Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Cần một “Tổng công trình sư” cho “bài toán” SGK

Việc biên soạn sách giáo khoa cần làm tổng thể và liền mạch. Nên có “Tổng công trình sư” cho cả hệ thống phổ thông để ghép nối các “công trình sư” biên soạn sách của từng năm học. GS Bành Tiến Long đưa ra hướng giải quyết bất cập trong việc biên soạn SGK.

Vấn đề SGK từ lâu đã được dư luận đề cập nhiều khi cho rằng chương trình hiện tại đang quá nặng, thiên về lý thuyết và thậm chí thiếu khoa học, không thực tế, còn nhiều bất cập. GS có thể nói rõ hơn quan điểm của GS về thực trạng này và giải pháp khắc phục?

Về sách giáo khoa của phổ thông, tôi thấy có nhiều ý kiến đề cập đến chương trình nặng, quá tải, nặng lý thuyết, thiếu thực hành; tóm lại còn nhiều bất cập. Điều này đáng lẽ ra phải làm rõ, minh chứng đầy đủ. Các tác giả viết sách và các nhà phản biện cùng với những nhà quản lý phải bố trí thời gian ngồi lại với nhau để xem xét một cách khoa học, thấu đáo và trách nhiệm. Phải làm rất công phu. Phải phản biện thẳng thắn, khách quan cũng như chủ động tiếp thu sự góp ý.

Từ đó thống nhất cách giải quyết một cách căn cơ,  triệt để, hoặc là để chỉnh sửa hoặc viết lại hoàn toàn. Tranh luận mà không xử lý và giải quyết thống nhất thì thêm rối. Tôi còn nhớ có lần, lãnh đạo Bộ đã cùng Nhà xuất bản và các Vụ quản lý bậc học, đã mất nhiều thời gian và cập rập để làm đính chính cho kịp năm học. Tôi cũng không có điều kiện để nghiên cứu, và cũng không có khả năng tìm hiểu hết sách giáo khoa của các lớp học ở bậc phổ thông, nhưng những gì tôi biết thì chương trình và nhiều bài học là nặng nề và quá tải và không phù hợp đối với lứa tuổi học sinh. Tôi cho rằng những bài đó chỉ hợp với học sinh năng khiếu.

Chương trình SKG phổ thông hiện tại đang còn nhiều bất cập
 
Chương trình SKG phổ thông hiện tại đang còn nhiều bất cập


Chương trình và sách giáo khoa là để giáo dục đại trà, vì vậy phải vừa sức, phải hết sức cơ bản, nhẹ nhàng, không mang tính đánh đố, tranh cãi, cần tăng bài tập, thực hành, trao đổi, thảo luận, chủ yếu vừa cung cấp kiến thức, vừa giáo dục nhân cách và tăng vốn sống tự nhiên cho các em. Đưa tất cả những nội dung, bài khó vào sách giáo khoa tham khảo. Viết sách là hết sức công phu và mất nhiều thời gian cho dù đó là sách phổ thông hay đại học. Viết cho lớp càng thấp thì càng khó viết. Cần lược bỏ những môn học, những kiến thức thừa, không thực tiễn, không cần thiết.

Về giải pháp khắc phục, tất cả phụ thuộc vào Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Sau khi có Đề án, cần thành lập Ban soạn thảo chương trình và viết sách giáo khoa. Nên có “Tổng công trình sư”, “nhạc trưởng” về việc này cho cả hệ thống phổ thông để ghép nối các “Công trình sư” biên soạn sách của từng năm học. Cần làm tổng thể và “liền mạch”. Đội ngũ phản biện cần độc lập. Không nên làm vội vàng. Đặc biệt là đội ngũ Ban soạn thảo và phản biện phải chịu trách nhiệm về kết quả và chất lượng trước Nhà nước. Cần có đủ kinh phí để họ làm việc. Việc tuyển chọn cán bộ chủ trì các công việc này có vai trò quyết định đến sự thành công của Đề án.

Nên rút bớt thời gian học phổ thông

Không ít chuyên gia giáo dục đề xuất nên rút bớt thời gian học phổ thông, từ 12 năm xuống còn 11 năm hay thậm chí 10 năm. GS nhìn nhận vấn đề này như thế nào và theo ông, tiêu chí cũng như mục đích chính khi xác định thời gian học phổ thông là gì?

Đây là một vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của giáo dục phổ thông, có hệ lụy tới giáo dục đại học, vì vậy cần  phải phân tích, xem xét, cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

Muốn trả lời câu hỏi bậc GDPT 12 năm hay rút xuống còn 11 năm hay 10 năm thì phải nghiên cứu, xem xét yêu cầu thiết lập hệ thống giáo dục quốc dân là gì? Nguyên tắc đề xuất cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân như thế nào? Từ đó xây dựng mục tiêu chính và tiêu chí, điều kiện thực hiện khi xác định thời gian học phổ thông.

Giáo dục phổ thông là giai đoạn đầu chuẩn bị cho sự phát triển nguồn nhân lực toàn diện của đất nước: Cả về thể lực, trí tuệ và nghị lực, cả năng lực và đạo đức; trang bị cho người học những kiến thức văn hóa phổ thông cơ bản toàn diện, đủ để phân luồng vào các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và chuẩn bị cho việc đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ phục vụ đất nước.

Mục tiêu của giáo dục phổ thông là thực hiện nâng cao dân trí và phát triển phẩm chất, nhân cách công dân; giáo dục thế hệ trẻ về cả kiến thức chuyên môn và định hướng nghề nghiệp để trở thành  công dân có đủ kiến thức, kỹ năng, có khả năng tự học, năng động, sáng tạo, tự tin và trách nhiệm, có đủ khả năng làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, là công dân tốt của Việt Nam, dễ dàng hội nhập quốc tế. Giáo dục phổ thông là nền tảng của cả hệ thống giáo dục quốc dân và là “pha đầu” của quá trình học tập suốt đời. Khi kết thúc giáo dục phổ thông học sinh có đủ năng lực, kiến thức chuyên môn và phẩm chất để chuyển tiếp học trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hoặc học nghề hoặc có thể làm việc.

Về các tiêu chí để xác định số năm học phổ thông thì chúng ta cũng phải tham khảo phân loại giáo dục theo chuẩn quốc tế UNESCO và lưu ý rằng, trước đây, ta quyết định chọn hệ 12 năm cũng như đa số các nước trên thế giới là dựa vào cơ sở tâm sinh lý lứa tuổi 18. Tuy nhiên, sau mấy chục năm, ngày nay do xã hội thông tin và do sự phát triển của đời sống vật chất mà tâm sinh lý lứa tuổi đã phát triển sớm hơn trước một vài năm.

Hiện nay công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, phương tiện dạy và học đã tiên tiến hơn, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, dân số già hóa nhanh, thanh niên Việt Nam hiện trưởng thành sớm hơn thế hệ trước, học hết 11 năm tức là đã 17 tuổi, thanh niên đã có nhận thức xã hội tốt và có thể tham gia ngay thị trường lao động. Đây cũng là lứa tuổi tâm sinh lý phát triển cao hơn cùng lứa tuổi cách đây 20, 30 năm.

Có thể nói đây là những tiêu chí để xem xét giảm thời gian giáo dục phổ thông từ 12 năm xuống còn 11 năm. Có một thực tế là, trước đây các thế hệ  thanh niên học 11 năm, thậm chí thế hệ kháng chiến chỉ 10 năm nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ học tập cao hơn, ra nước ngoài học tập vẫn cạnh tranh được với sinh viên ngoại quốc và  vẫn sản sinh ra rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ... giỏi.

Hơn nữa giảm được 1 năm học tập là tăng lợi ích kinh tế cho xã hội và cho gia đình, cá nhân. Từ những lý do trên đây tôi cho rằng, có thể tiến hành thiết lập cấu trúc hệ phổ thông 11 năm. Tôi chỉ băn khoăn một điều: hiện nay tình hình kinh tế nước ta đang rất khó khăn, con người và vật chất  huy động làm sao để có thể triến khai được là một vấn đề rất lớn.

Một số ý kiến cho rằng thực chất vấn đề nằm ở chỗ GD Việt Nam vẫn chưa làm tốt bài toán phân luồng, dẫn đến tình trạng “thừa thày, thiếu thợ”, tiêu cực trong các hệ đào tạo do tâm lý sính bằng cấp. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

Đúng là giáo dục Việt Nam vẫn chưa làm tốt bài toán phân luồng làm cho mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì vậy cần tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng ta nên nghiên cứu để tổ chức hệ thống giáo dục phổ thông 11 năm trong đó 9 năm phổ thông bắt buộc, là giáo dục miễn phí. Sau 9 năm phổ thông bắt buộc là phải phân luồng ngay. Một bộ phận học sinh vào học phổ thông công nghiệp hoặc học nghề. Một bộ phận học tiếp 2 năm trước khi vào học đại học.

Số sinh viên học đại học cũng phải thực hiện 70-80% sinh viên đào tạo theo chương trình nghề nghiệp ứng dụng, chỉ 20-30% đào tạo theo chương trình nghiên cứu (tỷ lệ này đã có trong HERA- Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện GD ĐH VN giai đoạn 2006-2020). Cần rút ngắn thời gian đào tạo đại học. Cần thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục- đào tạo và giáo dục nghề. Hợp nhất cao đẳng nghề và cao đẳng, hợp nhất trung cấp nghề và  trung cấp chuyên nghiệp. Đây là sự thay đổi rất cần thiết. Chúng ta nói “thừa thầy thiếu thợ” cũng chỉ là một cách nói thôi vì thực chất chúng ta đang thiếu cả thầy cả thợ nhưng cũng lại thừa cả thợ, cả thầy. Thiếu cả thầy giỏi, thầy đạt chuẩn và thiếu cả thợ giỏi, thợ lành nghề.

Nếu đào tạo chất lượng tốt, nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng thực hành giỏi thì không những sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng sẽ dễ dàng kiếm được việc làm ở các doanh nghiệp trong nước và liên doanh với nước ngoài mà còn tham gia được thị trường lao động quốc tế. Sinh viên lại còn có khả năng sáng tạo ra việc làm, làm phong phú sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng trưởng sản xuất, thu hút người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thị trường sẽ tự điều tiết một cách lành mạnh.

Đào tạo và cấp bằng là hai việc song hành và là trách nhiệm thông thường của công tác đào tạo. Nhưng tâm lý sính bằng cấp là một sai lầm, là một hậu họa cho xã hội. Ngày xưa, ngay cả khi giáo dục chỉ dành cho số ít, còn gọi là giáo dục “tinh hoa” thì tâm lý sính bằng cấp cũng không có. Việc này là do cơ chế chính sách không hợp lý cần được cấp bách giải quyết, nhất là trong quản lý.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét