Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Hà Nội không “quay lưng” với tại chức, liên thông

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Văn Chinh - Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định không có chuyện ngành Giáo dục Hà Nội “nói không” với hệ tại chức, liên thông như dư luận lên tiếng sau thông báo tuyển dụng của Sở hồi tháng 9 vừa qua.

Chỉ “loại” tại chức, liên thông cho ngạch Giáo viên THPT

Theo thông báo số 8595/TB-SGD-ĐT ngày 12/9, Sở GD-ĐT Hà Nội tuyển dụng 817 chỉ tiêu viên chức làm công tác giảng dạy và phục vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở. Trong đó, có 516 chỉ tiêu cho ngạch Giáo viên THPT, 57 chỉ tiêu cho ngạch Giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 141 chỉ tiêu cho ngạch Nhân viên (không làm công tác giảng dạy)… và một số chỉ tiêu cho các ngạch khác.

Thông báo tuyển dụng này có đoạn: “Tất cả thí sinh đăng ký dự tuyển phải tốt nghiệp hệ chính quy của trường Đại học Sư phạm, khoa sư phạm của các trường đại học hoặc tốt nghiệp đại học hệ chính quy các trường công lập đúng chuyên ngành đăng ký dự tuyển và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Ảnh minh họa
 
Ảnh minh họa


Đây chính là điểm được nhiều nguồn tin sau đó trích đăng và kết luận: “Hà Nội nói không với tại chức, liên thông” khiến dư luận “dậy sóng” với nhiều ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến bức xúc cho rằng, bản thân người học không có lỗi bởi ngành giáo dục cho phép đào tạo mà không công nhận thì đào tạo làm gì? Và nếu tự chối bỏ chính “sản phẩm” mình đào tạo ra thì tại sao không xóa bỏ hệ tại chức?

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Chinh - Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội - khẳng định việc trích đăng thông tin như vậy là không rõ ràng và khiến dư luận hiểu sai. “Thông tin nói giáo dục Hà Nội “nói không” với tại chức, liên thông là không đúng. Việc không tiếp nhận hồ sơ của thí sinh tốt nghiệp ĐH tại chức chỉ áp dụng với ứng viên muốn dự tuyển giáo viên bậc THPT và THCN, còn với ngạch Nhân viên thì chúng tôi vẫn tiếp nhận cả bằng tại chức”, ông Chinh phân tích.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, các văn bằng đều có giá trị tương đương trước pháp luật, không phân biệt loại hình công lập hay dân lập, chính quy hay tại chức, cơ hội đăng ký dự tuyển công chức là như nhau, vấn đề là phải chọn được người có năng lực đảm đương nhiệm vụ và phục vụ xã hội. Do đó, việc thi tuyển phải bảo đảm công bằng, công khai và chất lượng.
Cũng theo ông Chinh, việc Sở GD-ĐT đưa ra điều kiện như vậy là phù hợp với Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, theo đó “đơn vị sự nghiệp công lập được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm…” nhưng “không được trái với quy định của pháp luật và phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt trước khi thực hiện”.

“Yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp ĐH chính quy mới được tuyển dụng làm giáo viên phổ thông này đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt do phù hợp với quy định và thực tế trong những năm gần đây, nguồn tuyển giáo viên THPT từ hệ chính quy là khá dồi dào”, ông Chinh cho biết.

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

Mục đích của việc Sở GD&ĐT Hà Nội kèm thêm những yêu cầu về tuyển dụng là nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Chính bởi vậy mà Sở chỉ xét tuyển những thí sinh có bằng ĐH liên thông cho giáo viên bậc Trung học cơ sở chứ không tuyển cho giáo viên bậc THPT và TCCN.

“Hà Nội vẫn tuyển những người có bằng liên thông chứ không phải từ chối. Những thí sinh này được thi tuyển làm giáo viên THCS vì rõ ràng, họ có gốc là cao đẳng sư phạm, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn. Hơn nữa, những thí sinh học liên thông có thời gian học CĐ Sư phạm, sau đó học tiếp đại học nên khó xác định điểm học tập theo quy định tại Nghị định 29”, vị phó phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Không phủ nhận chất lượng còn tùy cơ sở đào tạo và những người học tại chức, liên thông cũng có không ít người giỏi nhưng ông Chinh cho rằng, với riêng ngành giáo dục, sinh viên được đào tạo sư phạm chính quy sẽ chắc chắn và đúng đối tượng tuyển dụng hơn.
 
Theo kế hoạch số 111/KH-UB ngày 19/9/2011 về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô giai đoạn 2011-2016, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2016 phải có ít nhất 80% giáo viên THCS có trình độ chuyên môn từ ĐH trở lên.

Do đó, theo ông Chinh, việc bổ sung giáo viên tốt nghiệp CĐ Sư phạm sau đó học liên thông có bằng ĐH cho các trường THCS là rất cần thiết và "cánh cửa" tuyển dụng hoàn toàn rộng mở với những giáo viên đã theo học liên thông.
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét