Dân số của xã xã Lưu Nghiệp Anh Anh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) có đến 64% là người dân tộc Khmer, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các hộ gia đình ở xã lại rất quan tâm đến việc cho con em đi học.
Ông
Thái Hoàng Đang - Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh cho chúng tôi biết
như trên trong dịp về xã Lưu Nghiệp Anh trao học bổng cho học sinh
nghèo. Trò chuyện với nhiều người dân, chúng tôi càng thêm hiểu tinh
thần học tập của các em học sinh nơi đây.
Chị Lý Thị Thanh Nga (ngụ ấp Lưu Cường 2) cho biết,
chị có 2 đứa con gái đang học lớp 5 và lớp 8. Hai vợ chồng chị không có
cục đất chọi chim, chỉ sống bằng nghề làm thuê làm mướn. “Cái nghề ai
mướn gì làm đó nên khó khăn lắm anh à, miếng ăn, cái mặc còn phải tính
từng ngày nên việc cho con đi học không phải dễ”, chị Nga bộc bạch.
Nhưng nói thì nói vậy chứ hai vợ chồng chị Nga dù
cái nghèo, cái khó đeo bám nhưng vẫn quyết tâm cho con theo học. Đứa con
gái lớn là Thạch Thị Thanh Mẫn đang học lớp 8, còn con gái út Thạch Thị
Thanh Tú đang học lớp 5, cả hai em đều học khá giỏi. “Năm nào hai đứa
cũng lãnh giấy khen hết. Vợ chồng tôi thường nói với tụi nhỏ là nhà mình
không có ruộng đất, tài sản gì nên ráng mà học thành tài để lo cho bản
thân sau này, không phải đi làm thuê như cha mẹ nữa”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga cho biết, có lúc thấy gia đình khó khăn
quá, đứa con gái lớn có ý định nghỉ học để cùng phụ giúp gia đình. Biết
được ý định của con, hai vợ chồng chị ngăn lại bảo là phải đi học, mọi
khó khăn để đó cha mẹ lo. “Biết con thương cha mẹ mà muốn hủy đi tương
lai, những lúc như thế vợ chồng tui buồn và giận lắm. Nói mãi nó mới
chịu nghe mà học đến bây giờ”, chị Nga tâm sự thêm.
Chị Nga chia sẻ, khi biết con được nhận học bổng
khuyến học, chị mừng lắm. Số tiền học bổng chị sẽ dành dụm để mua đồ
dùng học tập cho con chứ không dùng vào việc gì khác.
Bà cháu vui mừng nhận học bổng khuyến học ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Cũng là một hộ dân tộc Khmer ở xã Lưu Nghiệp Anh,
bà Ngô Thị Hạnh (61 tuổi) dẫn cháu nội là Lục Thị Hồng Diện (học sinh
lớp 5) đi lãnh học bổng khuyến học. Bà Hạnh cho biết, cha mẹ của cháu
Diện cũng đi làm thuê làm mướn như nhiều người khác ở xã này. Cháu Diện
còn một người chị đang học lớp 6, cả hai chị em đang sống chung với bà
ngoại. “Bà ngoại bị bệnh nên hai cháu vừa đi học, vừa thay nhau chăm
sóc, tội nghiệp tụi nó lắm”, bà Hạnh tâm sự.
Không được thường xuyên sống chung với cha mẹ, cháu
Diện thiếu đi một mối tình thương ruột thịt. Nhưng bà Hạnh cho biết,
cháu rất ngoan và ham học. Mấy năm liền, cuối học kỳ hay cuối năm, cháu
Diện đều mang về giấy khen và phần thưởng.
Từ những lời chia sẻ về cuộc sống gia đình cũng như
việc học tập của con cháu chị Nga, bà Hạnh, chúng tôi không khỏi cảm
phục. Nói như lãnh đạo xã Lưu Nghiệp Anh, công tác khuyến học - khuyến
tài khi được phổ biến sâu rộng đến từng hộ gia đình và cá nhân mỗi người
thì dù hoàn cảnh nghèo hay giàu, hiệu quả của nó lúc nào cũng là hướng
tích cực nhất.
Thầy Lâm Phương Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu
học Lưu Nghiệp Anh “A” cho hay, trường có 494 học sinh thì đã có hơn 200
em là dân tộc Khmer. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình rất khó
khăn nhưng em nào cũng có tinh thần học tập tốt.
Để phụ giúp phần nào đời sống của các em, Trường
Tiểu học Lưu Nghiệp Anh “A” đã có những hỗ trợ như góp “hũ gạo tình
thương” với mong muốn động viên các em vượt khó. Thầy Tuấn cho biết,
hoạt động này rất có hiệu quả và hầu như các năm qua không em dân tộc
Khmer nào nghỉ học.
Nói về công tác khuyến học, lãnh đạo xã Lưu Nghiệp
Anh cho hay, những người sinh ra, lớn lên từ đây và sau này thành đạt
không phải là ít. Điển hình như ông Thạch Thành Thâu,
một người quê ở xã Lưu Nghiệp Anh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học
TP Cần Thơ. Ông Thâu từng là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước một tỉnh. Ông
Thâu cũng là một trong những người có tâm huyết với công tác khuyến học,
khuyến tài. Ông cũng là đại diện của Hội Văn hóa Việt Nam - Thụy Sĩ tại
Cần Thơ, một tổ chức đã trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh, sinh
viên ở Cần Thơ và một số địa phương khác.
Khi nhận những suất học bổng khuyến học, chia sẻ với PV Dân trí,
em Trần Thị Ngọc Dững, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lưu Nghiệp Anh
“A”, cho biết em sẽ nổ lực phấn đấu hết mình để học tập tốt, để không
phụ lòng các nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ cho em cũng như các em học
sinh khác.
Những suất học bổng khuyến học góp phần nâng bước tương lai cho các em học sinh nghèo. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trong khi đó, trò chuyện với các em
học sinh ở xã Lưu Nghiệp Anh, ông Nguyễn Bá Hiều - Chủ tịch Hội Khuyến
học tỉnh Trà Vinh có nhắn nhủ, xã Lưu Nghiệp Anh là một xã có truyền
thống cách mạng, nhiều cán bộ thành đạt. Do đó, những người đi trước
luôn mong muốn các em học sinh học thật giỏi và phát huy tinh thần hiếu
học của ông cha để cùng góp phần đưa xã trở thành một xã khuyến học.
Thật là một lời nhắn nhủ ân cần và đầy tâm huyết của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài.
Huỳnh Hải
Chuyện khuyến học ở một xã nghèo Khmer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét