Học thêm, dạy thêm: Nhu cầu hay phong trào?
Theo báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các bậc cha mẹ ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để cho con em mình học thêm và xu hướng này ngày một phổ biến, bất chấp những nghi ngờ về chất lượng dạy và học.
Ảnh minh họa
Học để đỡ bị cô ghét
Theo cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì không ít bậc cha mẹ coi học thêm là hình thức để con em họ sử dụng thời gian rỗi một cách hiệu quả. Cô Phương nói: “Mỗi gia đình có một mục tiêu riêng cho con em mình học thêm, có người mặc dù biết con nắm rất vững kiến thức nhưng họ vẫn cho học thêm vì các bạn trong lớp đều đi. Họ sợ nếu con mình không tham gia cô giáo sẽ ghét, trù úm. Có gia đình vì quá bận rộn nên không có thời gian chỉ bảo kiến thức cho con. Học thêm là cách giúp con họ lấp đầy kiến thức, thậm chí nhiều gia đình cho con đi học để cách ly chúng với những trò chơi ảnh hưởng xấu đến thói quen... Liệu bao nhiêu phần trăm trong số những học sinh này thu nhận được kiến thức từ việc học thêm thì chưa có ai trả lời được...”.
Một người bạn của tôi có con gái năm nay vào lớp 1, nhưng trước đó cả năm trời cô bé ngày nào cũng được mẹ đưa đón đến nhà cô giáo, đến trường để học thêm. Theo như giải thích của bạn tôi thì đây là trường dân lập chỉ dành cho những gia đình khá giả, học sinh muốn được học phải thi đầu vào. Và đương nhiên, để chạy “marathon” cho kỳ thi này, học sinh phải học thêm, học ôn. Khi tôi hỏi nếu không học thêm liệu con mình có thi đỗ, thì cô ấy trả lời: “Do 2 môn thi đầu vào là trắc nghiệm IQ (chỉ số thông minh) và môn tiếng Anh nên nếu không học thêm tại trường thì khó mà đỗ, bởi, đề bài thông thường là những bài tập mà học sinh đã được học trong thời gian học thêm tại đây...”. Hẳn nhiên, những bậc phụ huynh có nguyện vọng cho con theo học tại ngôi trường này, nếu cho con học thêm do nhà trường tổ chức thì tỉ lệ đỗ sẽ cao hơn.
Cha mẹ học thay con
Tuy nhiên, việc học thêm đôi khi cũng xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh. Một giáo viên trường THCS trên địa bàn quận Long Biên cho biết: “Trong kỳ thi hết học kỳ 1 vừa qua của khối lớp 8, cả giáo viên và học sinh trường tôi đều bất ngờ vì đề thi quá khó. Chính điều này đã khiến phụ huynh có tâm lý hoang mang, và bằng mọi cách tìm “cửa” để bổ sung kiến thức cho con em mình”. Nhiều phụ huynh cho rằng học thêm giúp con em họ có nhiều thời gian để rèn luyện bài tập vì thời gian trên lớp không đủ để học sinh hiểu cặn kẽ kiến thức. Cô Nguyễn Thanh Ngọc, giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa nhận xét: “Nếu giáo viên có tâm huyết, yêu nghề, thì họ sẽ không biến việc dạy thêm, học thêm thành công cụ để buộc học sinh phải theo học. Hiện mô hình lớp dạy thêm ngoài nhà trường rất đa dạng, tùy nhu cầu người học. Học thêm đã trở thành nhu cầu, và đương nhiên có cầu thì ắt có cung”.
Nhiều người dù đã đầu tư cho con học thêm, nhưng lại cho kết quả không cao. Chị Phương Thúy, ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy buồn bã: “Mặc dù đã tìm đủ mọi biện pháp, tìm gia sư giỏi, thầy giỏi cho cô con gái đã tốt nghiệp THPT năm 2011 học thêm, nhưng cháu vẫn không thể thi đỗ ĐH năm đó. Tôi vẫn chưa muốn cháu thi ĐH năm nay và vẫn đang hỏi nhiều nơi để tìm bằng được thầy giỏi cho cháu học thêm để tiếp tục thi ĐH năm sau. Không học thêm thì làm sao thi đỗ được...”.
Song, Nguyễn Hồng Ánh, cô sinh viên có điểm thi đầu vào khá cao Đại học KHXH&NV năm 2011 chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở một tỉnh lẻ, nhà nghèo, không có điều kiện để học thêm. Mọi kiến thức em đều lĩnh hội từ các thầy, cô giáo dạy trên lớp và học thêm ở các buổi bồi dưỡng học sinh giỏi do nhà trường tổ chức. Trong số các bạn sinh viên đạt điểm cao cùng em năm ngoái, em thấy có nhiều bạn không qua các “lò” luyện, không học thêm quá nhiều… Để có kết quả đó, em nghĩ rằng trước hết bản thân mình phải biết tự học hỏi và điều quan trọng là phải được những người thầy tâm huyết truyền đạt kiến thức”.
Việc dạy thêm, học thêm hiện nay đã biến tướng, không mang đúng nghĩa của nó. Càng học thêm, dường như học sinh càng mất đi sự sáng tạo. Ở các quốc gia phát triển không có hình thức học thêm, dạy thêm, song ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội nhu cầu học thêm, dạy thêm vẫn không ngừng tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân...
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét