Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Chàng trai nghèo 4 năm chăm sóc người hàng xóm bại liệt

Không phải là bà con họ hàng nhưng hơn 4 năm qua, chàng trai quê Quảng Nam Hồ Công Danh tình nguyện chăm sóc người hàng xóm bị bại liệt toàn thân. Đến khi nhập học Trường ĐH Quy Nhơn, Danh đã đưa người hàng xóm này vào Quy Nhơn để tiện chăm sóc.

Em Hồ Công Danh (sinh năm 1993) quê ở thôn Phú Nam Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện là tân sinh viên ngành Kỹ thuật điện, khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn.
Câu chuyện mới nghe tưởng như đùa lại là sự thật. Để xác minh thông tin, chúng tôi tìm về khu nhà trọ ở tổ 16, khu vực 3, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Tại đây, chúng tôi gặp một chàng trai có khuôn mặt sáng sủa, hiền từ, phúc hậu, đó chính là em Hồ Công Danh. Còn người đàn ông bệnh tật đang nằm liệt giường là anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981), người ở cùng xóm của em Danh ở quê.
Đang chuẩn bị nấu cháo chuẩn bị bữa sáng cho anh Tùng, Danh vội nghỉ tay tâm sự: “Em đang nấu cháo cho chú Tùng, mấy bữa nay nhìn chú lại người, có da có thịt rồi đó, chứ mấy hôm trước mới từ quê vào do bệnh nặng lại phải đi xe ô tô nên nhìn chú thê thảm lắm, chỉ có da bọc xương”.
Chàng trai nghèo 4 năm chăm sóc người hàng xóm bại liệt
 
Không phải là bà con họ hàng nhưng hơn 4 năm qua, em Hồ Công Danh tự nguyện chăm sóc người hàng xóm bị bại liệt toàn thân.
 
Qua trò chuyện với Danh, chúng tôi cũng mới biết về hoàn cảnh éo le mà anh Tùng gặp phải. Năm 2005, anh Tùng bị tai nạn bất ngờ vì té cây, chấn thương cột sống cổ, gãy đốt sống cổ, liệt tủy sống dẫn đến liệt toàn thân. Từ khi bị nạn, gia đình anh Tùng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Gần 7 năm qua, anh Tùng chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải có người khác giúp đỡ.
Từ năm 2008 (khi Danh đang học lớp 10), em thường xuyên qua lại nhà anh Tùng chơi trò chuyện, phụ giúp người nhà anh Tùng chăm sóc cho anh. Khoảng giữa năm 2011, khi cha mẹ anh Tùng đều qua đời, còn anh em ruột thì người bị bệnh tâm thần, người lập gia đình ở xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên để anh Tùng một mình. Kể từ đó, mọi sinh hoạt của anh Tùng từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều do Danh chăm sóc.
Khi được hỏi, xuất phát từ lý do nào mà em tự nguyện chăm sóc cho một người không phải là họ hàng thân thích lại bị bệnh bại liệt nặng, Danh tâm sự: “Nhà em ở gần nhà chú Tùng, lúc em đang học lớp 10 thì biết chú bị tai nạn nằm liệt giường,em thường qua chơi và xin bố mẹ ngủ lại trò chuyện để chú đỡ buồn. Đến khi bố mẹ chú ấy mất chẳng còn ai chăm sóc, em thấy thương nên xin bố mẹ qua nhà lo cơm nước, vệ sinh cá nhân cho chú. Thấy hoàn cảnh chú éo le nên cha mẹ em cũng đồng ý”.
Ngoài lúc chăm sóc anh Tùng, khi rảnh Danh tranh thủ học bài.
 
Ngoài lúc chăm sóc anh Tùng, khi rảnh Danh tranh thủ học bài.
 
Năm nay khi học xong lớp 12, Danh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn và đậu vào ngành Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật công nghệ. Ngày nhận giấy báo đại học, Danh lại suy nghĩ không biết làm thế nào để vừa học mà vừa chăm sóc được anh Tùng. Nghĩ đi nghĩ lại, Danh quyết định xin cha, mẹ được phép đưa anh Tùng vào Quy Nhơn để vừa học, vừa chăm sóc.
Danh chia sẻ: “Biết em có ý định đưa chú Tùng vào Quy Nhơn chăm sóc, cha mẹ không vui lắm vì sợ bất tiện và ảnh hưởng tới cộng việc học tập nhưng cha mẹ cũng rất hiểu hoàn cảnh éo le của chú Tùng nên đồng ý. Khi đó em nghĩ nếu để chú ở Quảng Nam thì sẽ không có ai chăm sóc. Thôi thì đưa chú vào Quy Nhơn để em vừa đi học, vừa chăm sóc với mong muốn chú sống được ngày nào hay ngày đó”.
Nằm liệt trên chiếc giường che kê tạm bợ, anh Tùng giọng nghẹn nói: “Nếu không có cháu Danh chăm lo từ cái ăn đến vệ sinh thì tôi đã chết lâu rồi. Khi Danh nói đậu đại học và sẽ đưa tôi vào Quy Nhơn vừa học, vừa chăm sóc, lúc đó tôi không muốn là gánh nặng và ảnh hưởng đến học tập của Danh. Tôi đã tuyệt thực 7 ngày không ăn uống để chết đi cho xong bởi có sống cũng vô ích”.
Bà Trương Thị Cậy (58 tuổi) - chủ nhà trọ cho biết: “Quả thật khi cháu Danh đưa anh Tùng đến xin ở trọ, mới nhìn tôi cũng rất sợ vì thấy người bị liệt toàn thân, da bọc xương, sợ ảnh hưởng tới những phòng trọ khác nên mình cũng hơi ngại. Nhưng khi nghe cháu Danh trình bày hoàn cảnh mình thấy cháu chỉ là người dưng nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, khi đó nhìn cháu đáng thương nên để cháu ở trọ và giảm một phần nào tiền phòng để giúp cháu chăm sóc anh Tùng”.
Không bà con thân thích nhưng việc làm của em Hồ Công Danh thật đáng khâm phục và trân trọng. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của Danh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải vừa học tập, vừa lo chăm sóc cho một người bị liệt toàn thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét