Chưa có chuẩn đào tạo, chưa có chương trình, chưa có cả đội ngũ giáo viên… khiến ý tưởng triển khai dạy kinh doanh trong trường phổ thông đang đứng trước hàng loạt khó khăn.
Lồng ghép hay lập môn riêng?Theo Vụ Giáo dục Trung học, việc dạy kinh doanh sẽ được dạy từ cấp trung học cơ sở theo hình thức lồng ghép với một số môn như môn công nghệ, giáo dục công dân, hoạt động giáo dục hướng nghiệp… Ở bậc trung học phổ thông, sẽ hình thành chủ đề tự chọn có tên Nghề kinh doanh với 105 tiết, bắt đầu dạy từ lớp 11.
Tuy nhiên, có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh ý tưởng này.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Đại học Sư phạm Hà Nội, không nên coi giáo dục kinh doanh là môn độc lập vì chương trình giáo dục phổ thông hiện đã quá tải. “Nên tích hợp với các môn hiện có,” ông Khôi nói.
Đây cũng là ý kiến của phó giáo sư, tiến sĩ Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông Long, nội dung cần dạy cho học sinh là rất nhiều, không thể ôm đồm, gây áp lực cho học sinh. Chỉ cần dạy các em những kiến thức cơ bản về vấn đề này như việc quy trình, các vấn đề về đầu tư, lãi suất, hiệu quả kinh doanh… Do đó, có thể tích hợp với các môn học vốn sẵn có trong nhà trường.
Giờ học của học sinh trường Trung học phổ thông dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sĩ Đào Thái Lai, thành viên ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 lại ủng hộ chủ trương của Vụ Giáo dục Trung học.
Theo ông Lai, lên bậc trung học phổ thông, xu hướng ngành nghề rất đa dạng. Vì thế, bên cạnh các môn bắt buộc như văn, toán, ngoại ngữ, nên có nhiều môn tự chọn cho học sinh, trong đó có môn kinh doanh. “Chúng tôi cũng kiến nghị bộ xem xét đưa nội dung này vào chương tình giáo dục phổ thông sau năm 2015,” ông Lai cho biết.
Ai sẽ dạy?
Phương pháp dạy chưa rõ ràng, vấn đề giáo viên càng nan giải hơn. “Ai sẽ là người dạy kinh doanh cho học sinh? Giáo viên hay doanh nhân? Nếu là giáo viên thì kiêm nhiệm hay đào tạo riêng?” ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chuyên nghiệp đặt câu hỏi.
Theo chia sẻ của ông Vinh, hệ trung học chuyên nghiệp đã triển khai nội dung này được hai năm nhưng giáo viên vẫn là vấn đề đau đầu nhất.
Thừa nhận vai trò đặc biệt của giáo viên, ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, Vụ sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên hiện có từ các trường.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng không thể có biên chế giáo viên chỉ dạy vài chục tiết, vì thế phải tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy kiêm nhiệm. Hơn nữa, ngay cả với các môn đã đưa vào trường phổ thông như công nghệ hay hoạt động hướng nghiệp đến nay vẫn chưa có cơ sở sư phạm nào đào tạo riêng biệt.
Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng giảng dạy, ông Kiên Sorit, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, một trong những trường đã thực hiện thí điểm việc đưa nội dung kinh doanh vào giảng dạy, cho rằng để giáo viên kiêm nhiệm là rất khó.
Theo ông Sorit, bản thân giáo viên phải yêu thích kinh doanh, có trải nghiệm thực tế thì việc dạy mới hiệu quả. “Thiếu kinh nghiệm thực tế nên khi dạy, giáo viên đôi khi thiếu tự tin và khó thuyết phục được học sinh. Nội dung giảng dạy vì thế cũng khô cứng, lý thuyết, thiếu sinh động,” ông Kiên Sorit nói.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, một vấn đề khó khăn khác của kiêm nhiệm là chế độ. Mỗi giáo viên đều đã có một môn dạy riêng, khi đi học, kiêm thêm nội dung kinh doanh nhưng chế độ không thay đổi (vì vẫn hưởng lương theo biên chế) nên nhiều khi giáo viên không nhiệt tình.
Nhìn vấn đề một cách tổng thể hơn, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cốt lõi của tất cả những bất đồng quan điểm trên là do vẫn chưa có một chuẩn đầu ra cho học sinh khi dạy môn học này. Mặc dù nội dung kinh doanh đã được thí điểm trên một số trường từ năm 2006 nhưng để triển khai rộng trên toàn quốc lại là vấn đề hoàn toàn khác. "Phải có chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó mới xác định dạy cái gì, nội dung ra sao, phương pháp thế nào, giáo viên cần tiêu chuẩn gì. Nhưng tiếc là điều này lại chưa được đặt ra,” ông Vinh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét