Thông tin về “Dự thảo quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu” được Bộ GD-ĐT công bố ngày 4/10 đã khiến nhiều giáo viên thắc mắc do nhiều điểm chưa hợp lý và rõ ràng.
Theo dự thảo này, các nhà giáo đã có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 5 năm trở lên, có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 1994 đến ngày 1 tháng 5 năm 2011 sẽ được hưởng trợ cấp từ 2 triệu - 3,5 triệu đồng tùy theo thời gian giảng dạy và trợ cấp này được trả một lần.Độc giả Nguyễn Văn Phong nổi giận với cái gọi là “tin vui” cho nhà giáo về hưu vì khoản trợ cấp này chính là phụ cấp thâm niên 25% được tính vào lương hàng tháng, nhưng với những nhà giáo nghỉ hưu trong khoảng thời gian trên chỉ được trả một lần. “Nay nếu trả cho một lần cao nhất là 3,5 triệu thì thiệt cho nhà giáo quá… Tại sao chính sách của nhà nước lại tận thu đối với cả những giáo viên đã về hưu thế nhỉ?” - độc giả này thắc mắc.
Dự thảo về trợ cấp cho giáo viên về hưu liệu đã công bằng với các nhà giáo già? (Ảnh minh họa)
Cùng chung nỗi niềm là độc giả Phạm Công Minh, đã về hưu từ năm 2010. Ông cho rằng số tiền trợ cấp này đã cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với những giáo viên về hưu, tuy nhiên ông đưa đề xuất nên cho họ hưởng phụ cấp thâm niên thì hợp lý hơn là chỉ trợ cấp một lần.
Một băn khoăn khác của độc giả Vũ Thị Mỵ là: với những người nghỉ hưu từ sau ngày 1 tháng 5 năm 2011 thì phụ cấp thâm niên sẽ được tính như thế nào?
“Tủi thân” cho những nhân viên làm việc trong trường học, những người không trực tiếp giảng dạy, không được nhận trợ cấp từ dự thảo này, độc giả Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: “Từ trước đến giờ cứ nhắc đến giáo dục chỉ thấy báo chí viết về sự thua thiệt của giáo viên, lương ít ỏi mà thấy tủi thân cho chúng tôi những nhân viên trường học, ngoài lương ra chúng tôi không có một khoản phụ cấp, dạy thêm, tăng tiết... như giáo viên. Lương của tôi là y tế trường học là 1,7 triệu/ tháng sống ở Sài Gòn, các chị tạp vụ 1 tháng 1,2 triệu… Không biết chừng nào mới được Bộ Giáo dục 1 lần quan tâm thăm hỏi.. Buồn quá!”
Một lo lắng khác của nhiều giáo viên sau dự thảo này là không biết khi nào tiền mới đến được tay họ, hay lại phải mỏi mắt trông mong giống như phụ cấp thâm niên hồi tháng 5/2011. “Tiền đó đi đâu, sử dụng vào việc gì, đề nghị cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Số tiền đó có lẽ đến hàng ngàn tỷ, gửi ở ngân hàng thì tiền lãi hàng năm là con số không nhỏ” - độc giả Vũ Hưng gay gắt. Độc giả Lê Văn Minh cũng đồng tình với ý kiến này và thể hiện sự bi quan: “Thông tin trợ cấp thâm niên cho nhà giáo đến nay đã khá lâu nhưng ở trường tôi chờ mõi mắt chả thấy. Vì vậy giáo viên họ cũng không để tâm gì đến chính sách của nhà nước mấy”.
Bàn về vấn đề này, trả lời báo Lao động, GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng “đây là mức đề xuất không thể chấp nhận được” và cách giải quyết như vậy là không công bằng. Ông Hãn phân tích, những người về hưu trước ngày 1/1/1994 là khoảng 600.000 người đã được cộng phụ cấp thâm niên để tính lương hưu. Hơn 1 triệu nhà giáo hiện giờ cũng đã có phụ cấp thâm niên. Chỉ còn 19 vạn nhà giáo về hưu 1/1/1994 đến ngày 1/5/2011 là không có. “Chúng tôi cũng chỉ cần bộ công bằng với người trước, người sau ngay ở trong ngành mình” - GS Hãn khẳng định.
Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, GS Phạm Minh Hạc nói rằng ông “rất bất ngờ” với dự thảo này. Ông cho biết trong những lần soạn thảo dự thảo trước đây có đại diện của Hội Cựu giáo chức, nhưng với dự thảo mới này thì ông hoàn toàn không hay biết, không được thảo luận. “Nếu phụ cấp kiểu này thì chỉ bằng phụ cấp thâm niên 1 tháng của người đang giảng dạy, không ai có thể đồng tình được. Nếu định phụ cấp như thế thì Hội Cựu giáo chức Việt Nam sẽ đề nghị thôi không phải thực hiện nữa, sẽ không ai nhận kiểu phụ cấp này đâu. Đây là sự không công bằng. Mà có thể nói đây là sự xúc phạm các nhà giáo già” - GS Hạc nhận định.
Một sự bất công ai cũng thấy
Đọc xong bài báo viết về "bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên giáo viên", tôi rất bất bình và than lên: dùng một bất công để giải quyết một bất công! Tôi dạy học gần 40 năm , và về hưu 1996 - tức là trong 3 nhóm phân loại trợ cấp "một cục " dự kiến, tôi rơi vào nhóm thấp nhất (2 000 000 đồng). Tôi đã viết một bài muốn hỏi là dựa vào đâu để phân 3 loại như vậy, song sau khi được đọc các ý kiến của các đồng nghiệp đăng trên Vietnamnet, nhất là ý kiến của nguyên bộ trưởng Hạc, tôi thấy không cần phải viết gì hơn nữa. Ý kiến của ông là đầy đủ. Và ý kiến cuối cùng của tôi là "Hãy đối xử chúng tôi - những nhà giáo về hưu trong khoảng 1994 - 2011 - như những nhà giáo về hưu từ năm 2011". Không được phân biệt đối xử một cách bất công, vô lý - thậm vô lý - như thế! - Nhà giáo Đào Duy Liêm |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét