GS.TS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH DL Thăng Long nhận định: “Nếu dừng mở ngành tài chính – ngân hàng, kế toán thì trước tiên hãy áp dụng với các trường công lập trước, bởi vì ở đó là tiền nhà nước bỏ ra để thực hiện các kế hoạch đào tạo..."
Bộ Giáo dục đang vào vòng… luẩn quẩn?Bộ Giáo dục đã phát đi thông điệp tạm dừng mở ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán… từ năm 2013. Bộ cho rằng, dừng mở ngành là vì thị trường đang thừa nhân lực, tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục lại cho rằng cách làm này có phần áp đặt.
Không quản được thì cấm?
Tại cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội diễn ra chiều 18/12, GS Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói: “Từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này”.Cái lý của Bộ Giáo dục là soi chiếu từ kết quả tuyển sinh năm 2011 thấy nhiều bất cập, trong 416 trường ĐH, CĐ thì 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: Tài chính - ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán. Từ đó thấy rằng chỉ tiêu các trường ĐH, CĐ đăng ký cho nhóm ngành này chiếm tới 38% trên tổng chỉ tiêu tất cả khối ngành và con số này gấp đôi quy hoạch nguồn nhân lực thời điểm hiện nay.
Ngay sau khi thông tin này được phát đi bởi chính Tư lệnh ngành giáo dục, nhiều người đã đặt câu hỏi tranh luận: Bộ Giáo dục chỉ nên đưa ra các con số cảnh báo, nhưng lại đang làm thay cả thị trường?
Cần phải nói lại rằng, trước đây Bộ đã có Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2/12/2012 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nói rõ tại điều 2 “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở đào tạo trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm”. Điều đó có nghĩa là các trường được quyền tự chủ, được mở các ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng của trường, miễn là đáp ứng các quy định điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên cơ hữu… mà Bộ Giáo dục đã ban hành. Và điều này cũng có nghĩa là, sinh viên được tự do lựa chọn ngành mà họ muốn học, không phụ thuộc vào bất kỳ sự can thiệp nào từ cấp quản lý hay cá nhân nào.
Khi dẫn ra những văn bản này để so sánh, có người bảo, Bộ thấy “quá đà” nên cấm. Có người lại bảo, tư duy của Bộ đang có vấn đề “bất thường” với nền kinh tế thị trường.
Nhắc đến câu chuyện này có người liên tưởng tới chuyện Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã từng ra lệnh cấm cán bộ cấp dưới chơi golf (kể cả ngày nghỉ cuối tuần). Có người ủng hộ Bộ trưởng Thăng, với lý do lúc này cần tập trung tối đa vào hiệu quả công việc. Người thì bảo ông Thăng làm vậy là không đúng, bởi lẽ ra ông chỉ cần quản đầu việc, cứ đúng tiến độ và chất lượng là được, còn lại sai đâu xử đó. Nhưng ông Thăng lại ban hành văn bản theo kiểu “không quản được thì cấm”.
Tuy nhiên, câu chuyện dừng mở ngành tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, kết toán… khác xa với câu chuyện cấm chơi golf ở Bộ Giao thông 1 năm trước. Khác ở chỗ, ông Thăng chỉ cấm cán bộ dưới quyền mình, với một mục đích rất rõ ràng và được đa số nhân dân ủng hộ. Còn việc Bộ Giáo dục “đòi” dừng mở các ngành đào tạo tài chính – ngân hàng, kế toán… lại là câu chuyện vĩ mô, chưa nhìn thấy cái kết nằm ở chỗ nào?
Nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng: “Tôi nghĩ nên để cho nhu cầu của xã hội tự điều tiết, Bộ Giáo dục với tư cách là cơ quan quản lý có thể phối hợp với các đơn vị khác để đưa ra được các con số, dự đoán nhu cầu thị trường… đó là cách tốt nhất, còn lại nên để cho mọi người tự lựa chọn học ngành mình thích. Đối với các trường thì cũng không nên cấm mở những ngành này, bởi sự dư thừa theo công bố của Bộ Giáo dục chỉ ở thời điểm hiện tại, và nếu tạm dừng thì phải có dự đoán tương lai gần và xa, chứ không thể lúc này bảo dừng rồi lúc khác lại cho mở ồ ạt”.
Một sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính không nhất thiết sẽ thành công ở lĩnh vực này, và tương tự một sinh viên học một chuyên ngành chẳng liên quan gì tới quản trị kinh doanh, nhưng họ hoàn toàn có thể làm rất tốt công việc và thành công rực rỡ. Thậm chí có nhiều doanh nhân chẳng hề được học hành đàng hoàng nhưng vẫn rất thành công.
Cũng Theo PGS Trần Xuân Nhĩ: “Việc các trường được lựa chọn mở ngành tài chính ngân hàng thì nhiều con em các gia đình có thêm cơ hội được học tập, dù sao đi chăng nữa thì được học còn hơn không, và đâu phải họ chỉ học tốt nghiệp chuyên ngành ấy rồi xong, mà học tập là việc suốt đời, còn phải học lên cao nữa để có được nhiều cơ hội tốt trên con đường họ lựa chọn. Nói tóm lại, Bộ không nên áp dụng các biện pháp hành chính vào vấn đề đào tạo”.
Thay vì cấm, hãy giúp sinh viên trở thành công dân toàn cầu
TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi nêu quan điểm: Ngành tài chính – ngân hàng là một ngành vô cùng quan trọng ở mọi quốc gia trên thế giới. Nó được vì như một ngành công nghiệp không khói, là xương sống của nền kinh tế đất nước. Việc Bộ Giáo dục đưa ra quan điểm dừng mở ngành này và không mở thêm trường đại học đào tạo các ngành này e rằng chưa được thỏa đáng.Việc lựa chọn học chuyên ngành nào là do các em và gia đình lựa chọn, dựa trên sự yêu thích, niềm say mê và tính toán công việc phù hợp với hoàn cảnh của họ. Nếu khối lượng bị dư thừa (ở thời điểm hiện tại) thì tự khắc các em sẽ có tính toán cho phù hợp, cơ quan quản lý không nên làm thay họ. Đây là lúc kinh tế suy thoái, nhưng một thời gian nữa, khi kinh tế phát triển trở lại, chẳng lẽ lại bung ra cho đào tạo thoải mái? Tôi nghĩ là không phải vậy, bởi việc mở một ngành ở mỗi trường đều phải được tính toán hết sức cẩn thận, phải tốn nhiều công sức, chi phí mới ra được. Và tất nhiên, nếu đào tạo kém, sinh viên không thể tìm được việc làm, thu nhập thấp thì chính nơi đào tạo sẽ gánh chịu hậu quả - đó là sẽ dần dần không còn người học nữa. Bây giờ lớp trẻ rất thông minh, cộng với phương tiện truyền thông tiện lợi, các em hoàn toàn có thể xác định được đâu là nơi đào tạo tốt, việc này Bộ không cần phải can thiệp sâu.
Ông Luận cũng cho rằng, hãy đào tạo các em trở thành công dân toàn cầu. Trong thời kỳ suy thoái này, nhưng Ấn Độ vẫn là một thị trường làm các công việc tài chính rất sôi nổi. Điều đó cho thấy khi sinh viên tốt nghiệp, các em có nhiều lựa chọn về công việc. Sự dư thừa ở đây thực chất là một nhóm các sinh viên yếu về kỹ năng và yếu ngoại ngữ, vậy thì hãy bổ sung cho các em điều này để giúp các em trở thành công dân toàn cầu. Làm được như vậy, các em không chỉ bị bó buộc bởi môi trường làm việc nội địa, mà hoàn toàn có thể vươn ra châu lục và thế giới. Điều đó gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và nền kinh tế đất nước.
Một chuyên gia khác là GS.TS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH DL Thăng Long nhận định: “Nếu dừng mở ngành tài chính – ngân hàng, kế toán thì trước tiên hãy áp dụng với các trường công lập trước, bởi vì ở đó là tiền nhà nước bỏ ra để thực hiện các kế hoạch đào tạo. Nếu thừa tới mức quá nhiều như quan điểm của Bộ Giáo dục mà phải tiến thêm một bước nữa là dừng đào tạo thì cũng phải tính tới sự xoay chuyển của các trường. Để mở ra một ngành không hề đơn giản, mất dăm bảy năm có khi không thành công, và tất nhiên là khó khăn dồn lên phía các trường ngoài công lập nhiều hơn, vì tất cả mọi chi phí đều từ túi cá nhân cả. Chưa kể việc vừa rồi Bộ Giáo dục phát ngôn như vậy sẽ rất dễ gây hiểu lầm, nhiều phụ huynh không nắm chắc thông tin, bán tín bán nghi và không cho con vào các trường đang có ngành này, vì họ lo sợ lỡ đang học lại bị dừng giữa chừng”.
Đối với vấn đề: Liệu Bộ Giáo dục có can thiệp quá sâu vào việc phát triển ngành nghề ở các trường hay không? GS Sính cho rằng: “Bộ cũng có cái khó của bộ, là cơ quan quản lý, nếu thấy thừa rồi mà không có động thái gì cũng có thể bị chê trách. Tuy nhiên, quyền trong tay phát ra lệnh thì dễ nhưng phải tính toán thế nào đó cho thật hợp lý mới là điều cần bàn, bây giờ có thể đang bão hòa, nhưng hai ba năm tới thì sao, còn các ngành khác thế nào… đó là một bài toán rất khó. Nếu Bộ vội vàng sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín các trường, ở tầm quản lý vĩ mô thì theo tôi Bộ nên áp dụng các chính sách chặt chất lượng và nếu trường nào không đáp ứng được thì phải rời cuộc chơi, và thực ra khi họ không đạt chất lượng thì thị trường cũng đào thải họ rồi”.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh:
“Dùng tiền nhà nước đào tạo người mà để thất nghiệp là một tội lớn”
Số liệu dự báo đưa ra vào thời điểm này phản ánh công tác dự báo chưa tốt và sử dụng biện pháp hành chính chỉ là cách cuối cùng, nhưng không tối ưu và không giải quyết thỏa đáng, dẫn đến kéo theo nhiều bất cập khác.Đối với các trường thuộc nhà nước hiện nay được ưu ái về kinh phí thì cần xem lại vấn đề tuyển sinh. Những trường công lập sử dụng tiền ngân sách suy cho cùng cũng là tiền thuế của dân nộp, vậy nếu cứ lấy chỉ tiêu cao, đào tạo ồ ạt và tiếp tục thất nghiệp thì đó là một tội lớn của những người làm công tác quản lý.
Còn với các em tự bỏ tiền ra học, chẳng hạn đăng ký vào các trường ngoài công lập hoặc trường liên kết đào tạo nước ngoài thì đó là quyền của các em. Đối với những trường hợp này nên để các em tự do lựa chọn. Còn đối với việc không cho mở ngành mới thực ra là một bài toán không triệt để, bởi vì mở mới rất khó khăn chứ không dễ gì tuyển sinh được, mà chủ yếu là phải xem lại công tác đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh ở trường công lập hiện tại đang cao quá, trong lúc suy thoái thì cần phải giảm. Nhưng giảm bao nhiêu và lộ trình thế nào lại là một bài toán khác, phải hết sức thận trọng, nếu không hai ba năm tới kinh tế được vực dậy và tăng trưởng nhanh thì chúng ta sẽ thụ động, không lẽ lúc đó lại cho đào tạo ồ ạt?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét