Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Lớp học tương tác và câu chuyện xã hội hóa

Chi phí để đầu tư xây dựng một lớp học tương tác khá lớn nên đã vượt ra khỏi nguồn ngân sách của nhà trường. Vì thế muốn triển khai được đòi hỏi phải làm công tác xã hội hóa. Tuy nhiên làm như thế nào để đảm bảo minh bạch và phụ huynh tự nguyện?

Câu chuyện hai lớp 1A, 1B Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) đầu tư hơn 300 triệu đồng để biến phòng học thông thường thành một lớp tương tác cũng với trang thiết bị hiện đại như lát sàn lát gỗ, lắp điều hòa… khiến xã hội phải giật mình. Không ít người đã “ví von” đó là lớp “VIP” trong trường công và mô hình lớp học tương tác chỉ dành cho học sinh (HS) con nhà giàu.
 
Một tiết học theo mô hình lớp học tương tác của Trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội.
 
Một tiết học theo mô hình lớp học tương tác của Trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội.
 
Tuy nhiên, trên thực tế nếu phụ huynh xác định, đây đơn thuần chỉ là công cụ để giúp con mình học hiệu quả hơn và tránh đi những sự “xa xỉ” thì mức đầu tư lại không quá lớn. Đối với những trường làm tốt việc này thì tính theo bình quân, mỗi HS tiểu học phải đóng góp khoảng 2-3 triệu đồng/5 năm học, như vậy mỗi tháng phụ huynh đóng góp chưa đến 100.000 đồng để con có thể theo học mô hình này.
Nên bắt đầu từ đâu?
Là đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình lớp học tương tác ở Hà Nội, Trường tiểu học Thành Công B hiểu hơn hết những khó khăn trong việc triển khai. Một trong những “rào cản” lớn nhất đó chính là làm sao để cho phụ huynh hiểu được lợi ích của lớp học tương tác và đồng ý tham gia một cách tự nguyện. Tuy nhiên, sự thành công của nhà trường trong việc triển khai mô hình từ khối 1 đến khối 4 cho thấy cách làm hiệu quả của đơn vị này.
Cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B chia sẻ: “Trong một lần đi công tác ở Đài Loan,tôi được làm quen với lớp học tương tác. Tất các trường tiểu học ở đây đều sử dụng mô hình này. Tham dự một tiết học, tôi thấy rất hiệu quả nên ngay sau khi trở về Việt Nam, nhà trường đã xin phép các đơn vị quản lý thực hiện thí điểm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi thực hiện thí điểm, Ban giám hiệu Trường tiểu học Thành Công B đã phải bỏ “tiền túi” để sang một số nước triển khai hiệu quả mô hình này để học hỏi. Sau đó, nhà trường tổ chức họp bàn về chuyên môn cũng như tập huấn giáo viên làm quen với mô hình học mới.
 
Cần phải làm cho phụ huynh hiệu được lợi ích thực sự của một
 
Cần phải làm cho phụ huynh hiệu được lợi ích thực sự của một mô hình trước khi nói đến việc xã hội hóa.
 
Sau khi giáo viên đã nắm được những kỹ năng cần thiết, lúc đó nhà trường mới họp bàn với đại diện cha mẹ HS để thăm dò ý kiến. Để tránh việc phụ huynh hiểu “mơ hồ” về lớp học tương tác, nhà trường đã tổ chức một hội thảo chuyên đề cùng với việc dạy thử để phụ huynh đánh giá và cho ý kiến.
“Một điều khá thuận lợi cho trường đó là sau hội thảo, các phụ huynh đều rất hứng thú với mô hình học mới và đồng ý tham gia. Tuy nhiên, với mức đầu tư ban đầu khá lớn nên vẫn có một số phụ huynh lưỡng lự trong việc đóng góp. Để giải quyết bài toàn này, nhà trường lại tiếp tục làm công tác tư tưởng với quan điểm những gia đình khó khăn thì việc đóng góp thực hiện nhiều lần, còn nếu quá khó khăn thì vận động Hội cha mẹ phụ huynh hỗ trợ miễn giảm” - cô Phạm Thị Yến chia sẻ cách thực hiện.
Cũng theo cô Yến, trong năm đầu thực hiện thí điểm, nhà trường chịu không ít nhiều áp lực. Việc đơn thư phản ánh lên cơ quan báo chí, các đơn vị chức năng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, với quan điểm minh bạch và rõ ràng nên nhà trường sẵn sàng đối mặt để giải đáp những vấn đề đó.
“Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta làm cho phụ huynh hiểu những đóng góp này là nhằm mục đích phục vụ cho chính con em mình, không có những dấu hiệu “nhập nhèm” về tài chính thì chắc hẳn họ sẽ đồng tình tham gia” - cô Yến nói.
Phụ huynh cần nhận được sự tôn trọng “tối thiểu”
Xã hội hóa giáo dục là điều cần thiết khi mà ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng từ chủ trương này, vẫn còn đó những đơn vị lợi dụng để “móc túi” phụ huynh. Dẫu biết rằng trước khi thực hiện các công việc này đều có sự thống nhất từ phía Hội cha mẹ phụ huynh.
Không ít bậc phụ huynh ở Hà Nội đã từng nhiều lần gọi đến đường dây nóng của báo Dân trí để bày tỏ bức xúc việc năm nào cũng phải đóng góp các khoản như lắp điều hòa, thay rèm cửa... dưới “mác” xã hội hóa. Đáng nói là ở chỗ, có những thiết bị mua trước đó nhưng về sau lại bảo sắm lại với lý do hỏng hóc…
Chị H. có con học ở trường tiểu học D.L bộc bạch: “Đầu tư để cho con mình học tập tốt hơn thì chúng tôi luôn tán thành. Nhưng việc không ít trường cho rằng những thiết bị mà phụ huynh đầu tư cho con em mình thành tài sản công là không chấp nhận được”.
 
Khi chúng tôi đem những lời chia sẻ trên trao đổi với lại một số lãnh đạo các trường làm tốt công tác xã hội hóa thì họ hoàn toàn bất ngờ vì thiết nghĩ chẳng có đơn vị nào làm như vậy.
 
Cần xác định những vật dụng phụ huynh trang bị cho lớp học không phải là tài sản của nhà trường.

Cần xác định những vật dụng phụ huynh trang bị cho lớp học không phải là tài sản của nhà trường. Hội phụ huynh có quyền định đoạt tài sản sau khi con mình kết thúc khóa học. (Ảnh minh họa)
 
Cô Phạm Quỳnh Ngọc - hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Đô (Hà Nội) chia sẻ: “Làm xã hội hóa cần phải đúng trình tự, quan trong nhất vẫn phải thu chi minh bạch và tránh sự cào bằng phụ huynh. Ngay như trường chúng tôi, khi phụ huynh muốn lắp thêm điều hòa phải làm đơn xin phép. Chỉ khi được đồng ý mới triển khai. Thiết bị phụ huynh mua, mình phải xác định là tài sản của họ. Nhà trường chỉ hỗ trợ trong việc quản lý thiết bị và trông coi hộ. Nếu thiết bị hư, hỏng hóc thì phụ huynh phải có trách nhiệm sửa chữa”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Phạm Thị Yến thông tin thêm: “Ngay như việc nhà trường triển khai mua sắm các thiết bị phục vụ cho lớp học tương tác cùng hoàn toàn do phụ huynh chủ động. Nhà trường chỉ định hướng, tư vấn hỗ trợ phụ huynh tìm đến nhà cung cấp dịch vụ giá cả hợp lý cũng như có để đàm phán với họ để phụ huynh có thể mua thiết bị theo hình thức “trả góp” tránh việc đóng góp một lần quá lớn. Bên cạnh đó xác định là học theo hình thức “cuốn chiếu”, nghĩa là khi chuyển lên lớp trên thì HS đi đâu, thiết bị phụ huynh mua sắm phải đi đến đó. Chi phi di chuyển, lắp đặt lại thiết bị thì phụ huynh chi trả hoặc nhà trường hỗ trợ”.
Khi chúng đặt ra câu hỏi "Sau khi những HS này ra trường thì những thiết bị này sẽ xử lý như thế nào?", hiệu trưởng Phạm Thị Yến nhấn mạnh: “Chúng ta đã xác định đây là tài sản của phụ huynh nên họ có toàn quyền quyết định. Sau khi kết thúc cấp học, phụ huynh có thể họp bàn để có bán đấu giá hoặc hiến tặng. Nhà trường cần phải có một cơ chế “sòng phẳng” với phụ huynh”.
Thay cho lời kết chúng tôi xin trích dẫn lời của một lãnh đạo Bộ GD-ĐT: “Nếu tất cả mọi khoản thu chi đều minh bạch và rõ ràng thì sẽ giảm thiểu tối đa sự bức xúc của phụ huynh. Ngành đã ban hành những văn bản pháp lý để cho các đơn vị thực hiện. Còn cách làm như thế nào để “đúng luật” nhưng lại sáng tạo và hiệu quả thì cần được khuyến khích nhân rộng”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét