Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Người giỏi quay lưng với ngành sư phạm

Nhiều người làm việc trong ngành giáo dục cho rằng, muốn thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, trước hết phải thay đổi phương thức đào tạo sư phạm, có chính sách để hút người giỏi vào ngành này.

Tính đến năm 2011, trên toàn quốc, số giáo viên bậc tiểu học đạt chuẩn là 99,4%, trung học cơ sở 98,8%, THPT 99,1%. Những con số này được xem là khá cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục, đây chỉ là con số chuẩn về bằng cấp nghề nghiệp.
Nhìn nhận về phương pháp đào tạo ngành sư phạm hiện nay, TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Đào tạo sư phạm của chúng ta theo kiểu thuyết giảng, áp đặt một chiều.
Và theo TS. Minh, phương pháp đào tạo sư phạm cần đổi mới theo hướng dạy hướng về người học, dạy cá thể, dạy cách học, coi trọng tương tác giữa thầy với trò, trò với trò và trò với các phương tiện học tập như sách, vở, tài liệu.
“Yêu cầu giáo viên ngày nay phải là nhà thiết kế về nội dung giảng dạy và lộ trình hình thành nhân cách”, ông Minh nói.
Còn theo TS. Ninh Văn Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận (TPHCM), phải đào tạo để giáo viên không chỉ là người truyền đạt thông tin mà còn là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của học sinh.
ThS. Trương Thị Mỹ Lai, Hiệu trưởng Trường THCS Sông Đà (Phú Nhuận, TPHCM) đề xuất hướng đổi mới về phương pháp đào tạo sư phạm: “Cần đưa chuẩn nội dung nghề nghiệp giáo viên các cấp vào nội dung giảng dạy của môn Giáo dục học ngay từ năm đầu của chương trình nghiệp vụ sư phạm. Xây dựng trong tâm trí mỗi sinh viên sư phạm hình ảnh người thầy chuẩn mực để họ hình thành và vun bồi lòng yêu nghề, xác định trách nhiệm với nghề đã chọn”.

Người giỏi quay lưng với ngành sư phạm, Giáo dục - du học,

Thí sinh dự thi vào ĐH Sư phạm TPHCM năm 2012 (Ảnh: Q.P)
Lâu nay, xã hội vẫn nói “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, người giỏi gần như đã quay lưng với ngành sư phạm. Bằng chứng là hằng năm, có rất ít học sinh giỏi đăng ký vào ngành sư phạm, điểm chuẩn sư phạm cũng vì thế rất thấp. Nhiều trường đào tạo sư phạm đã phải tuyên bố đóng cửa một số ngành vì không đủ sinh viên.
Theo thống kê, năm 1998, ĐH Sư phạm TPHCM có hơn 22.000 thí sinh dự thi, đến năm 1999 có gần 30.000 và năm 2000 có đến hơn 40.000. Nhưng một vài năm gần đây, lượng thí sinh thi vào trường khoảng 15.000 - 17.000.
Điểm chuẩn vào các ngành sư phạm cũng giảm dần: từ 1999 đến 2003 điểm chuẩn các ngành sư phạm thường trên 20 điểm. Nhưng hiện nay, điểm chuẩn vào các ngành sư phạm khá thấp, thậm chí chỉ ở mức điểm sàn: 13 – 14 điểm. Một số trường như ĐH An Giang, ĐH Quảng Nam… đã phải tạm đóng cửa một số ngành sư phạm, vì không có người học.
TS. Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM thừa nhận: “Đúng là ngành sư phạm hiện nay không hút được thí sinh giỏi”.
Chất lượng của đội ngũ giáo viên phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo sinh viên ngành sư phạm của các trường ĐH, CĐ. Để đào tạo được những sinh viên giỏi, đáp ứng được yêu cầu xã hội, các trường ĐH, CĐ Sư phạm cần thu hút được những người thật sự có “chất” theo học.
Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, một bộ phận học sinh có học lực giỏi đang có xu hướng quay lưng lại với ngành sư phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu vào của ngành đào tạo đặc thù này.
Làm thế nào để hút người giỏi vào ngành sư phạm là vấn đề được bàn bạc tại khá nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về giáo dục.
Theo nhiều chuyên gia, ngành sư phạm là một ngành đặc biệt, vì thế cần có những chính sách, cơ chế riêng về chế độ tiền lương, phụ cấp, chính sách khuyến khích học sinh vào ngành… thì mới có thể thu hút được người giỏi.
GS.TS. Trần Chí Đáo, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nói: “Để có thầy giỏi phải có nhiều chủ trương, nhiều chính sách, nhiều chế độ. Nhưng bao trùm lên hết thảy là phải có quan điểm về giáo dục đúng đắn hay triết lý giáo dục đúng đắn”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói: “Cần tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Làm cho giáo viên đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội; đồng thời làm cho nghề dạy học trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội thực sự coi trọng và có sức hút đối với học sinh khá, giỏi”.

Theo Quang Phương (Tiền Phong)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét