tiếng Anh cho học sinh lớp 1 từ 8 – 10 tiết/tuần. Khả năng sử dụng ngoại ngữ từ giáo viên để HS của họ đều có chuyển biến rõ rệt".
Mong muốn của Sở GD-ĐT Hà Nội là tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc trong trường tiểu học".

Theo Văn Chung (Vietnamnet)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét