Dù Thông tư 42 được xem là có bộ tiêu chuẩn phù hợp nhất hiện nay song hiệu trưởng nhiều trường cho rằng chuẩn quan trọng nhất là chất lượng dạy và học, đừng vì chuẩn mà xem nhẹ chất lượng.
Chưa kiểm tra đã biết “không đạt”
Giữa tháng 12/2012, Sở GD-ĐT TPHCM công bố danh sách 91 trường từ bậc mầm non đến THPT nằm trong diện đánh giá ngoài. Trong đó, không có trường nào của quận 1. Lãnh đạo một trường THCS tại quận này nhận định 2 tiêu chí quan trọng nhất của Thông tư 42 là yêu cầu nghiêm ngặt về sĩ số và diện tích thì hầu hết các trường tại quận 1 không đạt. “Chúng tôi gặp rất nhiều áp lực về tuyển sinh, trong khi quỹ đất cho nhà trường vẫn giữ nguyên.
Nhiều trường thậm chí còn chẳng có sân chơi cho học sinh (HS) nên chưa cần kiểm đã biết không đạt dù uy tín và chất lượng dạy học của nhà trường thì đã có phụ huynh và HS minh chứng. Không đạt chuẩn không có nghĩa là chất lượng giáo dục của chúng tôi kém” - vị hiệu trưởng này cho biết.
Tại quận 4, Trường THCS Khánh Hội A năm 2012 đã đạt chuẩn cấp độ 2 nhưng lại không đạt cấp độ 3 - cấp cao nhất - vì lệch chuẩn khi hiệu trưởng đã quá 2 nhiệm kỳ. Năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi sẽ tham gia đánh giá ngoài nhưng bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chuẩn cấp độ nào không quan trọng, quan trọng là chất lượng giáo dục có giữ vững được như chuẩn hay không. Thực tế, nếu nhà trường nào tốt thì phụ huynh tự tìm đến chứ không phải thông báo trường đã đạt chuẩn cấp độ mấy”.
Áp lực sĩ số, diện tích
Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, áp lực lớn nhất của các trường khi tham gia kiểm định là vướng quy chuẩn về sĩ số và diện tích. Thông tư 42 quy định sĩ số tối đa đối với bậc tiểu học là 35 HS/lớp, bậc THCS và THPT là 45 HS/lớp. Tổng diện tích mặt bằng của nhà trường khu vực nội thành phải đạt ít nhất 6 m2/HS trở lên và 10 m2/HS trở lên đối với các vùng còn lại.
Chính vì vậy, có một nghịch lý của đánh giá giáo dục phổ thông là nhiều trường chất lượng giáo dục tốt nhưng chắc chắn không đạt vì vướng chuẩn về sĩ số. Ông Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, lý giải: “Những tiêu chí về chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất trường đều có thể đáp ứng nhưng sĩ số HS thì vượt. Mỗi lớp sĩ số trung bình đều từ 43-45 em và trường cũng đã vượt quá 30 lớp. Nếu muốn đạt chuẩn chỉ còn cách đẩy HS đi nơi khác nhưng chắc chắn điều đó là không thể”.
Năm nay Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 - TPHCM sẽ tham gia kiểm định. Ảnh: Tấn Thạnh
Năm nay, quận 5 có 5 trường đăng ký tham gia kiểm định nhưng hầu hết
các trường này đều là những trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Võ
Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, trước nay các trường đã làm quen
với các tiêu chuẩn của kiểm định thông qua những lần kiểm tra, đánh giá
toàn diện. Thông tư lần này giống như “hiệu lệnh” để các trường đi vào
quy củ. Dù vậy tuy hiện tại, sĩ số trung bình ở các trường tham gia đánh
giá là 35 HS/lớp nhưng trong tương lai có nguy cơ vỡ sĩ số do áp lực
tuyển sinh.Trong khi đó, nhiều trường dù trước đây đã đạt chuẩn nay lại có thể không đạt vì những lý do bất khả kháng. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là trường THPT đầu tiên của TPHCM được công nhận chất lượng giáo dục với các tiêu chí về chiến lược phát triển, chương trình giáo dục, cơ sở vật chất, trình độ và đạo đức của học sinh. Nhưng vừa qua, do có gần 40 HS đạt điểm đầu vào như nhau nên trường buộc phải tiếp nhận hết và sĩ số lại vượt chuẩn.
Lãnh đạo một phòng GD-ĐT cho rằng: “Cần phải triệt tiêu ý nghĩ kiểm định để lấy thành tích. Vì cuối cùng, chất lượng giáo dục phải là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải lo giữ chuẩn mà xem nhẹ mục tiêu quan trọng nhất của các trường phổ thông”.
TS Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM, cho rằng: “Hai tháng nữa mới biết độ thực tế của thông tư mới và 2 năm nữa mới xác định được hiệu quả nhưng có thể nói, Thông tư 42 thích hợp nhất so với những bộ tiêu chuẩn đánh giá trước đây của Bộ GD-ĐT.
Hiện viện đang phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM chọn 4 trường để kiểm định thí điểm. Tiêu chí mà chúng tôi chọn phải có trường công lập, ngoài công lập, trường có chất lượng tốt và cũng phải có trường chất lượng trung bình. Nếu chỉ chọn các trường chuẩn, trường lớn để kiểm định thì rất khó đánh giá”.
Các tiêu chí kiểm định
Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông là hoạt động đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông về mức độ đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đối với từng loại cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo Thông tư 42, các trường phổ thông sẽ được kiểm định theo các tiêu chí: Tổ chức và quản lý nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động và kết quả giáo dục...
Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông là hoạt động đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông về mức độ đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đối với từng loại cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo Thông tư 42, các trường phổ thông sẽ được kiểm định theo các tiêu chí: Tổ chức và quản lý nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động và kết quả giáo dục...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét