Dư âm từ câu chuyện hơn 300 bài thi năng khiếu bị điểm liệt và trưởng khoa Kiến trúc ĐH Khoa học Huế (ĐH Huế) tự ý nâng điểm thi ĐH cho 1 thí sinh người quen đến nay vẫn còn đọng lại nhiều điều đáng nói.
Sau khi có kết quả thi đại học 2012
vào khoa Kiến trúc ĐH Khoa học Huế, nhiều phụ huynh bức xúc khi con mình
học vẽ khá, giỏi nhưng đã thi môn vẽ bị điểm “liệt”, tức dưới trung
bình 5 điểm. Kết quả này đã tước mất “điều kiện cần” để đậu vào khoa
Kiến trúc.
Điều đáng buồn và cũng đáng tiếc trong
câu chuyện này là trong số hơn 300 thí sinh bị điểm “liệt”, có đến
50-60 em có điểm thi môn Toán, Lý rất cao từ 5-9 điểm, còn lại là điểm
từ 3-5 điểm/môn. Tổng cả 3 môn các em dư sức đậu khi cao hơn điểm chuẩn
lấy vào là 14,5 điểm (chia hệ số 4 ra thì chỉ trung bình hơn 3,5
điểm/môn).
Ngược lại với các em hỏng, các em đậu đa số có điểm
môn Toán, Lý rất thấp - từ 0,5 đến 2 điểm, chiếm gần một nửa số đậu.
Đây là năm đầu tiên sau 7 năm tuyển sinh vào khoa Kiến trúc có điểm
chuẩn thấp nhất.
Nhiều phụ huynh lẫn một số chuyên gia hoạt động
trong lĩnh vực kiến trúc tại Huế đã rất xót xa trước thực trạng này khi
những thí sinh thi đậu - tương lai sẽ là những kiến trúc sư chịu trách
nhiệm thiết kế các bản vẽ cho các công trình lớn nhỏ của đất nước mà khả
năng tư duy, tính toán (thể hiện qua 2 môn Toán, Lý) thấp như thế thì
lấy đâu có chất lượng cao được?
Phụ huynh có con thi vào khoa Kiến trúc bị rớt vì điểm "liệt" môn vẽ làm việc với các báo.
Và, tiếp đến là câu chuyện của ông
Nguyễn Như Tú, Quyền trưởng khoa Kiến trúc tự ý nâng điểm thi ĐH dẫn đến
nhiều câu chuyện khác xung quanh bắt đầu "vỡ lở". Khi nhiều thí sinh
thi cùng em B.L (người được ông Tú nâng điểm thi môn vẽ) cho rằng với
năng lực vẽ yếu nhưng thí sinh này lại được điểm vẽ gần như tối đa -
chắc chắn có dấu hiệu bất thường nên đã khiếu nại lên ĐH Huế.
Vụ việc trở nên rối hơn khi có hàng chục phụ huynh
có con thi điểm vẽ dưới trung bình (5 điểm) nhưng cho rằng thực lực con
mình ở môn vẽ là rất tốt, điều này cũng đã được khẳng định qua các thầy
dạy luyện thi vẽ cho các cháu nhiều năm qua. Họ đã làm đơn gửi ĐH Huế
cũng như lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Ngay sau đó, ĐH Huế đã có cuộc họp với các phụ
huynh và thí sinh khiếu nại, đồng thời ra hội đồng kiểm tra lại các bài
bị điểm liệt như một số phụ huynh phản ánh và theo ý kiến chỉ đạo của
ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Sau đó, bài của em B.L bị hạ điểm
từ 9 xuống 5,5 nhưng vẫn đậu. 41 bài vẽ xin được xem lại cuối cùng đã y
với kết quả chấm dưới 5 điểm, đồng thời hơn 300 bài bị điểm "liệt" không
được phúc tra theo yêu cầu vì không phù hợp với quy chế tuyển sinh.
Thí
sinh thi vào khoa Kiến trúc, ĐH Khoa học Huế tập trung lại hỏi han tình
hình làm bài sau buổi thi môn vẽ. Các em rất quen thuộc với nhau nhiều
năm nay, biết ai vẽ đẹp vẽ xấu do học chung ở các lò luyện vẽ.
Trong câu chuyện này, cái được và cái mất đã rõ.
Được là ĐH Huế đã xử lý rốt ráo, dứt điểm vụ việc khi cách chức ông Tú.
Nhưng cái mất xem như lớn hơn khi tâm sự với chúng tôi, nhiều phụ huynh
lẫn thí sinh cảm thấy thất vọng và mất niềm tin khi khoa Kiến trúc có
điểm chuẩn quá thấp, điểm các môn Toán, Lý của thí sinh cũng thấp không
kém. Và ảnh hưởng từ dấu hiệu tiêu cực của vụ trưởng khoa Kiến trúc vừa
qua đã vì “tình riêng” mà nâng điểm thí sinh là con của thầy dạy cũ.
Các phụ huynh thậm chí còn cho rằng, một nhóm học
sinh thi đậu với điểm 2 môn Toán, Lý "thấp lè tè" đã được các thầy chấm
điểm “bảo kê” - cùng lúc chấm rớt (dưới điểm “liệt”) môn năng khiếu hàng
trăm bài thi khác khi các thí sinh này điểm Toán, Lý cao để “bảo đảm”
khả năng đậu chắc chắn của nhóm thí sinh đậu.
Nhưng nếu xét vào số lượng thí sinh đậu vào học
khoa Kiến trúc thì khoa này vẫn còn thiếu nhiều chỉ tiêu. Và tính ra đến
thời điểm ngày 4/10, ĐH Huế còn thiếu đến 741 chỉ tiêu ở các ngành phải
tuyển bổ sung đợt 4.
Một
bài vẽ được điểm cao của 1 thí sinh do thầy giáo ở trung tâm luyện thi
là GV Khoa Kiến trúc chấm khi luyện vẽ hàng ngày. Thí sinh này thường
xuyên được điểm cao khi học đúng với thực lực nhưng khi vào thi ĐH Khoa
học Huế thì lại bị điểm "liệt".
Chưa biết được năm tới, khoa Kiến trúc sẽ tuyển
sinh được thêm nhiều thí sinh hay ít hơn. Điều này sẽ tùy thuộc vào cách
“cầm lái để điều tiết” của ĐH Huế nhằm hợp lý hơn. Hiện cách tuyển sinh
từ bao năm qua xem chừng đã cũ khi điểm thi môn năng khiếu vẽ là “chìa
khóa” quan trọng nhất. Nhiều thí sinh đã lợi dụng vào đây chỉ để “chăm
chăm” vào môn vẽ nhằm có điểm càng cao thì càng dễ đậu.
Một số ý kiến của nhiều thầy cô trong những tuần
qua khi trao đổi với chúng tôi là nên chăng bỏ đi điểm “liệt” của môn vẽ
và giữ như cũ cách tính hệ số; hoặc cùng lúc lấy hệ số 1,5 đối với cả 2
môn Toán và Vẽ để tiết chế bớt “quyền lực” của môn vẽ; hay là không lấy
hệ số với cả 3 môn vì thời nay khi kiến trúc sư ra đời thì có mấy ai vẽ
bằng tay mà toàn bộ đều vẽ, tính toán trên máy; cũng có ý kiến là phải
có chuẩn điểm “liệt” đối với môn Toán và Lý nếu có điểm “liệt” môn vẽ để
thí sinh học đồng đều cả 3 môn…
Xem qua tình hình thi vào ngành Kiến trúc nhiều trường trên cả nước, một số cách như nêu trên đã được áp dụng khá hiệu quả trong vài năm qua nhằm phù hợp với tình hình thí sinh thi vào.
Điều quan trọng bây giờ là ĐH Huế cần tập hợp ý
kiến từ nhiều nguồn, nhiều phương cách, các kế hay từ kỳ thi vào khoa
Kiến trúc năm nay. Sau đó tổng hợp lại rồi rút kinh nghiệm nhằm có
phương án hay - hiệu quả - hợp lý hơn cho những năm tuyển sinh tiếp
theo, tránh để lặp lại "chuyện buồn" trong kỳ tuyển sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét