Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Kiểm soát dạy thêm bằng cách nào?

“Một vấn đề khó mà không khó nếu có những quy định phù hợp và rõ ràng”- GS Nguyễn Minh Thuyết đã nhận xét khi đề cập đến dạy thêm, học thêm - câu chuyện được xem rất nhạy cảm và phức tạp.

Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau.
GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Tạo hành lang pháp lý cho dạy thêm - học thêm

Nhiều người cho rằng, gom học sinh vào trong trường để tổ chức dạy thêm thì có thể chống được tiêu cực, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Khi mối quan hệ giữa ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo với học sinh trong trường đó còn được liên kết với nhau bằng tổ chức lớp dạy thêm - học thêm thì sẽ khó có thể chấm dứt tiêu cực. Việc giáo viên cắt xén chương trình, tìm cách vận động hay bắt ép học sinh học thêm nhiều khi cũng là do “dạy thêm” được chính lãnh đạo các trường “bật đèn xanh”. Tôi cho rằng rất cần những quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho dạy thêm - học thêm.

Theo tôi, nên giao hẳn việc dạy thêm - học thêm cho các trung tâm văn hóa với sự kiểm soát về chuyên môn thường xuyên và chặt chẽ. Giáo viên có nhu cầu dạy thêm ngoài giờ làm việc ở trường có thể tới các trung tâm này. Tuy nhiên, giáo viên cũng có thể dạy thêm tại nhà, làm gia sư cho vài học sinh nhưng phải có hợp đồng cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và quyền lợi của người học. Các trung tâm hay giáo viên có sai phạm sẽ bị xử lý trên cơ sở quy định pháp lý. Việc thanh tra chuyên môn các trung tâm hay lớp dạy thêm của thầy cô có thể giao cho đại diện phòng, sở GD-ĐT phụ trách. Như vậy giáo viên được quyền lao động chính đáng bằng nghề, nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình. Còn học trò cũng có quyền đi tìm thầy, cô giáo giỏi mà mình tín nhiệm để học, nâng cao kiến thức. Việc này cũng sẽ giảm tình trạng giáo viên ép học sinh do mình phụ trách trong trường đi học thêm.

Việc điều chỉnh chính sách nhà giáo để nâng thu nhập cho giáo viên, tôi nghĩ là rất cần, nhưng đừng nghĩ rằng nâng lương giáo viên sẽ chấm dứt hẳn dạy thêm. Nếu giáo viên có năng lực, học sinh có nhu cầu thì dạy thêm - học thêm vẫn cứ diễn ra và cần có các quy định để kiểm soát.

Kiểm soát dạy thêm bằng cách nào?, Giáo dục - du học, day them, hoc them, hoc sinh, phu huynh, giao vien, nha truong, giao duc, quy dinh day them, nha truong kiem tra, lap bien ban, doan kiem tra lien nganh, bat qua tang, nhu cau phu huynh, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn

Một lớp học thêm tại nhà riêng giáo viên ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
PGS Khổng Doãn Điền (Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội):

Niềm tin suy giảm làm gia tăng tiêu cực

Hiện nay, rất nhiều giáo viên mầm non không được hưởng lương, có những tỉnh hiện nay đang còn hàng loạt giáo viên tiểu học đứng lớp trên 15 năm nhưng lương vẫn dừng lại ở mức khởi đầu. Để “nuôi nghề” họ phải làm đủ các nghề khác, kể cả làm vườn, chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, chuyện giáo viên dạy thêm để đủ sống cũng là điều dễ hiểu. Cùng với mức lương thấp, nhà giáo đã và đang phải chịu nhiều áp lực.

Trong khi đó, ngành giáo dục không phải thiếu tiền. Tiền được chi vào nhiều việc không chính đáng, không hiệu quả. Kinh phí chi cho giáo dục rất nhiều đối với người tử tế, nhưng lại rất ít đối với người muốn làm việc khuất tất. Điều đó tạo nên tâm lý so sánh giữa việc dạy học đúng lương tâm và sự trục lợi, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận người làm quản lý giáo dục. Nó làm suy giảm niềm tin, tâm huyết của nhà giáo. Đó mới là nguyên nhân chính khiến tiêu cực trong hoạt động giáo dục gia tăng. Nhiều nhà giáo thấy mình cũng có thể bớt tâm huyết đi một chút, bớt trách nhiệm một chút để nghĩ cho quyền lợi của mình...

Để giáo viên tìm lại tâm huyết với nghề ngoài việc chăm lo hơn đến họ, khôi phục niềm tin là việc không dễ, nhưng không làm điều đó ngay bây giờ thì không dẹp được tiêu cực. Cách dẹp tiêu cực theo kiểu thô bạo với nhà giáo trong bối cảnh này chỉ làm giảm đi những người muốn vào nghề và gắn bó với nghề sư phạm. Tôi mong nhà quản lý giáo dục hãy “cùng lội nước” với giáo viên, phải thấu hiểu mới có thể tháo gỡ được vướng mắc.

TS Mai Ngọc Luông (nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông -Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):

Chế tài giáo viên ép học sinh học thêm

Khi xã hội có nhu cầu, nhà giáo có đủ trình độ, đủ thời gian thì dạy thêm là đương nhiên. Đây là quyền của giáo viên, cũng giống như bác sĩ mở phòng mạch vậy, không thể cấm mà cũng khó có thể hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng giáo viên ép buộc học sinh trong lớp chính khóa phải học thêm với mình thì không thể chấp nhận. Theo tôi, ngành giáo dục giao cho các hiệu trưởng một quy định chặt chẽ về việc chế tài giáo viên ép học sinh học thêm. Ví dụ: giáo viên vi phạm lần đầu sẽ bị phạt hành chính với số tiền khá lớn để răn đe; lần thứ hai vi phạm sẽ bị ngưng giảng dạy một thời gian; lần thứ ba vi phạm sẽ bị buộc thôi việc. Nếu áp dụng những biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ trên, tôi chắc rằng tình trạng ép học sinh học thêm sẽ giảm nhanh chóng. Như vậy, việc có thể làm ngay là chỉ ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong dạy thêm - học thêm.

Còn việc dạy thêm theo nhu cầu tự nguyện của học sinh, phụ huynh hiện vẫn đang tràn lan, vấn đề này không phải một sớm một chiều giải quyết ngay được. Để giải quyết, trước hết phải xem lại cái gốc của vấn đề: Nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã hợp lý, khoa học chưa? Cách thức thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã phù hợp chưa?... Trả lời được những câu hỏi này và giải quyết được rốt ráo những vấn đề liên quan thì tình trạng dạy thêm - học thêm mới giảm được.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét