Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Nở rộ tiếng Anh liên kết từ lớp 1

Hầu hết các trường tiểu học tại Hà Nội hiện nay đều có chương trình học tiếng Anh liên kết bên cạnh chương trình của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng về cách làm mỗi trường một khác: từ chọn đơn vị liên kết, chương trình, giáo viên đến thu tiền học.

Trường trường làm liên kết
Theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ năm 2010 việc dạy tiếng Anh trong trường học bắt đầu từ học sinh lớp 3.
Tuy nhiên, khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhiều trường đã tiến hành dạy cho học sinh (HS) lớp 1, lớp 2 làm quen với tiếng Anh thông qua chương trình liên kết với đối tác bên ngoài.
Hiệu phó Trường TH Trung Văn, huyện Từ Liêm - Giang Thanh Thủy cho biết, hiện trường đang dạy chương trình Phonics cho HS lớp 1, 2.
Tại Trường TH Khương Thượng, quận Đống Đa, hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết trường đã thực hiện chương trình này được 5 năm. Chương trình tiếng Anh Phonics liên kết do Công ty cổ phần giáo dục VN (VPBox) cung cấp.
Hiệu trưởng Lan cho biết: Trên địa bàn quận Đống Đa các trường TH như: Thịnh Quang, Trung Tự, Phương Mai, Văn Chương, Cát Linh, Thái Thịnh, Tam Khương đều triển khai chương trình liên kết tiếng Anh giúp HS lớp 1, lớp 2 làm quen với bộ môn này.

Nở rộ tiếng Anh liên kết từ lớp 1, Giáo dục - du học, tieng anh lien ket, lop 1, tieu hoc, chuong trinh tieng anh, hoc sinh, giao vien, nha truong, giao vien ban ngu, buc xuc, hoc phi, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn

Một tiết học với giáo viên người bản ngữ của HS Trường TH Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phụ huynh Trường TH Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm bức xúc cho biết HS các lớp 1, lớp 2 phải học chương trình tiếng Anh của Language Link hoặc Phonics; lớp 3 phải học thêm chương trình Phonics.
Phụ huynh khác có con đang học lớp 3 Trường TH Hoàng Diệu, quận Ba đình cho biết con chị đã theo học chương trình liên kết với Language Link mỗi tuần 2 buổi từ năm lớp 2.
Mỗi nơi một giá
Dù là tự nguyện nhưng lãnh đạo Trường TH Trung Văn cho biết toàn bộ HS khối lớp 1, 2 đều đăng ký tham gia. Theo chương trình nước ngoài song giáo viên đều là người của trường được đối tác đào thêm kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Mỗi tuần các em có 2 tiết học. Một tháng mỗi HS phải đóng 50.000 đồng học phí.
4 năm trước việc giảng dạy hoàn toàn do giáo viên trong trường đảm nhận. Sang năm 2012 với 8 tiết/tháng, HS được học 4 tiết với giáo viên người Việt, 4 tiết có giáo viên người bản ngữ (Úc) của công ty đứng lớp với hỗ trợ của giáo viên trong trường.
Mức học phí một tháng cũng vì thế mà nhiều hơn, từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng và hiện tại là 120.000 đồng/HS/tháng. Giáo viên của trường được trả 60.000 đồng/tiết, trường giữ lại 20.000 đồng và 40.000 đồng đối tác giữ.
Theo tài liệu Trường TH Khương Thương cung cấp: mức tiền mà giáo viên nước ngoài dạy cho chương trình này được nhận là 25 USD/giờ (tương đương khoảng 520.000 đồng).
Tại Trường TH Thái Thịnh, quận Đống Đa với 2 tiết/tuần, phụ huynh phải đóng 150.000 đồng/tháng cho con theo học chương trình liên kết tiếng Anh.
Trong khi đó, phụ huynh có con học lớp 3 Trường TH Hoàng Diệu phản ánh đầu năm trường đã thu 6 triệu đồng/HS/năm (tức hơn 600.000 đồng/HS/tháng). Con số này tại Trường TH Nguyễn Trãi là 500.000 đồng.
Nhà trường lợi ?
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết: “Học trò rất hứng thú khi theo học chương trình liên kết. Giáo viên được chủ động và thoải mái với phần mềm cùng lượng bài giảng soạn sẵn phong phú, hình ảnh sinh động, âm thanh tốt.
Đặc biệt khi học với người nước ngoài HS sẽ rèn được cách phát âm chuẩn và phong cách tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều này rất có lợi khi hiện nay chương trình học của Bộ GD-ĐT còn nặng về ngữ pháp”.
Một thực tế được bà Lan chia sẻ: “Với 12 lớp và chỉ 1 biên chế dạy tiếng Anh (từ lớp 3 đến lớp 5) trường buộc phải thuê thêm người dạy để đáp ứng đủ thời gian và tiến độ chương trình. Thuê ai trường phải bỏ tiền ra trả.
Thử tính với 30.000 đồng/tiết dạy, mỗi tháng họ chỉ nhận hơn 1 triệu đồng liệu ai có đủ kiên nhẫn làm việc cho trường? Tham gia chương trình liên kết tiếng Anh, giáo viên có thêm thu nhập, mỗi tháng có thể được trả 3-4 triệu đồng”.
Hiệu trưởng Lan bổ sung: “Ngay cả giáo viên cũng học được tác phong và thái độ làm việc tích cực, trách nhiệm của giáo viên người bản ngữ”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại phản ánh họ buộc phải cho con theo học các chương trình này dù không muốn. Lo lắng lớn nhất của họ là chất lượng giáo viên không đảm bảo.
Phụ huynh bức xúc
Anh Phương có con học lớp 3 Trường TH Ngọc Thụy bức xúc: “Vì cháu được học thêm ở trung tâm bên ngoài nên khi cô giáo người Việt phát âm sai cháu nhận ra ngay. Tôi có phản ánh và lớp được thay giáo viên khác. Nhưng với các cháu không có điều kiện, việc nghe và phát âm sai ngay từ nhỏ thật nguy hiểm”.
“Lớp với gần 60 cháu và tiết học ngắn ngủi, giáo viên không thể đủ thời gian quan tâm từng trò. Trong khi để có hiệu quả mỗi lớp chỉ nên dưới 25 cháu” – vị phụ huynh nêu quan điểm.
Chung nỗi bức xúc, phụ huynh có con đang học Trường TH Hoàng Diệu ngậm ngùi cho biết: “Bỏ ra 6 triệu đồng đóng mỗi năm cho con ở trường, tôi vẫn phải cho cháu học ở trung tâm tiếng Anh bên ngoài để củng cố kiến thức”.
Năm lớp 1, thấy con học chương trình này không tiến bộ, vị phụ huynh này cùng một số cha mẹ đặt vấn đề “không cho cháu theo học nữa” thì “trường bóng gió nói rằng nếu không học lớp này nữa thì tự nhiên chuyển lớp. Mà sang lớp khác chất lượng giáo viên e không đảm bảo”. Thái độ này khiến phụ huynh lo lắng và đành cho con học tiếp.
Anh Phương chia sẻ nỗi niềm: “Đáng ra tiết học này theo chương trình chính khóa các cháu sẽ được chơi. Giờ “tự nguyện kiểu bắt buộc” nên con phải ngồi trong lớp. Chất lượng giáo viên lại không đảm bảo.
Phụ huynh nào không muốn tham gia hoang mang với nhiều câu hỏi: Con sẽ chơi với ai? Chơi ở đâu? Trường có bố trí giáo viên hướng dẫn các con chơi? Con có bị phân biệt đối xử? Nghĩ đi, tính lại đành tặc lưỡi để con ở trong lớp học với các bạn”.

Theo Văn Chung (Vietnamnet)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét