Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Khốn khổ cảnh cả trường đi... học nhờ

Hàng trăm học sinh, giáo viên của Trường tiểu học Lê Lợi (Cần Thơ) đang chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong học tập, giảng dạy khi phải chịu cảnh học nhờ ở trường khác.

Trong khi đó Trường Lê Lợi cũ bị đập bỏ để xây mới, thi công giữa chừng rồi bỏ dở dang gần hai năm học qua do chủ đầu tư và nhà thầu bất đồng, không xây dựng tiếp.
Học nhờ trường khác
Đầu năm 2011, giáo viên và phụ huynh Trường tiểu học Lê Lợi, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) vui mừng khi được quận đầu tư gần 8 tỉ đồng, theo chương trình kiên cố hóa trường lớp để xây dựng trường mới trên nền trường cũ. Học sinh được thông báo tạm thời dời đến Trường tiểu học Kim Đồng cách đó khoảng 4km để học nhờ trong thời gian thi công tám tháng. “Từ lúc khởi công đến nay trường mới đâu không thấy, chỉ thấy học sinh, phụ huynh, thầy cô của Trường Lê Lợi khổ sở trăm bề khi phải chịu cảnh học nhờ trường khác”- ông Mai Văn Hiệp, phó chủ tịch UBND P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, bức xúc.
Bà Lê Thị Mỹ Lệ, hiệu trưởng Trường Lê Lợi, kể: “Khi khởi công trường mới, toàn bộ 335 học sinh phải học nhờ ở điểm Trường Kim Đồng, còn 22 giáo viên phải mượn đỡ bảy căn nhà xây thô của một dự án tái định cư gần đó làm khu ban giám hiệu. Tá túc được vài tháng thì người ta đòi dần các căn nhà tái định cư để giao cho dân, sau đó họ lấy lại hết. Không còn chỗ ở nên chúng tôi phải mượn tạm khoảng 50m2 sân sau của Trường Kim Đồng xây hai phòng dã chiến để thầy cô có chỗ làm việc”. Theo bà Lệ, các phòng tối thiểu của một trường như phòng giáo viên, y tế, kỹ thuật, tài vụ, ban giám hiệu... được gom chung lại một phòng, còn một phòng được bố trí để trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Do học nhờ nên mọi hoạt động của Trường Lê Lợi đều phải xin phép, báo cáo cho Trường Kim Đồng biết, học sinh cũng bị hạn chế vui chơi...

Khốn khổ cảnh cả trường đi... học nhờ, Giáo dục - du học,

Ông Mai Văn Hiệp, phó chủ tịch UBND P.An Khánh, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ), bức xúc khi công trình Trường tiểu học Lê Lợi xây dựng dở dang khiến học sinh phải học nhờ trường khác

Còn trường cho mượn điểm học cũng gặp khó khăn không kém. Ông Đoàn Minh Chi, hiệu trưởng Trường Kim Đồng, cho biết nhà trường phải tách ra một dãy gồm bảy phòng học, nhà vệ sinh cho mượn nên sĩ số một số lớp buộc phải tăng lên, các phòng bộ môn như âm nhạc, hội họa, tiếng Anh, mỹ thuật phải tinh giản. Cơ sở vật chất không được mở rộng nhưng phải tiếp nhận thêm hơn 330 học sinh của Trường Lê Lợi nên quá tải. Nhiều lớp học hai buổi nay “bóp” lại còn một buổi, ảnh hưởng đến cả các lớp bán trú. “Sang năm học mới lượng học sinh Trường Kim Đồng tăng thêm 100 em, nâng tổng số học sinh lên gần 1.300 em, nếu Trường Lê Lợi không xây dựng xong sẽ vô cùng cam go cho chúng tôi” - ông Chi nói.
Chưa biết bao giờ xây xong trường
Theo bà Mỹ Lệ, do phải mượn điểm dạy nhờ nên nhà trường cắt kế hoạch tiếp nhận khoảng 150 học sinh của P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy như những năm học trước. Các học sinh này nhà cách Trường Lê Lợi chỉ một cây cầu, nhưng nay phải đi học ở điểm mới xa nhà vài cây số. Phụ huynh Trường Lê Lợi than phiền điểm trường mới xa ảnh hưởng công ăn việc làm và đưa rước con em họ.
Ông Mai Văn Hiệp dẫn chúng tôi đến nơi xây dựng Trường Lê Lợi. Công trình cỏ dại mọc đầy, khung đà cong oằn sắp sập, thép đã gỉ sét. Ông Hiệp cho biết công trình xây dựng một trệt, hai lầu trên diện tích 1.400m2. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn đóng cọc thì phát sinh việc một số cọc đóng chỉ 23,4m so với thiết kế là 35,1m (nhà thầu đập bỏ phần trên) nên xảy ra bất đồng giữa các bên liên quan, từ đó công trình không xây dựng tiếp.
Theo ông Trần Văn Thiếu - trưởng Phòng Giáo dục - đào tạo Q.Ninh Kiều, dự án này được trúng thầu bởi liên danh giữa Công ty CP Xây dựng thiết bị giáo dục và Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Thanh Niên. Khi thực hiện dự án thì nhà thầu chính thi công công trình đã ủy quyền thi công cho bên thứ hai sai với quy định của pháp luật. Nhà thầu đóng cọc không đủ chiều sâu theo thiết kế, chủ đầu tư đã đình chỉ thi công, đề nghị nhà thầu phải hạ mác thiết kế của cọc xuống, còn nhà thầu sợ nếu hạ mác xuống sẽ không được thanh toán số tiền 2,6 tỉ đồng nên hai bên không thống nhất được việc thi công tiếp.
Trước thực tế này trong tháng 8/2012, bà Võ Thị Hồng Ánh, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán lại khả năng chịu lực của công trình theo thực tế căn cứ trên hồ sơ được duyệt, rà soát lại các quy trình liên quan; thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định lại toàn bộ công trình, nếu kết quả đảm bảo chịu lực theo quy chuẩn thì chủ đầu tư báo cáo UBND TP xem xét quyết định. Thế nhưng mọi việc đến nay vẫn nhùng nhằng chưa giải quyết xong.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét