Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam

Hôm nay 5/1 tại Trường ĐH Sư phạm Huế (TP Huế) đã diễn ra “Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam” do Bộ GD-ĐT tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học, giáo viên, nghiên cứu về văn đến tham dự.

Đến dự hội thảo, có TS. Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và lãnh đạo tỉnh TT-Huế, ĐH Huế và các trường thành viên ĐH Huế. Điều bất ngờ là số lượng khách đến tham dự đã tăng đột biến khi vượt quá số người mời vì sự quan tâm đến tính chất hội thảo.
Các vấn đề chính đã được trình bày tại hội thảo đáng chú ý như: “Dạy học ngữ văn trong nhà trường Việt Nam - Hiện trạng, hướng phát triển và những vấn đề liên quan”; “Một số vấn đề về đánh giá chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành và đề xuất định hướng biên soạn chương trình, SGK mới”; “Tiếp tục hoàn thiện đổi mới chương trình và phương pháp dạy học ngữ văn”; “Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngữ văn hiện nay - Thực trạng và giải pháp”…
Ngổn ngang bất cập của ngành Ngữ văn trong nền giáo dục nước nhà
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình, SGK Tiếng Việt/Ngữ văn nói riêng đã thực hiện được 10 năm đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần phải xem xét và thay đổi.
Có thể thấy, Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định một trong các giải pháp phát triển giáo dục là: “Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới CT và SGK từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương”.
Điều kiện thuận lợi hơn là các dự thảo đề án Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam và đề án Đổi mới chương trình và SGK sau 2015 cũng đã được soạn thảo và tích cực hoàn thiện. Đây chính là những cơ sở pháp lý và vững chắc cho việc chuẩn bị đổi mới, phát triển chương trình môn học.
Bên cạnh đó, chương trình và SGK hiện hành đã thực hiện trong một thời gian khá dài (5 năm đối với lớp 12 và 11 năm đối với lớp 1 và lớp 6) đủ để giáo viên và các cơ quan chỉ đạo dạy học nhìn thấy rõ hơn những ưu điểm cũng như hạn chế của nó. Sau nhiều lần thay đổi, kinh nghiệm và trình độ xây dựng phát triển chương trình giáo dục của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ; một số phương diện đã cập nhật được với trình độ quốc tế và khu vực. Lý luận phát triển chương trình và cơ sở vật chất đã có nhiều bước tiến so với các lần thay đổi trước, kể cả lần gần đây nhất. Và sự mở rộng giao lưu quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận tư liệu dạy học - các phương pháp dạy học tiên tiến - khoa học đánh giá hiện đại và kinh nghiệm phát triển chương trình và SGK.
Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam
Hơn 500 người là đại biểu, giáo viên, học sinh, sinh viên quan tâm đến ngành Ngữ văn đã đến dự hội thảo
Mục đích của Hội thảo lần này hướng đến 2 mục đích lớn là: 1. Đánh giá ưu nhược điểm của chương trình, SGK hiện hành - xem xét phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS cần có gì khắc phục - Từ việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi đến bồi dưỡng giáo viên và nhất là xem xét việc đào tạo ở các trường sư phạm đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học ở nhà trường phổ thông hay chưa nhằm đề xuất giải pháp giúp cơ quan chỉ đạo dạy học, giáo viên và các trường  điều chỉnh có hiệu quả việc dạy học Ngữ văn ngay trong những năm tới. 2. Từ việc nhận thức bối cảnh và những yêu cầu mới, Hội thảo bước đầu nêu lên những định hướng phát triển của chương trình môn học, từ đó bàn bạc và góp ý kiến cho việc chuẩn bị điều chỉnh, xây dựng lại chương trình, SGK môn học Ngữ văn cho giai đoạn sau 2015.
Về cách đổi mới Ngữ văn trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nêu ra khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Cụ thể là chương trình và SGK Ngữ văn theo yêu cầu mới đặt ra nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Trước hết là phải tập trung năng lực người học, coi trọng khả năng “làm được”, “vận dụng được” những gì đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống, qua đó mà phát triển tư duy, óc sáng tạo.
Trong khi thực trạng giáo dục nói chung và dạy học môn Ngữ văn nói riêng ở nước ta đang có nhiều hạn chế, bất cập thì điều kiện cải thiện tình hình cũng có nhiều khó khăn. Đặc biệt là về cơ bản, nước ta còn nghèo, các cơ sở, vật chất, thiết bị, trường lớp… chưa thể đáp ứng các đòi hỏi của dạy học hiện đại, nhất là về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chính sách, chế độ cho giáo viên còn chưa thỏa đáng, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần nhất là ở các vùng sâu vùng xa. Trong khi, tốc độ phát triển và nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng, sĩ số/đầu lớp khó giảm, tạo ra mâu thuẫn giữa yêu cầu về số lượng và chất lượng giáo dục.
Chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên còn nhiều bất cập; đầu vào của các trường sư phạm ngày càng có chất lượng thấp, nhất là các môn khoa học xã hội, trong đó có môn ngữ văn. Học sinh không thích học văn, giáo viên không nhiệt tình dạy văn, sinh viên không muốn học ngành văn; giáo trình đào tạo sư phạm Ngữ văn vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng được những yêu cầu mới… tạo thành một vòng luẩn quẩn, tác động lẫn nhau làm cho môn học này nhiều nơi trở nên thiếu sinh khí.
Và vấn đề chưa đào tạo và phát triển được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp về xây dựng, thiết kế, phát triển chương trình môn học. Phần lớn vẫn là kiêm nhiệm, làm theo hợp đồng, nghề tay trái… Nhiều người tham gia làm chương trình và viết SGK nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của nghề làm chương trình và SGK theo đúng nghĩa.
Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam
Những hạn chế của SGK Ngữ văn tại Việt Nam đa số được đánh giá là còn rất "cứng nhắc" - không vận động kịp với thế giới đang phát triển từng ngày.
Đặc biệt, hội thảo đã đánh giá SGK Ngữ văn dành cho Trung học hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể là: Nhiều bài học, nhất là ở các lớp trên nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho HS; Một số nội dung còn cao so với trình độ nhận thức HS; Thời lượng dành cho một số nội dung còn chưa hợp lý và hầu hết các tác phẩm văn học không phù hợp với tâm lý - xu hướng đọc sách của HS hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập môn văn của HS.
“Làm thế nào để môn học Ngữ văn xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của nó, thực sự là một thách thức lớn mà vai trò quyết định thuộc về đội ngũ các nhà giáo, các tác giả xây dựng chương trình và SGK” - Thứ trưởng trăn trở.
Tìm phương pháp đổi mới ngành học có “tuổi thọ” cao nhất Việt Nam
Theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ngữ văn là môn học có “tuổi thọ” cao nhất ở nhà trường phổ thông. Suốt hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, khái niệm “đến trường”, “đi học” chủ yếu là học Ngữ văn. Trước hết là học lễ nghĩa và sau đó là để biết đọc, biết viết, từ đó mà học đạo lý, luân lý, hình luật, chính trị, triết lý…
Có 3 vấn đề cần chú ý trong xác định một chiến lược dạy học nói chung và dạy Ngữ văn nói riêng, theo PGS Thống là: Người giáo viên cần biết tự thay đổi liên tục để thích nghi với những biến động của xã hội. Tự học và học suốt đời là một yêu cầu thực sự đối với mọi người, nhất là trí thức – những người thầy đứng trên bục giảng.
Dạy học Ngữ văn cần tập trung hình thành cho HS phương pháp học và học phương pháp học. Phương pháp dạy học phải tạo cho HS tính hiếu kỳ, tò mò và sự đam mê để họ tự đi tìm và lý giải. qua đó mà hình thành năng lực. Không nhồi nhét kiến thức, không bắt nhớ máy móc, cần biết quên cái cụ thể, chi tiết; chỉ nhớ cách làm, cách xử lý vấn đề… giúp HS tự học, tự khám phá, tự kích thích sáng tạo. Giờ văn học trước hết hãy giúp HS niềm yêu thích, say mê văn chương, mong muốn tìm tòi, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của thế giới nghệ thuật rồi sau đó mới là những yêu cầu khác.
Nhà trường phổ thông trong giai đoạn tới không chỉ chú ý khả năng tư duy loogic, biện chứng… mà cần lưu ý hình thành “khả năng suy tưởng, sự mẫn cảm”, những “vẻ đẹp thẩm mỹ và xúc cảm”. Trong thế giới hiện đại, điều đó còn quan trọng hơn cả tư duy phân tích - lôgic. Yêu cầu này là hết sức đúng với bản chất của môn Ngữ văn.
Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam
Nhiệm vụ chính sẽ đặt lên mỗi một bản thân các nhà giáo Ngữ văn, các nhà biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn. Làm thế nào để phát triển Ngữ văn đúng với quỹ đạo nó đi trước đây không hề là một điều đơn giản.
Về vấn đề đề xuất định hướng biên soạn chương trình, SGK mới, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn nêu lên chúng ta cần tham khảo cấu trúc mới của một số sách giáo khoa nước ngoài. Ví dụ như trong sách giáo khoa Ngôn ngữ tiểu học của Columbia thì mỗi tài liệu gồm nhiều mô-đun; mỗi mô-đun do một số bài học cấu thành; và mỗi bài học được chia thành các phần với những mục tiêu khác nhau. Mỗi phần gồm 3 loại hoạt động: Các hoạt động chính - Các hoạt động thực hành - Các hoạt động ứng dụng. Sau mỗi phần, HS được đánh giá để ghi nhận sự tiến bộ của mình.
Riêng sách giáo khoa Ngữ văn cấp THPT của Hàn Quốc (từ lớp 11) có 6 môn tự chọn với 6 cuốn sách giáo khoa là: Văn học - Quốc ngữ trong sinh hoạt - Đọc - Viết - Nói - Ngữ pháp. Một điểm nhìn để tiếp cận nước ngoài nữa là vấn đề so sánh chương trình môn Ngữ văn của Việt Nam và môn tiếng Anh nghệ thuật của bang California (Mỹ)…
Để kết lại, ý nghĩa của môn Ngữ văn được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh như một sự ghi nhớ đối với toàn thể các thầy cô giáo, học sinh: “Môn Ngữ văn góp phần rất lớn nhằm hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và các phẩm chất cao đẹp của người học. Chính vì thế, không có bất cứ nước nào coi nhẹ chương trình môn học này”.
 
“Trong những năm trở lại đây, số lượng HS đăng ký học và thi ban Xã hội Nhân văn ngày càng ít đi. Không những thế chất lượng cũng ngày càng giảm. Các số liệu cho thấy, môn Ngữ văn đang bị tuyệt đại đa số HS chối bỏ. Năm 2009, chỉ có 1,82% học sinh trung học theo học ban Xã hội Nhân văn. Những HS học ban này (thi khối C) không phải toàn là những HS giỏi. Họ theo học ban này, chẳng qua vì không đủ lực theo học các ban khác, chứ chẳng phải vì say mê văn học. Có rất nhiều HS học ban khoa học tự nhiên (thi khối A và D) rất giỏi văn. Như thế gần 100% HS THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp mà thôi.
 
Ngay cả với HS trường chuyên, trừ một số ít các em vẫn còn giữ được lòng say mê văn chương thật sự, số còn lại cũng không tránh khỏi những ám ảnh của tương lai không sáng sủa đối với ngành học mà họ sẽ theo đuổi. Công việc, lương bổng và các điều kiện cho một cuộc sống bình ổn phía trước rất bấp bênh đối với những HS theo học ngành Xã hội Nhân văn. Hệ quả là việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông nói chung không mấy khởi sắc, nhất là khu vực phía Nam. HS không học văn, không chịu đọc tác phẩm, ngay cả các trích đoạn ngắn trong sách giáo khoa. Tình trạng nhiều HS trốn không muốn vào đội tuyển tỉnh và quốc gia ở môn học này là khá phổ biến. Các em muốn có thời gian để đầu tư cho các môn thi đại học.” -PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Đại Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét