Theo các bạn, có nên bỏ câu “Tiên học lễ…” không và nếu bỏ, nên chọn câu nào thay thế? Đặc biệt, bạn nghĩ gì về chủ trương “rèn thầy” trước khi “luyện trò” bởi nói gì thì nói, nếu thầy không “trọng đạo” thì sao trò “tôn sư”?
Có một khẩu hiệu lạ,
rất lạ bởi nó không sáo rỗng, chung chung, nặng tính hô hào như hầu
hết các khẩu hiệu ở các trường học cả nước. Càng “lạ” hơn, nó không có
xuất xứ ở những thành phố lớn, nơi có các trung tâm giáo dục uy tín
mà lại xuất hiện ở một ngôi trường huyện. Đó là khẩu hiệu “Rèn thầy
trước, luyện trò sau” được trưng rất hoành tráng trên mặt tiền của ngôi nhà văn phòng Trường THPT Nguyễn Duy Thì, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Có
thể nói, “Tôn sư, trọng đạo” là truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Theo quan niệm Nho giáo, vai trò người thầy chỉ sau vua và hơn cả cha
đẻ (Quân – Sư – Phụ). Trong dân gian có câu: “Cha sinh không bằng thầy
dạy”. Điều đó càng chứng tỏ vai trò và vị thế của người thầy trong
đời sống nhân dân cũng như quan niệm của người Việt Nam ta rất lớn.
Thế
nhưng muốn trò “tôn sư” thì trước hết, thầy phải “trọng đạo”. Thầy
không trọng đạo lý mà đòi hỏi sự “tôn sư” ở học trò là không công bằng,
là vô lý. Vả lại, người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ca
dao cũng có câu minh họa cho nội dung này: “Bề trên ở chẳng chính
ngôi – Để cho bề dưới chúng tôi lăng loàn”.
Thế nhưng đạo lý không tự nhiên mà phải học tập, rèn luyện
mới có được. Muốn có đạo, người thầy phải thường xuyên tu luyện nhân
cách. Có đạo rồi, vẫn phải rèn luyện bởi nhân cách con người không
phải bất biến, nếu để lâu không rèn giũa là dễ bị hư hỏng. Tiền nhân
dạy: “Ngọc càng mài càng sáng” là bởi vậy.
Thầy
thời nay không chỉ rèn về đạo đức mà còn phải luôn luôn rèn luyện về
kiến thức. Trong thời đại khoa học tiến như vũ bão, nếu thầy không rèn
luyện về kiến thức, đi sâu học hỏi thì sẽ sớm trở nên lạc hậu. Thậm
chí, trở thành vật cản bởi những suy nghĩ già cỗi, lỗi thời…
Nếu
phân tích, sẽ còn có rất nhiều điều để nói nhưng tóm lại, đây là khẩu
hiệu rất hay bởi đề ra được những hành động cụ thể, giàu tính thực
tiễn.
Gần đây, dư luận đang đặt câu hỏi có nên bỏ những câu “đại ngôn” như “Tiên học lễ, hậu học
văn” nửa cổ, nửa
kim, nửa tầu, nửa ta. Thay vào đó là những câu thiết thực như “Học tập
suốt đời” hay “Rèn thầy trước, luyện trò sau”…
Theo các bạn, có nên bỏ câu “Tiên học lễ…” không và nếu bỏ, nên chọn câu nào thay thế?
Đặc
biệt, bạn nghĩ gì về chủ trương “rèn thầy” trước khi “luyện trò” của
Trường THPT Nguyễn Duy Thì bởi nói gì thì nói, nếu thầy không “trọng
đạo” thì sao trò “tôn sư”?
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét