Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Nếu giáo dục tốt, thi cử chỉ mang tính thủ tục

Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận (TL), đều một phần đánh giá đúng năng lực của học sinh.

 Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng trong mỗi hình thức vẫn còn những hạn chế nhất định và chúng ta hãy nhìn ra các vấn đề mang tính vĩ mô.

 

Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (nguồn ảnh minh họa: phamdinhtan.wordpress.com)
Xin chào các bạn!

Hoan nghênh tất cả các bạn đã có đóng góp ý kiến. Tôi nghĩ rằng các bạn đều có những lập luận riêng của mình, mỗi nhận xét đều có cái đúng, cái hay của nó. Nhưng dễ nhận thấy rằng các bạn đều quan tâm đến việc thi cử, chất lượng giáo dục hiện nay nên mới nói như vậy. Thật đáng khen ngợi.

Cá nhân tôi cho rằng, dù thi theo hình thức nào, TNKQ hay TL, đều một phần đánh giá đúng năng lực của học sinh. Không thể phủ nhận rằng trong mỗi hình thức vẫn còn những hạn chế nhất định. Chắc chắn qua những bình luận của các bạn, chúng ta có thể hiểu ít nhiều về những hạn chế ấy. Ở đây, tôi không bàn lại những tranh cãi giữa một bên là chọn hình thức TL, một bên là TNKQ mà chúng ta hãy nhìn ra các vấn đề mang tính vĩ mô.

Các bạn cứ thử nghĩ mà xem, trong hoàn cảnh đất nước hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, thì một điều quan trọng là chúng ta đang rất cần những nguồn nhân lực trẻ, có năng lực, sức sáng tạo và sự cần cù, chịu khó... (các đức tính này, tôi nghĩ là luôn có trong mỗi người  Nam). Để có một đội ngũ nguồn nhân lực  có thể đáp ứng cho nhu cầu của xã hội như vậy, thì đòi hỏi nền giáo dục nước nhà phải thật sự tốt.

Các nước trên thế giới họ giàu mạnh, suy cho cùng xuất phát từ nền giáo dục mà nên. Đó là một nền giáo dục hiện đại từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, và trên đại học. Đây là cả là một quá trình đầu tư lâu dài, khó khăn và phức tạp, tốn nhiều kinh phí của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và nhân dân.

Còn việc thi cử chỉ mang tính giai đoạn nhỏ, nhất thời để đánh giá một phần nhỏ trình độ năng lực của học sinh. Do vậy không nên đặt nặng vấn đề thi cử, thi như thế nào, thời gian bao nhiêu là vừa... vì như vậy vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền của mà không giải quyết tận gốc của vấn đề.

Để giải quyết tận gốc của vấn đề là làm sao tăng chất lượng giáo dục của nước nhà. Câu hỏi này xin để dành cho các bộ, cấp, ban, ngành trả lời. Nhưng theo tôi có một con đường duy nhất, như các bạn đã biết,  là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta tiếp tục kiên trì đầu tư, đổi mới chất lượng giáo dục ngay từ cấp nhỏ nhất lên các cấp cao hơn. Chỉ có đầu tư cho giáo dục mới là đầu tư thông minh nhất, bền vững nhất.

Đáng tiếc là đất nước ta còn nghèo, vì thế nảy sinh nhiều bất cập ngay trong cả việc thi cử.  Chúng ta không nên cứ mãi  chạy theo thành tích kinh tế mà bỏ quên nhiệm vụ giáo dục cả về phẩm chất đạo đức lẫn năng lực của học sinh. Mà nói đến vấn đề này, hình như hiện nay ở ta đang xuống cấp trầm trọng. Nói thì dễ, làm mới khó, nhưng chúng ta không làm bây giờ thì đến bao giờ mới làm đây?
 Tôi rất tôn trọng sự chỉ đạo của các bộ, ban, ngành và đường lối lãnh đạo của Đảng ta về chính sách đầu tư cho giáo dục. Mặc dù có nhiều thành tựu, nhưng không phải là không có nhiều điều đáng buồn. Đơn cử như chế độ lương bổng cho giáo viên để họ có thể yên tâm công tác chẳng hạn.

Không phải ngẫu nhiên mà đa số các nước trên thế giới thi theo hình thức trắc nghiệm, và nước ta cũng không nằm trong số đó. Nếu giáo dục tốt sẽ sinh ra một thế hệ đông đảo những học sinh, sinh viên giỏi. Khi ấy công việc thi cử chỉ còn mang tính thủ tục mà thôi. Và đuơng nhiên sẽ chẳng còn những tiêu cực, bệnh thành tích...

Trên đây là những suy nghĩ, có thể nói còn hơi đơn giản và mang tính dài hạn, chưa đi sát với thực tế hiện nay. Vì vậy, tôi chân thành cảm ơn những đóng góp từ phía các bạn và hy vọng chất lượng giáo dục sẽ ngày càng tốt hơn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét