Xã hội cho rằng do lương của nhà giáo thấp nên dẫn đến việc thí sinh chẳng “mặn mà” dự thi vào khối trường Sư phạm. Đây cũng là một phần dẫn đến việc chất lượng đội ngũ giáo viên chưa cao. Tuy nhiên đó mới chỉ là bề nổi, phía sau đó còn biết bao điều…
Không khó để kiểm chứng một thực tế hiện nay đó là vẫn
có nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp các trường Sư phạm nhưng không thể
đến được với nghề hoặc sau nhiều năm bôn ba với hai chữ “hợp đồng” nên
đâm ra chán nản và bỏ đi làm nghề khác. Hệ lụy là nhà nước thì thất
thoát tiền tỷ để đào tạo đội ngũ nhà giáo (SV ngành Sư phạm học không
phải mất học phí - PV) nhưng lại không tận dụng được hết nguồn đầu ra.
Sự lãng phí ngân sách này chung quy lại là do thiếu quy hoạch trong đào
tạo giáo viên (GV) và hơn hết là chưa có một kênh dự báo nguồn nhân lực
này trong những năm kế tiếp để địa phương “đặt hàng” nhà trường.
Thiếu quy hoạch trong đào tạo sư phạm khiến lãng phí ngân sách nhà nước (ảnh minh họa)
Kì 1: Thiếu quy hoạch trong đào tạo SV Sư phạm
Trước đây dư luận xã hội từng xôn xao khi Bộ GD-ĐT có ý
tưởng để cho HS, SV Sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ Sư
phạm được hưởng tín dụng ưu đãi, được ưu tiên xét cấp học bổng, trợ cấp
xã hội. Thủ tướng quy định cụ thể về khoản tín dụng ưu đãi này. Tuy
nhiên, sau khi ra trường nếu không đi dạy học tại các cơ sở giáo dục của
hệ thống giáo dục quốc dân, những HS, SV này phải hoàn trả khoản tín
dụng đã sử dụng để chi trả học phí. Còn nếu đi dạy thì được xóa khoản
vay này.
Mục đích của việc làm này là nhằm tránh thất thoát khi
đào tạo đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên đến phút chót lại bất thành trước
các luồng ý kiến phản biện: Việc tuyển SV theo học ngành Sư phạm ngày
càng khó. Vì thế nếu ý tưởng này thành hiện thực chắc chắn thí sinh lại
càng “thờ ơ” với ngành hơn.
Cách giải thích này phần nào đó đúng với thực tế hiện
tại nhưng có một vấn đề quan trọng thì chưa ai đề cập đến: Sau khi tốt
nghiệp thì ai sẽ bố trí việc làm cho các tân GV?
Đào tạo Sư phạm “tràn lan”
Có thể nhìn thấy hệ thống đào tạo GV hiện nay còn có rất
nhiều điều đáng nói. Ngoài các trường ĐH Sư phạm trọng điểm thì hầu hết
mỗi địa phương đều có một trường CĐ Sư phạm nhằm đào tạo nguồn tại chỗ.
Bên cạnh đó lại hình thành các trường ĐH đào tạo đa ngành lấn sân sang
mở cả ngành Sư phạm.
Nếu để ý công tác tuyển sinh nhiều năm sẽ dễ nhận thấy,
nhiều trường khi mở ngành Sư phạm với mục đích ban đầu chỉ để phục vụ
cho một vùng nào đó nhưng sau này "bão hòa" để có được nguồn tuyển thì
lại xin phép Bộ GD-ĐT mở rộng vùng tuyển.
Trong bản quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục
giai đoạn 2011-2020, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, việc đào tạo đội ngũ GV
không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học
cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau dẫn đến tình trạng thừa, thiếu
GV ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương. Chất
lượng của đội ngũ GV còn nhiều bất cập, do vậy việc đổi mới chương
trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá diễn ra chậm.
Rõ ràng mhững bất cập này có nguyên nhân chủ yếu là chưa
có quy hoạch nhân lực GV, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên để làm cơ
sở cho việc quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng
GV, cán bộ quản lý, đổi mới chương trình đào tạo GV, đổi mới chính sách
cơ chế tuyển dụng, sử dụng đánh giá và đãi ngộ phù hợp.
Theo Th.S Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng đào trường ĐH Sư
phạm TPHCM thì tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng hiện nay
xảy ra rất phổ biến của tất cả các ngành nghề đào tạo. Ngành Sư phạm
cũng vậy, chỉ tiêu tuyển sinh không có căn cứ rõ ràng mà chỉ đưa ra theo
cảm tính, đưa ra trên cơ sở nhu cầu người học. Muốn có cơ cấu hợp lý
đào tạo theo nhu cầu môn học, nhu cầu của địa phương thì cần phãi có sự
phối hợp giữa các cơ quan chức năng: Bộ GDĐT, Sở GD-ĐT, các trường Sư
phạm. Các Sở GD-ĐT phải có dự báo về đội ngũ GV sau 4, 5 năm tới. Tuyển
sinh không nhất thiết phải theo quy định điểm chuẩn theo khu vực, đối
tượng như hiện nay.
Cùng chung quan điểm này, PGS Văn Như Cương chia sẻ:
“Hiện nay có một bất cấp trong khâu đào tạo GV đó là khi mở ngành ra thì
được cấp chỉ tiêu và các trường cứ cố gắng tuyển cho đủ mà không cần
biết nhu cầu của xã hội như thế nào. Chúng ta cần phải xác định, nếu nhu
cầu của ngành đủ thì trường có thể tạm ngừng tuyển sinh mà chuyển sang
xu thế đào tạo nâng cao trình độ của GV. Lúc nào có xã hội có nhu cầu
thì lại tuyển sinh đào tạo các thế hệ sinh viên mới”.
Chất lượng chưa được giám sát chặt chẽ
Mục đích mở các ngành Sư phạm ở địa phương là tạo điều
kiện cho người học. Tuy nhiên, do chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ
quan quản lý nên chất lượng trong khâu đào tạo vẫn còn nhiều điều đáng
để bàn.
Nếu khảo sát các đợt tuyển dụng GV ở các địa phương vừa
qua, không khó để nhận thấy một điều là SV tốt nghiệp hệ Sư phạm ở các
trường ĐH vùng thường có tỷ lệ khá, giỏi rất cao trong khi đó các trường
đào tạo trọng điểm lại khiêm tốn hơn. Trong khi đó, khâu tuyển dụng GV
của nhiều địa phương vẫn còn khá nặng nề về giá trị bằng cấp (ưu tiên
những người tốt nghiệp Giỏi, Khá…). Chính vì điều này mà nhiều GV dạy
hợp đồng có thâm niên công tác nhưng tốt nghiệp bằng Trung bình không
thể chen chân được vào biên chế.
Theo chị H. quê ở Hà Nam, một GV hợp đồng nhiều năm chia
sẻ: “Bây giờ mình rất khó để chen chân vào biên chế bởi không thể cạnh
tranh được với thế hệ trẻ. Trước kia, việc bọn mình kiếm được tấm bằng
tốt nghiệp loại Khá cũng phải cố gắng rất nhiều ấy vậy mà ngành này
nhiều SV theo học ngành Sư phạm ở các ĐH vùng thì tỷ lệ đạt khá giỏi,
rất cao. Có điều bọn mình khá ngạc nhiên là những em này khi thi đầu vào
điểm thường ngang với sàn của Bộ GD-ĐT nhưng sau 4 năm đào tạo lại có
sự kết quả như mơ”.
Về nghịch lý này, GS.TS Lê Viết Thịnh - nguyên hiệu
trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: “Trên thực tế vẫn có những em
khi thi tuyển đầu vào không cao nhưng sau đó cố gắng nỗ lực vẫn đạt kết
quả tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn lại khâu đánh giá SV ở các
trường hiện nay. Do chưa có một chuẩn chung nên nếu trường nào đó giảm
nhẹ khâu kiểm tra, đánh giá thì tỷ lệ SV tốt nghiệp loại Khá, Giỏi sẽ
cao và ngược lại”.
Chất lượng của đội ngũ GV là nhân tố quyết định chất
lượng giáo dục, không có thầy giỏi thì sẽ không thể có trò giỏi được.
Tuy nhiên, với việc có nhiều trường được phép tham gia đào tạo GV như
hiện thì sẽ rất khó để cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng đào
tạo. Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán này? Lời giải đáp sẽ được
chúng tôi hồi đáp trong bài kế tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét